Icon Collap
...
Trang chủ / Con người của Mùa Chay

Con người của Mùa Chay

Mỗi mùa phụng vụ đều trình bày cho ta biết một số nét cốt yếu về Thiên Chúa và về con người. Vậy qua các nghi thức, các lời cầu nguyện, đáp ca, bài đọc Thánh Kinh và bài hát của phụng vụ Mùa Chay, con người xuất hiện ra như thế nào? Con người của Mùa Chay là con người nào?

Một con người chiêm nghiệm, trầm tư

Nói một cách hình tượng, thì con người của Mùa Vọng là một con người đi, con người hành hương, lòng tràn trề hy vọng đang tiến về cùng đích tối hậu của cuộc đời; con người của Mùa Phục Sinh là một con người đứng, tự do, chủ động và tự tín đối diện với thế giới, còn con người của Mùa Chay thì ngồi trong thái độ chiêm nghiệm, trầm tư.

Quả thực, phụng vụ Mùa Chay không ngớt lời kêu gọi hãy hoán cải, hãy sám hối, hãy “trở về”. Trở về, trở lại với Chúa, với anh em, nhưng để có thể làm như thế tiên vàn phải quay về với chính mình là chủ thể của mọi cuộc hoán cải. Chúng ta dễ dàng đánh mất chính mình hay ít nhất là quên mất chính mình trong các thực tại bên ngoài, trong hoạt động và thú vui đủ loại. Chúng ta thường xoay quanh mình hơn là đi vào trong chính thâm tâm mình; chúng ta thích nhìn mình qua một hình ảnh nào đó mà xã hội đã phác vẽ về ta hoặc cái hình ảnh mà ta tự gán cho mình một cách thuận lợi nhất, đẹp đẽ nhất nhưng thường không ăn khớp với con người thật của mình. Mùa Chay mời gọi ta cầu nguyện chuyên cần hơn và làm việc hãm mình, phạt xác cách đặc biệt hơn: đó cũng là những cách giúp ta ý thức hơn về mình. Không phải tình cờ mà Mùa Chay thường nhắc tới sa mạc: Chúa Giêsu trong sa mạc, ông Môsê trong sa mạc, Dân Israel trong sa mạc… Sa mạc là nơi con người không còn có gì bên ngoài để bám víu, họ chỉ còn lại cái gì họ hiện có, và cốt yếu là chính bản thân mình. Cám dỗ có thể đến từ đây mà hoán cải cũng dễ đến từ đây hơn. Người Công giáo quen nói “đi sa mạc” để nói “đi tĩnh tâm”. Xưa nay Giáo Hội vẫn muốn biến thời gian Mùa Chay thành một cuộc tĩnh tâm dài và đặc biệt. Và không lạ gì khi hầu hết các giáo xứ chúng ta đều có tổ chức tĩnh tâm trong Mùa Chay.

Một con người trực diện với những vấn đề căn bản

Khi quay về với mình, nhìn sâu vào con người mình, tự nhiên ta dễ dàng đụng phải những vấn đề căn bản, hệ trọng nhất mà thường ta không đặt ra hoặc không thích đặt ra. Phụng vụ Mùa Chay thì cố ý bắt ta nhìn thẳng vào chúng. Ðó là vấn đề sự sống, sự chết, đau khổ, sự ác, tội lỗi, tình yêu, hạnh phúc. Những vấn đề ấy thường đến với chúng ta trong những sa mạc của cuộc đời, như cô đơn, bệnh tật, tai nạn, thử thách…

Ngay đầu Mùa Chay, phụng vụ đã nhắc nhở ta một cách thẳng thắn, hầu như “sỗ sàng”: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về tro bụi“. Ý nghĩa của lời đó quá rõ ràng: mọi người sẽ phải chết. Vậy anh lao tâm khổ trí, vất vả ngược xuôi, ganh đua tranh giành để tìm kiếm của cải, danh vọng, thú vui…, anh nỗ lực học hỏi, tìm tòi, phát minh, xây dựng v.v.. nhưng khi chết đến, anh mang theo được thứ gì, tất cả có nghĩa gì cho anh? Cuối cùng thì cái gì là đáng quan tâm nhất trong đời? Ðâu là bậc thang giá trị đời anh?

Chúng ta nhớ tới dụ ngôn về người phú hộ trong Phúc Âm theo thánh Luca chương 12, câu 16-21. Ông ta đã thu tích được rất nhiều của cải và đã lên chương trình hưởng thụ, đùng một cái, Thiên Chúa đến báo: ngay hôm nay ngươi sẽ chết. Thế là tất cả những của cải kia bỗng chốc trở thành vô dụng. “Không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu“, Chúa Giêsu kết luận (x. Lc 12,15). Ngay trong phụng vụ thánh lễ ngày thứ năm sau Lễ Tro (tức ngày thứ hai của Mùa Chay), bài Tin Mừng dẫn lời Chúa Giêsu: “Người nào được cả thế giới mà đánh mất chính mình (hay là thiệt thân hoặc thiệt mất mạng sống mình), thì nào có lợi gì?” (Lc 9,25). Cuối cùng thì chỉ có số mạng mình là quan hệ nhất. Ðặt vấn đề như Ðức Giêsu là đặt vấn đề cơ bản, tối hậu. Ðứng trước cái chết, mọi người đều ngang nhau.

Nhưng phụng vụ không chỉ đặt vấn đề với ta mà còn chỉ cho thấy câu giải đáp. Cũng trong phụng vụ ngày thứ năm sau Lễ Tro đó, Giáo Hội cho ta nghe lời của ông Môsê: “Hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ… Anh em hãy chọn sống để anh em và con cháu anh em được sống, nghĩa là hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nghe tiếng Người và gắn bó với Người.” (Ðnl, 30,15.19-20). Tiếp ngay sau lời ông Môsê là bài Ðáp ca, gọi người đặt tin tưởng vào Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc, ngược với người gian ác: một bên giống như cây trồng bên dòng suối, bốn mùa hoa quả xanh tươi, bên kia là vỏ trấu gió thổi bay (x.Tv1), trống rỗng, không có thực chất. Nói cho cùng, vấn đề sống chết là vấn đề hạnh phúc hay bất hạnh.

Một con người biết chọn lựa và chiến đấu

Sống là chọn lựa, cũng như sống là chiến đấu, người ta vẫn nói như thế. Mùa Chay cũng nhấn mạnh điều đó. Mùa Chay mở đầu bằng lời nguyện: “Lạy Chúa, hôm nay chúng con ăn chay hãm mình để bước vào mùa chiến đấu thiêng liêng. Xin cho chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần“. Mẫu mực của chúng ta hiển nhiên là cuộc chay tịnh của Chúa Giêsu 40 đêm ngày trong sa mạc, mà Chúa nhật I Mùa Chay mỗi năm đều cho ta nghe. Ở đó Người đã bị ma quỉ cám dỗ. Bị cám dỗ, là bị thử thách, bị đặt trước một sự chọn lựa giữa Thiện và Ác, Ân sủng và Tội lỗi, Thiên Chúa và Ma quỉ khiến cho người ta để lộ con người thật của mình ra. Vì thế ở đây sự chọn lựa mang tính quyết định. Còn quyết định hơn một số những chọn lựa hệ trọng trong đời một con người, như chọn một nghề nghiệp, một chỗ ở, một người bạn đời v.v.. vì nó liên quan tới giá trị đích thực của ta, tới sự thành tựu sung mãn nhất của cuộc đời chúng ta. Chọn lựa này cũng mang tính khẩn trương, cần phải làm ngay, như dân thành Ninivê chỉ có 40 ngày để sám hối, nếu không sẽ bị tiêu diệt (x. Gn 3,1-10 trích đọc trong Thứ tư tuần I Mùa Chay), hoặc như cây vả không sinh trái mà chủ vườn còn kiên nhẫn dành cho một năm nữa trước khi quyết định chặt bỏ hay giữ lại (x. Lc 13,6-9 Chúa nhật III Mùa Chay năm C).

Con người của Mùa Chay phải là con người mạnh mẽ, cương quyết vì đó là con người phải đấu tranh gian khổ. Ðời sống Kitô hữu không dành cho những kẻ lừng khừng, nước đôi, không dám chọn lựa và dấn thân. Tân Ước thường trình bày cuộc đời môn đệ Chúa Kitô như một cuộc chiến cam go giữa Sống và Chết, Ánh sáng và Bóng tối, Thiện và Ác, Tự do và Nô lệ. Thánh Phaolô so sánh người Kitô hữu với những lực sĩ chạy đua trên vận động trường, quyết dành cho được giải (không chỉ thi đấu để học hỏi kinh nghiệm, vì sẽ không có một cuộc “tranh tài” thứ hai nữa), và muốn thế phải rèn luyện gian khổ, “kiêng cữ đủ thứ” (1 Cr 9,25). Mùa Chay chính là một thời gian rèn luyện cao độ như thế.

Một con người tin vào chiến thắng

Rõ ràng Mùa Chay nhìn đời người dưới khía cạnh cực nhọc, vất vả, và nói chung là bi đát. Thân phận cát bụi mong manh, nay còn mai mất như hoa sớm nở chiều tàn. Thể xác mỏng dòn, mà tinh thần cũng thật là yếu đuối trước sức quyến rũ của sự ác, của tội lỗi. Nhưng Mùa Chay lưu ý tới mặt tối của con người và cuộc sống không phải vì bi quan song vì thực tế, và chủ ý không phải để hạ con người xuống mà để nâng con người lên.

Trong phụng vụ Mùa Chay, mặt tối luôn luôn được nhìn trong sự tương phản với mặt sáng mà con người được mời gọi vươn lên. Con người hèn mọn là thế nhưng lại là thụ tạo và hơn nữa là con cái của Thiên Chúa, anh em của Ðức Kitô. Cuộc đời vắn vỏi là thế nhưng con người được kêu gọi sống hạnh phúc bất diệt.

Con người của Mùa Chay là con người tin vào khả năng hoàn thiện chính mình bằng sự hoán cải mỗi ngày. Họ vững tin vào chiến thắng cuối cùng của sự Thiện. Họ chiến đấu không phải một mình nhưng cùng với Ðức Kitô. Cuộc Thương khó của Ðức Kitô mà họ suy gẫm trong suốt thời gian này củng cố lòng tin của họ: đau khổ, thất bại chỉ là tạm thời và tương đối; cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng; sau mùa đông là mùa xuân; sau ngày Thứ Sáu Tuần Thánh buồn thảm là Ngày Phục Sinh vinh quang.

Mùa Chay mời gọi chúng ta hồi tâm lại, nhìn sâu vào chính mình để điều chỉnh lại đời sống Kitô hữu đối chiếu với những đòi hỏi của Bí tích Rửa tội, và tăng cường sự sống Thiên Chúa trong ta bằng một nỗ lực đặc biệt trong cầu nguyện, sám hối và thi hành bác ái; chỉ như thế chúng ta mới mừng đại lễ Phục Sinh một cách thực sự có ý nghĩa và hữu ích.
Lm Nguyễn Hồng Giáo, ofm
nguồn: gpvinh.com
Bình luận