Icon Collap
...
Trang chủ / Để có một gia đình yêu thương

Để có một gia đình yêu thương

Yêu bằng tình yêu của Tin Mừng
Để có một gia đình yêu thương, đặc biệt đối với gia đình Công Giáo, cả người chồng lẫn người vợ, và cả đối với con cái trong gia đình, mọi người phải “biết đổi mới” chính mình để trở nên những người biết yêu thương thật sự đối với nhau. Họ phải biết thế nào là một tình yêu thật sự (a true love), khi trao hiến cho nhau, vì tình yêu thật và đúng nghĩa khi tình yêu đó luôn quy hướng về người mình yêu và làm cho người mình yêu được hạnh phúc. Đó là tình yêu của trao ban, chứ không phải sự chực chờ để nhận lãnh.
Trao ban, hành vi đầu tiên của tình yêu, để rồi, sau đó tình yêu được lãnh nhận. Một tình yêu không quy kỷ, nhưng là trao hiến, là hướng về chủ thể khác, người mình yêu, chứ không quy về bản thân, theo mẫu gương của Chúa Giê-su đã sống và thể hiện tình yêu của Ngài với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và cho con người. Nếu từng người biết cúi xuống để rửa bàn chân cho nhau như Đức Giêsu đã làm, chắc chắn tình yêu sẽ lớn dần, đơm hoa kết trái ngọt ngào trong ngôi nhà của họ.
Chúa Giêsu, khuôn mẫu của tình yêu, Ngài đã đến và ở giữa trần gian, để sống và trao hiến tình yêu cho tất cả, ngay cả với những kẻ quay lưng, chống đối và đẩy Ngài đến cái chết đầy đau thương.
Nếu mỗi người trong gia đình biết yêu bằng một tình yêu Chúa Giêsu đã sống và nêu gương, chắc chắn, hạnh phúc sẽ luôn đầy ắp dưới mái gia đình, ngay cả khi con thuyền họ lâm vào nguy nan. Không biết bao nhiêu người đã phải đối diện, phải sống với với những vết đau thương của bội phản, dối gian của chính người mình yêu thương, những hư hỏng của con cái…nhưng với ân sủng, sức mạnh của Thiên Chúa và với tình yêu của Tin Mừng, họ đã vượt qua được giông tố bão bùng, giúp người mình yêu trở lại con đường của tình yêu thực.
Tình yêu của Tin Mừng chính là tình yêu của sự quảng đại, chấp nhận hy sinh bản thân, một tình yêu của sự nhẫn nhục, hiền hậu, vị tha, tin tưởng, chịu đựng, không nóng giận, không nuôi hận thù…(x. 1Cr 13, 4-7) không chua cay, gắt gỏng, thóa mạ lẫn nhau (x. Rm 4, 31), phục vụ lẫn nhau (x. Rm 5,21), yêu thương nhau như Đức Kitô yêu thương và hiến mình vì Hội Thánh (x. Rm 5, 25), mỗi người yêu vợ (hay chồng) của mình như yêu chính mình (x. Rm 5,28).
Với con cái, “hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo” (Rm 6, 1). Phần cha mẹ, thánh Phaolô cũng nhắc nhở “đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Rm 6, 4).
Tình yêu nên một trong những cái khác biệt
Tình yêu hiệp nhất, nên một trong nhau của cả hai người nam – nữ trong hôn nhân đã được Chúa Giêsu nhắc đến trong bài giảng của Ngài (x. Mt 19,4-6). Sự trở nên một, hiệp nhất với nhau không đánh mất những khác biệt trong cá tính, trong sở thích, trong quan điểm cá nhân nhưng là làm cho những khác biệt ấy có một lối mở để đi tới hiệp nhất, cho cả hai, nhưng vẫn có một bức tranh đẹp của những nét riêng biệt. Hiệp nhất đúng nghĩa sẽ đem lại hương thơm cho đời hôn nhân, đem lại cho mỗi người hạnh phúc trong cảm nhận, trong cách sống, trong ứng xử, trong lối nhìn về người khác nơi chính gia đình mình.
Nếu biết tạo nên những con đường chung để cùng thể hiện tình yêu, gia đình sẽ thực sự trở thành một gia đình đầy ắp hạnh phúc, nụ cười và rất độc đáo trong bức tranh tình yêu này. Mỗi người sẽ bổ túc và hoàn thiện lẫn nhau trong những điểm ưu và hạn chế của mỗi cá nhân. Để có được bức tranh đẹp ấy, chắc chắn, mỗi thành viên trong gia đình phải biết ưu tiên chọn lựa những cách thế để sống chung, để cùng chung tay xây dựng tình yêu trong gia đình. Và hơn nữa, sự hiệp nhất ấy còn đòi buộc mỗi người phải hy sinh chính mình để người khác được lớn lên, để có được tiếng nói chung trong gia đình.
Hãy để trái tim được gần Chúa hơn nữa
Đây phải là điều quan trọng cho tất cả mọi Kitô hữu, cho tất cả mọi ơn gọi trong chúng ta. Với những người sống hôn nhân – gia đình, là những người chồng, người vợ hay con cái, đây phải là điều quan trọng trên tất cả. Chính nhờ vào việc gần gũi, tương quan mật thiết với Thiên Chúa, những người sống hôn nhân – gia đình, những đứa con mới có thể có được sức mạnh thiêng liêng để làm cho hôn nhân được hạnh phúc. Tương quan mật thiết với Thiên Chúa qua cầu nguyện chung và riêng trong gia đình, khi tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích để lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa phải là điều căn bản, được chọn lựa ưu tiên cho mọi gia đình Công Giáo. Sự gần gũi với Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta tìm ra thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, tìm ra được bức thông điệp của Chúa muốn nói với mỗi người trong gia đình qua từng biến cố buồn vui, thất bại hay thành công của gia đình. Và chính khi gia đình vượt qua được những sóng gió hãi hùng của đời sống, chính là nhờ vào đời sống cầu nguyện, nhờ vào những giờ khắc mỗi thành viên ở gần bên Chúa, nhờ khi chúng ta biết kêu lên “Chúa ơi, cứu con!” và đưa tay ra cho Ngài nắm lấy (x. Mt 14, 30-31a). Có như thế, hạnh phúc trong gia đình, sự bền vững trong hôn nhân mới có thể đến được cho từng gia đình, cho những ai biết chọn lựa một đời sống đạo đức, cầu nguyện, gần gũi với Thiên Chúa.
Xây dựng, vun đắp tình yêu gia đình bằng nhân cách trưởng thành, với những kiến thức và kỹ năng cần thiết của mỗi người
Tình yêu trong hôn nhân – gia đình được gạn lọc, chắt chiu từ những con người trưởng thành thực sự. Sự trưởng thành này không hàm ý tuổi tác, nhưng chính là sự trưởng thành trong nhân cách, trong suy nghĩ, trong lối ứng xử…Tình yêu hôn nhân – gia đình không thể được nuôi dưỡng bởi những kiểu” trẻ con, non dạ”, nhưng nó phải là kết quả của sự trưởng thành của hai người trong hôn nhân. Điều này không có nghĩa mỗi người sẽ không còn nữa những hạn chế, những giới hạn hay khiếm khuyết của bản thân, nhưng là từng người phải biết đứng dậy sau những vấp ngã, biết chọn lựa bài học cá nhân qua những trải nghiệm đời sống hôn nhân – gia đình và biến chuyển chúng trở nên tốt hơn. Mỗi ngày, trong mỗi sự kiện, biến cố, họ luôn phải có một bài học mới trong đời sống hôn nhân – gia đình và đúc kết chúng thành những điểm ưu để xây dựng hạnh phúc cho chính gia đình của mình.
Không chỉ đối với các vị làm cha, làm mẹ, ngay cả với những đứa con, chúng cần phải được giáo dục để biết hiểu đúng, làm đúng, ứng xử tốt trong chính gia đình của chúng. Giáo dục con cái là cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài và đó cũng là nhiệm vụ chính của các bậc làm cha mẹ. Giáo dục con cái từ thưở còn trong thai, qua từng giai đoạn, trong suốt đời của chúng. Để khi chúng lớn lên, một gia đình mới được hình thành, cũng là lúc một tổ ấm mới chan chứa những hạnh phúc, nụ cười và đẹp mãi. Và nơi con cái, để sống thành người con ngoan, chúng cần phải tự đào luyện, lớn lên, trưởng thành trong mỗi ngày. Chúng phải hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của chính mình trong việc xây dựng, nuôi dưỡng và bảo vệ hạnh phúc gia đình hợp với đạo hiếu làm con Chúa và con của cha mẹ mình.
Nếu mỗi gia đình Công Giáo biết xây dựng, nuôi dưỡng và bảo vệ hạnh phúc – tình yêu nơi gia đình của mình, biết yêu nhau bằng tình yêu của Tin Mừng … thì những bức tranh gia đình Công Giáo ấy sẽ trở nên những hình ảnh thật đẹp, thật hiếm có, và thật đáng quí giá biết chừng nào trong xã hội hôm nay. Đặc biệt, một mái ấm gia đình Công Giáo đầy ắp tiếng yêu thương chính là lời loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay giữa một xã hội đang dần xa Thiên Chúa, đang coi thường những giá trị đạo đức, đang tôn thờ những tự do cá nhân, nơi đang có biết bao gia đình tan vỡ, những mái nhà dột nát tình yêu … Lời loan báo Tin Mừng ấy phải được nói trên mái nhà, trong mọi ngõ ngách của đường phố, là tiếng vang, là niềm vui Tin Mừng cần phải được chia sẻ để mời gọi con người hôm nay tìm đến và trở về với Thiên Chúa. Đó chính là sứ vụ mà mỗi người Kitô hữu, dù trong bất cứ ơn gọi nào cũng phải thi hành trong chính cách sống của ơn gọi mình đã lãnh nhận.
Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, OP
Trích: giaophanxuanloc.net
Bình luận