Đừng cúi đầu vương niệm sẽ rơi
Trong thần thoại Hy Lạp có câu chuyện về chàng Narcissus. Chàng rất đẹp, đẹp đến não nề, đẹp đến đau lòng người khác. Có vô vàn cô gái yêu chàng nhưng chàng lại chẳng thích một ai, chàng cho rằng chỉ có mình mới xứng đáng với tình yêu của mình mà thôi. Ngày ngày chàng soi mặt trên hồ nước để tự chiêm ngưỡng sắc đẹp của mình. Chàng say mê chính mình đến nỗi một ngày kia nghiêng quá đà, ngã xuống hồ và chết đuối. Như chàng Narcissus thuở nào, tôi cũng suýt chết đuối vì sự ngạo mạn và kiêu hãnh về chính bản thân mình.
Chưa bao giờ tôi từng có ý nghĩ rằng mọi suy nghĩ, tư tưởng và hành vi của mình đều bị chi phối bởi cái tôi cao ngất trời xanh. Tôi tự hỏi có chuyện như vậy thật ư? Vậy nguyên nhân sâu xa làm cho tôi tự mãn như vậy là gì?Tôi ngồi cày nát google để xem người ta giải thích điều đó thế nào. Nhưng văn chương thì mỗi người mỗi ý, như Chí Phèo ấy, chỉ mỗi tô cháo hành mà người ra suy diễn ra bao nhiêu là thứ. Có người cho rằng: con gái nên kiêu một chút, để bảo toàn nguyên vẹn bản thân,để đợi chờ người con trai xứng đáng với tất cả. Cũng có người lôi nó về bệnh tâm lý rối loạn nhân cách ái kỷ, tức là xu hướng ảo tưởng qua suy nghĩ hay qua hành động, sự cần thiết được người khác ngưỡng mộ, luôn coi mình là quan trọng và độc nhất song không có khả năng thấu cảm với người khác… Cả 2 cách nghĩ trên đều không thoả mãn tôi, vì tôi không đến nỗi gieo rắc cái suy nghĩ con gái cần phải tỏ ra kiêu kỳ một chút để giữ giátrong đầu, vả lại chắc tôi cũng không thuộc 2% dân số trên thế giới mắc một trong những bệnh tâm lý có tỷ lệ người mắc bệnh thấp nhất như vậy đâu.
Mỗi người một cách nghĩ, một hoàn cảnh nên tôi tự đi tìm nguyên nhân gây nên sự kiêu ngạo cho riêng mình. Có lẽ đầu tiên là do nguồn gốc giống nòi, thật may mắn vì được sinh ra trong một gia đình có tiếng tăm, giỏi giang bao đời, điều kiện sung túc, đầy đủ nhưng cũng chính vì vậy mà tôi có suy nghĩ tự cao và hãnh diện về gia tộc mình. Như những gì khoa học đã chứng minh, tính cách của tôi bị ảnh hưởng không nhỏ bởi gien của bố, cái tôi của bố cũng khá lớn mà ít chịu thua ai bao giờ. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được mọi người khen học giỏi, ngoan ngoãn, luôn đứng thứ nhất trong lớp và đi thi học sinh giỏi, Olympic… Một phần vì sự chăm chỉ mà vốn hiểu biết và trình độ nhận thức của tôi cũng được nâng cao qua các năm, nhưng phần lớn có lẽ do hiệu ứng “Chân lý ảo tưởng”, những lời khen có cánh dành cho tôi quá nhiều khiến tôi nghĩ mình giỏi thật. Bây giờ, càng tìm hiểu, càng đào sâu, tôi mới nhận ra mình càng nhỏ bé giữa trời kiến thức bao la rộng lớn và ngoài kia có hàng nghìn con người tài giỏi khác hơn mình, hóa ra bấy lâu toàn do mình ngộ nhận mà đâm ra kiêu ngạo tự bao giờ.
Hơn nữa, là một người con trưởng, là kết tinh sức mạnh của tình yêu giữa bố mẹ nên IQ của tôi cũng khá cao, tôi cũng thường mang tính cách của những người con đầu lòng như gia trưởng, bảo thủ, suy nghĩ chín chắn nhưng khó chấp nhận sự góp ý của người khác, lại thích chỉ huy, độc tài, khó hòa nhập trong mọi môi trường. Và một nguyên nhân không hề nhỏ ảnh hưởng lên tính cách của con người, đó chính là hoàn cảnh xã hội.Không ai có thể sống mãi trong vỏ bọc che chở của bố mẹ hay gia đình. Bất kì người nào cũng phải tự đứng trên đôi chân của bản thân để bước đến con đường danh vọng của chính mình, phải tự mình lăn lộn trong xã hội mới có thể nhận được bài học cũng như kinh nghiệm quý giá có ích nên tính cách của mỗi người chịu sự chi phối rất nhiều từ những hoàn cảnh sống khác nhau. Có lẽ đã không ít lần mọi người được nghe đến mác “Sinh viên Ngoại thương chảnh”.
Thực ra, để có thể bước chân vào được cổng trường Ngoại thương, tôi cũng như bao sinh viên khác đã phải “ngủ ngày cày đêm”, “dùi mài kinh sử” lắm chứ. Ngoại thương cũng là niềm mơ ước, khao khát của nhiều người nên ít ra dù là sinh viên hay giáo viên khi giới thiệu mình học và làm việc tại Ngoại thương cũng mang trong mình một chút tự hào. Điểm đầu vào của trường thuộc top đầu Việt Nam, bản thân sinh viên đã giỏi sẵn, dù không đào tạo nhiều thì sinh viên vẫn tự vươn lên thành công trong cuộc sống được. Hơn nữa, môi trường Đại học năng động, nhiều chương trình, cuộc thi lớn đã rèn luyện cho tôi không ít kĩ năng, đang học và làm việc với những người tư duy nhạy bén và giỏi giang, bỗng nhiên khi tiếp xúc với những môi trường khác, tôi bị hẫng và sinh ra lòng kiêu ngạo, tự mãn. Như vậy, sự kiêu ngạo nói riêng và tính cách nói chung của tôi được hình thành do các yếu tố di truyền, hoàn cảnh gia đình và mối tương tác xã hội.
Bài đọc thêm: Thằng quỷ, mình chia tay nhau đi
Quả thực, Chúa đã quá yêu tôi, Ngài đã cho tôi quá nhiều. Tôi đang sở hữu rất nhiều thứ, nhiều hơn tôi tưởng. Một đôi mắt sáng để nhìn thấy cảnh vật và những người thân yêu, một vài kỹ năng cần thiết vừa giúp ích cho bản thân, cho người khác, vừa giúp tôi có cơ hội thể hiện tài năng, một gia đình chan chứa tình thương giúp tôi có điểm tựa vững chắc, một vốn kiến thức đủ để tôi mở rộng tầm nhìn ra thế giới bao la, một tấm lòng bao dung để tôi có thể gần gũi và chấp nhận được rất nhiều người và quan trọng nhất là được gặp Chúa hàng ngày… Vậy mà, tôi quên đi, không nhận ra ơn huệ của Ngài mà cứ nghĩ tự mình làm được. Từ nay, khi thành công, tôi sẽ tự nhắc mình đó là việc mà Chúa làm qua đời sống mình, tôi chỉ là khí cụ trong tay Chúa mà thôi, thay vì ngạo mạn, tôi nên biết cảm tạ và tôn vinh danh Chúa. Dù rất không muốn nhưng tôi cũng phải thừa nhận rằng mình kiêu ngạo, tôi sẽ không trốn tránh nhưng luôn ý thức để hạn chế con người của mình và học cách khiêm nhường hơn mỗi ngày. Chỉ cần 3 việc làm hạ mình, những việc tôi chưa từng nghĩ mình sẽ xắn áo, xắn quần cúi mình làmtừ trước đến nay, tôi phải học làm. Ngày trước tôi hay so sánh mình với người khác nhưng giờ tôi lại chẳng thấy ai giống mình để mà so sánh. Nếu Chúa muốn tôi như người khác, Ngài ắt hẳn đã tạo dựng tôi như họ rồi. Ngược lại, tôi sẽ cố gắng nhìn ra những nhân đức tốt đẹp nơi họ mà học tập, không lẽ nào Chúa gửi họ đến cuộc đời tôi mà không cho tôi nhận ra được một điều gì đó. Như Teresa of Lisieux đã nói: “Bây giờ em biết rằng bác ái chân thật hệ tại gánh lấy tất cả những khuyết điểm của người thân cận – không ngạc nhiên trước sự yếu đuối của họ, nhưng vui sướng về những nhân đức nhỏ nhất của họ.” Tôi đang học cách chấp nhận con người thật của mình và dâng lên Chúa sự kiêu ngạo ấy của tôi, để Ngài cất đi và hướng dẫn tôi biết khiêm nhường hơn.
Tôi tin rằng khi đến với người khác không ích kỷ mà chỉ vì tình thương, khi lo nghĩ đến người khác, tôi sẽ bớt nghĩ đến mình. Khi phục vụ người khác cách quên mình, là lúc tôi đang bày tỏ lòng khiêm nhượng. Hơn nữa, đọc hạnh các Thánh, đặc biệt là sách của các Thánh đã từng lừng lẫy một thời là những con người kiêu ngạo như Anphongso, Augustino… đã giúp tôi biết ý thức và noi gương các ngài nhiều hơn. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, tôi cũng dành thời gian xét mình và kiểm điểm lại bản thân qua một ngày sống, để cảm tạ Chúa cũng như nhìn nhận lại con người của mình. Đến với Chúa, tôi không còn cho rằng mình là con người thánh thiện nữa mà chỉ dám nhìn nhận như một người tội nhân trước mặt Ngài. Biết mình là điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu biết nhìn nhận cho cả những người khác nữa. Tôi sẽ không bĩu môi, chê bai những người bị điều khiển bởi sự kiêu ngạo giống mình hay cả những trung tâm điều khiển mọi hành vi khác nơi họ, thay vì thế, tôi luôn tập ý thức rằng: “Chúa đã chịu đựng họ, tại sao mình lại không thể?”.
Từng có nghiên cứu rằng: Một con bướm vỗ cánh ở Brazil có gây nên cơn bão ở Texas? Câu chuyện xoay quanh mấu chốt cốt lõi rằng đôi khi đại cuộc thay đổi chỉ vì một tình tiết rất nhỏ. Từ “hiệu ứng cánh bướm”, tôi muốn nói về những yếu tố rất nhỏ đã luôn tồn tại và thay đổi chính cuộc sống của chúng ta: một nụ cười, một ánh mắt, một câu chuyện… Vì vậy, tôi nghĩ, bất kỳ ai, cũng nên thật sự nghiêm túc và trân trọng mỗi điều mình nói, mỗi việc mình làm để bớt tự cao hơn. Đem lại chính những “cánh bướm” cho chính mình, hạ mình để nên Thánh mỗi ngày; đem lại chính những “cánh bướm” cho cả người khác, để nâng đỡ cảm xúc, tạo nguồn hứng khởi, thay đổi tâm trạng ai đó trong một khoảnh khắc, khoảnh khắc đến ngày, ngày đến tuần, tuần đến tháng, đôi khi thay đổi toàn bộ vận mệnh của họ. Như cách rất nhiều người, vì một lời nói, một ánh nhìn động viên để cho tôi được là tôi ngày hôm nay! Nhìn ra con đường nên Thánh của mình rồi, nếu tôi không nên Thánh, lại nếu như tôi vẫn tỏ ra kiêu căng, ngạo mạn, đến làm hỏng cả việc rỗi linh hồn thì nhận biết Chúa, nhận biết chính mình được ích lợi gì?
Lạy Chúa là Chúa của lòng con yêu mến, con cảm ơn Ngài về tất cả những gì Ngài đã ban cho con, giờ đây, con sẽ làm mọi việc hết sức lực con, phần còn lại, con xin dâng cho Chúa. Xin cho con thấy mình thật nhỏ bé để thấy Chúa thật vĩ đại. Và xin cho con chẳng là gì, để Chúa là tất cả đời con.
Bài đọc thêm: Vật lộn với chứng “thiếu thốn tình cảm”
Đừng cúi đầu, vương niệm sẽ rơi
Marie Trinh