Icon Collap
...
Trang chủ / Chứng nhân đức tin oai hùng

Chứng nhân đức tin oai hùng

Hôm nay chúng ta hân hoan mừng kính trọng thể Đại lễ Các Thánh tử đạo Việt Nam là những chứng nhân đức tin oai hùng và cũng là những Tiền nhân rất khả ái của đất nước chúng ta. Đồng thời cũng là cơ hội Thiên Chúa muốn chúng ta duyệt xét lại đức tin của mình, nhất là trong bối cảnh dịch covid đang lan tràn và gây nên nhiều tang tóc khắp nơi.

Các Thánh Tử Đạo - chứng nhân đức tin oai hùng

Một cuộc bách hại tàn khốc  

Chúng ta biết rằng Đạo Công giáo được truyền vào Việt Nam vào năm 1533, thế kỷ 16. Vậy mà bắt đầu năm 1580 đã có sự bách hại đạo. Cuộc bách hại này kéo dài gần ba thế kỷ (1580 – 1888). Trong cuộc bách hại dai dẳng này đã có hơn 400.000 tín hữu đã phải phát lưu hay lưu đày, phân sáp, nghĩa là họ được đưa tới để sống giữa những làng của người lương dân. Riêng số những tín hữu bị giết chết vì đạo trên 130.000 người mà mới chỉ được Giáo hội tôn phong hiển thánh có 117 vị, vào ngày 19/06/1988, do Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. Không tính đến bao ngàn tín hữu đã chết ở trong rừng sâu, nước độc, hầm trú vì phải chạy trốn sự truy sát của quan quyền. Trong số 117 vị có 08 Giám Mục, 50 linh mục và 59 giáo dân. Trong số 59 giáo dân tử đạo được tôn phong hiển thánh có người mẹ can đảm của sáu người con là bà Agnes Lê Thị Thành. Cuộc bách hại đạo Công giáo kéo dài như vậy khiến cho đời sống của các tín hữu gặp nhiều khó khăn, tâm trí cảm thấy bất an, phập phồng, hoang mang lo sợ. Nhìn lại lịch sử, chúng ta không khỏi bàng hoàng khi tìm về những nguyên nhân, khiến người ta bách hại đạo. Một số người cho rằng do sự đối lập giữa nhân sinh quan và vũ trụ quan giữa Đông phương và Tây phương tạo ra. Số khác lại cho rằng do sự ghen tuông và não trạng duy ngã độc tôn, quá sùng bái Nho giáo của những quan chức trong triều tạo nên. Số khác nữa lại cho rằng do sự cấm đoán về việc tôn thờ ông bà, tổ tiên. Dĩ nhiên những xung đột về nhận thức, văn hóa là điều không thể không tránh khỏi. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến cuộc bách hại tàn khốc và đẫm máu này vẫn là những đòi buộc đời sống luân lý nghiêm túc, một vợ một chồng, thủy chung và bất khả phân ly của Đạo Công giáo, đi ngược lại chế độ đa thê, thiệp của xã hội phong kiến. Nhưng sâu xa hơn cả vẫn là cuộc chiến giữa Thiên Chúa và Ác thần, quỷ dữ.

Bài đọc thêm: Đấu tranh với sự tự đại            

Chứng nhân đức tin uy dũng   

Các thánh tử đạo của chúng ta đã anh dũng tuyên xưng đức tin, mạnh mẽ làm chứng cho Thiên Chúa trước mặt vua quan một cách nhân từ và quả cảm. Lý do khiến các ngài sẵn sàng chịu chết là vì tình yêu và niềm tin dành cho Đức Giê-su Ki-tô, Chúa của cả vũ trụ, Đấng đã tự nguyện hiến dâng chính mình để cứu chuộc nhân loại này. Các ngài không hề làm gì xấu, không chống lại vua quan, chăm chỉ làm ăn lo cho gia đình. Dù bị người ta vu khống, kết án, giam cầm tù tội, đánh đập, hành hạ dưới mọi hình thức, các ngài đón nhận, không chửi bới, la rầy, kêu ca, phàn nàn hay oán trách. Các ngài đã đi theo và đi đúng con đường đau khổ mà chính Đức Giê-su đã đi. Các ngài đã sẵn sàng hy sinh không chỉ hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, mà cả mạng sống của mình cho Chúa Ki-tô. Dù rằng mới được biết về Thiên Chúa và đã bị bách hại ngay, các tín hữu Việt Nam nói chung, các vị tử đạo nói riêng đã minh chứng cho những người ghét đạo thấy một đức tin tuyệt vời, dám hy sinh cho những gì mình đã tin nhận là chân lý. Thế thì, khởi đi từ đâu hay nguyên do nào đã các ngài đã sống đức tin dũng mạnh, oai hùng như vậy ? Trong cái nhìn của một tín hữu thì sức mạnh của đức tin đến từ ân ban của Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su đã nói với thánh Phao-lô rằng sức mạnh của Thầy được tỏ lộ ngay trong những yếu đuối của con và nếu không có Thầy anh em không làm được việc gì. Đặc biệt, Đức Giê-su đã nói rõ rằng :“Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy” ( Lc 9, 23-24). Rồi Đức Giê-su còn dặn các môn đệ rằng:“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền của họ vì Thầy để làm chứng cho họ và dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng phải lo nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính anh em nói mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em…Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí tới cùng sẽ được cứu thoát”( Mt 10, 17-22). Nhờ tin vào những gì Thiên Chúa đã nói, nên cái ngài đã sẵn sàng đón nhận tất cả. Cùng với ân ban của Thiên Chúa, đó chính là những gương sáng chói, sẵn sàng xả thân quên mình, lòng nhiệt thành tông đồ, tình yêu và đời sống thánh thiện của các nhà Thừa Sai, các vị Mục Tử, đã làm cho các tín hữu say mê và dám bước theo các ngài. Cứ xem 08 Giám Mục, 50 linh mục dám chết vì Chúa thì lẽ nào các tín hữu Việt Nam lại không kính phục các ngài mà noi theo.

Bài đọc thêm: Sửa lỗi bằng tình yêu và sự hiền hoà   

Cầu nguyện với các Thánh Tử Đạo 

Kính lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam oai hùng, uy dũng, là những Tiên Nhân, Thánh Nhân và cũng là Tổ Tiên muôn vàn kính yêu của chúng con. Hôm nay, chúng con được cùng Chư Thánh Tử Đạo Việt Nam, kính dâng lên Thiên Chúa uy linh cao cả tâm tình tri ân cảm tạ vì hồng ân đức tin mà các Thánh Tử Đạo và các bậc Tiền nhân đã lãnh nhận được. Nhờ lời chuyển cầu và nhất là hy tế của Chư Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng con tha thiết xin Thiên Chúa là Cha của chúng con ban thêm sức mạnh lòng tin cho chúng con, để chúng con dám sống đức tin một cách mãnh liệt, theo gương Chư Thánh Tử Đạo, nhất là trong bối cảnh xã hội phức tạp và ngày càng nhiều khó khăn, thách đố đang đặt ra cho chúng con. Chúng con xin tạ ơn Cha và tri ân Chư Thánh Tử Đạo Việt Nam muôn đời. Amen.

Lm Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo

Bình luận