Hôm qua, Thiên Chúa đã tự giới thiệu cho con người, qua ông Môi sê, biết Ngài là Đấng khởi nguyên, là Đấng cùng đích, là Đấng tự hữu, là Đấng Hằng Hữu. Ngài là Thiên Chúa duy nhất, độc nhất, là Đấng tạo thành và điều khiển toàn thể vạn vật vũ trụ này. Ngài là một vị Thiên Chúa hoạt động suốt dòng lịch sử, nơi những con người cụ thể được Ngài tuyển chọn, trong những khoảng thời gian nhất định. Ngang qua những con người đó, Thiên Chúa tiếp tục thực hiện kế hoạch cứu độ con người mà Ngài đã dự định từ muôn thuở. Hôm nay, Chúa Giê-su, nhân cơ hội người Phariseu quở trách các môn đệ bứt lúa ăn trong ngày sa bát, cho chúng ta thấy một dung mạo của một vị Thiên Chúa rõ ràng hơn, kỹ càng hơn.
Hôm qua, Thánh Kinh cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa có đó, hiện hữu đó, sẵn sàng cứu giúp con người, nhưng lòng nhân từ của Ngài chưa được tỏ lộ. Còn hôm nay, Chúa Giê-su nói rõ cho chúng ta biết vị Thiên Chúa “muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế.” Thiên Chúa, Đấng mặc khải cho Mô-sê, mặc khải cho dân Chúa trong sa mạc, cũng chính là vị Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Đức Giê-su đến để nói cho con người biết rõ hơn về Ngài. Vị Thiên Chúa đó là một vị Thiên Chúa nhân từ, từ bi, nhân hậu. Một vị Thiên Chúa đã yêu con người và đã thiết lập lề luật cho con người, để nâng đỡ con người, cứu giúp con người, chứ không phải một vị Thiên Chúa tạo ra lề luật để áp đặt và trở nên gánh nặng cho con người. Vị Thiên Chúa đó tạo dựng nên vũ trụ vạn vật trong sáu ngày và ngày thứ 7 Ngài nghỉ ngơi và Ngài muốn con người cũng được nghỉ ngơi để phụng thời Ngài.
Như vậy, lề luật, mà cụ thể là ngày sa bát được thiết lập cốt để con người tìm lại được nguồn sức mạnh mới sau một tuần làm việc vất vả, để con người gác bỏ lại mọi chuyện của trần gian, để nghỉ ngơi và đến với Chúa, để Ngài hướng dẫn, ủi an, nâng đỡ, giúp cho con người biết tuần tới mình phải làm gì tiếp theo, phải sống như thế nào. Chúa thiết lập nên luật, nên ngày sa bát không phải để con người làm nô lệ cho ngày sa bát, nhưng để con người, nhờ ngày sa bát mà được nghỉ ngơi, được bồi dưỡng, được sống thân tình với Chúa, được Chúa nâng đỡ, chỉ dạy, được Chúa bồi thêm sức mạnh để có đủ hành trang mà đi tiếp. Lòng nhân từ của Thiên Chúa khi thiết lập ra luật là vậy. Nhưng người Do Thái đã chế biến cái luật đó thành gánh nặng tạo ra đủ thứ không được nọ được kia. thậm chí biến ngày sa bát trở thành Chúa chứ không phải là ngày mà Thiên Chúa tạo ra cho con người được nghỉ ngơi, được hưởng lòng xót thương của Ngài.
Thiên Chúa của Chúa Giê-su là vậy. Một Thiên Chúa chạnh thương, một Thiên Chúa nhân ái, một Thiên Chúa đã hy sinh tất cả cho con người và cho con người đến để cứu con người. Một Thiên Chúa không muốn ai phải hư mất đời đời. Một Thiên Chúa làm cho mưa rơi cũng như ánh mặt trời chiếu soi trên kẻ lành cũng như người dữ. Một Thiên Chúa chỉ muốn làm điều thiện cho con người, bất kể người ấy là ai và như thế nào. Một Thiên Chúa nhân từ, bao dung là như thế đó.
Chúa Giê-su đến trần gian là để hiện thực hóa cái lòng nhân từ của Thiên Chúa, qua việc Ngài đón nhận tất cả cái đau đớn của con người, mang lên cây thập giá để rồi Ngài hiến tế như một con chiên, lấy máu của chính Ngài để kết ước con người. Bài đọc 1 cho thấy với máu con chiên, được bôi lên khung cửa, dân Chúa được bảo vệ, còn dân Ai Cập không có máu con chiên thì bị giết chết. Còn chúng ta thì lại được chính Thiên Chúa cho Chúa Giê-su đến đổ máu của mình ra để cứu con người và kết ước với con người một giao ước vĩnh cửu. Ai đón nhận máu con chiên, đón nhận Chúa Giê-su thì người đó được sống vĩnh hằng. Những ai tin và đón nhận Chúa Giê-su qua kết ước trên thập giá đó thì con người vĩnh viễn được trở thành con cái Thiên Chúa, vĩnh viễn được hưởng hạnh phúc muốn đời.
Chúng ta thấy rằng trong tâm thức của con người thì Thần Linh luôn là đấng cao cả, vĩ đại, uy sang, nên chúng ta sợ sệt, ngại ngùng không dám đến gần. Còn Thiên Chúa của Chúa Giê-su đến để mặc khải cho chúng ta lại là một người Cha đầy lòng xót thương. Một người Cha muốn chúng ta đến gần với Ngài, sống tình con thảo với Ngài để Ngài an ủi, nâng đỡ, cứu giúp, bảo vệ, chở che, để tăng sức lực cho chúng ta để Cha chỉ cho chúng ta những con đường mới, giúp chúng ta sống thân tình với Ngài. Cha là mục tử nhân lành, là người Cha nhân ái, chăm sóc hướng dẫn chúng ta mỗi ngày. Khi chúng ta nghe được những lời nói của Chúa Giê-su “Hãy đi mà học cho biết Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế”, thì phải biết rằng Thiên Chúa cần lòng nhân từ chứ không cần lễ tế, đến với Thiên Chúa không phải vì sợ sệt, vì luật buộc, nhưng phải khởi đi từ lòng yêu mến. Thiên Chúa yêu thương chúng ta thật và Ngài muốn chúng ta cũng phải thương yêu mến Ngài thật. Đừng đến với Ngài vì lề luật, vì áp lực, vì được người ta khen, tán dương. Chúng ta phải đến với Ngài với tất cả lòng kính mến, kính trọng, yêu thương. Chỉ cần chúng ta có con tim, có tấm lòng nhân ái yêu thương dành cho Thiên Chúa, cho tha nhân đó là điều mà Thiên Chúa cần nơi chúng ta.
Giờ đây, chúng con xin Chúa Giê-su ngự xuống nơi chúng con, thanh luyện và uốn nắn con tim, lòng trí chúng con để chúng con đỡ cứng cỏi hơn, đỡ chai lì hơn. Nhờ đó chúng con biết đối xử với anh chị em của mình cách nhân từ và khoan dung hơn. Xin Chúa Giê-su Đấng đến để tỏ lộ cho chúng con biết Thiên Chúa của Do Thái giáo chính là Thiên Chúa, Đấng đã sai Chúa Giê-su đến nói cho chúng con biết Ngài là Cha giàu lòng nhân ái, chậm bất bình và giàu tình thường, để chúng con luôn luôn khao khát đến với Cha, không còn sợ hãi khi chạy đến với Cha, dám mở lòng tâm sự giãi bày với Cha tất cả. Nhờ đó Cha nhân ái của chúng con sẽ biến chúng con thành những con người nhân ái, từ bi và thật sự trở nên hiện thân của Cha chí ái.
Bài đọc thêm: Xem lại lòng tin của mình
Bài giảng cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Teresa Nguyệt
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo