Một trong những lệnh truyền quan trọng nhất của Chúa Giê su dành cho chúng ta, những môn đệ của Ngài, trước khi về trời :” Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Vâng lời Đức Giê-su, hàng lớp lớp người môn đệ đã lần lượt nối đuôi nhau sẵn sàng lên đường, vượt muôn vàn khó khăn, thử thách, chấp nhận hy sinh cả tính mạng của mình để thực hiện lệnh truyền cao cả này. Nhờ đó mà Tin Mừng Nước Thiên Chúa mới được lan rộng và Giáo hội mới có được như hôm nay. Tuy nhiên, theo thống kê năm 2015, những người tin Chúa Giê su là Đấng Ki-tô mới chỉ dừng lại ở hơn 2,3 tỷ người, chiếm hơn 31% dân số trên toàn thế giới, dù Ki-tô giáo vẫn là một tôn giáo lớn nhất thế giới. Vì thế, lệnh truyền của Đức Giê-su vẫn còn rất thời sự, vẫn cấp bách, vẫn thôi thúc chúng ta lên đường loan báo Tin Mừng cho nhân loại hôm nay. Vấn đề là chúng ta có vâng nghe lời của Đức Giê-su không ? Nếu chúng ta biết vâng nghe lời của Đức Giê-su thì phải loan báo Tin Mừng đó như thế nào, nhất là trong bối cảnh xã hội hôm nay?
Hãy đi khắp nơi – hãy lên đường
Để thực thi được lệnh truyền này, điều đầu tiên là lên đường, là đi chứ không đứng yên, là ra khỏi vị trí cũ để tiến tới vị trí mới. Đi có nghĩa là hành động. Đứng im mới là bất động. Như vậy, để có thể thực hiện được lệnh truyền này thì dứt khoát phải có hành động. Phải ra khỏi tâm thức suy nghĩ giữ đạo chưa xong còn biết gì mà truyền đạo. Ra khỏi sự an toàn, ảo tưởng về lối sống đạo lâu nay của mình như vậy là đủ, là tốt rồi. Ra khỏi thái độ thờ ơ, vô cảm vô tâm với lệnh truyền của Chúa. Ra khỏi vỏ sò của sự ích kỷ cố hữu lâu nay, để chấp nhận một cuộc phiêu lưu mới đến với người khác như Đức Giê-su đã sống và dạy rằng ” con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không chỗ tựa đầu”. Nhưng để ra khỏi một não trạng, một tâm thức, một thái độ, một lối sống đã trở thành quen thuộc an toàn lâu nay không phải là chuyện dễ dàng, cần phải có một quyết tâm mạnh mẽ với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần mới khởi sự được. Bởi thế, chúng ta hãy tha thiết cầu xin Thần Khí Chúa ngự xuống trên chúng ta để Ngài tấn phong và sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân nước. Có nhận được sự sai đi và ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần chúng ta mới ra đi lên đường loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Bài đọc thêm: Chủng sinh Nigeria bị sát hại vì không ngừng loan báo Tin Mừng cho kẻ bắt cóc
Loan báo Tin Mừng cho thọ tạo
Ra khỏi mình để đến với tha nhân, đến với những loài thọ tạo khác là điểm khởi đầu của sứ vụ, mà Đức Giê-su đã truyền cho mỗi chúng ta. Bước tiếp theo là loan báo Tin Mừng cho muôn loài thọ tạo mới là quan trọng. Vậy Tin Mừng đó là Tin Mừng nào ? Và phải loan báo bằng những cách thức nào ? Dĩ nhiên Tin Mừng đó chính là Thiên Chúa yêu thương và đã sai Con của Người là Đức Giê-su đến hy sinh mạng sống của mình, để cứu chúng ta khỏi sự chết đời đời và dẫn chúng ta vào trong Nước của Thiên Chúa để sống hạnh phúc. Bất cứ ai tin nghĩa là đón nhận Đức Giê-su là Chúa của mình và sống theo những giáo huấn của Ngài truyền lại thì sẽ được trở thành con của Thiên Chúa và được chung hưởng hạnh phúc muôn đời trong Nước Trời. Đó là nội dung Tin Mừng Nước Thiên Chúa mà mỗi chúng ta phải loan báo. Nhưng loan báo dưới hình thức nào cho phù hợp mới là quan trọng. Các Tông đồ và các tín hữu tiên khởi thì loan báo theo cách kể lại những gì mà mình đã thấy, đã nghe, đã đón nhận được từ Chúa Giê-su, từ các Tông đồ cho những người khác. Những người này không chỉ có kể lại mà còn sống những gì Chúa Giê-su đã dạy họ như yêu thương nhau, tha thứ cho nhau, đồng tâm nhất trí với nhau trong mọi công việc, chuyên chăm cầu nguyện, làm việc thiện và loan báo, giới thiệu cho những người khác biết và đón nhận Đức Giê-su làm Chúa và sống theo giáo huấn của Ngài. Đặc biệt hơn nữa là những tín hữu tiên khởi đã sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình để làm chứng cho người khác về những gì mình đã thấy, đã nghe, đã đón nhận, đã tin. Nhờ đó mà từ một nhóm nhỏ các tín hữu ban đầu, chẳng bao lâu đã lan rộng và phát triển thành một Giáo hội rộng lớn khắp nơi, bất chấp mọi thủ đoạn bắt bớ, giam cầm, tù tội, cực hình của những người cầm quyền trị nước trong các quốc gia cũng như các tôn giáo khác. Dù bị bắt bớ, hành hạ, giết chết, nhưng các tín hữu này vẫn vui vẻ tuyên xưng đức tin, nói lời tha thứ cho những người làm khổ mình. Như vậy, Tin Mừng Nước Thiên Chúa đã được các tín hữu tiên khởi và những thế hệ tiếp theo rao giảng bằng những lời nói, việc làm, lời cầu nguyện, cuộc sống tốt lành thánh thiện, đầy lòng yêu thương, sự hy sinh xả kỷ quên mình vì người khác, nhất là những người nghèo khổ, túng thiếu, bệnh hoạn tật nguyền khắp mọi nơi, mọi lúc.
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Cha đã sai Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Dấu yêu của Cha đến trần gian loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho chúng con. Chúng con cũng xin hết lòng tri ân Chúa Giê-su, không chỉ đã yêu thương, hy sinh mạng sống mình để cứu chúng con mà còn cho chúng con được cộng tác vào trong sứ mạng của chính Chúa là loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Chúng con xin Cha và Giê-su, Con Yêu Dấu của Cha, tiếp tục tuôn đổ Thánh Thần xuống trên toàn Hội thánh, xức dầu tấn phong và sai chúng con ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân nước, như các Tông đồ và tín hữu thời ban đầu. Để nhờ đó, Tin Mừng Nước Thiên Chúa không bị chúng con cầm tù mà được chúng con thực hiện các nghiêm túc trong đời sống hàng ngày của chúng con. Amen.
Bài đọc thêm: ĐTC: Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của việc loan báo Tin Mừng
Lm Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo