Icon Collap
...
Trang chủ / Cứu lấy thế giới đang bị tổn thương

Cứu lấy thế giới đang bị tổn thương

Trong tâm tình của Mùa Vọng – Mùa tỉnh thức đợi chờ Chúa đến, mỗi người chúng ta được mời gọi bước vào sa mạc để được Chúa dọn lòng và đến ở với mình, để được Chúa dùng là người dẫn đường đưa người khác đến với Chúa như Gio-an Tẩy Giả.

Mùa vọng - mùa tỉnh thức đợi chờ

Trong Mùa Vọng, hình ảnh Gio-an Baotixita trở nên tỏa sáng, nổi bật và vĩ đại. Ngài trở nên vĩ đại không chỉ vì Ngài có sứ mạng dọn đường cho Chúa mà còn bởi vì Ngài đã thực hiện sứ mạng cao cả đó để giới thiệu về Chúa, để làm chứng cho Chúa, để dám kêu lên rằng “có một vị Thiên Chúa đang ở giữa các ngươi mà các người không biết”. Gio-an tẩy giả đã chui vào hoang địa một khoảng thời gian khá dài, xa lánh thế gian ồn áo và náo nhiệt, xa lánh mọi thứ phù vân để vào trong sa mạc chay tịnh nghiệm nhặt, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo lông lạc đà, ở một mình với Thiên Chúa để lằng nghe điều Thiên Chúa thổ lộ trong sâu thẳm sa mạc cõi lòng. Từ đó, ông được Thiên Chúa biến đổi trở thành người dọn đường cho Chúa đến.

Qua hình ảnh của Gio-an, chúng ta thấy rằng, để đón nhận Đấng Cứu Thế, chúng ta cũng phải lui vào trong hoang địa, rời xa chốn thị thành ồn ào và náo động, để vứt bỏ những mối bận tâm bên ngoài, để dành thời gian, con người, tâm trí cho Thiên Chúa; để được ở với Chúa, tâm sự với Chúa và lắng nghe lời Ngài nói với chúng ta. Nhờ đó, chúng ta trở thành những người dọn đường để Chúa đến với những người khác. Hơn thế nữa, chúng ta cùng nhau bước vào sa mạc tiêu hoang để nhìn vào thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới nào, thế giới đó ảnh hưởng như thế nào đến tâm thức suy nghĩ và cách sống đạo của mỗi người. Để rồi, nhờ biết rõ thế giới đang bao phủ cả bên ngoài và đi vào sâu bên trong cảm thức, chúng ta mới có khả năng ý thức và làm chủ được tâm trí con người của mình; để không để cho thế giới ấy bào mòn, uốn nắn mà có thể đối mặt và đứng vững.

Đối diện với thế giới đương đại hôm nay, nhiều người không dám đối mặt bởi vì nó quá phức tạp.

  • Khi nói về thế giới đương đại, nhà Thần học người Đức – ông Martin đã nhận định: “xã hội đương đại là một xã hội hỗn mang”, nghĩa là một xã hội không có trật tự trên dưới. Tất cả các giá trị đạo đức bị đảo ngược: chính thì trở thành tà, thật với giả lẫn lộn, trước đây con người đề cao sự khiêm hạ khiêm nhường nhưng con người trong xã hội thời nay lại đề cao sự kiêu ngạo, tự mãn, tự tôn; xưa kia đề cao sự hi sinh hiến tặng còn bây giờ lại chiếm đoạt sở hữu. Mới đây nhất cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ đã diễn ra và chúng ta thấy rằng: thật giả lẫn lộn, sự thật bị bóp méo và đến nay vẫn chưa có một thông báo chính thức về kết quả của cuộc bầu cử. Một đất nước được xem là tự do dân chủ nhưng các trật tự của nền cộng hòa đều bị phá nát và trà trộn, không còn trật tự kỉ cương. Nhìn vào Giáo hội hôm nay, những trật tự kỉ cương và sự vâng phục trong Giáo hội có còn nữa hay không?
  • Những nhà tương lai học và xã hội học thì gọi thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới phẳng. Nghĩa là một thế giới cào bằng tất cả. Chúa cũng như con người, con người cũng như Chúa. Tất cả đều như nhau, không có gì là tuyệt đối mà chỉ là tương đối. Sống đạo nửa vời, tin Chúa nửa vời, giữ đạo nửa vời. Trong thế giới hôm nay, chả có gì làm nền móng làm ngọn đèn làm giá trị cho con người hướng tới. Mọi thứ dường như đã bị san bằng và không có trên dưới.
  • Ngày 6-7/2 vừa qua, Hội Nghị hiệp nhất các tôn giáo để đối phó với xã hội đương đại tại Thụy Sĩ đã nhận định: các tôn giáo phải liên hiệp lại với nhau để giúp đỡ một thế giới đang bị tổn thương. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã nhìn thấy một thế giới đang mang đầy những tổn thương đổ vỡ, đang bị nghiền nát bởi biết bao mãnh lực và rất khó để được chữa lành.
  • Các nhà tôn giáo học cũng gọi thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới tục hóa nghĩa là tất cả mọi thứ đều quy hướng về thế gian và không còn sự linh thánh. Nhà thờ là nơi thánh thiêng nhưng con người cũng đang giải trừ dần dần sự thánh thiêng nơi thánh đường. Đời sống hôn nhân gia đình cũng mang một ý nghĩa thánh thiêng nhưng con ngươi đang dần chối bỏ và khước từ sự thánh thiêng của gia đình. Xã hội hôm nay chỉ còn lại giá trị của trần thế – điều mang lại lợi ích, sự khoái cảm, sự thỏa mãn nhu cầu là điều mà con người đang tôn thờ.

Môt thế giới tục hóa hay còn gọi là giải thiêng. Trong thế giới đó, con người muốn xua đuổi thần thiêng ra khỏi cuộc sống và biến tất cả trở thành phàm tục. Đó là điều mà mỗi người chúng ta được mời gọi nhìn lại – nhìn vào thế giới để xem xét chính bản thân mình.

Trước đây, khi nhìn thấy linh mục tu sĩ, người ta còn nhìn thấy sự thánh thiêng linh thánh nên người ta kính trọng, yêu mến và ngưỡng mộ. Còn bây giờ, ai có tiền có quyền thì trở nên vĩ đại, được người ta nêu cao. Linh mục hay giám mục cũng chẳng có ý nghĩa gì. Các đại gia còn dùng tiền để thao túng cả nhũng vị linh mục và giám mục. Trong thế giới phàm tục, con người chỉ biết đề cao thế giới vật chất. Làm nhà thờ to nhất, đẹp nhất. Làm tháp chuông cao nhất, vĩ đại nhất. Trang hoàng thế giới bên ngoài cho lung linh huyền ảo mà bên trong thì trống rỗng xấu xí nhưng con người chẳng bận tâm đến. Con người đang dần biến ngày lễ Giáng Sinh trở thành một lễ hội dân gian để đua nhau làm Hang đá Giáng sinh xem nơi nào làm hang đá to nhất, cao nhất, đẹp nhất, để tổ chức những đêm hoan ca Giáng Sinh nhảy múa cho thật hoành tráng. Còn một nhân vật thánh thiện khiêm tốn tận cùng cầu nguyện hãm mình thì chẳng ai để ý tới và họ không cần biết đến. Thế giới vật chất tiền bạc đang được con người dùng để làm thước đo giá trị và tôn thờ, nó làm cho con người mê mẩn say đắm.

Trong đời sống vợ chồng, người ta không còn nhìn thấy những giá trị đạo đức đạo hạnh nơi con người mà thấy ai có nhiều tiền nhiều quyền thì đến với nhau. Để rồi hết tiền là hết tình. Đời sống vợ chồng chẳng còn linh thiêng là sự kết hợp mầu nhiệm của Chúa Ki-tô với Hội Thánh nhưng chỉ để cho con người thỏa mãn thân xác, thỏa mãn nhu cầu của nhau. Chủ nghĩa thế tục đang dần tục hóa con người, biến con người trở thành những con vật, chỉ biết tìm đến những khoái cảm những sở thích nơi trần gian.

Không chỉ trong đời sống gia đình nhưng trong trong đời sống tu trì, chủ nghĩa thế tục cũng đang ảnh hưởng không nhỏ và dần tục hóa sự thánh thiêng của đời tu. Đi tu để có cái danh. Đi tu như một phương tiện tiện nghi để tìm lợi ích cho chính mình.

Khi con người đề cao vật chất, đề cao chủ nghĩa thế tục thì họ chẳng cần bận tâm đến Thiên Chúa. Những sinh hoạt tôn giáo hằng ngày như đọc kinh, tham dự Thánh lễ, tĩnh tâm cầu nguyện,… họ chẳng cần bận tâm đến. Chủ nghĩa duy vật đang len lỏi và giết chết sự linh thiêng của Hội Thánh. Nơi linh thiêng trở thành nơi buôn bán của phàm tục. Họ chỉ nghĩ đến tiền và đến lợi ích của mình, để rồi sinh ra việc giành giật bóc lột lẫn nhau. Con người bất chấp tất cả để dẫm đạp lên nhau, tàn sát nhau và trục lợi cho chính mình: sẵn sàng tưới những chất độc hại vào các thực phẩm tươi sống, bóc lột sức lao động của con người bằng những ngôn từ hoa mỹ như xuất khẩu lao động nhưng thực chất là trở thành những nô lệ.

Khi con người không còn sự thánh thiêng nơi mình, không còn là họa ảnh của Thiên Chúa thì con người chẳng khác gì là công cụ sản xuất như Mác đã nhận nhận định. Họ không còn giá trị vì phẩm giá con người càng ngày càng hạ thấp. Con người không chỉ biến thành con vật mà còn trở thành những đồ vật, những phương tiện để giải trí, để thỏa mãn nhu cầu của người khác.

Hậu quả của thế giới tục hóa chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình là nhân tai, bão lũ, hạn hán, dịch bệnh xảy ra tràn lan và khắp nơi. Trước đây đổ cho thiên nhiên nhưng thực chất là do ác tâm của con người, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mà tàn phá cả địa cầu. Minh chứng cụ thể là Hà Nội và Sài Gòn trở thành hai thành phố ô nhiễm cao trên thế giới, đại dịch Covid vẫn chưa dừng lại và còn tiếp tục lan tràn ở nhiều quốc gia trên thế giới,…

Chủ nghĩa duy vật đang ngự trị và thống trị nên thế giới bên trong của con người luôn trong trạng thái lo lắng, hoảng loạn và sợ hãi, áp lực. Ngày càng nhiều người điên, người tâm thần, người loạn trí,… Không chỉ dịch bệnh Covid mà biết bao nhiêu loại dịch bệnh thể lí, tâm lí và tâm linh tràn lan trong con người, mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền đang thống trị và khiến con người trở nên điên đảo. Thế giới con người ngày càng bị tổn thương cách nặng nề chỉ vì tiền, có tiền mới có tiếng nói, có tiền là có tất cả, mọi thứ .

Nhìn vào thế giới chúng ta đang thấy rằng: Trong khi Chúa Giê-su cố gắng đưa sự thánh thiêng vào trong thế giới nhân loại thì nhân loại lại cố gắng tục hóa sự thánh thiêng của Thiên Chúa. Đó là một trận chiến vô cùng khốc liệt và câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta là chúng ta phải làm gì?

Mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ xem thử, chúng ta đang sống trong một thế giới thánh thiêng hay thế giới tục hóa. Thế giới tục hóa trong ta nhiều hay ít, và thế giới thánh thiêng được bao nhiêu. Thế giới tục hóa đang tàn phá đời sống của ta như thế nào và đối diện với nó, chúng ta phải làm gì để tìm ra giải pháp mà cứu lấy một thế giới đang bị tổn thương nặng nề đến như vậy.

Tất cả những thế giới đó, Thánh Kinh gọi là gian tà độc ác – Một thế giới mà người ta sử dụng kĩ nghệ thông tin để áp đặt lên con người, cướp đoạt hết thời gian, tâm trí của con người và làm cho đầu óc chúng ta trở thành những bãi rác khổng lồ, một thế giới tưởng là văn minh hiện đại nhưng nó đang giết hại từng thế hệ con người, đặc biệt là thế hệ trẻ – thế hệ tương lai của xã hội.

Xin cho mỗi người chúng con biết tĩnh tâm cầu nguyện để cùng nhau thoát ra khỏi sự tổn thương trong thế giới đương đại đang tàn phá con người, để đẩy lui thế giới phàm tục đang điều khiển và làm cho lòng trí chúng con xa cách Ngài. Xin giúp chúng con dọn lòng sốt sắng trong mùa Vọng để cung lòng chúng con trở thành hang đá ấm áp và tươi đẹp cho Đấng Emmanuel cư ngụ, đồng thời để đem Ngài là niềm vui, sự bình an và nguồn hi vọng đến với mọi người xung quanh. Amen.

(Trích bài giảng tĩnh tâm Linh mục Gio-an Lưu Ngọc Quỳnh)

Maria Thanh Tâm

Truyền thông Sinh viên Công giáo 

Bình luận