Icon Collap
...
Trang chủ / Điều răn quan trọng nhất

Điều răn quan trọng nhất

Đối với người Do Thái, việc tuân giữ lề luật của Thiên Chúa vốn dĩ vô cùng quan trọng. Cũng vì quá chú trọng đến việc tuân giữ các lề luật nên người ta đã chi tiết hoá, cụ thể hóa những điều luật đến mức đã tạo nên một rừng luật, khiến nhiều người khó có thể phân biệt được giới luật nào quan trọng nhất để mà tuân giữ cho đúng. Vụ việc một Kinh sư đến hỏi Đức Giê-su về điều răn nào đứng đầu có thể là một phép thử mà những đối thủ muốn dành cho Thầy Giê-su và cũng có thể là một khát vọng chính đáng của vị Kinh sư này. Nhưng vượt trên tất cả, dù là phép thử hay khát vọng chân thật, Đức Giê-su đã nói rõ rằng : “Điều răn đứng đầu là : nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. Vậy tại sao giới răn này lại quan trọng nhất ? Phải chăng vì mọi giới răn khác đều quy hướng hay để cụ thể hoá giới răn hàng đầu này hay còn có lý do nào khác nữa không ? Dĩ nhiên là có. Chúng ta cùng cầu nguyện, suy gẫm để hiểu rõ hơn về lý do khiến giới luật này vươn tới vị trí hàng đầu trong cả rừng luật này.  

Điều răn quan trọng nhất 

Đối tượng yêu cụ thể rõ ràng 

Quả thật, giới răn này nhắc cho chúng ta nhớ rằng trong thế giới vũ trụ vạn vật bao la này có hai đối tượng được xếp ưu tiên hàng đầu mà mọi con dân Israel phải đem lòng yêu mến đó là Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa ở đây là Thiên Chúa, Đức Chúa của Israel chứ không phải là những vị thần linh của các dân tộc khác. Chúng ta biết rằng mỗi dân tộc thường có niềm tin vào vị thần linh của riêng họ. Trong văn hóa của vùng Trung Cận Đông, niềm tin vào độc thần rất ít mà chủ yếu là đa thần. Vì thế, Thiên Chúa đã yêu cầu Israel phải yêu mến vị Thiên Chúa duy nhất của họ, đã tự tỏ lộ cho họ, đã thương chọn họ làm dân riêng, kết ước với họ, chọn họ làm gia nghiệp của mình. Ngoài Ngài ra Israel không được có, được yêu bất cứ một thần linh nào khác. Riêng đối với yêu mến con người thì đối tượng cũng khá rõ ràng cụ thể chứ không mông lung, chung chung. Người mà dân Israel phải yêu mến là những con người thân cận với mình, người mà mình có thể chạm đến gần nhất, nhanh nhất. Họ không phải là những người mẫu trong tranh, cũng không phải những người ở xa mãi bên kia lục địa, biên giới, đại dương mà mình không thể nhìn thấy được. Trái lại người thân cận lại là những người ở gần mình nhất chẳng hạn như người vợ, người chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, họ hàng, những đồng nghiệp, láng giềng, sống chung với nhau trong một phòng trọ, đi chung cùng ngõ, học chung cùng lớp, đi chung cùng chuyến xe, tàu hay máy bay, ngồi chung ở nghế chờ, làm chung một công việc, dạo chung trong một công viên… nói tóm lại, người thân cận là người gần ta nhất, người mà bất cứ lúc nào ta cũng có thể gặp. Như vậy không ai trong chúng ta là không có người thân cận.

Bài đọc thêm: Ai là người thân cận ?

Mức độ, phạm vi yêu cũng khá rõ

Bên cạnh đối tượng yêu được tỏ lộ cách rõ ràng, cụ thể, còn có một điểm khác, khiến cho giới răn này vươn tới đỉnh điểm của nó chính là mức độ yêu. Người ta vẫn thường nói tình yêu không thể đo lường được. Nhưng với Thiên Chúa thì lại không như vậy. Thiên Chúa đòi buộc dân Israel phải yêu mến Ngài với trọn vẹn cả con người của họ từ trái tim cho đến linh hồn, đến trí khôn và cả sức lực nữa. Thiên Chúa không chấp nhận người ta yêu mến Ngài chỉ bằng môi miệng bên ngoài, cũng không được yêu mến ngài bằng một bộ phận nào đó trên con người như con tim hay trí óc mà phải yêu mến Thiên Chúa hết trọn con người thật của mình. Nói chính xác hơn là dân Israel phải yêu Thiên Chúa hết toàn tập chứ không được yêu từng mảnh phần. Đồng thời, Thiên Chúa còn yêu cầu dân của Ngài phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Chữ hết ở đây nói cho chúng ta là phải yêu mến Thiên Chúa thật trọn vẹn, không được yêu nửa vời. Đúng là một tình yêu tuyệt đối. Riêng đối với người thân cận thì Thiên Chúa đòi buộc phải yêu mến họ như chính mình. Nhưng yêu như chính mình là sao ? Yêu như chính mình là những điều gì tốt mà con muốn kẻ khác làm cho mình thì chính con phải làm những điều ấy cho kẻ khác trước. Nhưng để cho người khác dễ hiểu hơn, Đức Giê-su đã dùng dụ ngôn về người Samaritano nhân hậu. Những gì mà người Samaritano đã làm cho người bị cướp đánh dở sống dở chết nằm la lết bên vệ đường, thì bất cứ người dân Israel cũng phải làm như thế cho người thân cận của mình. Đó chính là yêu mến người thân cận. Có thể nói chính sự đòi buộc về lòng yêu mến cách cụ thể, rõ ràng cả về đối tượng đến cả mức độ, phạm vi của lòng mến đã làm cho giới răn này vươn tới vị trí thủ lĩnh. Đấy là chưa kể đến sự sắp xếp thứ bậc của những đối tượng phải yêu mến. Càng suy gẫm về giới răn này càng chạm đến tinh hoa cốt tủy của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài muốn con dân của mình cũng phải vươn tới tình yêu của Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã tóm kết mọi lề luật và các Ngôn sứ vào trong giới răn độc đáo ngắn gọn và súc tích này. Nhưng làm sao chúng con có thể sống được giới răn này nếu Chúa không ban ơn trợ giúp và chỉ bảo cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết vâng nghe lời của Chúa mà cố gắng thực hiện mỗi ngày, mới mong có thể vươn tới đức mến mà Chúa mời gọi chúng con. Chúng con chân thành cảm ơn Chúa. Amen.

Bài đọc thêm: Có một tình yêu như thế !

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo

 

 

Bình luận