Icon Collap
...
Trang chủ / Chàng trai nghiện ngập được Chúa tuyển chọn

Chàng trai nghiện ngập được Chúa tuyển chọn

Tôi hành hương về với Mẹ La Vang vào một ngày đầy nắng, đi để tìm chút bình an giữa cuộc sống xô bồ. Cũng chính nơi đây, tôi gặp vị linh mục tài hoa mà tôi từng nghe nhiều người nói đến: cha Phanxicô Xaviê Trần Văn An (hay còn gọi cha Trần An, Tràn Ân). Ngài đã và đang hồi sinh hạt mầm hướng thiện nơi những người một thời lầm lỡ.

“Chàng trai nghiện ngập là ai” – Tôi nghe tên cha Trần An khoảng vài năm về trước, khi đọc một trong những tập thơ của bộ “Có một vườn thơ đạo” do linh mục Trăng Thập Tự chủ biên. Sau này, biết thêm cha An không chỉ làm thơ mà còn là tác giả của nhiều bài hát về Mẹ La Vang. Ðặc biệt, ngài đang giúp những anh em nghiện ngập, sa đà vào các tệ nạn xã hội, trở về với bản chất lương thiện của mình.


Từ chàng trai nghiện ngập đến linh mục dòng Biển Ðức

Lần đầu gặp cha, tôi hơi ngạc nhiên bởi trên bốn ngón tay của ngài đều có hình xăm chữ “T”. Bốn chữ này đã dẫn tôi đến một câu chuyện dài về hành trình ơn gọi của cha, nghe xong, tôi cứ cảm tưởng đó là câu chuyện cổ tích.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo, gia giáo và khá giả tại giáo xứ Cầu Rầm – giáo phận Vinh, những tưởng hành trình ơn gọi của cha An cũng xuôi chèo mát mái như nhiều linh mục khác. Nhưng mấy ai biết vị linh mục này từng có một thời trai trẻ nhiều lầm lỡ.

Năm 17 tuổi, cậu An đã kiếm được khá nhiều tiền nhờ công việc buôn bán và chế tác vàng bạc cùng với mẹ. Cuộc sống của cậu lúc này chỉ biết mỗi tiền mà thôi. Không những thế, chàng trai trẻ còn bị bạn bè xấu lôi kéo sa vào những cuộc chơi thâu đêm, đắm chìm trong làn khói thuốc phiện. Khi hết tiền tiêu xài, cậu lao vào con đường phạm pháp để có tiền, thỏa cơn khát ma túy. Hồi tưởng lại những ngày ấy, cha An trầm giọng: “Lúc đó trong nhà có món gì giá trị là mình lấy bán hết, mà lấy rất thường xuyên”. Và chuyện gì đến cũng đã đến, cậu thanh niên bị bắt với án tù 12 tháng. Những chữ “T” trên tay cha là viết tắt của “Tình – Tiền – Tù – Tội” đã ra đời ở thời gian này. Ra tù, chàng trai trẻ quyết tâm hoàn lương, nhưng chẳng bao lâu, mãnh lực của ma túy kéo cậu trở lại con đường nghiện ngập, hết lần này đến lần khác.

Hồi ấy, mẹ của cậu An đã khóc rất nhiều, đau đớn khi nhìn con hư hỏng. Bà bám víu vào Thiên Chúa, ngày đêm cầu nguyện cho con trai mình được trở về đường ngay nẻo chính. Ngày xưa thánh Monica cầu nguyện, phó thác thánh Augustinô cho Chúa thế nào, thì có lẽ mẹ của cậu An cũng vậy. Bà đã dùng tình yêu của một người mẹ nhằm lay động trái tim con trai. Nước mắt, sự khẩn khoản nài xin của bà đã được Thiên Chúa nhận lời và cho nhiều hơn những gì bà mong đợi. Ðể cho con mình không còn nguy cơ sa vào con đường tội lỗi nữa, bà quyết định gởi cậu đến nhà xứ. Chúa đã biến đổi An khi cậu ở với một cha xứ tốt lành tại miền thôn quê Hà Tĩnh. Nhưng chuyện không đơn giản vậy, hàng xóm vẫn không chấp nhận một chàng trai nghiện ngập, hư hỏng hôm nào phút chốc bỗng trở thành người tốt ngay được.

Cuối cùng, vì những lời dị nghị của láng giềng tại chính quê hương mà cậu An đã chọn đan viện Thiên An (Huế) làm điểm dừng, bắt đầu cuộc đời đan sĩ của dòng Biển Ðức vào năm 1994. Sống trong môi trường đan viện với linh đạo “cầu nguyện và lao động”, thầy An được viện phụ dạy cho cách cầu nguyện, hãm mình hy sinh và anh em trong đan viện cũng nâng đỡ thầy trong quá trình làm việc. Tất cả những điều đó giúp thầy thêm yêu mến Chúa và khát khao được trở thành linh mục. Sau thời gian dài nỗ lực tu tập miệt mài với nhiều thử thách bởi căn bệnh hen suyễn và nhiều khó khăn khác, ngày 1.1.2008, ở tuổi 37, đan sĩ Trần An chính thức trở thành linh mục đời đời của Chúa. Ðức Tổng Giám mục Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể ngay sau khi truyền chức cho vị linh mục đặc biệt này, đã hôn bàn tay có 4 chữ “T” và xúc động thốt lên: “Kỳ diệu quá con ơi!”. Kỳ diệu thật bởi trong bối cảnh người thanh niên từng sa vào những tệ nạn xã hội, đã dám bước ra khỏi cái bóng tội lỗi như đã bao trùm, chấp nhận thay đổi để giờ đây trở thành một linh mục. Ðó là cả một hồng ân to lớn. Chúa đã nâng một người nghiện ngập, bị xã hội loại trừ lên hàng tư tế và dùng ngài để dắt những con chiên lạc khác về cho Chúa!

Chàng trai nghiện ngập – giúp những người lầm lỡ hoàn lương

Có lẽ vì cảm nếm được vị ngọt tình yêu của Thiên Chúa qua những biến cố đời mình, cảm nghiệm Chúa đã cho mình quá nhiều… mà cha An muốn chia sẻ lại, nâng đỡ lại những người bị rơi vào hoàn cảnh như mình trước đây. Tôi thắc mắc không biết cha bắt đầu công việc này từ khi nào thì ngài nhẩm tính rồi nói: “Cũng lâu rồi, khoảng năm 2001, 2002, khi tôi còn là đan sĩ ở Thiên An. Hồi đó, cha mẹ các bạn ấy gởi họ đến đan viện và tôi là người đồng hành”. Cha cũng cho biết thêm rằng khi ấy, ngài giúp sát sao từng một hoặc hai người: “Hằng ngày, tôi dành thời gian đi dạo, nói chuyện, khuyên bảo và giúp các em cầu nguyện, viết nhật ký…”.

Rồi để mở rộng việc này hơn, cha An đã xin quyên góp từ các ân nhân xa gần và xây dựng Nhà tĩnh tâm Hướng Thiện ở La Vang (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) nhằm cưu mang, đồng hành với những con người một thời đi hoang, lầm lạc. Phải có ơn Chúa và nhẫn nại lắm, phải kiên trì lắm, yêu thương lắm thì cha mới có thể làm được như vậy. Suốt 18 năm qua, cha đã làm bạn, nâng đỡ hàng ngàn người trẻ lầm lỡ, nghiện ngập để họ làm lại cuộc đời. Tiếng lành đồn xa, số người thuộc thành phần này đến với cha ngày một tăng. Ngài ao ước có thể giúp được hết những ai đến với mình.

Bài đọc thêm:http://hoimehangcuugiup.com/2020/08/24/vi-giam-muc-nhat-rac/

Ðến thăm và nghỉ đêm tại nhà Hướng Thiện, gần 11 giờ khuya mà tôi vẫn nghe tiếng cha nhắc nhở các anh em đang cai nghiện ở đây đi ngủ. Mang trong mình căn bệnh hen suyễn, trời nóng hay lạnh, cha luôn bị ảnh hưởng, những cơn ho kéo dài, có khi nói không ra hơi, tiếng thở át cả lời kinh nguyện. Chuyện cha nhập viện trở nên quen thuộc với gia đình Hướng Thiện này. Ấy vậy mà ngài vẫn luôn lo lắng, quan tâm đến các anh em từ miếng ăn, giấc ngủ, từng lời kinh nguyện hay đến cả việc làm.

Ðến với cha, họ tìm được sự ủi an và bình yên, được tôn trọng, được phục hồi phẩm giá làm người. Tôi không thể ngờ được rằng, gần 70 con người, không phân biệt tôn giáo với nhiều độ tuổi, hoàn cảnh, tính nết khác nhau lại có thể sống chung dưới một mái nhà, cùng lao động, cùng nâng đỡ và cầu nguyện chung với nhau trong tình yêu thương. Ðó cũng một phần nhờ cha hướng dẫn, nhờ nhân đức tốt đẹp nơi cha, một linh mục luôn dùng lời lẽ chân thành và dịu ngọt để xoa dịu nỗi đau thể xác và tâm hồn của những người lầm lỡ. Anh N.V.Ð, một thành viên của nhà Hướng Thiện chia sẻ: “Với tôi, cha An tuyệt vời. Như tôi thấy, cha chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo, sách và chiếc máy tính xách tay để làm việc. Còn tất cả những gì ở đây, cha đều làm để cho anh em hưởng dùng, tất cả là của anh em chúng tôi”. Còn anh T.V.T, quê ở Nam Ðịnh thì vì cảm phục cha, nên cũng ao ước được theo con đường tận hiến giống như ngài.

Tạm biệt La Vang. Tiễn tôi, cha An dặn dò đủ điều và cầu chúc cho những ước mơ của tôi thành hiện thực. Quay đi, cha lại ho, cơn ho dai dẳng của căn bệnh mạn tính. Hình ảnh một người cha hằng lo lắng, nâng đỡ cho những đứa con một thời bồng bột, lầm lỡ nay có cơ hội làm lại cuộc đời, cứ đọng mãi trong tôi!

Bài đọc thêm:https://svconggiao.net/2020/05/15/gia-dinh-dang-hien-ba-anh-em-ba-linh-muc/

Đình Văn

Nguồn: cgvdt.vn

Bình luận