Icon Collap
...
Trang chủ / Tha thứ – Lệnh truyền của Thiên Chúa – Điều kiện để được thứ tha

Tha thứ – Lệnh truyền của Thiên Chúa – Điều kiện để được thứ tha

Tha thứ vô cùng khó nhưng cũng vô cùng quan trọng, nhất là đối với người tín hữu chúng ta. Tha thứ quan trọng vì không chỉ vì đây là lệnh truyền của Chúa mà còn là điều kiện tất yếu ta phải làm để được Thiên Chúa thứ tha, để chúng ta và người anh chị em của chúng được sống, được Thiên Chúa cứu độ.

Tha thứ - điều kiện để được thứ tha, lệnh truyền của Thiên Chúa, hết lòng tha thứ

Tha thứ – lệnh truyền của Thiên Chúa- Điều kiện để được thứ tha

Với Chúa nhật XXIII vừa qua, Thiên Chúa, trong Lời quyền năng của Ngài, đã trao cho chúng ta sứ điệp: Hòa giải con người với Thiên Chúa và Hòa giải con người với nhau. Ngài trao cho chúng ta những chỉ dẫn cụ thể như canh chừng, nhắc nhở, cảnh báo, khuyến cáo những sự dữ, sự ác xảy ra quanh ta như Ngôn sứ Giêremia đã làm. Đồng thời, Đức Giê su mời gọi chúng ta bắt tay vào việc trợ giúp những con người tội lỗi, cụ thể biết hòa giải với nhau một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Chúa nhật XXIV tuần này, Lời Chúa lại trao cho ta một sứ lệnh mới. Đó là sứ lệnh chúng ta hãy tha thứ cho nhau một cách vô điều kiện, như chính Chúa đã tha thứ cho chúng ta : “ Anh em hãy tha thứ cho nhau không phải một lần bảy mà là bảy mươi lần bảy”. Đây là một sứ lệnh vô cùng khó khăn nhưng cũng vô cùng quan trọng. Vì  sứ lệnh này liên quan trực tiếp đến sự sống và ơn cứu độ của chính chúng ta và của những anh chị em đang bất hòa với chúng ta.

Thứ tha – Vô cùng khó khăn

Ai trong chúng ta cũng có được trải nghiệm này, nhất là những ai đã từng là nạn nhân của sự độc ác, gian dối, lừa đảo, của sự phản bội, bị làm nhục, làm hại đến tận cùng. Với họ, nói lời tha thứ đã khó chứ đừng nói chi đến việc thứ tha thực lòng. Tôi đã từng chứng nghiệm được những thách đố khó khăn nơi chính bản thân mình cũng như nơi những con người sống trong lòng thù hận lâu ngày mà tôi gặp được. ( Câu chuyện hai chị em gái với con đường đi chung ở một xứ đạo).

Tại sao tha thứ lại khó khăn như vậy? Có nhiều lí do khiến cho sự tha thứ bị tắc nghẽn, gặp trở ngại. Nhưng chúng ta có thể tạm nêu ra bốn lí do sau đây : Một trái tim không đủ lớn, một cái nhìn không đủ lành mạnh, một nhận thức không đủ sáng suốt và một lòng tin không đủ mạnh mẽ.

Một trái tim không đủ lớn

Với những người không tha thứ được, trái tim họ sẽ không đủ khả năng để cảm thức, để trải nghiệm được tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa dành cho mọi người, trong đó có chúng ta, nhất là khi Ngài ban ơn tha thứ mọi lỗi lầm cho chúng ta nơi Bí tích Hòa giải; đặc biệt đối với những ai đang ở trong tình trạng tội lỗi nặng nề.

Trong khi đó, nếu một trái tim đủ lớn sẽ giúp chúng ta chứng nghiệm được hiệu năng, sự giải thoát và sức mạnh diệu kỳ của sự tha thứ mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta. Một trái tim đủ lớn như Chúa Giê su sẽ giúp chúng ta thấy được tình yêu của Thiên Chúa trải rợp trong mọi sự và luôn ý thức rằng mọi việc trong cuộc sống đều là quà tặng, là ân ban của Thiên Chúa, ngay cả trong những hoàn cảnh bị bỏ rơi, bị phản bội, bị tố gian, bị mạ li, bị lột trần, bị giết chết. Và kể cả những con người đang đối nghịch với chúng ta. Để cùng Ngài chúng ta luôn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.

Đức Giê su không chỉ trải nghiệm ân ban của Thiên Chúa mà còn trải nghiệm được lòng biết ơn của người khác dành cho Ngài; nhất là trong câu chuyện người phụ nữ đã lấy dầu hảo hạng để xức chân cho Ngài và lấy tóc mà lau chân Ngài hay người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang…Chúng ta cũng vậy. Muốn tha thứ được ta nên nghĩ lại những điều tốt lành trước đây họ, hay người khác đã làm cho ta, hầu có thêm sức mạnh, nghị lực để can đảm dung thứ cho người khác.

Hơn nữa, với trái tim đủ lớn, chúng ta sẽ trải nghiệm được rằng những ân huê vô song mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta lớn lao biết chừng nào khi Ngài tha thứ mọi tội lỗi tày trời cho ta, và những trải nghiệm về niềm hạnh phúc của những người đã được chúng ta dung thứ  dạt dào ra sao thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm được thêm động lực để thực hiện được sứ lệnh tha thứ này.

Một cái nhìn lành thánh

Để thứ tha cho những kẻ phản bội, chống đối, làm hại mình, Đức Giê su đã có một cái nhìn lành thánh về họ. Ngài không xem họ là kẻ thù, địch thủ của Ngài, dẫu rằng họ luôn tìm cách chống đối, tiêu diệt Ngài, vu khống cho Ngài, họ phạm tội công khai như những cô gái điếm hay những người thu thuế.

Với Đức Giê su, những người này không phải là kẻ thù, cũng không là tội nhân như người khác gán cho họ. Ngược lại, họ là những bệnh nhân đang mang trong  mình những căn bệnh trầm kha, cần được yêu thương chữa trị. Ngài nhấn mạnh “ Chỉ có bệnh nhân mới cần đến thầy thuốc”. Họ là những con bệnh đang thật sự cần đến Ngài và Ngài cũng cần họ. Vì Ngài yêu thương họ.

Với những ai rời bỏ nhà Thiên Chúa công khai để đi vào con đường phạm tội, chống lại chính Thiên Chúa thì Ngài lại xem họ như những người đi lạc, đi hoang mà Ngài đang cần bỏ chín mươi chín con chiên lành khác để đi tìm một con chiên lạc để đưa họ về nhà, chăm sóc, chữa trị. Chính những con chiên này sẽ được Ngài vác trên vai để về nhà mở tiệc cả làng đến ăn mừng, vì đã tìm thấy họ.

Nếu chúng ta có được cái nhìn như Đức Giê su, một cái nhìn lành thánh về những “kẻ thù” của ta, chúng ta sẽ vượt thắng được những thành kiến, định kiến xấu vể họ, để thấy họ chỉ là những nạn nhân, của một sự ức chế, thất hụt tình cảm nào đó, hay chỉ là những bệnh nhân khiếm khuyết, thiểu não về tâm thần hay đạo đức, cần được chữa trị bởi chúng ta, thì chúng ta có thể bắt tay vào việc một cách dễ dàng hơn.

Có lẽ do sự tổn thương mà người khác gây ra cho mình quá lớn, khiến mắt ta không đủ sáng để nhận ra được những điểm tốt, những điều đáng thương của kẻ thù mình và thay vào đó là những thành kiến, ác ý, khiến ta không thấy được họ như Đức Giê su đã thấy. Đây cũng là trở ngại lớn cho việc tha thứ của chúng ta.

Một nhận thức không đủ sáng

Những người không thứ tha được thường là những người không ý thức đủ về những tác hại của sự cố chấp, không tha thứ gây ra. Đây cũng là lí do khiến người ta không tha thứ cho nhau được. Sự thiếu hiểu biết này vô cùng nguy hiểm, vì nó cầm giữ người ta trong sự dốt nát và lòng thù hận. Câu chuyện tại em bé tại Quảng ngãi hay kinh nghiệm giúp linh thao cho các bạn trẻ cho ta thấy rõ điều này. Lòng thù hận, không tha thứ nó làm tê liệt, tắc nghẽn các mối tương giao, các dòng cảm xúc, những dòng tình cảm, những ý hướng tốt lành, những sức khỏe thể lý, tâm lý; khiến cho hai bên không thể lớn lên được mà ngược lại càng gậm nhậm và hủy diệt chính con người của họ và những người chung quanh. Và dĩ nhiên, lòng thù hận này khiến choThiên Chúa cũng vắng bóng trong cuộc đời họ.

Một đức tin không đủ mạnh

Quả thật, tha thứ không chỉ là hệ lụy của con tim, của nhận thức, của cái nhìn mà vượt lên trên tất cả những lí do trên, tha thứ là hệ quả tất yếu của một đức tin trưởng thành có sự can thiệp của ý chí. Chỉ có lòng tin và sức mạnh của Đấng đã tha thứ cho chúng ta mới có khả năng giúp ta thực hiện hành vi tha thứ như chính Ngài đã làm cho ta. Nếu không có quyền năng của Thần khí, chúng ta không thể nào thực hiện được sứ lệnh tha thứ này như Đức Giê su đã thực hiện cho chúng ta.

Bởi vậy, để tha thứ cho người khác, chúng ta cần có Thiên Chúa trợ giúp, nhất là đối với kẻ thù của chúng ta. Chúng ta cần cầu nguyện, cần xin ơn trợ giúp của Thánh thần trước khi bắt tay vào việc. Với thành tâm thiện chí, với một đức tin sống động, Chúa sẽ giúp ta thực thi được sứ lệnh này.

Thứ tha – Vô cùng quan trọng

Tha thứ vô cùng khó nhưng cũng vô cùng quan trọng, nhất là đối với người tín hữu chúng ta. Điều đó quan trọng vì không chỉ vì đây là lệnh truyền của Chúa mà còn là điều kiện tất yếu ta phải làm để được Thiên Chúa thứ tha, để chúng ta và người anh chị em của chúng được sống, được Thiên Chúa cứu độ.

Lệnh truyền của Thiên Chúa

Tin mừng hôm nay nói rõ : anh em hãy tha thứ cho nhau không phải bảy lần mà là bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha thứ luôn luôn và mãi mãi, tha thứ vô điều kiện. Trong bài đọc thứ nhất, Chúa cũng nói rõ: “ Hãy tha thứ cho người thân cận những gì họ đã làm tổn thương cho anh em và khi anh em cầu nguyên, tội của anh em sẽ được tha thứ”. Đức Giê su không nói úp mở, Ngài nói rõ ràng với các đồ đệ và với chúng ta hôm nay. Tha thứ cho người khác một cách vô điều kiện là sứ lệnh Ngài trao cho chúng ta ra đi thực hiện để chúng ta trở nên những môn đệ đích thật của Ngài.

Sự sống của chúng ta

Nếu chúng ta không tha thứ cho nhau, chúng ta không ở trong sự sống, nguồn sống thật là Đức Giê su Ki tô và Thần Khí. Hơn nữa, như Thánh Phao lô nhắn gởi cho chúng ta trong bài đọc thứ hai : Sự sống và cái chết của chúng ta ảnh hưởng lên người khác. Khi chúng ta sống trong sự thù hận, chúng ta không chỉ hủy diệt sự sống nơi mình ta mà còn hủy diệt sự sống nơi những người khác nữa. Điều này chúng ta không có quyền và không được phép làm. Thánh Tông đồ nhắc lại cho chúng ta chân lý đức tin căn bản của người tin: “Nếu chúng ta có sống là sống cho Thiên Chúa, có chết cũng là chết cho Thiên Chúa”. Sự sống chúng ta đang có là sự sống chúng ta được vay mượn từ Thiên Chúa, chúng ta không được phép hủy diệt nó.

Ơn cứu độ của chúng ta

Tha thứ càng trở nên vô cùng quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến ơn cứu độ chung cục của từng người. Đức Giê su, qua dụ ngôn, nói rõ cho chúng ta hay, nếu chúng ta không tha thứ cho người khác thì chính Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho chúng ta. Và dĩ nhiên, vì thế mà chúng ta sẽ không đạt được ơn cứu độ Thiên Chúa dành cho những ai có lòng tha thứ như Ngài.

Trong Kinh Lạy Cha, chính Đức Giê su đã dạy chúng ta “ Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha nợ cho anh em”. Chúng ta sẽ được tha mọi tội nợ, nếu chúng ta sống theo lời dạy của Đức Giê su là tha mọi tội nợ cho anh em mình.

Lạy Chúa Giê su, Đấng đã chết và sống lại để ở với chúng con, ở trong chúng con, để ban Thánh thần mà tha thứ mọi tội nợ cho chúng con và giúp chúng con có khả năng tha thứ mọi tội nợ cho anh chị em của mình. Xin Chúa tuôn đổ tràn đầy Thần Khí của Ngài trên chúng con, nhất là những anh chị em đang sống trong lòng thù hận, chưa tha thứ được cho nhau, để chúng con thực hiện lệnh truyền của Chúa mà đón nhận sự sống và ơn cứu độ Chúa luôn dành cho chúng con. Amen.

Bài đọc thêm: https://svconggiao.net/2017/09/21/co-nen-tha-thu/

Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Svconggiao.net

Bình luận