Icon Collap
...
Trang chủ / Ý Chúa hay ý người !

Ý Chúa hay ý người !

Trong hành trình dương thế, có quá nhiều người, nhất là những ai đang rơi vào tình cảnh bi đát, đen tối, khó khăn, đau khổ, tuyệt vọng, trong đời sống gia đình hay đời sống tu trì, cũng thường phân vân lưỡng lự trong những quyết định chọn lựa của mình : đâu là ý Chúa và đâu là ý mình ? Thậm chí có một số người còn than thở : sao con cứ cầu nguyện, cứ chờ đợi hoài mà Chúa vẫn cứ im lặng, không trả lời con ! Vấn đề đặt ra là có thật sự Chúa im lặng, Chúa không lên tiếng hay Chúa nói hoài, nói mãi mà người ta không nghe, không hiểu; và có khi là cố tình không chịu hiểu mà lại trách Chúa sao im lặng ! Lời Chúa trong Chúa nhật 27 thường niên, một lần nữa cho thấy không phải thánh ý của Thiên Chúa mơ hồ, không rõ ràng, mà là do con người muốn thay đổi thánh ý Chúa bằng ý của mình. Hay nói rõ hơn là cuộc đối đầu giữa thánh ý của Thiên Chúa và ý riêng của con người đang diễn ra quyết liệt.

Ý Chúa hay ý người

Thánh ý của Thiên Chúa

Qua vấn nạn mà những người biệt phái cố ý đặt ra cho Đức Giê-su : “Người ta có được phép li dị vợ mình chăng ?” Đức Giê-su nhắc cho họ nhớ rằng ngay từ lúc khởi đầu của công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã tạo dựng nên người nam và người nữ để họ được nên một với nhau, làm nên một gia đình có vợ, có chồng và có con cái. Đức Giê-su cũng giải thích cho những người này hiểu sở dĩ có chứng thư li dị của ông Môi sê cũng chỉ do lòng chai, dạ đá của con người mà ông phải chịu vậy. Nhưng Thiên Chúa thì không như vậy. Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly. Như vậy, thánh ý của Thiên Chúa quá rõ ràng. Hôn nhân là một định chế do Thiên Chúa thiết lập mang tính vĩnh viễn chứ không phải tạm thời. Thiên Chúa muốn người vợ và người chồng nên một với nhau, nghĩa là cả hai thuộc về nhau chứ không phải để sở hữu của nhau. Cả vợ lẫn chồng đều bình đẳng với nhau chứ không có chuyện người này cao hơn, có giá trị hơn, có quyền bính hơn người kia. Rồi đến việc Đức Giê-su chúc lành cho các trẻ nhỏ và nói :”Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng”. Với việc làm và lời khẳng định này, Đức Giê-su cho chúng ta thấy rõ trong kế hoạch của Thiên Chúa, ngay cả các trẻ nhỏ cũng có những giá trị, phẩm vị cao cả. Thậm chí, các trẻ nhỏ còn trở thành mẫu gương cho những ai muốn vào Nước Trời. Đúng là thánh ý của Thiên Chúa rõ ràng minh bạch như ban ngày. Thánh ý đó là con người phải tôn trọng nhau, bất kể họ là ai. Không có chuyện phân biệt đối xử bất công hay loại trừ người khác. Chồng hay vợ, người nam hay nữ, người lớn hay trẻ nhỏ đều là hình ảnh, là họa ảnh của Thiên Chúa. Không ai có quyền kể người này hay người kia như một món hàng, một đồ vật, đồ chơi, muốn làm gì thì làm. Hôn nhân được chính Thiên Chúa thiết lập, bất khả phân ly, không ai có quyền tháo gỡ và thay thế hôn ước vĩnh cửu này bằng một hôn nhân khác.

Bài đọc thêm: Vấn nạn hay huyền nhiệm

 Ý muốn của con người

Dẫu biết rằng thánh ý của Thiên Chúa khá rõ ràng và tường minh nhưng con người đâu dễ dàng đón nhận. Lịch sử cứu độ cho chúng ta thấy rõ không biết bao nhiêu lần con người đã phản bội, bất trung với Chúa. Thiên Chúa đã phải ký lần lượt giao ước này đến giao ước khác. Chỉ cần gặp chút khó khăn là đám dân này lập tức kêu ca, phàn nàn, oán trách, nổi loạn chống đối Thiên Chúa hết lần này đến lần khác. Nhiều lần họ còn chọc giận Thiên Chúa bằng những hành vi, lời nói ngỗ ngược, phạm thượng, thờ ngẫu tượng, mê tín theo dân ngoại. Đối với hôn nhân cũng vậy. Những người này thừa hiểu thánh ý của Thiên Chúa về hôn nhân. Nhưng họ không muốn tuân theo. Họ tìm mọi cách để vứt bỏ giới luật, giới răn của Thiên Chúa, để thay vào đó bằng những tập tục do chính những người này tạo ra mà họ đặt cho cái tên gọi là truyền thống của tiền nhân. Đức Giê-su đã từng quở trách họ về điều này. Những người này muốn tự cho mình cái quyền muốn bỏ bạn đời của mình khi họ chán, không thích nữa. Chính họ đã tạo nên văn hóa trọng nam khinh nữ trong xã hội Do Thái thời bấy giờ để thay thế huấn lệnh thánh chỉ của Thiên Chúa. Với những trẻ nhỏ cũng không được họ tính đến như một con người. Cả phụ nữ lẫn trẻ em đều bị những người này xem như những món hàng, thích thì dùng, không thích thì bỏ. Cái nguy hiểm của họ là vẫn nhận mình là dân của Thiên Chúa. Nhưng trong cuộc sống thì họ lại sống như không có Thiên Chúa mà chỉ có một mình họ. Tuy nhiên, trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ vẫn có những người trung thành với huấn lệnh thánh chỉ của Thiên Chúa. Dù gặp khó khăn thử thách, dù bị chống đối, những người này vẫn trung thành với nnhững gì Thiên Chúa đã dạy. Thánh kinh vẫn gọi những người này là số sót của Israel. Nhưng đó vẫn là câu chuyện, là vấn nạn của những người cùng thời với Đức Giê-su.

Còn đối với chúng ta, những người thời nay thì sao ? Chúng ta có khá hơn hay còn tệ hơn những người xưa ? Nhìn vào những quốc gia cho phép li dị, dù là những quốc gia có tỉ lệ những người theo đạo Công giáo khá lớn, chúng ta vẫn thấy người ta cố tìm ra ngàn lí do để li dị, để thực hiện ý muốn của mình mà coi thường định chế bất khả phân ly của Thiên Chúa. Trước đây, tìm một cặp vợ chồng Công giáo li dị vô cùng hiếm. Nhưng ngày nay thì không hiếm nữa. Bao nhiêu trẻ em bị bỏ rơi, bị lạm dụng, bị khai thác, bóc lột, bị chà đạp. Con người vẫn muốn thay trời hành đạo. Vẫn tìm cách loại bỏ ý Thiên Chúa để thực hiện ý mình.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, chúng con tạ ơn Cha vì đã thiết lập nên định chế hôn nhân gia đình để chúng con được thông dự vào trong mầu nhiệm sáng tạo và cai quản vũ trụ này. Nhờ định chế quan trọng của Cha mà nhân loại mới được cầm giữ cho đến bây giờ và xét về một phương diện nào đó, thì Giáo hội mới thật sự trở nên linh hồn của nhân loại. Dù là thời xưa cũng như thời nay, vẫn có những người tìm cách loại bỏ thánh ý của Thiên Chúa. Nhưng chúng con tin rằng chỉ có những ai tuân theo giới luật của Thiên Chúa thì gia đình họ, bản thân họ mới có được bình an và hạnh phúc đích thực mà thôi. Xin Cha ban thêm sức mạnh lòng tin cho chúng con để chúng con luôn biết tìm kiếm mà thi hành thánh ý của Cha trong từng ngày sống của chúng con. Amen.

Bài đọc thêm: Não trạng bất khoan dung

Lm. Gioan Lưu Quỳnh, CSsR

Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo

 

Bình luận