Icon Collap
...
Trang chủ / Bức họa “Cảnh Hỏa Ngục” của Salvador Dali

Bức họa “Cảnh Hỏa Ngục” của Salvador Dali

Bức hoạ Cảnh hoả ngục

Bức họa “Cảnh Hỏa Ngục” của Salvador Dali.
Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.

Tạp chí Soul (Linh Hồn) số tháng 11 & 12-1997 cho biết bức họa “Cảnh Hỏa Ngục” (“Vision of Hell”) của họa sĩ Salvador Dali, hiện thuộc quyền sở hữu của Đạo Binh Xanh Hoa Kỳ, đã được đem từ New Jersey đến Trung Tâm Mục Vụ ở Fatima để trưng bày tại đây lần đầu tiên từ ngày 19/09 đến 13/10/1997, nhân kỷ niệm 80 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và 50 năm ngày thành lập Đạo Binh Xanh Hoa Kỳ.  Chị Lucia, người được xem thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917, đã viết thư bày tỏ sự vui mừng và cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho việc triển lãm bức họa này.

Được biết bức họa “Cảnh Hỏa Ngục” được Salvador Dali thực hiện với sự phê chuẩn của đức cha Dom Venancio, giám mục Fatima, do sự yêu cầu của một chủng sinh ẩn danh đã dùng tất cả số tiền để dành cả đời của anh để trang trải chi phí cho việc hoàn thành bức họa này.  Họa sĩ Salvador Dali, một trong những họa sĩ tài danh nhất của thế kỷ 20, đã vẽ bức tranh này theo sự mô tả của chị Lucia về thị kiến hỏa ngục Đức Mẹ đã cho chị xem thấy trong lần Mẹ hiện ra với chị ngày 13/07/1917.  Người ta ước tính bức họa này hiện trị giá hàng triệu mỹ kim.

Một trong những mục đích chính của việc thực hiện bức họa “Cảnh Hỏa Ngục” cũng như việc triển lãm và phổ biến bức họa quý giá này là giúp con người ngày nay nhớ đến sự hiện hữu thực sự của hỏa ngục, một trong những điều căn bản của đức tin Công giáo mà nhiều người hiện nay dường như cố tình lãng quên hay chối bỏ.

Trong bức họa này, tôi thấy một sinh vật quái dị trông gần giống con dơi, có mắt, có cánh tay với bàn tay năm ngón.  Sinh vật này đang bị tám cái xiên hai mũi từ mọi hướng đâm vào và có những giọt máu chảy ra.  Phía dưới là nền đất đỏ đang bị nứt có khói đỏ bốc lên.  Ở phía trên góc phải là hình Mẹ Maria đang ngự trong một vầng ánh sáng với áo xanh đang chắp tay dáng u buồn.  Nơi ngực Mẹ có hình một vật tròn tròn như Thánh Thể.

Tôi không thấy bài giải thích các biểu tượng của bức họa này trong tạp chí trên.  Dù vậy, bức họa “Cảnh Hỏa Ngục” trên cũng làm nảy sinh nơi tôi ít nhiều suy nghĩ.

Suy nghĩ trước hết của tôi là không có người trong hỏa ngục.  Nói thế không có nghĩa là không có ai phải sa hỏa ngục.  Nhưng tôi nghĩ tất cả những kẻ ở dưới hỏa ngục đều đã mất tính người.  Họ đã không còn là những con người “được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa,” “để yêu và được yêu” nữa, nhưng đã trở nên như ma quỷ, như quái vật, vì họ đã hủy diệt hình ảnh tốt lành thánh thiện của Chúa nơi họ bằng những tội lỗi nặng nề của chính họ.  Vì tội lỗi là gì nếu không phải là những hành vi đi ngược lại phẩm giá cao quý của con người và làm phai mờ hay lệch lạc hình ảnh Thiên Chúa nơi mình?

Con người được dựng nên giống hình ảnh của Chúa.  Một trong những khả năng lạ lùng Thiên Chúa ban cho con người đó là khả năng “tạo dựng con người luân lý” của chính mình, với những hành vi nhân linh bao gồm trí hiểu và tự do.  Ai muốn nên người, nên thánh, thì phải nỗ lực sống xứng với nhân phẩm của mình bằng đời sống hy sinh, nguyện cầu, xả kỷ, vị tha.  Nhờ vậy, hình ảnh Thiên Chúa ngày càng rạng ngời nơi họ.  Ai muốn sống buông thả, ích kỷ, hẹp hòi, thì tự đánh mất nhân phẩm và hình ảnh tốt lành của Thiên Chúa nơi mình.  Muốn phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi mình, người ta phải có lòng khiêm nhường thống hối, xin Chúa thứ tha và cố gắng cải thiện đời sống.

Tôi chợt nhớ đến bài viết “Nhìn Thấy Đức Mẹ” của giáo sư Duyên Hạc trong báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 125 tháng 12/1996.  Trong đó giáo sư viết những dòng chí lý như sau:
“Ai nhìn thấy mình u mê tội lỗi sẽ thấy xót thương những người u mê tội lỗi cùng cảnh ngộ như mình.  Ai thấy mình đau khổ tủi nhục, đã từng thiếu thốn thèm khát manh áo miếng cơm, ngóng chờ một lời nói dịu hiền, một ánh mắt bao dung của đồng loại, sẽ thấy cứu giúp lẫn nhau là nhu cầu quan trọng và khẩn cấp hàng đầu của con người trên toàn thể thế giới ngày nay.  Chỉ có xót thương và cứu giúp lẫn nhau, con người mới hội đủ được điều kiện tự hào có giá trị thiêng liêng cao quý hơn con vật, xứng danh là nhân linh ư vạn vật như người xưa đã nói.  Dân tộc Việt Nam trong sinh hoạt dân gian cũng có nhiều câu có nội dung tương tự: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, máu chảy ruột mềm, lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no, v.v…”

“Chỉ những ai có lòng xót thương và cứu giúp đồng loại mới chạy lại với Chúa với Đức Mẹ.  Không xót thương và cứu giúp lẫn nhau, con người đã tự khép kín con tim, tự thu hẹp đời sống tâm linh, tự nhắm mắt lại nên không nhìn thấy Đấng Thiêng Liêng, không nhìn thấy đồng loại và cũng không nhìn thấy cả chính mình nữa.  Người này đã tự đánh rơi mất nhân phẩm, tự nhận mặc nhiên mình không phải là người, mà là ngợm như dân gian thường nói, tuy có hình hài con người nhưng lòng lang dạ thú.  Có nhận định cho rằng hạng ngợm này còn thua không bằng loài lang thú vì chúng độc ác tàn bạo hơn lang thú khi đối xử với đồng loại, lịch sử chiến tranh và tệ nạn xã hội phi nhân bản lan tràn khắp thế giới là bằng chứng hiển nhiên…”

Theo giáo sư Duyên Hạc, con người ai cũng yếu hèn tội lỗi.  Nhưng người tốt là những người nhận biết sự u mê tội lỗi của chính mình, từ đó có sự cảm thông thương xót chia xẻ với người đồng loại, và chạy đến kêu cầu sự thương xót của Thiên Chúa.  Người xấu là những người không nhận biết sự u mê tội lỗi của mình, không sống theo phẩm giá cao cả của con người, khép kín tâm hồn trước đau khổ của tha nhân, đối xử độc ác với đồng loại, và không thèm kêu cầu sự thương xót thứ tha của Thiên Chúa.  Loại người này đã biến chất thành ngợm.

Cũng như ma quỷ vốn là thiên thần nhưng vì kiêu ngạo chống lại Thiên Chúa mà đã thành ma quỷ trầm luân đời đời, những kẻ sa hỏa ngục là những con người khi ở trần gian, thời gian để định hướng cho cuộc sống đời đời, họ đã kiêu ngạo chống lại Thiên Chúa khi khước từ sống theo giới luật yêu thương của Người, phủ nhận sự khôn ngoan của Thập giá Chúa Kitô, sống ngược lại phẩm giá cao cả của mình.  Vì vậy, họ đã trở thành ngợm và bước theo ma quỷ vào hỏa ngục.

Đến đây, tôi chợt nhớ đến lời của một linh mục giáo sư luân lý khi còn ở Chủng Viện.  Ngài kể về một cuộc họp bàn về bản chất luân lý của việc phá thai.  Một số người muốn bênh vực cho việc phá thai nên lý luận rằng thai nhi chưa hẳn là con người.  Một vị bênh vực quyền sống đã đặt ngược vấn đề cách lý thú: “Quý vị nói thai nhi chưa hẳn là người.  Thế thì tôi xin hỏi quý vị hành động phá hủy mầm sống của con người có xứng đáng với phẩm giá của con người hay không?”  Mọi hành động luân lý phải chăng đều dựa vào tiêu chuẩn duy nhất này: Hành động ấy có xứng đáng với phẩm giá con người không?

Những người trên Thiên đàng sẽ chẳng mất đi niềm vui vĩnh hằng, vì họ không bao giờ thấy người thân nào của họ phải đau khổ trong hỏa ngục cả vì chỉ có ngợm chứ không có người trong hỏa ngục.  Hơn nữa, những công dân Nước Trời sẽ có một tiêu chuẩn duy nhất để xác định liên hệ tình thân của họ.  Đó là tiêu chuẩn của chính Chúa Kitô: “Ai làm theo ý Cha ta là mẹ ta và là anh chị em ta”.  Theo đó, tất cả người thân của họ đều thuộc về Thiên quốc.  Vui biết bao!

    Nếu quái vật lẻ loi trong bức họa “Cảnh Hỏa Ngục” là linh hồn bị hư mất, thì tôi nhận ra điều này: không có sự yêu thương hiệp thông trong hỏa ngục.  Người ở hỏa ngục là người đã mất hết khả năng yêu thương vốn là căn tính của con người.  Họ chỉ biết đến mình, đóng lòng lại trước tình thương của Thiên Chúa, và khước từ liên hệ yêu thương với đồng loại.  Họ không cần Thiên Chúa cũng chẳng cần tha nhân.  Tiêu chuẩn duy nhất để phân định người lành kẻ dữ, thiên đàng và hỏa ngục, phải chăng chính ở khả năng yêu thương này.  Có lẽ đây cũng là điều đức thánh cha Gioan Phaolô II đã nói đến trong quyển Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng của ngài như sau: “Vâng, trên hết mọi sự, chính Tình Yêu đang xét xử chúng ta.  Thiên Chúa là Tình Yêu, và Ngài phán xử dựa trên Tình Yêu.”

Tôi lại nhớ đến một bài báo đọc được trong một bản tin của phong trào Cursillo thuộc một điạ phận nọ.  Trong đó tác giả viết rằng ông nằm mơ thấy “các linh hồn ở hỏa ngục xin ông cầu nguyện cho họ”.  Tôi đọc xong và tự nhủ rằng tác giả thật sai lầm và không có căn bản thần học khi viết như thế.  Nếu có linh hồn nào xin cầu nguyện cho họ, thì linh hồn ấy chắc chắn còn hy vọng được cứu rỗi và không thể ở hỏa ngục được.  Có lẽ tác giả muốn nói đến những linh hồn nơi luyện tội chăng?  Chứ những linh hồn trong hỏa ngục là những kẻ sống trong cố chấp và tuyệt vọng.  Họ đời đời thù ghét Thiên Chúa và tha nhân.  Họ đâu còn chút tin yêu hy vọng nào để cầu nguyện.  Họ đâu có chút khiêm nhường nào để nhận tội mà trông mong Chúa thứ tha.
Việc người chủng sinh nọ hy sinh tất cả tiền bạc dành dụm cả đời để trang trải cho việc thực hiện bức họa “Cảnh Hỏa Ngục” của Salvador Dali thật là một việc hy sinh cao quý vô ngần.  Ma quỷ và các thế lực tội lỗi chắc chắn sẽ rất hậm hực khi người ta nhắc nhau nhớ đến sự hiện hữu thực sự của hỏa ngục và nỗ lực hoạt động để giúp nhau khỏi sa vào chốn kinh hoàng ấy.  Với những người có tinh thần lành mạnh, việc năng nhớ đến thực tại hỏa ngục sẽ là phương thế giúp họ dễ dàng xa lánh tội lỗi, gia tăng các việc lành phúc đức và thêm lòng tin cậy kêu cầu  lòng thương xót của Thiên Chúa.

Bức hoạ Cảnh hoả ngục

Bài đọc thêm: Hoả ngục có thật không hay chỉ bịa đặt để hù doạ

Những người con cái Chúa là những người thường năng nhắc nhở cho nhau về thực tại hỏa ngục để giúp nhau thoát khỏi khổ hình vạn kiếp này.  Cảm động chừng nào mỗi khi được nghe những tâm hồn tốt lành đơn sơ đọc lời nguyện Đức Mẹ dạy ở Fatima sau mỗi chục kinh Mân côi: “Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con.  Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục.  Xin đưa các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.”

Trong cuốn sách thời danh Đường Hy Vọng với biết bao tư tưởng tích cực lạc quan làm phấn chấn tinh thần đức tin của bao người, tác giả, đức tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận, cũng không quên đề cập đến thực tại hỏa ngục và ân cần nhắc nhở độc giả, “Luxia, Yaxinta, Phanxicô đã trông thấy hỏa ngục vô cùng rùng rợn kinh khủng và không bao giờ quên được cảnh tượng ấy.  Hãy tin lời Đức Mẹ!  Đừng nhắm mắt không tin có hỏa ngục để rồi một hôm mở mắt thấy mình trong hỏa ngục” (# 683).

Chính đức thánh cha Gioan-Phaolô II cũng nhìn nhận sự cần thiết và hữu ích của sự giảng dạy về chung cánh thiên đàng hỏa ngục trong quá trình giáo dục đức tin.  Ngài viết, “…Chúng ta nhớ rằng cách đây không lâu, trong các bài giảng vào các dịp tĩnh tâm hay các tuần đại phúc, vấn đề chung sự, tức là về sự chết, về sự phán xét cũng như về thiên đàng, hỏa ngục và luyện ngục, là những đề tài suy niệm không thể thiếu, và các vị thuyết giảng có đủ nghệ thuật để trình bày vấn đề một cách sống động và hiệu năng.  Biết bao người đã hoán cải và lãnh ơn hòa giải nhờ những bài giảng và những suy niệm về cuộc sống đời sau ấy.”

Ngài còn tiếp, “Con người có tự do vì thế có trách nhiệm.  Trách nhiệm chính là nét cao cả của con người.  Con người có trách nhiệm về bản thân cũng như về xã hội trước mặt Thiên Chúa.  Tôi hiểu nỗi lo âu của ông đã diễn tả trong câu hỏi: Ong sợ rằng nếu không nhắc nhở những điều này trong khi rao giảng Tin mừng, trong các lớp giáo lý, và trên các tòa giảng, thì có nguy cơ là con người sẽ quên đi giá trị cao cả này.  Thực vậy, nếu không có các sứ điệp loại này, thì thử hỏi Giáo hội còn có khả năng khơi dạy lòng hy sinh anh dũng và cống hiến cho đời những vị thánh nhân hay không?  Không nói đến những vị đại thánh được tôn vinh trên bàn thờ, mà chỉ nói đến các vị thánh thường nhật, theo như cách diễn đạt của văn chương Kitô giáo thời sơ khai” (Trích trong cuốn Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng).

Điều này tôi cũng nghiệm thấy nơi đời sống của chính mình.  Biết bao lần trong cuộc sống, tôi đã vượt thắng những cơn cám dỗ và thử thách, chẳng phải vì tôi có tâm hồn cao thượng hay lòng mến Chúa dạt dào như những tâm hồn đặc tuyển, nhưng chỉ vì tôi sợ phạm tội trọng, sợ hình phạt hỏa ngục.  Tôi không muốn sa hỏa ngục.  Tôi sẵn sàng chịu mọi gian nan đau khổ thử thách chóng qua ở đời này, miễn là tôi khỏi sa hỏa ngục, miễn là tôi được phúc Thiên đàng.  Nhờ Chúa ban cho những suy nghĩ trong ánh sáng đức tin với tâm thức sợ tội và sợ hỏa ngục lành mạnh như vậy, tôi đã có thể vượt qua những giây phút tăm tối nhất của đời mình và tìm lại niềm vui, bình an và hy vọng trong niềm tin kính, cậy trông và mến yêu tuyệt đối nơi Thiên Chúa, Đấng vừa là Vị Thẩm Phán Chí Công lại vừa là Người Cha Đầy Lòng Thương Xót.

 Trái lại, những kẻ chối bỏ thực tại hỏa ngục hay cố tình lãng quên thực tại này là những kẻ ngu xuẩn và đã mắc phải âm mưu của quỷ dữ. Thường thì họ chối bỏ thực tại hỏa ngục cốt để trấn an lương tâm đen tối của mình và tiếp tục ở lì trong tội lỗi.  Những ngụy ngôn sứ là những kẻ tiếp tay với ma quỷ khi lên tiếng phủ nhận thực tại hỏa ngục với lý luận lố bịch là “Chúa nhân lành làm gì có hỏa ngục”.  Thiên Chúa luôn yêu thương khoan dung tha thứ, nhưng nếu người ta không có lòng khiêm nhường thống hối để nhìn nhận tội lỗi, cố tình ở lì trong tội và chống lại kế đồ yêu thương của Thiên Chúa, thì làm sao họ có thể đón nhận tình thương tha thứ đó.

Tôi được biết một linh mục từng tuyên bố với giáo dân là không có hỏa ngục.  Cách đây không lâu, linh mục ấy đã ngang nhiên bỏ nhiệm sở không thèm xin phép đấng bản quyền của mình. Tôi không ngạc nhiên về hành động bỏ ngũ của ông.  Không tin có hỏa ngục thì cần gì phải lo “cứu các linh hồn” vì ai cũng sẽ lên Thiên đàng mà! Với tôi, tin ông rời bỏ sứ vụ linh mục là một tin mừng cho dân Chúa.  Vì nếu ông cứ ở lại và giúp ma quỷ ru ngủ dân chúng với luận điệu dối trá “không có hỏa ngục”, ông sẽ còn giết hại bao linh hồn khác.  Xin Chúa giúp ông có ngày nhận ra sự lầm lạc của mình và đủ khiêm nhường để trở về với Chúa và Hội thánh.

    Ước gì qua việc chiêm ngắm bức họa “Cảnh Hỏa Ngục” của Salvador Dali và năng suy niệm về thực tại hỏa ngục, các tín hữu Chúa Kitô sẽ dễ dàng khước từ mọi đam mê tội lỗi, cố gắng sống xứng đáng với phẩm giá là người và là con Chúa của mình, nỗ lực gia tăng khả năng yêu thương tha nhân, thêm lòng sùng kính Mẹ Maria, luôn tin cậy van nài lòng thương xót của Chúa để khỏi sa vào chốn bất hạnh ấy.

    “…án phạt trầm luân được dành cho những ai ngoan cố chối bỏ Thiên Chúa.  Chúng phải xa cách Thiên Chúa, đoạn tuyệt với sự hiệp thông của Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.  Như thế, không phải Thiên Chúa đã chối bỏ con người, nhưng chính con người đã chối từ Thiên Chúa.”

“An phạt trầm luân đời đời đã được Phúc âm khẳng định rõ ràng.  Và điều đó ứng nghiệm như thế nào ở bên kia thế giới, thì đó là một mầu nhiệm sâu thẳm.  Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng Thiên Chúa luôn ước muốn cho mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý (1Tim 2:4)” (Lời đức thánh cha Gioan-Phaolô II trong cuốn Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng, bản dịch của Nguyễn Thanh Lượng và Trần Văn Trí).

(Jan 05, 1998)

 PS: “Tình huynh đệ đích thực, tình mu mủ thắm thiết, tình yu thương chân thành cốt ở điều này là thơng truyền cho nhau những kho báu thiêng liêng” (Thánh Gioan Kim Khẩu). Bài viết này đ được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong số tháng 2 năm 1998; sau đó được in trong tập sách “Bông Hồng Chúa Gửi”. Nay xin gửi đến chia sẻ với quý độc giả Thanhlinh.net. HP (June 16th, 2021).

Bài đọc thêm: Sứ điệp từ hoả ngục 

Nguồn: Thanhlinh.net

Bình luận