Đức Giê-su bày tỏ vinh quang của mình trên núi cao, cho ba môn đệ cốt để các ông có được một lòng tin chắc chắn vào Ngài mà thực hiện lời phán dạy của Chúa Cha : “Hãy vâng nghe lời Ngài”. Và Lời của Đức Giê-su nói với chúng ta hôm nay chính là : “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em. Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” (Lc 6,36-38). Vậy chúng ta cùng lắng nghe, gẫm, để hiểu và sống được lòng nhân từ của Cha chúng ta.
Lòng nhân từ của Cha chúng ta !
Thiên Chúa mà Đức Giê-su đã tỏ ra cho chúng ta được biết là Cha của Ngài và cũng là Cha của tất cả chúng ta và toàn thể vũ trụ vạn vật này. Người không chỉ là Cha mà còn là Cha nhân từ đầy lòng xót thương của hết thảy chúng sinh. Lòng nhân từ của Cha được thể hiện rất rõ trong bốn việc làm cụ thể mà Đức Giê-su đã nói rất rõ là : không xét đoán, không kết án, hãy tha thứ và hãy cho đi. Bởi thế, giờ đây chúng ta hãy duyệt xét lại lòng nhân từ của mình dựa vào 4 việc làm cụ thể này.
Trước hết về bệnh xét đoán.
Nếu nhìn vào thực tế, phần đông chúng ta nhận ra căn bệnh thường xuyên va vấp phải chính là hay xét đoán. Quả thật, chỉ cần nhìn thấy một việc làm, một cách hay thái độ ứng xử hay nghe một lời nói là chúng ta đã lập tức đưa ra những nhận định, đánh giá về một con người rồi. Trong khi đó, chúng ta thừa biết rằng muốn xét đoán một con người thì nhất thiết chúng ta cần hiểu rõ về họ.Nhưng liệu có người nào trong chúng ta có thể có được khả năng để hiểu được chính mình hay một người nào đó chăng? Nếu đủ khiêm tốn chúng ta phải thú nhận mà nhìn nhận rằng con người vẫn là một ẩn số, vẫn là một dấu chấm hỏi, một huyền nhiệm vĩ đại cao cả đối với tất cả nhân loại và với chính bản thân mình. Vậy mà có vô số người, chỉ cần nghe một câu nói, thấy một việc làm, nhìn một thái độ của một người mà đã đưa ra một đáp án rất nhanh và đầy xác tín về con người đó. Những người này đã rơi vào trong một ngộ nhận khá nguy hiểm là đồng hoá một lời nói, hay một cử chỉ, hoặc một thái độ với toàn thể thực hữu con người đó. Họ không thừa nhận con người là một sinh vật thường xuyên thay đổi mà nói ngay : con người này gian, không đáng tin; con người này thì xấu, con người kia trí phán đoán chắc có vấn đề, con người này lại lười biếng…
Thứ hai là bệnh kết án.
Sau khi đã đưa ra những phán đoán không chuẩn thì đa phần những người này không tiếc lời để phê phán và kết án những đối tượng hay con mồi của họ. Cũng vì lẽ đó mà Đức Giê-su đã xếp xét đoán đứng trước kết án thật hợp lý. Kinh nghiệm còn cho chúng ta thấy rõ những người mà hay xét đoán thì cũng rất dễ kết án những người khác. Điều này cũng đúng thôi. Vì đó là cách thể họ muốn dùng để chứng minh cho người khác thấy những nhận định, đánh giá của họ là rất chính xác, chuẩn tới mức không cần chỉnh nữa. Họ phê phán, chỉ trích và nặng lời kết án, lên án những người mà họ đã có một cái nhìn tiêu cực, cái phán đoán không mấy thiện cảm. Còn đối với những người mà họ xét là tốt thì họ lại không ngớt lời xưng tụng, tán dương những người này.
Thứ ba là tha thứ.
Ngay sau bệnh kết án, Đức Giê-su đã đề cập đến sự tha thứ.Tại sao vậy?Thưa rằng chuỗi bệnh xét đoán, kết án, cố chấp và ki bo thường liên hệ với nhau rất chặt chẽ. Những người hay xét đoán thì việc lên án tất sẽ xảy ra sau đó là điều hiển nhiên. Và sau khi đã cho đối tượng của mình vào hộp, đóng chặt lại, gắn nhãn hiệu vào rồi thì người ta cho rằng công việc họ thực hiện hoàn thành rồi. Vì thế, khi muốn những người này mở ra cho những đối tượng của mình một con đường sống thì quả là chuyện rất khó. Hay nói cách khác là muốn cho những người này tha thứ cho đối thủ của họ là điều không dễ thực hiện được. Cũng chính vì vậy mà Đức Giê-su đã kêu gọi họ tha thứ cho mình cũng như cho những đối tượng khác để họ được chính Thiên Chúa thứ tha cho.
Thứ tư là quảng đại hy sinh.
Đây là việc cần làm cuối cùng để chúng ta có thể sống được lòng nhân từ như Cha của chúng ta. Nếu như chúng ta vượt thắng được bệnh xét đoán, kết án, sống tha thứ cho người ta cũng như chính mình thì chúng ta sẽ dễ dàng sống được lòng bao dung quảng đại hy sinh như Đức Giê-su đã dạy và làm gương cho chúng ta. Tuy nhiên, với những ai bị bệnh xét đoán, kết án, khó tha thứ bỏ qua những lầm lỗi của họ cũng như của người khác, thì để sống được lòng quảng đại bao dung hy sinh quả là chuyện khó. Đức Giê-su biết rõ điều đó nên đã nói rõ rằng : “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6. 38). Như vậy, sống lòng quảng đại hy sinh cho những người khác hay cho bản thân mình thì chính Thiên Chúa sẽ ban lại cho chúng ta như những gì chúng ta đã quảng đại hy sinh cho người khác. Tóm lại, để sống lòng nhân từ của Thiên Chúa chúng ta phải thoát ra khỏi não trạng xét đoán, kết án và sẵn sàng tha thứ và quảng đại hy sinh cho người khác cũng như cho cả bản thân mình.
Cầu nguyện với Chúa Giê-su !
Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy chúng con phải sống nhân từ như Cha của chúng ta là Đấng nhân từ, với những việc làm rất cụ thể, chúng con tạ ơn Chúa rất nhiều. Nhưng để sống được lòng nhân từ như Cha chúng ta thì chúng con phải luôn cần đến sự trợ giúp, hướng dẫn của chính Đức Giê-su. Chúng con khẩn xin Chúa Giê su luôn ở với chúng con mà ban thêm sức mạnh lòng tin cho chúng con. Để nhờ đó, chúng con mới có thể sống được lòng nhân từ của Cha chúng ta, như Đức Giê-su đã dạy. Amen.
Bài đọc thêm: Yêu và cầu nguyện cho kẻ thù !
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo