Sống trong cuộc đời, dù ở bậc sống nào đi nữa, chúng ta không thể thoát khỏi thử thách cám dỗ. Các vị thánh là những người đã can đảm đối diện và chiến thắng cám dỗ. Nếu đọc tiểu sử của các vị thánh như Thánh Antôn ẩn tu, Thánh Phanxicô Assidi, Thánh Catharina de Siena, Thánh Têrêsa Avila… chúng ta sẽ thấy các ngài là những người đã trải qua những cơn cám dỗ khốc liệt. Như vậy, ta có thể định nghĩa: các thánh là những người đã chiến thắng cám dỗ để trung thành với Chúa cho đến cùng.
Lời Chúa từ sách Sáng thế cho ta thấy cám dỗ là vấn đề “xưa như trái đất”. Cám dỗ đã hiện hữu ở đầu lịch sử, khi con người còn trong trắng và thân tình với Chúa. Bà Evà, với sự ngây thơ “nữ nhi thường tình” đã mắc mưu con rắn tinh quái và làm trái với lời dặn của Chúa. Cùng với việc ăn trái cấm, bà nghi ngờ lòng tốt của Chúa và phủ nhận những gì Ngài đã làm cho bà. Bà muốn lên ngang hàng với Chúa là Đấng đã tạo dựng nên bà từ bùn đất. Sau khi ăn trái cấm, mắt ông bà đã mở ra. Ông bà thấy nhãn tiền sự dối trá của con rắn. Ông bà cũng thấy rõ hậu quả của sự bất tuân: đó là sự trần truồng. Trước đó ông bà vẫn trần truồng, nhưng không xấu hổ. Nay, thay vì “nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” như lời dụ dỗ của con rắn, thì ông bà lại thấy sự yếu hèn đáng thương của mình. Câu chuyện này làm chúng ta liên tưởng đến một số mánh lới tiếp thị quảng cáo để lừa đảo trong xã hội hôm nay. Dù đã được cảnh báo, vẫn có nhiều người như con thiêu thân lao vào với hy vọng kiếm lời nhanh chóng và họ đã phải trả giá.
Bài đọc thêm: Tuổi trẻ tròng vòng vây cám dỗ
Những cám dỗ đến với ta chưa hẳn phải là tội. Chúng giống như những lời quảng cáo chào mời, nếu chúng ta khôn ngoan khước từ, thì không bị mắc bẫy. Chúng ta chỉ phạm tội khi chấp nhận hành động theo cám dỗ. Thánh Phanxicô đệ Salê đã giải thích về cám dỗ như sau: “Hỡi Thiên Kính, hãy tưởng tượng một vị nữ hoàng được lang quân hết tình yêu mến, bỗng có kẻ hư thân kia muốn quyến rũ và làm cho vị nữ hoàng ra nhơ uế, thì nó sai một sứ giả của tình yêu xấu xa đến thương lượng với nữ hoàng về ý định khốn nạn của nó. Trước hết, kẻ sứ giả kia nêu lên ý định của chủ, rồi đến vị nữ hoàng lấy làm vui lòng hay khó chịu với lời đề đạt kia, hoặc vị nữ hoàng ưng theo hay từ chối. Ma quỷ, thế gian, xác thịt thấy một linh hồn được kết hôn cùng Con Thiên Chúa, cùng dùng những cám dỗ và khêu gợi linh hồn ấy” (Dẫn vào đời sống trọn lành, Phần IV, Chương III). Vị nữ hoàng trong giải thích của tác giả có tự do để tuân theo hay khước từ những đề nghị khiếm nhã của “tên cám dỗ”. Bà chỉ phạm tội khi đồng lòng chấp nhận làm theo lời cám dỗ. Đối diện với cám dỗ cũng là dịp để nữ hoàng chứng minh lòng chung thủy với hôn phu của mình. Cũng thế, mỗi chúng ta hằng ngày bị biết bao cám dỗ lôi kéo để đi ngược với giáo huấn của Chúa. Cám dỗ vừa là một “phép thử” lòng trung thành, vừa là cơ hội để chúng ta chứng tỏ mình “ghét tội”, không khuất phục trước lời dụ dỗ ngon ngọt của ba thù, tức là ma quỷ, thế gian và xác thịt.
Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ. Các tác giả Tin Mừng nhất lãm đều thuật lại việc Chúa chịu cám dỗ trong hoang địa trước khi khởi đầu sứ vụ công khai. Phải chăng đó là một lời khẳng định cho chúng ta thấy, để thi hành sứ vụ làm chứng cho Chúa, chúng ta phải được tinh luyện, thử thách như vàng thử lửa, nhờ đó chúng ta có đủ sức kiên trì và vững vàng trước những cám dỗ đang vây quanh chúng ta. Nếu ông Ađam và bà Evà đã ngây thơ ngã quỵ trước lời dụ dỗ ngon ngọt của con rắn, thì Chúa Giêsu lại can đảm chiến thắng trước cơn cám dỗ của ma quỷ. Đây cũng là lời khẳng định của thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Rôma (Bài đọc II). Ađam là nguyên nhân sa ngã và kéo theo tội lỗi cho nhân gian; Chúa Giêsu là nguyên nhân ơn cứu độ đem hạnh phúc cho con người. Ađam đã sa ngã trước cám dỗ của con rắn; Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ của ma quỷ.
Như trên đã nói, cám dỗ luôn tồn tại. Ai ai cũng cảm nhận được điều ấy. Những cám dỗ của ma quỷ trong sa mạc vẫn đang hoành hành nơi cuộc sống của chúng ta. Đó là tiền bạc, quyền lực và sự lỗi phạm đức tin. Để trung thành với Chúa và để sống một cuộc sống thanh liêm ngay thẳng, chúng ta phải biết can đảm nói “không” với những chào mời bóng bẩy mà chứa nọc độc chết người. Cùng với những cám dỗ của ma quỷ, còn có những cơn cám dỗ đến từ chính con người chúng ta. Đó là những tham vọng, sự ghen ghét thù hằn, sự ích kỷ đố kỵ và biết bao nết xấu khác. Mùa Chay là thời điểm hồi tâm để chiến thắng chính bản thân, hướng mọi hành động, tư tưởng và việc làm tới những điều thiện hảo như Chúa muốn.
Xin Chúa giúp chúng ta sức mạnh để chiến thắng cám dỗ đang bao bọc vây quanh chúng ta, để sống giữa trần gian, mà lương tâm chúng ta vẫn thanh thoát, tâm hồn chúng ta vẫn gắn bó với Chúa trọn đời. Amen.
Bài đọc thêm: Những cám dỗ và chiến thắng !
TGM Giuse Vũ Văn Thiên