Khởi đầu Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, Đức Giê-su dùng Lời của Ngài căn dặn chúng ta : “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người”(Lc 21,36). Vì thế chúng ta cùng suy ngẫm về hai bổn phận :tỉnh thức – cầu nguyện.
Anh em hãy tỉnh thức luôn luôn !
Tỉnh thức được hiểu một cách cụ thể, đơn giản là ý thức hay nắm chắc, hiểu rõ về những gì đang xảy đến với mình, quanh mình, những gì mình đang suy nghĩ, đang hành động, một cách tỉnh táo, chính xác hay chuẩn xác mà không rơi vào tình trạng ngộ nhận hay sai lầm. Chẳng hạn khi mình đang ăn thì tập trung vào việc ăn để cảm, nếm, thưởng thức được hương thơm, mùi vị, độ mặn nhạt, sự cứng mềm của từng thức ăn, món ăn trong bữa ăn hay trên bàn tiệc. Nhiều người khi ăn thì đang mải suy nghĩ, tập trung đến một điều gì đó đang khiến lòng mình canh cánh, phập phồng, lo lắng nên ăn cho xong bận. Ăn xong rồi mà không nhớ cũng không cảm được mình đã ăn những món gì, hương vị, sắc màu của từng món ăn ra sao ! Hay hôm nay là Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, lời Chúa qua những bài sách Thánh hay là những chia sẻ của cha giảng như thế nào cũng chẳng nhớ được lời gì, sau khi về đến nhà. Có nhiều người, thậm chí còn không nhớ hôm nay cha mặc áo lễ màu gì nữa ! Vậy thì làm sao chúng ta có đủ sức thoát khỏi những cảnh tượng kinh hoàng sắp xảy đến như :“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển“. Đấy là chưa kể đến việc chứng kiến Đức Giê-su quyền uy, vinh quang từ mây trời ngự đến để phán xét toàn thể nhân loại này thì làm sao chúng ta có thể đứng vững được. Chúng ta biết rằng, thế giới vô thức có khả năng khống chế và điều khiển phần lớn những suy nghĩ, hành vi của mỗi người đến trên 90%, và chỉ có khoảng 10% chúng ta làm chủ và điều khiển được chúng trong ý thức mà thôi. Nhưng có mấy người hiểu và đón nhận được sự thật này ? Có lẽ vì khó khăn này mà Đức Giê-su đã muốn chúng ta phải tỉnh thức không phải trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, mà phải tỉnh thức luôn luôn.
Bài đọc thêm: “Tu xuất” họ là ai ?
Anh em hãy cầu nguyện luôn !
Đức Giê-su mời gọi các môn đệ hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Tỉnh thức trước những gì sắp xảy đến với mình, với nhân loại, với thế giới này, nhất là trước ngày Đức Giê-su quang lâm. Đồng thời, chúng ta phải tỉnh thức đón chờ Chúa đến để cứu độ chúng ta. Điều này thật chí lý. Vì khi hiểu rõ, nắm được những gì kinh hoàng sắp xảy đến trên toàn thế thế giới này, người ta sẽ nhận ra được sự yếu đuối mỏng manh của thân phận con người. Vì thế, người ta mới ý thức được sự trợ giúp của Thiên Chúa cần thiết như thế nào và đi tìm sự trợ giúp đó. Đặc biệt hơn nữa, Đức Giê-su muốn chúng ta phải tỉnh thức để đón Ngài đến cứu mình. Chắc chắn khi chúng ta tập trung cao độ vào việc đón chờ Thiên Chúa đến cứu mình và cứu thế giới này, cùng với những gì sắp xảy đến thì chúng ta đã biết mình phải làm gì, nói gì với Thiên Chúa rồi. Những gì mà chúng ta làm hay diễn tả khi tỉnh thức với Thiên Chúa chính là cầu nguyện. Bởi vì, cầu nguyện đơn giản chỉ là một cuộc gặp gỡ, nói chuyện, tâm sự hay đối thoại với Thiên Chúa. Nhiều người lại muốn diễn tả cầu nguyện là tập trung hướng tâm hồn, trí lực, linh hồn và cả thân xác lên với Đấng mà mình tôn thờ, yêu mến và kêu cầu. Chắc hẳn cũng vì mối tương quan thân thiết này mà có người đã cho rằng tỉnh thức cũng chính là cầu nguyện hay cùng đích của tỉnh thức là cầu nguyện. Như vậy, bao lâu chúng ta biết tỉnh thức để đón chờ Thiên Chúa đến cứu giúp mình là bấy lâu chúng ta biết cầu nguyện. Còn ngược lại, nếu như chúng ta rơi vào cõi vô thức, vô minh thì chúng ta sẽ không biết cầu nguyện. Việc Đức Giê-su đặt để tỉnh thức đi cùng cầu nguyện, cũng như đặt tâm thế tỉnh thức trước cầu nguyện và có chung một trạng từ “luôn”, cốt nhắc cho chúng ta nhớ đến mối quan hệ không thể tách rời giữa tỉnh thức và cầu nguyện của người tín hữu.
Cầu nguyện với Chúa Giê-su.
Lạy Chúa Giê-su, Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa. Chúng con tạ ơn Chúa đã đến với chúng con để cứu chúng con khỏi sự tội, sự chết và sự hư mất đời đời. Chúa lại dạy cho chúng con biết cách đón Chúa đến cho xứng hợp đó là phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Đúng là một việc vô cùng khó đối với chúng con và có thể nói vượt quá khả năng của chúng con. Xin Chúa thêm sức cho chúng con, để chúng con luôn biết tỉnh thức và cầu nguyện như chính Chúa đã dạy chúng con. Amen.
Bài đọc thêm: Ma quỷ – Nguyên nhân của hận thù và chia rẽ
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo