Icon Collap
...
Trang chủ / Kẻ được vào Nước Thiên Chúa !

Kẻ được vào Nước Thiên Chúa !

Qua việc trách mắng những môn đệ ngăn cản không để cho những trẻ nhỏ đến với mình, Đức Giê-su đã đón nhận các em và chúc lành cho các em. Và đặc biệt hơn nữa, Đức Giê-su còn nói cho chúng ta biết có một đối tượng khá cụ thể sẽ vào được Nước Thiên Chúa : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,14-15). Như vậy, với lời quả quyết này Đức Giê-su nói rõ cho chúng ta biết được rằng Nước Thiên Chúa là của những ai giống như những trẻ nhỏ và những ai có được tâm hồn giống như chúng.

Kẻ được vào Nước Thiên Chúa !

 

Thành viên Nước Thiên Chúa !

Tiêu chuẩn mà Đức Giê-su nêu ra cho những thành viên của Nước Thiên Chúa là phải nên giống như những trẻ em. Vậy thì trẻ em có một tâm hồn như thế nào để cho chúng ta biết mà cố gắng để đạt được như các em ? Chắc hẳn ai trong chúng ta trước khi trở thành người lớn đều phải trải qua giai đoạn làm trẻ em. Nhưng mà giai đoạn trẻ em được tính từ độ tuổi nào đến tuổi nào thì Đức Giê-su không nói rõ. Trong bối cảnh của Tin Mừng thì những trẻ em đây nếu hiểu chính xác hơn là những trẻ thơ có lẽ dưới độ 3 – 4 tuổi, chứ không thể là những người dưới 16 tuổi được. Vì ở độ tuổi trẻ thơ này thì các em mới được người mẹ bế đi cùng và các môn đệ mới ngăn cấm được. Nhưng tựu trung, nơi những trẻ thơ chúng ta thấy rõ các phẩm tính tuyệt vời sau đây.

Phẩm tính thứ nhất là sự trong sáng, đơn sơ, hồn nhiên, lạc quan vui vẻ và dễ tha thứ. Vì đầu óc và tâm hồn của các em ở độ tuổi này vẫn thường được sánh ví như những tờ giấy trắng tinh chưa bị nhồi nhét, tiêm nhiễm và khắc ghi nhiều bởi những cái đến từ bên ngoài, nhất là những gì được cho là gian tà, độc ác, lươn lẹo, dối trá. Bởi vậy, tâm hồn, trí não của các em thật trong sáng và trong sạch. Nhờ sự trong sáng đó mà các em không phải sống trong sợ hãi, dè chừng, cảnh giác, phòng vệ. Nhưng ngược lại, các em lại có được một cuộc sống đơn sơ, chân thật, lạc quan và hồn nhiên, vui vẻ, thật dễ thương, dễ mến và rất dễ quên lãng, dễ tha thứ bỏ qua cho những lỗi lầm của người khác và của chính mình.

Phẩm tính thứ hai của các trẻ thơ chính là sự tuyệt đối tin tưởng và cậy dựa hoàn toàn vào tình yêu và sức mạnh che chở của bố mẹ hay người lớn. Các em biết được giới hạn của mình nên đã đặt hết sự tùy thuộc, lệ thuộc của mình vào bố mẹ hay những người lớn mà lại không hề có chút nghi ngờ, do dự về những người này. Sự tin tưởng này khiến cho các em lại tự tin và tự do mà vui chơi, đùa giỡn, khám phá đủ thứ và không hề sợ bị la mắng hay trách phạt. Dù có bị bố mẹ hay người lớn la mắng các em vẫn cứ tin tưởng vào tình yêu của bố mẹ và những người lớn dành cho các em. Vì thế nên dù các em có khóc, la hét, nhưng chỉ một lúc sau là lại vui vẻ như trước ngay. Nếu như phải tóm gọn những phẩm tính của trẻ thơ, chúng ta có thể kết lại như sau : trong sạch, trong sáng, đơn sơ, hồn nhiên, vui vẻ, lạc quan, chân thật, tin tưởng, tín thác, tự tin, tự do, cậy trông hoàn toàn, dễ tha thứ, dễ quên và bỏ qua tất cả. Vậy thì làm thế nào để mỗi chúng ta có thể có được tâm hồn trẻ thơ ?

Bài đọc thêm: Sức mạnh của nước Thiên Chúa

Trở nên tâm hồn của trẻ thơ !

Chúng ta biết rằng một người lớn không thể trở thành một trẻ thơ, nhưng vẫn có thể có được tâm hồn của trẻ thơ. Đó cũng là điều mà Đức Giê-su nhắm tới : Nước Thiên Chúa thuộc về những ai có được tâm hồn của trẻ thơ. Muốn được như vậy thì chúng ta phải trả lại cho tâm hồn, trí não vị trí ban đầu của chúng. Nếu nói theo ngôn ngữ của Đức Giê-su thì phải từ bỏ, dứt bỏ, buông bỏ, tẩy bỏ, vứt bỏ, đào nhổ tất cả những gì mà Cha Ta – Đấng ngự trên trời đã không trồng, không cấy vào trong tâm trí của từng người. Còn nếu mà nói theo ngôn ngữ của những người cộng sản thì phải đưa đi để tẩy não, tẩy tâm cho những người mà họ không thể chinh phục hay thuyết phục được nữa, nhất là với những người đã đặt trọn lòng tin của họ vào Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào để từ bỏ, buông bỏ, dứt bỏ, vứt bỏ, tẩy não, tẩy tâm cho những người mà mình muốn được ? Đây là điều chúng ta cần tìm hiểu và học nơi Đức Giê-su.

Thứ nhất, khai sáng hay soi sáng giúp người ta có được một nhận thức, một sự hiểu biết đúng chính về thực tại con người. Để làm tốt công việc này, Đức Giê-su đã rao giảng, dạy dỗ, tranh luận, đưa ra những hình ảnh cụ thể, dễ hiểu và những câu chuyện dụ ngôn, giúp người ta có thể hiểu được rõ hơn về chính mình. Chẳng hạn muốn nhận thức đúng về một người hay một thực tại nào đó thì mình phải có cặp mắt sáng, chứ mắt mù thì không thể nhận thức được. Muốn có được cặp mắt sáng thì phải tự mình hay nhờ người khác lấy đi những cái xà, cái rác trong mắt của mình trước. Rồi khi mắt mình đã sáng thì phải xem những cái hiện tại bên ngoài để biết cái bên trong như xem quả biết cây vậy…

Thứ hai, đặt thành điều kiện để người ta cố gắng vượt thắng khó khăn để hoàn thành được mục tiêu đã đề ra. Chẳng hạn như phải từ bỏ những gì Cha Ta không cấy trồng, từ bỏ chính mình tức là bỏ tất cả những gì đã đi vào trong ta và làm nên con người của ta bây giờ thì mới trở thành môn đệ của Đức Giê-su được. Chính bởi nhờ muốn trở thành môn đệ của Đức Giê-su mà người ta mới dám hy sinh, từ bỏ những gì đã từng gắn chặt với họ suốt thời gian dài mà Đức Giê-su yêu cầu. Nếu không có được những phần thưởng cao quý, xứng đáng, xứng tầm thì đâu có ai lại đi vứt bỏ những gì mà họ đã mang nặng trong mình được.

Thứ ba, Đức Giê-su cho người ta phương pháp hay con đường để tẩy rửa ký ức chính là Bí tích Hoà giải thật tuyệt vời. Mỗi lần chúng ta xét mình để lãnh Bí tích là nhớ lại những gì xấu đã đi vào, đã xảy đến trong ta, đối diện với chúng, ghét bỏ và quyết tâm từ bỏ chúng rồi đi xả hết tất cả những thứ đó ra ngoài bằng việc xưng thứ với linh mục. Đây là cách đào bới tẩy rửa những gì mà thế gian, tội lỗi, con người đã trồng cấy vào trong tâm trí, linh hồn của chúng ta. Vì thế, người nào càng năng xưng tội thì càng thấy mình nhiều tội và càng đào nhổ được thế giới ký ức xấu trong chính con người của mình thì càng thấy nhẹ lòng và bình an hơn. Đấy là chưa kể đến việc xét mình, sám hối ăn năn tội được thực hiện mỗi ngày. Tóm lại, để trở nên tâm hồn của trẻ thơ để được vào Nước Thiên Chúa thì chúng ta phải lắng nghe những lời chỉ dạy của Đức Giê-su để hiểu rõ hơn về bản thân mình. Kế đó, với quyết tâm dứt khoát trở thành môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta phải siêng năng mà dọn mình sám hối ăn năn, nhất là cố gắng lãnh nhận Bí tích Hoà giải thường xuyên và thực hành Lời Chúa dạy cách nghiêm túc.

Cầu nguyện với Chúa Giê-su !

Lạy Chúa Giê-su, Chúa muốn cho chúng con được vào Nước Thiên Chúa và còn chỉ cho chúng con con đường cũng như điều kiện để được vào Nước Trời. Chúng con xin tạ ơn Chúa rất nhiều. Chúng con xin Chúa soi trí mở lòng và ban thêm sức mạnh của ý chí để chúng con luôn biết thanh tẩy tâm hồn trí não của mình khỏi những gì thế gian đem trồng vào trong đó. Nhờ đó, tâm hồn trí não của chúng con sẽ trở nên trong trắng, trong sạch mà sống đơn sơ, chân thành, vui vẻ, lạc quan, tin tưởng, tín thác và cậy trông hoàn toàn vào Chúa. Amen.

Bài đọc thêm: Hãy nên như trẻ nhỏ

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

 Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo

Bình luận