Icon Collap
...
Trang chủ / Nỗi sợ không được yêu

Nỗi sợ không được yêu

1. Mặt nạ và những tổn thương sâu thẳm

‘Muốn hay không muốn, nó đã hình thành nơi mình một xác tín mơ hồ, rằng phải ngoan phải giỏi thì mới đáng được thương. Theo năm tháng dù đã lớn nhưng tâm hồn vẫn như một đứa bé con, để chứng minh mình đáng được thương, nó vẫn luôn tìm cách tỏ ra rằng mình ngoan ngoan giỏi giỏi… Như mang một ‘mặt nạ’, đứa bé ấy cũng khó chịu lắm. Nó cố gắng, nỗ lực dù biết rằng những điều đó khiến nó mệt mỏi, dù những ‘nguyện ước’ của ai kia đâu phải là hoàn hảo. Với cái tuổi như nó,bạn bè vui vẻ chơi đùa, có một “tuổi thơ dữ dội” mà khi ngồi kể cho nhau nghe nó ‘ghen tỵ’ nhiều lắm. Nó chỉ biết học và học.

Đầu năm nó là một trong những đứa học kém nhất lớp đến cộng trừ phân số còn không hiểu nổi. Cuối năm nó đi thi học sinh giỏi huyện được giải Nhì. Và cũng không ai có thể tin được một đứa vùng quê như nó lại được giải Nhất trong kỳ thi Tỉnh năm ấy. Được mọi người, thầy cô, bạn bè,…và cả những ‘ai đó’ kia khen ngợi, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn đứa bé ấy vẫn là một sự trống trải mà chính nó cũng không thể hiểu. Nó cứ chạy, chạy hoài, và nhiều khi cảm tưởng như chạy khỏi con người thật của chính mình. Nó cũng muốn như ai khác, được vui đùa, sáng tạo,…dù cho là vấp ngã. Nó cũng muốn cho phép mình như thế, nhưng nó không dám dừng lại. Thi đại học, trong khi bạn bè của nó thất vọng chán chường và nhiều đứa sinh bệnh ‘trầmcảm’ thì nó thi đỗ với điểm số mà nhiều người phải ngưỡng mộ. Nhưng điều đó cũng chẳng khiến cái ‘trống trải’ kia được khỏa lấp.

Thi đỗ, đôi vai như vừa trút được gánh nặng nề nhưng tâm hồn thì rỗng tếch, không vui, cũng chẳng tự hào…Sống hay là tồn tại? Nó cũng chẳng hiểu tại sao mình lại như thế. Nó cũng muốn tháo bỏ ‘mặt nạ’ lắm chứ. Nhưng hình như đeo lâu quá rồi nên nhầm tưởng mặt nạ đó mới là mặt mình. Vả lại nó cũng đâu còn nhớ khuôn mặt thật của mình trông ra sao nữa rồi. Đạo mạo nói cho cùng cũng là đểche giấu cái gì đó; lạnh lùng là để né tránh cái gì đó; ra đi cũng chỉ để khỏa lấp cái gì đó. Nó dửng dưng như một tảng đá trơ lỳ miễn nhiễm. Những lời yêu chảy qua đời nó, nó e dè đón nhận với chút nghi ngờ và không chắc chắn, buông lơi hời hợt để tất cả vuột trôi qua.

Đã có người đến bên nó, trải lòng ra với nó, nhưng nó không dám đón nhận…Nó buồn nhiều lắm, chẳng hiểu tại sao mình lại như thế, chỉ cần đón nhận thôi nhưng sao cũng khó khăn đến vậy…“Mày chết đi! Chết đi! Mày sống chỉ có vô dụng mà thôi…” – và câu nói ấy đã ám ảnh, hình thànhtrong vô thức một người con gái cái ý nghĩ tự tử không biết bao nhiêu lần. Nó thầm nghĩ, cuộc sống ấy mà, dù cho nó có làm người ta nghẹt thở với biết bao mối bận tâm, lo toan…thì người ta vẫn còn quý trọng lắm cái ‘mạng sống’ của mình, hay đơn giản là người ta vẫn. Câu chuyện của vị Linh mục trong buổi học ‘Ma quỷ và Tâm bệnh’ hôm ấy cứ đeo bám nó hoài. Vẫn biết rằng quãng thời gian khi còn trong dạ mẹ đến trước lúc 3 tuổi, lúc mà ý thức của con người ta còn mơ hồ thì cái vô thức nó đã lớn lên, và rồi hoành hành trong tâm lý, tính cách của người ta khi lớn ghê gớm lắm. Nhưng chỉ một câu nói thôi mà. Nó suy nghĩ nhiều lắm…

2. Giải pháp nào cho những đứa trẻ như tôi???

“Ừ…ngoan đi nào mẹ thương”.

Nhưng…‘ngoan’ như thế nào thì được hở mẹ? chỉ khi con ngoan thì mới được ba mẹ yêu. Vậy nếu con không ngoan thì sao hở mẹ???…

Nó biết mình giới hạn, yếu đuối và cũng muốn nghịch ngợm, phá cách, cũng muốn được hái trộm ổi nhà hàng xóm, được đầu trần đi bắt tôm cá cùng chúng bạn lắm chứ… Nhìn lại con người mình, nó thấy mình chẳng có gì đáng để tự hào, đáng để tự tin, đáng để đón nhận những tình yêu quá lớn. Nhìn lại hiện tại giữa chừng dang dở của mình, nó thấy mình chẳng có gì đáng để được yêu. Thì ra, từ lâu trong thâm tâm nó không tin mình đáng được yêu. Và ý nghĩ vô thức thời bé con ấy đã theo nó đến tận bây giờ – một con người đã lớn.

Đối diện với thực tại trong lòng mình, nó lo sợ lắm. Sợ một ngày kia cái ý chí của nó sẽ không đủ mạnh; Sợ cái vẻ lạnh lùng không đủ che dấu đi sự yếu đuối; Sợ nó sẽ trở thành một con người hoàn toàn khác chỉ để ‘đáp ứng’ những cái khát vọng kia. Và rồi, ‘phá cách’ hay ‘phá hoại’ ? Nó sợ. Cũng thật may…một bàn tay chìa ra, nâng đỡ và cứu vớt cuộc đời nó. Bàn tay ấy, tình yêu ấy của Ngài quá đỗi lớn lao ( và nếu Đấng ấy muốn, Ngài sẽ để những dòng cảm xúc của nó được trôi trên giấy, kể về ‘mối tình đầu’ của nó). Vậy điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ như nó nếu không bắt gặp được Tình yêu ấy? mà gặp phải một tình yêu chông chênh, sở hữu, đầy toan tính…ngoài kia.

Bi kịch chung là trong thẳm sâu con tim của đám trẻ tội nghiệp ấy luôn có cảm giác rằng mình không đáng được yêu, không tin rằng mình có thể được yêu một cách vô điều kiện. Chúng cứ phải gồng mình ngoan vì nhầm tưởng rằng điều đó sẽ đổi được đồ chơi, quần áo và tình yêu từ bố mẹ… Một đứa trẻ dù bị bố mẹ đánh hay đánh đòn đến phát khóc vẫn ôm chặt lấy chân bố/mẹ – đó là vì con yêu bố mẹ vô điều kiện.

Thật đau khổ biết bao khi luôn kìm mình dai dẳng với cái cảm giác rằng mình không được yêu nếu nếu vượt ra ngoài cái khuôn mẫu của bố mẹ.

Khi tâm hồn chông chênh mà không may mắn được cứu vớt bởi một cái phao đúng, thì có lẽ nó đã bị nhấn chìm trong sự ngang trái đó. Và bi kịch sẽ trở thành thảm kịch nếu đám trẻ tội nghiệp ấy lại bám víu vào những cái phao cứu sinh giả mạo tiếp tục đưa chúng vào những vực xoáy bi đát hơn.

Bố mẹ ơi! có biết cho chăng???

(Cảm ơn dòng tâm sự của một Linh mục trong tập tùy bút đã khơi lên trong con những cảm xúc này)

 ẩn danh

Bình luận