Icon Collap
...
Trang chủ / Thiên Chúa sẽ nhận lời!

Thiên Chúa sẽ nhận lời!

Chúng ta biết rằng trong đời sống tôn giáo, việc cầu nguyện là một trong những sợi dây gắn kết con người với Thiên Chúa, với những vị thần linh mà mình tin. Cũng chỉ nhờ thấy được những ơn ích bản thân mình đã nhận được sau khi cầu nguyện mà nhiều người càng ngày càng sống gắn kết tin tưởng vào Thiên Chúa hơn. Thế nhưng không phải người nào cầu nguyện cũng được Thiên Chúa dủ thương nhận lời đâu. Đức Giê-su sẽ nói rõ cho chúng ta biết lý do nào mà có người cầu xin thì được và cũng có người cầu xin mà lại không được Thiên Chúa đón nhận, ngay trong câu chuyện của bài Tin Mừng vừa được công bố lại cho chúng ta.

Khiêm nhường sẽ chiến thắng !

Đức Giê-su đã kể câu chuyện rất cụ thể như sau :”Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng :”Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực, vừa thưa rằng:”Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”(Lc 18, 10-14). Với những lời dạy cụ thể, rõ ràng này, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta luôn phải có một thái độ khiêm nhường, mỗi khi đến trước nhan thánh của Thiên Chúa. Thái độ khiêm nhường đó được diễn tả một cách rõ ràng qua hình ảnh người thu thuế. Trước hết, người đó phải nhận ra thân phận tội lỗi bất xứng của mình, không xứng đáng đến trước nhan thánh của Thiên Chúa. Vì thế, người đó phải đứng từ xa, thậm chí không dám ngước mắt nhìn lên trời chứ đừng nói nhìn thẳng vào Thiên Chúa là Đấng đang ngự trong đền thờ, và chỉ biết cúi đầu xuống đấm ngực ăn năn nhìn nhận tội lỗi của mình. Đây quả là một thách đố không phải người nào cũng nhận ra và thực hành được như người thu thuế này. Kinh nghiệm mà nhiều người trong chúng ta đã trải qua là khi chuẩn bị để đến với Thiên Chúa xưng tội thì thấy mình tội lỗi đầy mình. Nhưng khi tới nơi thì lại không thấy tội lỗi nơi mình mà lại thấy mình vô tội và người khác lại đầy tội lỗi. Thứ đến, người khiêm nhường là người dám chân thành xưng thú mình là kẻ tội lỗi cách công khai mà không ngại ngùng, hay là xấu hổ. Đây cũng là một thách đố nhức nhối cho chúng ta. Ngay cả khi xưng thú tội lỗi, nhiều người còn cố xưng cho nhỏ, để cho cả người xung quanh và ngay cả cha giải tội cũng không nghe được những tội mình vừa xưng. Đúng là khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa đã là khó, còn trước mặt người đời càng khó hơn nữa.

Bài đọc thêm: 12 bước tiến của sự kiêu ngạo trong ta

Kiêu ngạo sẽ thất bại !

Đối ngược với người thu thuế lại là một người Pha-ri-sêu. Sự tương phản này một lần nữa cho chúng ta thấy được: để trở nên một người khiêm nhường đã vô cùng khó khăn, nhưng trở nên một người kiêu ngạo như người biệt phái lại rất ư chi là dễ dàng. Bằng chứng là sự khiêm nhường của người thu thuế thì được diễn tả rất ngắn gọn, nhưng để diễn tả sự kiêu ngạo của người biệt phái thì lại rất dài dòng. Trước hết, ông ta không nhận mình là người có tội, mà ngược lại, ông lại kể hàng loạt những tội lỗi của người khác như tham lam, bất chính, ngoại tình, thậm chí còn nói thẳng vào người thu thuế. Cái kiêu căng của người này là giả bộ để tạ ơn Thiên Chúa, nhưng cốt để khoe khoang nhân đức của mình và phê phán, kết án người khác. Đây cũng lại là một trong những căn bệnh kinh điển của nhiều người trong chúng ta. Thứ đến, người kiêu ngạo lại thường hay khoe khoang, thích kể lại công trạng của mình với Thiên Chúa như người Pha-ri-sêu này: con ăn chay một tuần hai lần và dâng cho Thiên Chúa một phần mười thu nhập của mình. Thực ra những người Pha-ri-sêu ăn chay hay bố thí chỉ cốt để cho người ta khen ngợi, chứ không phải để đẹp lòng Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta, một lần nữa có thể thấy rõ căn bệnh khốn nạn này lại xuất hiện ở rất nhiều người trong chúng ta và ngày càng trở nên phổ biến ở nơi nhiều người khác. Chúng ta nghe Đức Giê-su đã nói rõ là người thu thuế, khi ra khỏi đền thờ, trở về nhà, thì được trở nên công chính, nghĩa là được Thiên Chúa thương xót nhận lời; nhưng riêng người Pha-ri-sêu thì không được trở nên công chính, nghĩa là không được Thiên Chúa thương xót nhận lời. Không chỉ dừng lại nơi đây, Đức Giê-su còn nhấn mạnh là kẻ nào mà tự tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn người nào tự hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên. Hay là nói một cách khác: người khiêm nhường sẽ chiến thắng, nhưng kẻ kiêu ngạo sẽ thất bại. Đức Giê-su không chỉ dạy người ta biết sống khiêm nhường mà chính Chúa đã tự hạ mình, cúi xuống và rửa chân rồi lấy khăn mà lau chân cho các môn đệ, kể cả những kẻ phản bội và bán đứng Ngài. Nhưng trong đời sống hằng ngày của các tín hữu, con số những người biết đi theo chân Chúa để sống khiêm nhường thì vẫn còn quá bé nhỏ so với con số những người đang sống trong sự tự mãn, kiêu căng, ngạo mạn của mình. Đây là một sự thật đáng buồn cho chúng ta.

Cầu nguyện với Chúa Giê-su!

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa của chúng con ! Chúng con cảm tạ tri ân Chúa vì đã dạy cho chúng con về thái độ cần phải có, khi đi đến trước nhan thánh của Thiên Chúa để mà cầu nguyện, đó là sự tự hạ mình khiêm nhường, xưng thú tội lỗi của bản thân cách chân thành, công khai, giống như người thu thuế ở trong câu chuyện của Tin Mừng của Chúa. Nhưng thân lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa biết rất rõ tính kiêu căng ngạo mạn của mỗi người trong chúng con thật đáng sợ đến mức nào. Vì thế, giờ đây, chúng con khấn xin Chúa dủ lòng thương xót ngự đến mà uốn nắn và bẻ gãy tính kiêu ngạo nơi từng người trong chúng con. Nhờ đó, những lời cầu nguyện của chúng con mới được Thiên Chúa nhận lời. Chúng con tạ ơn Chúa. Amen.

Bài đọc thêm: Khiêm nhường và kiêu ngạo

Lm.Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Truyền thông sinh viên Công giáo

Bình luận