“Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Điệp khúc này xem ra chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Bởi vì, những tổn thương đổ vỡ mà chính ba tôi đã làm cho tôi và cho gia đình tôi trong suốt thời gian dài. Bước vào hành trình sa mạc lần này, cha đồng hành muốn chúng tôi đối diện với những sự thật mà mình đã và đang trải qua, với ước mong sớm được chữa lành những tổn thương đổ vỡ đó. Cùng với các bạn trong lớp, tôi cũng lấy hết nghị lực để trải lòng ra với vị đồng hành về mối bận tâm nhức nhối nhất của tôi chính là ba tôi, với hy vọng tìm được một lối thoát. Đối với tôi, đây là một cuộc chiến căng thẳng, khó có thể dành được phần thắng. Nhưng vâng lời cha và tin tưởng vào sự dẫn dắt của Thiên Chúa, tôi nhập cuộc ngay.
Bài đọc thêm: Nền tảng hạnh phúc gia đình !
Sau khi lắng nghe những tâm sự, chia sẻ của tôi, cha muốn tôi viết ra hết những cảm xúc, tình cảm, những tâm tư, suy nghĩ, những biến cố đã xảy ra giữa ba tôi với gia đình tôi và với chính bản thân tôi. Vâng lời vị đồng hành, tôi can đảm đối diện và viết ra hết những vết thương rớm máu mà tôi đã từng nếm trải, từ người ba của mình.
Nhìn lại mối tương quan này, tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm về người ba mà tôi đã một thời được thương yêu, chiều chuộng hết mực. Từ nhỏ, tôi nhớ rằng ba tôi luôn thường gọi tôi là “đứa con gái rượu.” Đi đâu ba thường chở tôi đi theo. Tôi được ba yêu thương và chiều chuộng, được ba bế vào giường mỗi khi tôi ngủ quên ngoài ghế sofa, được ba ôm vào lòng đặt một cái hôn thật ngọt ngào trên trán. Tất cả những kỉ niệm tốt lành đó tôi đều nhớ rất rõ và dường như không quên một chi tiết nào. Tình thương mà ba dành cho tôi là một tình thương rất thật và tôi cũng rất yêu mến và trân trọng tình thương ba dành cho tôi. Có thể nói, tình phụ tử thời gian này thật là tuyệt vời. Tôi thật hạnh phúc và lấy làm hãnh diện, khi đón nhận tình thương của ba tôi.
Nhưng bỗng một ngày, sau khi chứng kiến cảnh ba tôi uống rượu say rồi chửi bới văng tục, đánh mẹ dã man, tôi sụp đổ hoàn toàn. Người ba mà tôi thần tượng và yêu mến giờ trở nên nỗi sợ hãi kinh hoàng đối với tôi. Không phải một ngày, cũng chả phải một lần mà rất nhiều ngày và rất nhiều lần, tôi phải chứng kiến cảnh bạo lực mà ba tôi đã gây ra cho mẹ tôi. Những lúc xảy ra trận chiến trong gia đình, anh chị em chúng tôi thường tìm cách chạy trốn, mỗi đứa một góc tối để mong sao ba không tìm thấy mình. Tôi thường nấp sau cánh cửa tủ phòng ngủ, ở đó tôi chứng kiến rõ những gì ba làm với mẹ. Những ngôn từ tục tĩu vang lên : “Địt mẹ mày, mày ngu”, “Này tao đào mả mày lên”… kèm theo đó là những cái đấm, cái tát bốp chát, cái đá bình bịch… Lúc ấy tôi chỉ muốn lao ra để ngăn cản nhưng tôi còn quá nhỏ. Tôi sợ hãi và chỉ biết ôm mặt mà khóc. Lòng tôi trào dâng những nỗi uất hận, căm ghét và tức tối với ba tôi.
Bài đọc thêm: Lời cảnh báo thật đáng sợ !
Căn nhà yên bình trước đây giờ không còn nữa. Về lại nhà mình, tôi cảm thấy ngột ngạt, khó thở, sợ hãi, cô đơn, trống vắng. Cảnh bạo lực trong gia đình cứ liên tục xảy ra, cứ đều đều một tuần là phải có 2-3 ngày bạo lực. Tôi cứ phải chạy trốn hoài, lúc thì ở ngoài vườn, lúc thì núp bên nhà chú thím. Tôi hãi hùng và ngày càng trở nên một đứa bé nhát đảm, rụt rè. Rồi đến một ngày, tôi còn nhớ là lúc tôi đang học lớp 12, vì chuyện giấy khai sinh để làm hồ sơ thi lên đại học có trục trặc, tôi chạy về nói với mẹ để chạy lo giấy tờ cho kịp hạn nộp. Thấy ba đang uống rượu say rồi lè nhè chửi tục, tôi không thể chịu nổi nữa. Bao nhiêu uất ức dồn nén bấy lâu nay khiến tôi can đảm dám nói thẳng với ba: “Ba chỉ biết vậy thôi, uống rượu cho đã miệng rồi chẳng làm được chuyện gì.” Lập tức tôi đã bị ông giáng cho một cái tát quá mạnh, khiến tôi đau đớn và ngã gục xuống đất. Lấy hết nghị lực, tôi trừng mắt nhìn ông, không chút hoảng sợ và nói tiếp : “Ba sai chứ không phải con, làm ba mà sao chẳng biết lo cho con.” Ông giận điên lên, lấy dao băm nát thau đồ áo chưa kịp giặt không chút thương tiếc.
Bạch Long Nữ
Bài viết độc quyền tại svconggiao.net