Là một người ngoại đạo được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, một vùng đất đông dân cư, là nơi quy tụ người dân ở mọi miền đất nước về. Bởi thế, có rất nhiều nền văn hóa được du nhập vào vùng đất này. Và sống ở nơi đây hơn 20 năm, tôi không tự mình tìm đến một nền văn hóa tôn giáo nào cả. Nhưng thời gian gần đây, tôi đã được một nền văn hóa tôn giáo “mời gọi” tôi đến. Và với tôi đó như là một hồng ân vậy. Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đặt chân tới nơi đây – nhà thờ, nơi quy tụ những con chiên của Chúa. Nhìn lên một hình tượng trong nhà thờ bị treo trên cây Thánh Giá, là một người đàn ông. Tôi chợt thắc mắc không hiểu ông là ai? Tại sao mọi người lại đến nhà thờ đông như thế? Tại sao họ lại cúi đầu vào một người đàn ông trần trụi như thế? Tại sao họ lại có một niềm tin vào Thiên Chúa mà họ tôn thờ như vây? Sau một thờ gian được theo học tại nơi đây, tôi đã hiểu hơn, biết hơn về vị Vua mà người Công giáo tôn thờ. Tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ niềm tin của những con người nơi đây. Tôi thấy Ngài thật tuyệt vời và trong tôi có một chút niềm tin vào Ngài. Được tham gia một khóa học về “Niềm tin và chọn lựa”, giờ tôi đã hiểu tại sao họ lại tin vào Thiên Chúa. Và giờ tôi có thể sẵn sàng trả lời nếu có một ai hỏi tôi về niềm tin của tôi vào Thiên Chúa.
Bạn hỏi tôi tại sao tôi tin vào Thiên Chúa?
Để trả lời cho câu hỏi đó của bạn, tôi hỏi bạn: Tin là gì? Chúng ta luôn đặt câu hỏi tại sao lại tin người nọ người kia, cái nọ cái kia. Nhưng để hiểu tin thực sự là gì lại rất khó. Tôi sẽ lấy ví dụ để định nghĩa cho từ “tin” nhé:
Trong nhà ai là mẹ của bạn? Bạn có nhìn thấy mẹ bạn sinh ra bạn đâu mà bạn biết chứ? Chắc chắn bạn chỉ có thể biết thông qua bố mẹ hoặc người thân bạn kể lại, rồi giấy khai sinh. Đấy, nhưng bạn vẫn tin đó là bố mẹ bạn nhỉ.
Tiếp một câu chuyện khác nhé: Có một ông bố chưa kịp trăn trối gì thì ông đã ra đi đột ngột. Người con chỉ thấy có một bức thư dặn dò của người bố để lại. Và người con đó nhất nhất làm theo những lời dặn của người cha. Và như thế việc anh ta làm theo những gì người bố anh để lại là hành động chứng tỏ anh ta tin vào bố anh ta phải không?
Như vậy “Tin” là chấp nhận những gì mình không đụng, không sờ, không thấy là có thật thông qua chứng từ của người khác thuật lại. Tin còn là thực hành những gì mà đối tượng mình tin tưởng truyền lại cho mình và còn tìm mọi cách để tìm gặp người mình tin.
Bạn biết tại sao tôi lại tin vào một người mà tôi không nhìn thấy, không sờ thấy không?
Tôi nghĩ là chúng ta nên bắt đầu từ những yếu tố lịch sử bạn nhé.
Bạn và tôi đều tin là có Trần Hưng Đạo. Bởi ông là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử mà người Việt Nam nào cũng biết. Và trong các cuốn sách sử đều nói rằng ông là người ba lần dẹp quân Nguyên Mông. Ông sinh năm 1228, mất năm 1300, có bố là Trần Liễu và mẹ là Thiên Đạo Quốc Mẫu. Ông sinh ra ở kinh đô Thăng Long, quê quán ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định ngày nay.
Chúa Giê su cũng vậy, Ngài là một nhân vật có thật trong lịch sử. Ngài có gia phả rất rõ ràng: Từ tổ phụ Ap-ra-ham đến vua Đavid là 14 đời, từ vua Đavid đến thời lưu đày ở Babilon là 14 đời, và từ đây đến thời Đức Giêsu Kitô cũng là 14 đời. Cha của Ngài là ông Giu-se, mẹ Ngài là bà Ma-ri-a. Ngài được sinh ra tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì. Sinh ra trong một hang đá bò lừa, trong một máng cỏ đơn nghèo, sau đó Ngài bị truy giết và sinh sống tại Nazareth, rao giảng ở miền Galile. Ngài không sống một mình, Ngài có anh em họ hàng đó là Gia-cô-bê và Gio-an, cùng những bạn bè và những người thân tín. Ngoài ra còn có 12 tông đồ đi theo ngài.
Chúa Giê su còn là một con người có tầm ảnh hưởng rất lớn trên lịch sử. Không phải Napoleon, không phải Tần Thủy Hoàng, chỉ có ngày sinh của Chúa Giê su được đặt làm mốc thời gian trước và sau công nguyên. Trước công nguyên tiếng anh là Before Christ, viết tắt là BC; sau công nguyên gọi là Anno Domini viết tắt AD hay còn gọi là Năm của Chúa hoặc Kỉ nguyên Kitô
Còn ngày sinh của Chúa Giêsu năm nào cả thế giới cũng ăn mừng đó. Chắc bạn biết ngày giáng sinh chứ 25/12. Đó là một ngày lễ lớn của Công giáo mừng Chúa giáng sinh ra đời. Bây giờ thì không chỉ có người công giáo ăn mừng mà toàn thế giới đều biết đến ngày này. Vậy đó bạn à, mọi khung thời gian trong lịch sử đều quy hướng về con người này. Không một ai dù nổi tiếng hay tài ba thế nào mà có thể sánh với tầm ảnh hưởng của Chúa Giêsu.
Bạn ơi, tất cả các vị anh hùng đều để lại chứng tích phải không? Nếu như chúng ta biết Trần Hưng Đạo qua những cuốn sách lịch sử như Đại Việt sử ký hay những câu chuyện về ông như Trần Quốc Tuấn bóp nát quả cam nhưng các sách của những vị anh hùng thì đều có giới hạn còn các sách viết về Chúa Giêsu hằng hà, vô số không kể xiết.
Bạn biết không, làm sao tôi tin được những điều Đức Giêsu nói, những việc Ngài làm là có thật khi tự Ngài nói về Ngài nhưng nếu có 2-3 nhân chứng tự nguyện làm chứng cho Ngài bạn có tin không? Cuộc đời và những lời nói của Chúa Giê su được chứng thực bởi 12 vị tông đồ đi theo Chúa. Thậm chí cả 12 người vì để chứng thực cho những lời Chúa nói sẵn sàng chết để bảo vệ niềm tin của mình. Thánh Phêrô bị đóng đinh ngược trên thập giá, Thánh Toma bị đâm chết. Bạn ơi, những gì mà các Ngài dám chứng thực đều ở trong quyển Kinh Thánh, Tân Ước.
Niềm tin của tôi không chỉ dừng lại ở Đức Giêsu hiền lành tốt bụng, làm nhiều việc tốt mà tôi tin vào Đức Giêsu vì Ngài đã nói là làm, và dám chết cho những gì mình nói, dám chết cho sự thật. Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”. Và Người đã thực hành điều này bằng chính cái chết của Người. Dù bị người đời đóng đinh trên cây thập tự, vào những giây phút hấp hối cuối cùng, Người không hề một lời oán trách mà lại xin Chúa Cha tha cho họ vì họ không biết được việc họ làm. Bạn thử nghĩ xem đã có ai vô tội mà để cho con người kết án một cách bất công lại không nói một lời nào không, không hề kêu oan, để mặc cho con người thách thức, đánh đập, chửi rủa như là một kẻ nô lệ chưa? Trong khi đó, Ngài là một vị vua trong tay có đủ mọi quyền lực, chỉ cần Ngài nói một lời thì tất cả đều bị tiêu vong. Nhưng Ngài không làm vậy, ngược lại vẫn yêu thương con người, kể cả những kẻ đã làm hại Ngài. Ngài luôn luôn nghĩ đến người khác và làm tất cả vì người khác, không lên án kết tội ai dù họ là kẻ thù của mình. Chắc hẳn thật khó để bạn tin vào điều đó phải không? Nhưng đã bao người, bao thế hệ làm chứng và tin vào điều đó. Thật khó để phủ nhận và tôi tin vào điều đó vì đó là chân thật. Còn bạn, bạn tin hay không thì đó là là tự do của bạn.
Tôi tin vào Ngài vì những việc Ngài đã làm, những lời Ngài nói. Ngài luôn nói những lời chân lý, luôn dạy những điều hay lẽ phải. Ngài còn chữa lành bệnh và làm nhiều phép lạ: chữa người bị mắc bệnh phong, chữa cho người đầy tớ của 1 đại đội trưởng bị bại liệt, chữa bà mẹ vợ ông phêrô nằm liệt và lên cơn sốt, chữa cho người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm và con gái của 1 vị thủ lãnh sống lại, cho anh Lazaro sống lại sau 4 ngày đã chết, làm cho người mù được thấy, kẻ què đi được, kẻ điếc nghe được… Chúa Giêsu không phân biệt đó là người Do Thái hay người Samaria, người giàu hay kẻ nghèo, người ở tầng lớp thấp hay người cao quý miễn sao họ đến và tin tưởng vào người thì đều được chữa lành. Tất cả những việc đó Ngài làm công khai. Bạn thấy đó Ngài có quyền trên cả sự chết. Bạn thử nghĩ xem trên đời này có bao nhiêu người làm được như vậy? Đức Phật có làm được phép lạ và cứu con người được như vậy không? Bạn nghĩ sao về niềm tin của bạn chứ?
Bạn bảo tôi tại sao lại tin vào một người đã chết mà lại chết một cách ô nhục trần trụi trên thập giá ư? Nếu chỉ tin vào một người đã chết như vậy thì làm sao thuyết phục được tôi. Nhưng tôi tin và đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu bởi chính Sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Chúa Giêsu nói rằng: “Ta sẽ sống lại từ cõi chết”. Thật khó để tin phải không bạn? Tôi cũng đã từng hoài nghi như bạn nhưng đó lại là một sự kiện thật không thể phủ nhận được và tôi không thể không tin vào điều đó. Trước khi chết Ngài nói công khai sẽ sống lại sau ba ngày và sự việc đã xảy ra đúng như vậy. Hơn nữa, đã có rất nhiều người làm chứng cho điều đó, khiến niềm tin của tôi vào Ngài thật khó lung lay. Ngài không phải hiện ra cho một người nhưng cho nhiều người và mỗi lần hiện ra lại khác nhau. Các nhân chứng là các môn đệ của Ngài, bà Maria Macđala, bà Gioana, bà Maria mẹ ông Giacôbê… Tôi làm sao có thể không tin đây khi có quá nhiều nhân chứng như thế. Tôi đặt trọn niềm tin vào Ngài. Còn bạn, tin hay không thì đó là quyền tự do của bạn.
Ngài đã hứa: “Ta sẽ ở các con mọi ngày cho đến tận thế” và Ngài đã thực hiện lời hứa đó bằng cách lập ra Bí tích Thánh thể. Bởi thế, mỗi khi tham dự thánh lễ tôi được kết hợp và gặp gỡ trực tiếp với Ngài. Cho dù tôi không nhìn thấy Ngài bằng chính con mắt xác thịt, không nhìn thấy Ngài bằng con người thật nhưng với niềm tin xác tín của mình, tôi tin rằng đó chính là Ngài. Ngài ở với tôi, ở cùng tôi và Ngài hằng theo dõi bước đường tôi đi và nhận lời tôi cầu xin. Có lẽ với bạn thật khó để tin vào điều đó nhưng đó là niềm tin của tôi.
Còn bạn, hằng ngày bạn cầu nguyện cùng ai? Với một vị đã chết và không sống lại ư? Ví như ông Đinh Bộ Lĩnh, ông chết rồi có sống lại không? Không đúng không? Họ không sống lại thì họ đâu có ở cùng bạn. Như thế thì họ có thể giúp được gì cho bạn? Giả như bạn có cầu nguyện với một vị nào đó mà bạn tôn thờ thì đó là tự do, là lựa chọn của bạn. Tôi tôn trọng điều đó. Còn tôi, niềm tin vào một Thiên Chúa của tôi là không thay đổi bởi Ngài là Chúa các Chúa, là Vua trên các Vua và không một vị nào sánh được.
Là người ngoại đạo, nhưng sau khi đối chiếu với lịch sử, tôi không thể không tin vào Chúa Giê su và những lời của Người dạy. Bạn thử xem lại, thử tìm hiểu xem sao biết đâu một ngày nào đó bạn nhận ra Thiên Chúa và thay đổi niềm tin như tôi vậy. Hãy đến với Ngài bất cứ khi nào bạn muốn nhé. Thân ái!
Phạm Thu Hà
Nguồn: Hoimehangcuugiup.com