Hôm nay, giống như những bộ phim bắt đầu bằng cách kể lại một sự kiện đã qua, phụng vụ tưởng nhớ một cử chỉ gắn liền với ngày Thứ Năm Tuần Thánh: Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Người (x. Ga 13,12). Khi được nhìn dưới ánh sáng Phục Sinh, cử chỉ Rửa Chân này mang một giá trị bền vững. Sau đây là ba ý tưởng chính.
Trước hết, chúng ta nói đến tính trung tâm của con người. Trong xã hội hôm nay, dường như hành động là thước đo giá trị của một người. Vì thế, thật dễ để chúng ta xem người khác như công cụ phục vụ cho mục đích riêng của mình; nói cho rõ hơn, chúng ta thường sử dụng người khác. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta thay đổi cách nhìn đó thành một thái độ phục vụ: người khác không bao giờ chỉ là phương tiện. Chúng ta được kêu gọi sống một linh đạo hiệp thông, trong đó tha nhân — theo lời Thánh Gioan Phaolô II — là “một người đối với tôi”, “một món quà được gửi đến cho tôi”, và tôi phải “dành chỗ cho họ” trong đời mình. Chúng ta có quan tâm đến người khác không? Có thật sự lắng nghe họ khi họ cất lời với chúng ta không?
Bài đọc thêm: Niềm vui trở nên trọn vẹn !
Bài đọc thêm: Con đường truân chuyên – Phần II
Ý tưởng thứ hai là khi chúng ta đặt mình trong một xã hội đề cao hình ảnh và truyền thông, điều quan trọng không chỉ là một thông điệp để chuyển tải, mà là một sứ mạng cần thực hiện, một cách sống cần được thể hiện mỗi ngày: “Anh em sẽ được hạnh phúc, nếu anh em đem ra thực hành” (Ga 13,17). Có lẽ chính vì thế mà Chúa không chỉ dạy bằng lời, mà còn ghi khắc hành động phục vụ ấy vào ký ức các môn đệ, để Giáo Hội mãi ghi nhớ; một ký ức luôn được mời gọi trở thành hành động cụ thể — trong đời sống gia đình, trong đời sống cá nhân.
Và ý tưởng cuối cùng là chúng ta hãy chú tâm đến lời cảnh báo: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.” (Ga 13,18). Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu Phục Sinh trở thành người phục vụ chúng ta, Người rửa chân cho ta. Nhưng chỉ sự hiện diện thể lý thôi thì chưa đủ. Chúng ta phải học từ Bí tích Thánh Thể và kín múc nơi đó sức mạnh, để điều này trở nên hiện thực: “Vì đã lãnh nhận hồng ân tình yêu, chúng ta hãy chết đi cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa” (Thánh Fulgentiô thành Ruspe).
Cha David COMPTE Verdaguer – (Manlleu, Barcelona, Tây Ban Nha)