Icon Collap
...
Trang chủ / Khiêm nhường và kiêu ngạo !

Khiêm nhường và kiêu ngạo !

Đức Giê-su đúng là một thiên tài xuất chúng về khả năng sư phạm. Từ những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống, Đức Giê-su luôn biết đưa ra những câu chuyện rất thực để mà thông truyền cho những cử tọa những sứ điệp mà Ngài đã nhắm tới. Nhân chuyện được một thủ lãnh mời Ngài đến dự tiệc ở nhà của ông, Đức Giê-su quan sát và thấy rõ là người ta giành nhau ngồi vào những vị trí quan trọng, nên đã kể một dụ ngôn rất gần với bối cảnh đang xảy ra là người ta đang dự tiệc, để nhắc người ta phải biết sống khiêm nhường và xa lánh tính kiêu ngạo. Đây cũng chính là sứ điệp mà Đức Giê-su muốn nói với mỗi người chúng ta trong Chúa Nhật tuần thứ XXII.
khiêm nhường và kiêu ngạo

Khiêm nhường và kiêu ngạo !

Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã nói với những người dự tiệc rằng : “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến, nói với anh rằng :”Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà ngồi vào chỗ cuối…Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”(Lc 14, 8-11). Quả thật, câu chuyện mà Đức Giê-su vừa kể hoàn toàn chí lý và thực tế. Mục đích của câu chuyện này đã được nói rõ ở câu cuối là ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên với một chủ đích là khuyên người ta biết sống khiêm nhường, đừng có kiêu căng ngạo mạn mà phải tự mình chuốc lấy tủi nhục. Chúng ta cũng hãy nhớ lại rằng : Đức Giê-su đã từng nói với các môn đệ là hãy đến và học với tôi vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Nhưng làm sao chúng ta có thể có được sự hiền lành và khiêm nhường để mà sống với những người khác? Bởi vì, chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một môi trường mà phần lớn người ta sống khá chi là dữ dằn với nhau hơn là hiền lành, thì trong con người chúng ta luôn chất chứa đầy những hình ảnh, lời nói, việc làm dữ dằn, bạo lực. Thế thì làm sao chúng ta có thể sống hiền lành được, đang khi thế giới dữ dằn đang ở trong ta và thống trị cũng như điều khiển ta? Bao quanh chúng ta là những lời nói, hình ảnh, việc làm, thái độ diễn tả sự tự mãn, tự tiêu, tự tôn, khoe khoang, khoác lác, vênh váo, chê bai, nhạo cười… thì làm sao người ta có được sự khiêm nhường như Đức Giê-su mong đợi được? Đúng là một thách đố quá lớn, đối với những người muốn đi theo để có thể học được bài học hiền lành và khiêm nhường của Đức Giê-su. Vậy thì làm sao người ta có thể sống được sự khiêm nhường ? Đức Giê-su đưa ra một đề nghị nên mời khách đến dự tiệc sau.

Mời khách được mời đến dự tiệc !

Để giúp cho người ta có thể sống khiêm nhường một cách cụ thể, Đức Giê-su đã nói vị thủ lãnh đã mời Ngài rằng :”Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông đã được đáp lễ rồi.Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ và như thế, ông mới thật có phúc; vì ông sẽ được đáp lễ, trong ngày các kẻ lành sống lại”(Lc 14,12-14). Với đề nghị này, Đức Giê-su đã muốn người ta hãy sống khiêm nhường bằng một việc rất cụ thể là không được coi thường những người thấp cổ bé họng, mà hãy hạ mình xuống, đến mời những người này đến ăn tiệc nhà mình.Chỉ cần làm được như vậy, là người ta đã sống được đức khiêm nhường rồi. Một đề nghị rất thực tế, xem ra không mấy khó khăn, ai cũng có thể làm được, nhưng thử hỏi có bao nhiêu người đã dám thực hành theo chỉ dẫn của Đức Giê-su, ít là một lần trong đời của mình? Thì ra khiêm nhường mà Đức Giê-su đề nghị là tự hạ mình xuống ngang hàng với những con người nghèo khổ, tàn tật què quặt, đui mù, quý trọng và yêu thương họ như những người giàu sang mà chúng ta đã từng quý trọng và yêu thương. Hay nói cách khác, khiêm nhường cũng có nghĩa là trao ban, hy sinh, chia sẻ, đón nhận, thương yêu những người thua kém hơn mình mà không cần và cũng không mong được đáp đền. Khiêm nhường là xóa bỏ đẳng cấp, xoá bỏ tất cả những não trạng, tâm thức phân biệt đối xử và loại trừ những con người, dù họ là ai. Khiêm nhường là đón nhận mọi người như chính họ vậy, không đưa ra những điều kiện hay tiêu chuẩn để loại trừ họ dưới bất cứ hình thức nào. Khiêm nhường là hủy mình ra không, là hạ mình xuống như một người nô lệ, để hiến thân phục vụ những kẻ rốt hết một cách vô vị lợi, không so đo tính toán hơn thua mà chỉ mong muốn cho những người xấu số cũng được như mình vậy. Nếu nhìn lại những gì mà chúng ta đã sống, đối diện với những lời đề nghị của Đức Giê-su là mở tiệc mời những người nghèo khổ, đui mù, tàn tật đến ăn, chúng ta sẽ thấy rõ mình đang sống hiền lành khiêm nhường hay đang sống dữ dằn và kiêu ngạo? Xin Chúa Giê su giúp chúng ta thẩm định đúng sự thật này này, để biết sám hối trở về với Thiên Chúa chân thành.

Cầu nguyện với Chúa Giê-su !

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã hạ mình và hủy mình ra không để ở với chúng con là những kẻ nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù, và để hiến thân làm giá chuộc chúng con, chứ không phải chỉ là những bữa tiệc bình thường. Chúa cũng muốn chúng con biết sống như vậy với những người nghèo khó, thấp bé đang sống chung quanh chúng con. Chúng con xin chân thành cảm tạ tri ân Chúa rất nhiều. Xin Chúa giúp chúng con biết hạ mình sống khiêm nhường như Chúa dạy, để chúng con được nên giống Chúa hơn. Amen.
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo
Bình luận