Luật vạn vật hấp dẫn và Chúa Thánh Thần
Ronald Rolheiser, 2020-11-09
Thiên Chúa đầy ái tình còn thế trần khắc khoải trong tình ái, do đó cả hai âu yếm nhau với sự hấp dẫn tương liên.
Triết gia Do Thái, Martin Buber đã khẳng định như thế, và dù nó có vẻ rất đồng hưởng với câu mở đầu quyển tự thuật của thánh Âugutinô, “Ngài đã tạo thành chúng con cho Ngài, và tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài”, nhưng nó lại muốn nói đến một điều khác nữa. Thánh Âugutinô nói về nỗi khắc khoải không nguôi trong lòng con người khiến chúng ta cứ bồn chồn và luôn ý thức rằng mọi sự chúng ta trải nghiệm vẫn không đủ, bởi hữu hạn không ngừng khắc khoải cái vô hạn, và vô hạn thì không ngừng quyến rũ cái hữu hạn. Nhưng thánh Âugutinô nói về tâm hồn con người, về sự khắc khoải và xung lực hướng về Thiên Chúa mà nó cảm nhận.
Martin Buber cũng nói về chuyện đó, nhưng ông còn nói về một sự khắc khoải, một xung lực hướng về Thiên Chúa có trong tự nhiên, trong toàn vũ trụ. Không phải chỉ con người mới khắc khoải tình si, mà là cả thế trần, cả tự nhiên, cả vũ trụ đều như thế.
Thâm ý của ông là gì? Về căn bản, Buber nói rằng, cái cảm giác trong tâm hồn con người cũng tồn tại trong mọi nguyên tố của tự nhiên, trong những nguyên tử, phân tử, đất đá, cây cối, côn trùng, thú vật. Sự khát mong Thiên Chúa có trong tất thảy mọi hiện hữu, từ một hành tinh chết, hố đen, cây tùng cây bách, chú chó chú mèo, hay tấm lòng một vị thánh. Và lại chẳng có sự phân biệt giữa tâm linh và thể lý. Hiện hữu nào được Thiên Chúa ban cho cả hai thì hướng về Ngài trong cả hai.
Pierre Teilhard de Chardin, nhà khoa học đồng thời là nhà thần nghiệm, tin rằng sự tác động qua lại này giữa sinh lực tuôn trào từ Thiên Chúa đầy ái tình và sinh lực tuôn trào lại từ thế trần khắc khoải tình si, chính là sinh lực nâng đỡ mọi cấu trúc của vũ trụ, cả thể lý và tâm linh, hữu hình lẫn vô hình. Với Teilhard, luật vạn vật hấp dẫn, hoạt động nguyên tử, sự quang hợp, các hệ sinh thái, các trường điện tử, bản năng động vật, tính dục, tình thân, sự sáng tạo và lòng vị tha, tất cả đều rút lấy và thể hiện cùng một sinh lực như nhau, một sinh lực luôn mãi kéo tất cả mọi sự hướng về nhau. Nếu đúng là thế, và là thế thật, thì xét tận cùng, luật vạn vật hấp dẫn và Chúa Thánh Thần đều là một phần trong cùng một sinh lực duy nhất, một luật duy nhất, một sự tương tác duy nhất của ái tình và sự đáp lời tình ái.
Nhìn sơ qua, có vẻ thật phi chính thống về mặt thần học, khi đặt con người và thiên nhiên ngang hàng nhau. Cũng có vẻ báng bổ khi nói Thiên Chúa là “đầy ái tình”. Thế nên, tôi mạn phép nói thêm về những quan ngại này.
Về việc Thiên Chúa liên hệ với tự nhiên vật chất, thần học Kitô giáo chính thống và các bản văn Kinh Thánh của chúng ta xác nhận rằng việc Thiên Chúa đến với chúng ta trong Đức Kitô khi nhập thể là một sự kiện không chỉ dành cho con người mà còn cho toàn thể thụ tạo hữu hình nữa. Khi Chúa Giêsu nói rằng Ngài đến để cứu thế trần, là Ngài đang nói đến toàn bộ thế giới chứ không chỉ con người nơi trần thế. Thụ tạo hữu hình, chứ không chỉ nhân loại mà thôi, đều là con cái Thiên Chúa và Ngài dự định cứu chuộc toàn thể con cái Ngài. Thần học Kitô giáo chưa hề dạy rằng thế trần sẽ bị hủy diệt vào thời cánh chung, nhưng như thánh Phaolô đã nói, thụ tạo hữu hình sẽ được biến đổi và đi vào sự tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa. Làm sao thế giới hữu hình có thể vào thiên đàng? Chúng ta không biết được, cũng không thể khái niệm được chuyện đó. Nhưng chúng ta biết một điều: Đức Kitô mặc lấy xác phàm khi nhập thể cũng là Đức Kitô Hoàn Vũ, nghĩa là qua Đức Kitô mà mọi sự được tạo dựng và chính Ngài gắn kết mọi thụ tạo với nhau. Do đó, các thần học gia có nói về “sự nhập thể thâm sâu”, cụ thể hơn là sự kiện Đức Kitô nhập thể không chỉ là cứu rỗi nhân loại, mà còn là cứu rỗi toàn bộ thụ tạo hữu hình.
Tôi cũng có thể thấy khi nói Thiên Chúa đầy “ái tình”, có gì đó sai sai, vì thời nay chúng ta thường liên hệ từ này với tình dục. Nhưng ý nghĩa thực sự của từ đó không phải vậy. Với các triết gia Hy Lạp, “eros”, từ nguyên gốc của ái tình, nghĩa là tình yêu, một tình yêu với trọn vẹn mọi khía cạnh của nó. Eros nghĩa là sự hấp dẫn về tình dục và ám ảnh về cảm xúc, nhưng nó còn mang nghĩa tình thân, sự hân hoan, sáng tạo, thường thức và vị tha. Nếu hiểu cho đúng, eros, hay ái tình, bao gồm mọi yếu tố này, thế nên, nếu chúng ta xác định ái tình là tình dục, thì vẫn không có gì kỳ quặc khi áp dụng nó cho Thiên Chúa cả. Chúng ta được tạo nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, do đó tình dục của chúng ta phản ánh một điều gì đó trong bản tính của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa đủ tính sinh sôi để tạo ra hàng tỷ thiên hà và không ngừng tạo nên hàng tỷ con người, rõ ràng Ngài đầy tình dục và sinh sôi hơn quan niệm của chúng ta nhiều. Hơn nữa, trong mọi nguyên tố, mọi con người trong vũ trụ đều có sự khắc khoải không nguôi mong được hiệp nhất với một sự gì đó cao vượt hơn chính nó, và sự khắc khoải muôn nơi đó có cùng một cùng đích nơi tình yêu với Thiên Chúa, Đấng là chính Tình yêu.
Vậy nên, trong thực tế, luật vạn vật hấp dẫn và các ơn Chúa Thánh Thần đều mang cùng một mục đích như nhau và duy nhất mà thôi.
J.B. Thái Hòa dịch
Nguồn: phanxico.vn