Kinh Thánh mở đầu bằng một cung điệu vui mừng, một lời chúc tựng về công trình sáng tạo được nảy sinh từ bàn tay và Lời của Thiên Chúa: “Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”.
Sự khẳng định đáng kinh ngạc và hết sức rõ này đã nhấn mạnh bảy ngày đầu tiên của câu chuyện về của Sách Sáng Thế. Đồng thời, nó để lại cho chúng ta hàng loạt những câu hỏi.
Nếu công trình sáng tạo của Thiên Chúa là tốt đẹp, vậy thì tại sao có sự dữ trên thế giới? Tại sao Thiên Chúa cho phép sự đau khổ, bệnh tật, đại dịch như COVID-19 và cái chết của những người vô tội?
Trong Kinh Thánh, tiên tri Isaia đã thấy trước sự thử thách của sự dữ. “Rồi nhìn xuống đất, và kìa: ngặt nghèo và tối tăm, bóng đêm đè nặng, và tứ phía mịt mù” (Is 8: 22-23).
Trọng tâm thử thách của sự dữ nằm ở câu hỏi: “Này Thiên Chúa ngươi đâu?” (Tv 42: 4).
Sự dữ thực sự đau lòng. Nó làm tổn thương trí óc của chúng ta khi chúng ta cố gắng tìm hiểu. Chúng ta không thể hiểu được.
Sự dữ làm tổn thương đức tin của chúng ta. Đôi khi chúng ta cuối cùng nghi ngờ cả Thiên Chúa.
Dựa trên thuyết tiến hóa, các nhà khoa học cho rằng thiên nhiên đang dần phát triển. Và nếu có quá nhiều sự dữ tồn tại, đó là vì thế giới vẫn chưa hoàn thành.
Đối với họ, thế giới vẫn chưa hoàn hảo và thiên nhiên giống như một nghệ nhân, bằng cách thử nghiệm và sai lầm, đang dần tạo ra một kiệt tác.
Sống bằng tranh đấu và hy vọng
Các nhà thần học Kitô giáo, mặt khác, nhìn thấy vấn đề về sự dữ liên quan đến tự do của con người.
Họ nói ‘Thiên Chúa là tình yêu’ nhất thiết ngụ ý rằng Thiên Chúa tôn trọng tự do của chúng ta. Bởi vì nếu Thiên Chúa không làm thế, thì đó không phải là tình yêu, mà là một sự cưỡng chế.
Họ cũng nói rằng Thiên Chúa là Đấng đầu tiên phải chịu đau khổ bởi sự dữ và nếu chúng ta, những người quá vị kỷ, có thể đau buồn vì sự đau khổ của người khác, nỗi đau nào đã gây ra cho trái tim yêu thương của Chúa Cha!
Họ nói rằng hoàn toàn sai lầm khi tưởng tượng rằng Thiên Chúa thờ ơ hoặc tệ hơn khi Ngài chỉ là một vị khán giả đầy độc ác trước tất cả những sự dữ đã gây ra trên trái đất.
Trong suốt lịch sử, các nhà triết học và các nhà thần học đã đưa ra nhiều lời giải thích khác về sự dữ, nhưng chúng ta luôn bị đưa quay trở lại với cùng một kết luận:
Sự hiện diện của sự dữ trên thế giới là một mầu nhiệm mà chúng ta không hiểu một cách đầy đủ. Không có tôn giáo nào đưa ra một câu trả lời đầy đủ thỏa đáng.
Điều đó nói rằng, các Kitô hữu không sống trong sự cam chịu và tuyệt vọng, nhưng trong sự tranh đấu và hy vọng.
Trong khi họ đấu tranh để có được ý nghĩa về sự tồn tại của sự dữ trên thế giới, họ không ngừng chiến đấu với nó. Bởi vì điều quan trọng là cố gắng xua đuổi sự dữ hơn là giải thích nó.
Đức tin mang đến cho các Kitô hữu một niềm hy vọng vốn chính là cốt lõi của cuộc tranh đấu của họ chống lại sự dữ và đau khổ.
Câu chuyện trong Kinh Thánh về ông Gióp được nhiều người biết đến. Được bạn bè khích lệ để nguyền rủa Thiên Chúa, Gióp phản kháng và ngạc nhiên trước sự vĩ đại của Thiên Chúa nơi một loài thọ tạo trổi vượt hơn ông.
Cha Jean-Paul Sagadou
Thiên Chúa đã đánh bại sự dữ
Một ngày nọ, trước sự chứng kiến của một người đàn ông bị mù bẩm sinh, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: “Ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”.
“Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội”, Chúa Giêsu đáp, “nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9, 1-3).
Những lời này khiến chúng ta không thể hiểu được, nhưng chúng phân tách sự dữ khỏi ý tưởng về sự trừng phạt, đồng thời chỉ rõ, nơi Chúa Giêsu, vị trí của sự đáp trả của Thiên Chúa.
Thật vậy, Chúa Giêsu sẽ phải đối mặt với bóng tối bao phủ trên thập giá, do đó tiết lộ sự hiện diện của Thiên Chúa với tất cả mọi người và tất cả những người phải đương đầu với sự vô nghĩa của lịch sử và với sự dữ căn nguyên và vô lý.
Qua sự chiến thắng của Chúa Giêsu trước cái chết, các Kitô hữu nhận thấy rằng một điều gì khác đã bắt đầu, và khi họ, trong cuộc tranh đấu chống lại sự dữ, bị cám dỗ từ bỏ, họ nhớ rằng vào buổi sáng Phục sinh, ngôi mộ đã được phát hiện trống rỗng.
Bất cứ điều gì cần phải nói về nguồn gốc và bản chất của sự dữ, tuy nhiên ý nghĩa nghiêm túc của nó đối với chúng ta, có một điều chắc chắn: nơi Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã tiêu diệt sự dữ và đế chế của nó.
Vì vậy, các Kitô hữu phải tiếp tục cuộc tranh đấu của Tin Mừng bằng cách bước theo Chúa Giêsu, Đấng đã chữa lành những kẻ tật nguyền và tha thứ mọi tội lỗi.
Cuộc đời của Chúa Giêsu thúc đẩy các Kitô hữu, nuôi dưỡng hy vọng của họ và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình, thậm chí ngay cả khi họ phải liên tục đối đầu với sự phi lý của sự dữ.
Lm. Jean-Paul Sagadou
** Cha Jean-Paul Sagadou là một Linh mục Dòng Đức Mẹ Lên Trời đến từ Burkina Faso ở phía tây châu Phi cận Sahara.
Nguồn: Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam