Icon Collap
...
Trang chủ / Đức Giê-su – Lửa và chia rẽ !

Đức Giê-su – Lửa và chia rẽ !

Lửa và chia rẽ là hai thực tại mà Đức Giê-su đã đề cập đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Ngài nói rõ với các môn đệ rằng:”Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã cháy bùng lên!…Anh em đừng tưởng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”(Lc 12, 49;51). Đây chính là hai sứ điệp khá quan trọng chúng ta cần suy gẫm, cầu nguyện nghiêm túc, để hiểu cho chính xác, mà đón nhận và đưa ra để thực hành vào trong đời sống thường nhật của mình.

Lửa mến thương của Đức Giê-su !

Trong Thánh Kinh, thời Cựu Ước lửa là biểu tượng sự hiện diện linh thánh của Thiên Chúa như lần tỏ mình trong bụi gai cho Môi-sê(Xh 3,2); dẫn dân bước đi trong hành trình vượt biển(Xh 13,21); lập giao ước dưới chân núi(Đnl 1,33). Còn trong Tân Ước, Chúa Thánh Thần đã xuất hiện dưới hình lưỡi lửa trong ngày Lễ Ngũ tuần(Cv 3,2); sức mạnh của Thần Khí (Cv 1,8). Đồng thời, trong Thánh Kinh, lửa cũng còn mang biểu tượng của sự thanh luyện, thiêu rụi và phán xét như Gô-mô-ra và Sô-đô- ma, cũng như của ngày tận thế. Thế nhưng, lửa mà Đức Giê-su nói tới trong đoạn Tin Mừng vừa thuật lại chính là lửa mến thương, lửa tình yêu. Chúng ta hãy lắng nghe tiếp những dòng tâm sự của Đức Giê-su :”Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biêt bao cho đến khi việc này hoàn tất!”(Lc 12,50). Theo nhiều nhà chú giải, thì phép rửa mà Đức Giê-su đề cập đến ở đây chính là cuộc tử nạn thương khó và cuộc vượt qua cái chết để đạt tới cuộc phục sinh vinh hiển khải hoàn chiến thắng của Ngài. Điều này thật hữu lý và chí tình vì chính Đức Giê-su đã khẳng định rõ ràng với các môn đệ là :”Đây là điều răn của Thầy : Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy(Ga 15,12-14). Không dừng lại ở đây, Đức Giê-su nói tiếp :“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”(Ga 15,9). Như vậy, Đức Giê-su đến để ném lửa thương mến, lửa tình yêu vào trong thế giới này bằng cả lời giảng dạy đến những hành động cụ thể của mình. Tình yêu thương của Đức Giê-su là một tình yêu tự nguyện hiến dâng, trao ban, xả kỷ quên mình phục vụ để cho những người khác được sống hạnh phúc và sống dồi dào. Tình yêu thương này ngược lại với tình yêu ích kỷ, áp đặt, chiếm đoạt, thống trị mà con người thường xuyên sở hữu. Dĩ nhiên, Đức Giê-su khắc khoải, trông mong chúng ta hãy nỗ lực sống tình yêu quảng đại, vị tha như Ngài để thế chỗ cho tình yêu vị kỷ hẹp hòi của mỗi chúng ta.
Nguyên nhân của sự chia rẽ !
Sứ điệp thứ hai mà Đức Giê-su đã nói khá rõ là: chính Ngài đem đến sự chia rẽ cho con người :“Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, và con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”(Lc 12,52). Nhưng nguyên nhân tại sao Đức Giê-su lại gây ra sự chia rẽ ngay giữa những người thân với nhau vậy? Tại sao Hoàng Tử Bình An Giê-su mà lại nỡ lòng nào mang đến bất an cho người ta như thế? Câu hát của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh : “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” sẽ được hiểu như thế nào đây? Đức Giê-su giảng dạy về mối phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, chẳng nhẽ lại đi gây bất hòa cho những người khác? Chắc hẳn không phải như thế. Đức Giê-su không thể tự mâu thuẫn với chính mình được. Đặt ra một loạt giả định như trên để chúng ta có thể đoán định lý do hay nguyên nhân Đức Giê-su trở thành duyên cớ gây nên chia rẽ giữa con người với nhau chính là sự chọn lựa của mỗi người về Đức Giê-su, về cung cách hay lối sống của Ngài; nhất là sống tình yêu như Ngài đã sống. Quả thật, những ai chọn theo Đức Giê-su và sống theo luật của Ngài thì chắc chắn sẽ chống lại những ai không muốn sống theo Đức Giê-su cũng như không muốn tuân theo lề luật của Ngài. Hay nói theo ngôn ngữ của Đức Giê-su thì ai không thuận với Ta là chống lại Ta. Đây là một chân lý hiển nhiên không ai chối bỏ được. Như vậy, chỉ vì chọn lựa đi theo hay không thể đi theo Đức Giê-su Ki-tô mà những người này minh nhiên trở thành bất hòa hay chống đối với nhau. Thành ra Đức Giê-su không phải là một người đi gây rối để tạo nên sự bất an, xung đột cho những người khác như có một số người đã từng hiểu và cho Ngài là hạng người như vậy. Thực tế cho thấy, chỉ vì những xung đột tôn giáo mà những tín hữu Ki – tô đã bị bách hại khắp nơi, không chỉ thời xưa mà ngay cả thời nay nữa. Có một số người, vì lập gia đình với người không có đao, đã phải chấp nhận những bách hại, chống đối và loại trừ ngay từ trong chính gia đình của mình. Đức Giê-su đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành cái cớ cho nhiều người vấp ngã hay chỗi dậy như cụ già Si-mê-on đã nói tiên tri trong Đền thờ, khi mà Đức Maria dâng Hài nhi Giê-su cho Thiên Chúa, như Luật dạy.

Cầu nguyện với Chúa Giê-su !

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa dạy cho chúng con về tình yêu vị tha tuyệt vời của Chúa và còn chỉ cho chúng con thấy vì phải chọn Chúa mà có nhiều người đã trở nên bất hòa và thậm chí là chống đối với nhau. Chúng con xin chân thành tri ân cảm tạ Chúa nhiều. Nguyện xin Chúa Giê su, Đấng đã ném lửa tình yêu xuống trên mặt đất này, rồi khắc khoải, trông mong cho ngọn lửa ấy được cháy bùng lên, tiếp tục đổ tràn lửa mến thần linh của Ngài trên tất cả chúng con, để chúng con có khả năng sống tình thương mến của Chúa một cách cụ thể và sống động hơn với tất cả những người chung quanh. Amen. 
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo
Bình luận