Icon Collap
...
Trang chủ / Những nguyên nhân dẫn đến rạn nứt, tan vỡ mái ấm gia đình

Những nguyên nhân dẫn đến rạn nứt, tan vỡ mái ấm gia đình

Ảnh hưởng của xã hội

Tâm lý, cách suy nghĩ và lối sống của con người bị ảnh hưởng khá nhiều bởi xã hội họ đang sống. Do đó, sẽ không lạ gì xã hội định hình nên con người đặc trưng của chính xã hội đó, với những khung, mục đích mà xã hội tạo ra. Đặc biệt, trong thời đại hôm nay, xã hội – chủ thể – còn ảnh hưởng nhanh và nặng nề đến chóng mặt đến con người – đối tượng – qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Cái click chuột có sức mạnh ghê gớm đẩy nhanh sự kết nối giữa xã hội – con người – sự kiện một cách rất hiệu quả, cho cả cái tốt lẫn cái xấu.

Xã hội hôm nay, với những ưu điểm về tiến bộ kỹ thuật – khoa học, với những giải pháp, phương tiện, luôn mong muốn tạo cho con người có một cuộc sống thoải mái, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, như một qui luật tự nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, xã hội cũng tạo nên nhiều cái xấu ảnh hưởng sâu rộng đến con người thời đại. Với một cái click chuột, mở ra một trang báo …bao giờ cũng có những câu chuyện hấp dẫn về tình yêu, hôn nhân, ly dị, tái hôn của các sao, các nhân vật nổi tiếng, và trong đó có cả luôn những câu chuyện đời thường nhưng thật “nóng” của gia đình tan vỡ, để rồi,  rồi nơi đó có cả những lời khuyên “cut off” tức thì, không tiếc thương cho một hôn nhân. Các lời khuyên xem ra “đáng giá”, phù hợp với lối sống con người hiện đại –  được đăng tải rộng rãi –  phản ảnh cái tức thời của một nhóm người trong cộng đồng, từ người bán hàng, công nhân, trí thức, …cho đến chuyên gia tư vấn hôn nhân- gia đình.

Đó là những hố sâu có thể lấp chìm con người nếu ai đó dễ buông mái chèo để xuôi dòng theo xã hội, theo những khuynh hướng mang tính đại trào, một khi họ đã không đủ sức để đứng vững với những cái dị lạ nhưng đang được bình thường hóa trong xã hội. Vì thế, khi mà xã hội chất chứa quá nhiều những thảm cảnh hôn nhân tan vỡ, bị rạn nứt, những gia đình chỉ toàn màu đen tối… chính là kết quả tất nhiên của xã hội mà chính nó đã định hình.

Chủ nghĩa cá nhân-ích kỷ

Xã hội hiện đại dù là một thế giới của toàn cầu hóa, làm cho con người dễ xích lại gần nhau, nhưng nó lại tạo nên hàng loạt thế giới cá nhân, và không ít những ro-bot người đang tồn tại trong đó.

Nếu tình yêu cần đến sự hướng về đối tượng khác ngoài chủ thể, thì hôm nay, tình yêu mà con người hôm nay đang sống lại có khuynh hướng qui về bản thân, hơn là cho người khác. Nếu tình yêu đòi buộc một sự quên đi bản thân, thì con người thời đại hôm nay hình như đã quên đi mất điều quan trọng ấy. Xem chừng như hạnh phúc của tình yêu được đánh giá qua hàng loạt suy tưởng:  tôi được cái gì, tôi được yêu ra sao, ai yêu tôi, người yêu tôi có quan tâm tôi không, họ làm gì cho tôi…Biết bao người tự hào mình đã yêu, đang yêu…nhưng thực ra, họ lại chưa hề biết yêu đúng nghĩa, khi mà suốt đời, họ chỉ mong được nhận lãnh, nhưng lại không biết cho đi. Một tình yêu kiểu như thế sẽ dần dần khiến con người ngày càng trở nên ích kỷ và bóp chết tình yêu.

Không chỉ đối với hai vợ chồng, nhưng để có một gia đình yêu thương thực sự, ngay cả con cái cũng phải trở nên những đứa con của “yêu thương” khi mà chúng thực sự luôn quan tâm đến cha mẹ, đến những người anh, người chị, đứa em của mình. Thời đại của trào lưu gia đình ít con đang làm cho những đứa con trên nên ích kỷ hơn bao giờ hết.

Chúng trở thành ông chúa, bà hoàng trong gia đình, và luôn bắt cha mẹ, người khác phải phục vụ, cung ứng cho chúng đủ điều. Sự sai lầm trong giáo dục, trong lối ứng xử, trong lời nói của ông, bà, cha mẹ…đã tạo nên cho chúng một tình yêu quy kỷ và độc đoán. Đó là những thảm cảnh của gia đình, khi mà, tình yêu trao ban, hướng về người khác không thể nảy nở và sinh hoa trái. Và như thế, những gia đình ấy không thể định nghĩa nổi một tình yêu tự hiến cho nhau là thế nào. Chính vì không định hình nổi một tình yêu hy sinh cho nhau, họ sẽ dần đi đến những chủ nghĩa của ích kỷ, phá vỡ dần mái ấm của chính mình và bóp chết tình yêu của nhau, cho nhau bởi không hề biết hoặc chưa từng quan tâm đến hạnh phúc, suy nghĩ, ước muốn của người khác cho dù sống cùng nhau trong một gia đình.

Chủ nghĩa tự do theo trào lưu thời đại

Quan niệm về cuộc sống được thể hiện qua lối sống. Nhìn vào cách sống của ai đó, chúng ta có thể “đọc” và giải mã được quan điểm sống của người đó thế nào.

Ngày nay, với hàng loạt những sản phẩm của sự tôn thờ cá nhân, cũng như với một xã hội tạo nên những con người ích kỷ, hay theo trường phái tự do theo kiểu muốn gì được nấy, những lối sống dễ dãi…thì hôn nhân – gia đình ngày càng gặp nhiều thách đố, khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều người trẻ, và những người dù đã đang độ tuổi trung niên, hay cả những người cũng đã trải qua một cuộc hôn nhân hơn 30 năm, cũng đã và đang rời xa những quy tắc, chuẩn mực giá trị đạo đức trong hôn nhân theo truyền thống xưa.

Họ bỏ xa những mực thước đó để đổi lấy một lối sống tự do, dễ dãi, phóng khoáng hơn trong tình yêu, trong hôn nhân – gia đình. Vì thế, không lạ gì khi biết họ luôn có những thời khắc “say nắng” một cách có tính toán, coi thường sự thủy chung trong gia đình. Hôn nhân – gia đình đôi khi mang tính thực dụng, không phát sinh hoặc được dưỡng nuôi từ tình yêu. Vì thế, sự bền vững của một cuộc hôn nhân trở nên như một thách đố thật khó khăn đối với người trẻ thời đại hôm nay. Họ sẽ sẵn sàng từ giã hôn nhân của mình, “giải phóng” chính mình ra khỏi những ràng buộc, mà đối với họ, không cần phải chịu đựng lâu hơn nữa. Hôn nhân nhanh chóng đến, và cũng vội vã ra đi xem như thể chưa từng có.

Sự nghèo nàn tri thức, kỹ năng 

Cũng đã có rất nhiều những người tìm đến hôn nhân và lập gia đình mà không hề chuẩn bị cho mình những tri thức, kỹ năng cần thiết để sống, nuôi dưỡng và xây đắp tình yêu hôn nhân – gia đình. Sự thiếu hụt này dễ dẫn đến những “cơn ác mộng” thật trái ngược với cuộc hôn nhân mà họ đã từng thêu dệt, đưa họ đến những sai lầm đáng tiếc trong đời sống, khiến hôn nhân – gia đình dễ dẫn đến tan vỡ. Tình yêu trong hôn nhân ngày càng nhạt, không sắc thái, không hương vị, và dĩ nhiên, nó phải đến hồi kết xấu. Sự nghèo nàn trong suy nghĩ, trong ứng xử, trong cách thể hiện tình yêu cho nhau, hay không biết thông cảm với những giới hạn của bạn đời, của con cái, của cha mẹ, không biết nâng đỡ, giúp nhau vượt qua lầm lỗi…sẽ là những “quả bom nổ chậm” phá hủy hạnh phúc gia đình. Nếu không đủ tri thức, kỹ năng, đặc biệt với một tâm hồn cao thượng, thì hôn nhân mau chóng chứa đầy những than trách, càm ràm, to tiếng, chửi rủa, mệt mỏi, chán chường…và rơi vào bế tắc.

Một trái tim quá nhỏ!

Trái tim đủ lớn không đo bằng thực tại người khác có thể nhìn thấy được, nhưng bằng chính chiều sâu, chiều rộng và bề mặt không giới hạn khi thể hiện tình yêu.
Ngày hôm nay, xem ra, người ta yêu nhau bằng trái tim quá nhỏ! Sự nhỏ nhoi của nó không đủ để chất chứa người mình yêu, ôm chặt lấy những người khác, cho dẫu trong cùng một gia đình. Trái tim không chỉ nhỏ nhưng còn thiếu chất dinh dưỡng để nuôi nó, với những điều dị thường, đen xám. Nhỏ quá nên nó không thể bảo vệ tình yêu, không thể nuôi được tình yêu, nên chấp nhận một hôn nhân – một gia đình tan vỡ.

Không biết, đã quên, hoặc cố tình phớt lờ đặc tính, mục đích của Hôn nhân Công Giáo, coi thường giá trị của ân sủng trong Bí tích Hôn Nhân.

Điều này rất dễ nhận ra nơi nhiều bạn trẻ Công Giáo sắp bước vào hôn nhân, hay cả đối với nhiều người Công Giáo đang sống đời hôn nhân – gia đình. Tất cả đều được tạo điều kiện để học giáo lý Hôn Nhân, để biết đến đặc tính, mục đích hôn nhân Công Giáo cũng như giá trị ân sủng nơi Bí tích Hôn nhân mà họ được Thiên Chúa ban tặng. Tuy nhiên, đã có nhiều người học cho có, cốt cho xong để hoàn tất các thủ tục cho cuộc hôn nhân. Sự coi thường này đã thực sự là mối nguy hại cho chính cuộc hôn nhân của họ, khi họ đã quên hoặc cố tình quên mục đích, đặc tính và không đặt niềm tin, không biết đến ân sủng hoặc cố tình quên đi ân sủng từ Bí tích họ lãnh nhận. Vì vậy, cho dù là người Công Giáo, nếu hôn nhân xem ra chẳng như “mơ”, hoặc trải nhiều hoa thơm, họ sẽ dễ dàng “gỡ bỏ” hôn nhân, đường ai nấy đi, bất chấp tính vĩnh viễn của Bí tích Hôn Nhân đã được Đức Kitô thiết lập.

Thiếu vắng đời sống cầu nguyện

Biết bao người Công Giáo sống hôn nhân – gia đình cũng đã liều lĩnh để chọn lấy thảm cảnh đường ai nấy đi, cho dù Bí tích Hôn Nhân không cho phép. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đau lòng ấy, phải nhìn nhận rằng, hầu hết các gia đình ấy đã thiếu vắng đời sống cầu nguyện chung và riêng. Những thời khắc trong một ngày chiếm chỗ cho quá nhiều dự tính, công việc, giải trí… nhưng họ lại không dành ra một chút thời gian nhỏ nhoi để mỗi người cầu nguyện riêng hoặc cầu nguyện chung với nhau. Họ đã quá quan trọng nhiều những điều tạm bợ, và thật sai lầm khi bỏ qua điều cốt lõi của đời sống Kitô hữu và của đời hôn nhân- gia đình. Nhiều đứa trẻ lớn lên trong gia đình không được cha mẹ hướng dẫn cầu nguyện, khi mà chính cha mẹ chúng cũng đã chẳng cầu nguyện thường xuyên hoặc chẳng biết đến cầu nguyện là gì. Nếu ngay cả khi bố mẹ coi thường việc cầu nguyện, thì đương nhiên, con cái họ cũng sẽ không biết cầu nguyện, và sẽ trở thành những con người không có đời sống thân mật với Thiên Chúa trong chính cuộc sống của chúng. Và rồi, cái gì đến rồi cũng sẽ đến!

Những lý do vừa nêu trên ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân – gia đình đã và đang tiếp tục trở nên những mối nguy hại cho bất cứ ai đang sống trong đời hôn nhân, hay cho bất cứ một gia đình nào. Đó chỉ là những nguy hại được định hình rõ nét, còn biết bao nhiêu thách đố khác nữa đang tiềm ẩm để gây nên những hôn nhân rạn nứt, gia đình ly tán, không còn nơi để yêu thương.

Sưu tầm

Bình luận