Icon Collap
...
Trang chủ / Mầu nhiệm đau khổ

Mầu nhiệm đau khổ

Lễ Đức Mẹ Sầu bi, được cử hành ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá, nhắc cho chúng ta nhớ đến mầu nhiệm đau khổ mà mỗi người chúng ta phải đối diện, cũng như cách thức để đón nhận và hoá giải được nó mà Đức Maria, Mẹ của chúng ta đã thực hiện.
Mầu nhiệm đau khổ

Thập giá – mầu nhiệm đau khổ

Chúng ta biết rằng thập giá là một trong những dụng cụ của nhà cầm quyền La mã, được dùng để hành hình những tội nhân, phạm nhân nguy hiểm. Như vậy, đối với những tội nhân, phạm nhân, thì thập giá trở thành nỗi kinh hoàng của họ. Nơi đây, bao nhiêu đau khổ, sự dữ, sự ác đang chờ đợi họ và sẵn sàng giết chết họ. Đức Giê-su, trước khi thọ nạn, đối diện với mầu nhiệm thập giá đã run sợ đến nỗi mồ hôi máu thoát ra ròng ròng, và đã phải thưa lên với Cha của Người rằng: Lạy Cha, nếu có thể, xin Cha cất khỏi con chén đắng này. Nhưng một theo ý Cha, đừng theo ý con. Nhìn lại hành trình thập giá Đức Giê-su, chúng ta mới hiểu được phần nào nỗi sợ của Người, trong vườn Cây dầu là chính đáng. Kế từ lúc bị bắt cho đến lúc được an táng trong mộ, Đức Giê-su đã phải trải qua biết bao nhiêu đau khổ, cả về thể lý, tâm lý và tâm linh. Thân xác của Đức Giê-su bị người ta bắt, trói, đánh, đập, đá, đạp, xô, đẩy, đấm, tát, vả, quất, bịt mắt, khạc nhổ nước bọt, lột trần thân xác, đóng đinh chân tay, treo lên cây thập giá và bị ngọn giáo đâm thủng nương long. Đức Giê-su bị hành hạ một cách thô bạo, dã man, đến nỗi toàn thân bị bầm dập, nát tan, chẳng còn nơi nào trong thân thể còn nguyên vẹn, mặt mày bị biến dạng, trông chẳng còn nên hình tượng của con người nữa. Cùng với những cực hình đó, Đức Giê-su còn phải hứng chịu những lời mắng nhiếc, chửi bới, lăng mạ, khinh dể, mỉa mai, nhạo báng, sỉ nhục, lộng ngôn, phạm thượng của những kẻ làm hại Người. Tất cả những gì làm nên phẩm giá, danh dự của một con người, đã bị người ta lột sạch, tước đoạt hết, có khi còn hơn cả con vật. Đức Giê-su đã đi cho đến mút cùng của đau khổ, đó chính là cái chết nhục hình, bi thương trên thập giá. Người chết treo ở giữa hai tên cướp khét tiếng. Người chết trần trụi không một mảnh vải che thân nơi mình. Người chết giữa sự nhạo cười đắc thắng của kẻ thù. Người chết trong sự cô đơn và cảm thấy mọi người đều ruồng bỏ mình, ngay cả Chúa Cha cũng vậy. Người chết trong một thân hình nát tan, với mũi đòng xuyên thấu tâm can. Người chết trong tủi hờn, không được tẩn liệm và mai táng như một con người bình thường.

Đức Maria với thập giá

Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ, đứng dưới chân thập giá có Đức Maria, thân mẫu của Người và xác Đức Giê-su đã được Đức Maria ẵm trong tay, trước khi an táng trong mộ phần. Trong chặng đường Thánh giá, nơi thứ tư, Đức Maria gặp Đức Giê-su vác thập giá. Nhưng theo cách trình bày của Gioan Tông đồ, thì Đức Maria đã có mặt, âm thầm bước theo con của mình, ngay lúc khởi đầu sứ vụ từ tiệc cưới Cana cho đến lúc kết thúc tại đỉnh đồi Can-vê. Nói cụ thể hơn là Đức Maria không chỉ dõi mắt theo Đức Giê-su mà cùng bước đi với con của Mẹ trong suốt hành trình sứ vụ và nhất là trong cuộc tử nạn thương khó của Đức Giê-su. Mẹ đã nhìn thấy, đã chứng kiến, đã cảm thấu những nỗi đau cùng cực của người con mà Mẹ đã cưu mang và sinh hạ. Có thể nói từng nỗi đau của Đức Giê-su đã xâm chiếm vào trong trái tim của Mẹ. Đức Maria đang đau từng nỗi đau của Đức Giê-su. Lòng Mẹ đau mà không thốt nên lời. Điều này cho thấy Mẹ đã hiệp thông với Đức Giê-su không chỉ trong từng nỗi đau mà cả trong cách thế đón nhận những nỗi đau đó. Lẽ ra Mẹ có thể la hét, kêu than, khóc lóc, xông vào đám quân dữ. Mẹ sẵn sàng chịu chung số phận với Đức Giê-su. Mẹ cũng có thể ngất xỉu trước những cực hình con Mẹ phải chịu. Nhưng Mẹ không làm như vậy, dù Mẹ có khả năng làm được những điều đó. Mẹ vẫn từng bước bước đi theo con của mình. Dưới chân thập giá, đỉnh điểm của khổ đau, Mẹ vẫn có đó. Mẹ đứng vững, không gục ngã, không thất vọng, không lùi bước. Không biết Đức Giê-su có nói cho Mẹ biết hết những gì sắp xảy đến với mình như đã báo cho các môn đệ của Ngài không? Nhưng những gì mà Đức Maria đón nhận trong cuộc thương khó này giống như kiểu Đức Giê-su đã báo trước và bàn hết với Mẹ rồi vậy. Dù Đức Giê-su có báo trước hay không báo trước cho Mẹ, về những gì sắp xảy đến cho Người trong cuộc thương khó, nhưng những gì Mẹ đã thể hiện, cho thấy Mẹ đã hiệp thông một cách sâu xa và trọn vẹn với những đau khổ của Đức Giê-su. Mẹ đã chủ động đón nhận những gì xảy đến trong niềm tin tưởng và tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài trên cuộc đời của Mẹ. Mẹ đã trở nên chứng nhân, trở nên môn đệ, trở nên mẫu gương tuyệt vời trong việc đón nhận và hoá giải đau khổ, của Đức Giê-su.

Cầu nguyện

Mừng lễ Đức Mẹ Sầu bi là mừng chiến thắng của Mẹ trước những đau khổ xảy đến với Mẹ trong chính cuộc Tử Nạn và Thương khó của Đức Giê-su Ki-tô. Chúng con chúc mừng và tôn dương Mẹ. Xin Mẹ khẩn cầu cho chúng con trước Nhan thánh Thiên Chúa, để chúng con cũng có được lòng tin và niềm tín thác vào Thiên Chúa, khi chúng con phải đối diện với những đau khổ xảy đến. Amen.
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo
Bình luận