Catherine de Hueck Doherty, người sáng lập Tông Hội Đức Mẹ, đã có một cuộc phỏng vấn hết sức ý vị với tôi. Một nhân vật nhiều người biết đến và kính trọng về lãnh vực thiêng liêng, nhưng bà nhận thấy hành trình thiêng liêng của bà không dễ chút nào. Tại sao? Bởi vì như tất cả chúng ta, bà thấy mình phức tạp một cách bệnh hoạn. Bà thừa nhận, làm người thật là khó.
Sau đây là lời của Catherine tự nói về mình:
Trong tôi, dường như có ba con người khác nhau. Một là Nam tước phu nhân, người năng nổ trong đời sống thiêng liêng, say mê cầu nguyện, sống đời khổ hạnh. Bà ấy là người đã lập dòng tu, viết sách đạo đức, tận hiến đời mình cho Thiên Chúa và người nghèo. Bà đọc lời Chúa, và sốt ruột trước mọi chuyện của thế gian này. Đối với bà Nam tước, cần phải hy sinh cuộc sống hôm nay cho cuộc sống mai sau.
Nhưng trong tôi, cũng có một người khác mà tôi gọi là Catherine. Trước hết và lúc nào, Catherine cũng là một phụ nữ, luôn luôn thích các thứ xa xỉ, đắt tiền, tiện nghi, khoái lạc. Cô thích nhàn nhã, tắm gội hàng giờ, áo quần lượt là, điểm trang son phấn, ăn ngon, và nếu có chồng cũng thích một đời sống chăn gối lành mạnh. Catherine thích hưởng thụ cuộc đời và không muốn sống khó nghèo. Đặc biệt cô không đạo đức tâm linh như bà Nam tước, trái lại còn ghét và xung khắc với bà ấy nữa.
Tuy vậy, trong tôi vẫn còn một con người nữa, không giống Catherine cũng không giống bà Nam tước, đó là cô bé nằm chơi trên một sườn đồi xứ Phần-lan, ngắm mây trời và mơ mộng. Cô bé không thích Catherine cũng không thích bà Nam tước.
… Và càng về già, tôi càng cảm thấy mình giống bà Nam tước hơn là Catherine. Tuy thế tôi nghĩ, con người thật sự trong tôi là cô bé thích nằm mơ mộng trên sườn đồi.
Nếu những lời này do một người luôn luôn đấu tranh để hoán cải thì nó sẽ không nặng ký. Nhưng đây là lời của một bậc thầy tâm linh, đã vững vàng từ lâu trong đời sống tông đồ, và cũng từ lâu đã nguyện làm tông đồ hết lòng phụng sự Thiên Chúa và phục vụ người nghèo. Các vị Thánh mà còn đấu tranh như vậy, thử hỏi những người như chúng ta sẽ đấu tranh như thế nào?
Đó là điều đáng lưu ý. Các thánh cũng đấu tranh như mọi người. Làm người thật khó thay! Và thậm chí rất phức tạp nếu bạn đấu tranh để giữ mình, vượt ra những gì đến một cách tự nhiên, một cách đạo đức và một cách tâm linh.
Giống như Catherine de Hueck Doherty, chúng ta có những con người khác nhau bên trong. Bên trong mỗi người chúng ta có con người đức tin, người muốn sống theo Bảy Mối Phước Thật, hài hòa theo chân lý, lẽ phải của Phúc âm. Trong mỗi chúng ta cũng có một chiến sĩ sẵn sàng chết vì người khác, một “Mẹ Têrêxa” quên mình phục vụ người nghèo, một nghệ sĩ đạo đức muốn tiến xa hơn trên con đường tìm kiếm an bình. Nhưng ngoài ra, bên trong chúng ta còn có con người muốn nếm hưởng tất cả khoái lạc đời này, theo chủ nghĩa hưởng thụ vật chất xác thịt, người phóng đãng, người duy vật, người theo thuyết bất khả tri, và người ích kỷ. Nhưng bên cạnh đó, mỗi người trong chúng ta cũng có một cô bé hay cậu bé ngây thơ, mơ mộng, ngắm mây trời trên một sườn đồi nào đó, đặc biệt không thích thành thánh hay người tội lỗi.
Đâu là con người thật của chúng ta? Là tất cả. Chúng ta là tổng thể của những con người này: thánh thiện và ham mê khoái lạc, vị tha và vị kỉ, sẵn sàng hy sinh vì người khác và chỉ thích hưởng thụ, có đức tin và cứng lòng tin, nghệ sĩ đạo đức và người phóng đãng, đứa trẻ hồn nhiên và người lớn mệt mỏi; và công việc của cuộc sống không phải là “đóng đinh” người này người kia, nhưng là tạo hài hòa với nhau.
Như chúng ta biết, hòa bình không chỉ có nghĩa là không có chiến tranh. Nó mang nghĩa tích cực hơn. Vậy điều gì tạo nên hòa bình? Có hai điều: hài hòa và toàn hảo.
Một giai điệu âm nhạc sẽ êm tai khi tất cả các nốt riêng lẻ kết hợp với nhau tạo nên hòa âm, giai điệu. Đặc tính của hài hòa là không gây ra bất cứ một bất hòa nào. Tuy nhiên có một đặc tính khác: Để trình tấu một giai điệu, bạn cần có một bàn phím đầy đủ. Hài hòa phụ thuộc vào việc bạn có đủ phím đàn để chơi tất cả các nốt mà bản nhạc đòi hỏi. Một bàn phím với hàng phím rộng của mọi khả năng thì không có gì là xấu.
Điều đó cũng đúng với bản chất con người. Sự phức tạp không phải là kẻ thù mà là bạn của chúng ta. Tất cả những trái ngược có tính cách bệnh hoạn này ở trong con người chúng ta, chính xác là những cấu tử hình thành chiếc bàn phím cho chúng ta. Đúng vậy, bởi vì có khi chúng ta thánh thiện và cũng có khi mắc tội, sẵn sàng hy sinh vì người khác nhưng cũng ham mê khoái lạc, trưởng thành và trẻ con, và liệu chúng ta có đủ phím để chơi tất cả những bản nhạc khác nhau mà cuộc sống trao cho chúng ta?
Điều bí mật, dĩ nhiên, nằm ở hòa âm và giai điệu. Chúng ta cần tránh va đập vào bàn phím một cách tùy tiện, vô kỷ luật bởi nó sẽ phát ra những âm chói tai. Tất cả chúng ta có đủ kinh nghiệm trong cuộc sống để hiểu điều đó. Sự hài hòa sẽ có khi chúng ta ráp các mảnh phức tạp lại với nhau trong một trật tự để có một giai điệu đẹp.
Và dĩ nhiên, càng nhiều nốt nhạc khác nhau, bản nhạc càng đa âm, giai điệu càng phong phú.
J.B. Thái Hòa dịch