Hôm nay, Giáo Hội cử hành Thánh lễ mừng sinh nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả – Vị Tiền Hô của Chúa Giêsu, người đàn ông duy nhất được Hội Thánh mừng lễ sinh nhật. Điều đó cho thấy Thánh Gioan Tẩy Giả có vị trí quan trọng như thế nào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và đây cũng là thời khắc khá thuận tiện, để chúng ta suy nghĩ và xác tín lại ơn gọi của mình.
Trong bài tin mừng của Thánh Luca (1,57 – 66.80), qua ơn gọi của Gioan Tẩy giả, Cha Gioan giúp chúng ta có cái nhìn chuẩn xác hơn về ơn gọi của mình. Có ba vấn đề quan trọng liên quan đến ơn gọi : Thiên Chúa là Đấng mời gọi mỗi người đi theo kế hoạch của Ngài, Thiên Chúa thanh luyện mỗi người trong hành trình tìm ơn gọi và Hội Thánh thay mặt Thiên Chúa sẽ chuẩn nhận ơn gọi của mỗi người chúng ta.
Ơn gọi khởi nguồn từ Thiên Chúa
Theo truyền thống của các ngôn sứ cũng như các Tông đồ, ơn gọi luôn khởi đi từ sáng kiến và quyết định hoàn toàn tự do của Thiên Chúa. Chúa muốn gọi ai, đó là quyền của Ngài. Không có ai có quyền bắt ép Thiên Chúa trong quyết định này. Gioan Tẩy giả cũng được Chúa thương chọn gọi từ trong lòng mẹ, để dọn đường và giới thiệu Đấng Cứu Thế cho muôn dân. Và Thánh nhân đã để cho Thiên Chúa thực hiện những gì Chúa muốn qua cuộc đời của ngài. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã gọi một lần là vĩnh viễn. Nhưng con đường Chúa dẫn người đó đi trên ngả nào, đi đến lúc nào và lúc nào cần rẽ ? Đó là quyền của Chúa. Người được gọi hãy để cho Thần Khí hướng toàn quyền hướng dẫn mình. Mẹ Têrêsa Calcutta, trước đây là một nữ tu dòng kín nhưng khi Chúa muốn Mẹ ra thiết lập dòng hoạt động, Mẹ đã can đảm để cho Thần Khí thực hiện kế hoạch của Ngài trong sự ngoan nguỳ.
Vì thế, ơn gọi là một sự bỏ ngõ cho Thiên Chúa, để Ngài được toàn quyền tự do hoạt động trong ta. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị khi viết về huyền nhiệm ơn gọi, Ngài đã không bao giờ nghĩ mình làm Giáo Mục, cũng chẳng bao giờ nghĩ mình làm Giáo Hoàng. Nhưng khi Thiên Chúa muốn thì Ngài sẵn sàng vâng phục.
Vì thế, mỗi người chúng ta, khi được Thiên Chúa mời gọi, tuyển chọn đi theo Ngài thì hãy trao phó, đặt để tất cả mọi sự cho Thiên Chúa trong ý thức, tự do và luôn luôn sẵn sàng thực thi ý định cũng như kế hoạch của Ngài.
Thiên Chúa thanh luyện ơn gọi
Hành trình đi theo Chúa, Ngài không hứa một cách dễ dãi, nhưng Chúa nói phải đi con đường thập giá, con đường hẹp, phải chấp nhận sự thanh luyện tẩy rửa của Chúa rồi mới có thể làm được công việc của Chúa. Cho nên trong hành trình đó không phải ai cũng bước đi cách suôn sẻ, dễ dàng! Chúa sẽ dùng nhiều cách thức để thanh luyện họ. Để rồi người đó được lớn lên, được trưởng thành hơn, sau những thanh luyện và họ sẽ có được những xác tín căn bản của đời mình mà đi theo Chúa.
Có những thanh luyện đến từ bản thân họ như bệnh hoạn, tật nguyền, tai nạn, ốm đau. Cũng có những thanh luyện đến từ gia đình như sự nhớ nhung lo lắng cho gia đình cách thái quá hay sự không đồng thuận của cha mẹ, anh chị em. Cũng có những thanh luyện đến từ tình cảm nam nữ, thương nhớ và thậm chí là yêu thầm nhớ trộm. Lại có những thanh luyện đến từ cộng đoàn như sự hiểu nhầm, hay sống với những người không mấy thiện cảm với mình, không được quan tâm khi ốm đau hay bị bỏ rơi…Bên cạnh đó, cũng có những thanh luyện đến từ Giáo hội và xã hội, khiến người tu cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, muốn bỏ cuộc. Có những thanh luyện đến từ Thiên Chúa và cũng có những thanh luyện đến từ Satan và những mãnh lực tăm tối.
Có một thanh luyện ảnh hưởng rất nhiều đến việc biện phân ơn gọi, đó chính là những trục trặc, những tâm bệnh nơi con người. Chúng ta biết được Chúa gọi chúng ta ngay từ trong sâu thẳm của cõi lòng, từ trong cung lòng của mẹ. Nhưng cuộc sống có nhiều chấn động, biến động làm cho chúng ta bị tổn thương, không thắng được những yếu đuối của phận người. Vì thế, đôi lúc chúng ta nghi ngờ ơn gọi của chính mình. Đây cũng là điều dễ hiểu thôi, nhất là những người vướng vào tâm bệnh. Để giải quyết được tâm bệnh thì cần phải đến thầy thuốc và phương dược chữa trị. Nếu có được người trợ giúp đúng chuyên môn, thì những tâm bệnh này sẽ sớm được chữa lành và người đó vẫn tiếp tục bước đi trong hành trình của mình
Mọi sự đều sinh ích lợi cho những người có lòng tin. Điều này hoàn toàn chính xác, nhất là đối với những ai được thánh hiến cho Thiên Chúa. Điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ là Thiên Chúa không thử thách chúng ta quá sức đâu. Nhưng Ngài cũng không muốn chúng ta dành được vòng hoa chiến thắng cách dễ dàng, mà không tốn kém công sức phải đổ ra của chính mình.
Hội thánh chuẩn nhận, minh định ơn gọi của chúng ta.
Trong cuộc đời đi theo Chúa, Chúa sẽ dùng Hội thánh của Ngài hướng dẫn mỗi người. Chúa không để cho một ai trở nên cô độc, tối tăm trong hành trình đi theo Chúa. Chúa sẽ gửi đến cho chúng ta những sứ giả, những vị hướng dẫn để trợ giúp cho chúng ta. Câu chuyện của Samuel giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự thật này. Rõ ràng là Samuel được Chúa gọi đến mấy lần, nhưng cậu không nhận ra. Cuối cùng, phải nhờ đến Êly mới nhận ra được đó là tiếng gọi của Chúa. Vì Chúa không chỉ khơi lên trong lòng người ta khát vọng dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa mà Ngài còn ban cho họ những con người để thẩm định được và việc thẩm định đó vô cùng quan trọng trong ơn gọi của mỗi người chúng ta.
Tuy nhiên, có nhiều người không chấp nhận sự hướng dẫn của Hội Thánh cứ tự loay hoay đi tìm ý riêng mình gần hết cả cuộc đời rồi mà vẫn không tìm được, thì quay trở lại oán trách Chúa, oán trách Hội Thánh tại sao con muốn đi theo ơn gọi như vậy mà không được? Có những người không chấp nhận được sự thanh luyện của Chúa và bỏ cuộc giữa chừng mà lại dám nói rằng Chúa không chọn. Lại có những người thì dứt khoát đi tìm ý mình chứ không đi tìm ý Chúa.
Dẫu rằng đã được hướng dẫn và học biết về biện phân ơn gọi. Nhưng học biết là một chuyện, còn sống theo cách hướng dẫn của Chúa trong Hội Thánh hay không đó mới là điều quan trọng. Khi con người tự cho mình cái quyền tự động tự quyết tất cả thì rất khó đi đến con đường thành danh. Bởi vì, đó không phải chắc chắn là con đường của Chúa có khi đó là con đường của riêng mình thôi.
Cầu nguyện:
Xin Thánh Gioan Tẩy Giả một lần nữa xin với Chúa cho chúng con hiểu được khởi nguồn ơn gọi đến từ Chúa, chứ không phải đến từ chúng con và Chúa muốn chúng con cộng tác với Chúa trong lời mời gọi của Chúa như Mẹ Maria, Thánh Gioan Tẩy Giả và các ngôn sứ. Chúa cũng muốn chúng con chịu trách nhiệm vào sự cộng tác với Chúa. Nhờ đó, chúng con không thụ động mà luôn tích cực làm cho ơn gọi của Chúa thật sự ngày một triển nở và phát triển trong cuộc đời chúng con. Và nhờ sống đúng ơn gọi, chúng con mới trở thành những người hạnh phúc, những chứng nhân của Chúa như Thánh Gioan Tẩy Giả mà chúng con mừng kính hôm nay. Amen!
Bài đọc thêm: Làm sao biết mình có ơn gọi dâng hiến?
Bài Giảng Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Maria Trần Thị Huệ
Truyền Thông sinh Viên Công Giáo