Con người vốn dĩ là một thực thể phức hợp bị đan quyện bởi những yếu tố tâm – sinh lý, môi trường giáo dục gia đình, tác động của văn hóa – xã hội và đời sống tâm linh – tôn giáo. Bởi vậy, để hiểu được phần nào về con người, về những trục trặc về tâm sinh lý nơi một số trường hợp cá biệt, chúng ta có thể tìm hiểu những chiều kích khác nhau về thực hữu của nó để có được cái nhìn toàn diện hơn.
VỀ SINH LÝ, có thể nói mỗi người vẫn được xem là một trong những phiên bản do cha mẹ họ tạo nên. Con người bị chi phối bởi những gì họ đã đón nhận và phải đón nhận từ bố mẹ, dòng tộc, dòng họ để tạo nên hình hài, phong thái, diện mạo, dáng đi, ánh mắt, tính dục, chỉ số thông minh cũng như những tính cách ứng xử của họ bây giờ. Thêm vào đó họ cũng có thể đón nhận từ dòng tộc những bệnh tật mang tính di truyền để lại như bệnh lao, tâm thần, viêm gan…và những bệnh tật khác do những yếu tố như môi trường, khí hậu, tai nạn, ngộ độc… gây ra. Hơn nữa, vì là một sinh vật nên con người phải chịu chi phối rất mạnh bởi những đòi hỏi của bản năng thân xác như ăn uống, giải trí, làm đẹp, sinh hoạt giới tính…Bởi vậy, xét về mặt sinh học, người ta vẫn nói, cơ thể của mỗi người có thứ ngôn ngữ riêng, có một đồng hồ sinh học riêng của nó, có lối vận hành riêng, nhiều khi khiến cho con tim và lí trí cũng không thể hiểu được nó. Hiểu về cấu trúc sinh học, sinh lý và nguồn gốc tạo nên những cấu trúc này chúng ta sẽ có cơ sở để hiểu thêm về chính mình.
VỀ MẶT TÌNH CẢM, con người vốn dĩ là một hữu thể biết yêu, muốn yêu và tha thiết được yêu lại một cách mãnh liệt và cụ thể. Đồng thời, mỗi con người lại có cả một kho lịch sự tình cảm riêng biệt, những câu chuyện tình dài dòng, rắm rối của họ cũng không ai có thể biết được mà chỉ có đương sự với ơn của Chúa và sự soi sáng của nhà trị liệu mới nhận ra được. Từ lúc thành thai trong dạ mẹ cho đến bây giờ, bên cạnh yếu tố di truyền, thân chủ đã phải trải nghiệm bao nhiêu thứ cảm xúc nơi mình và trong mình như người ta vẫn gọi chúng là thất tình gồm: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục; nghĩa là vui mừng, giận dữ, buồn sầu, hoan lạc, yêu thương, ghét bỏ và ham muốn.
Riêng xét về những đối tượng của tình yêu như tình yêu thương dành cho trong gia đình, tình bằng hữu, tình đồng đạo, đồng chí, tình yêu lứa đôi, yêu quê hương, đất nước, yêu những lí tưởng, mục đích mà mình đang theo đuổi…cũng đã thấy choáng ngợp rồi. Đặc biệt, trong từng người, có những nỗi buồn, nỗi nhớ, day dứt, man mác không nguôi, những nỗi đau xé ruột, xé gan, những nỗi sợ, nỗi lo mà vừa nhắc tới thì khuôn mặt đã lập tức biến sắc, những nỗi hận cuộn tròn như dòng sông lửa… Tất cả chúng đan quyện và chất chồng từng lớp với nhau và làm thành một khối hộp tình cảm phức hợp, lẫn lộn, tuôn chảy cuồn cuộn dữ dội và khá mạnh trong con người của mình, khiến cho mỗi người muốn định hình lại tình cảm thật của mình bây giờ là gì? Và tình cảm đang thực sự chi phối cảm xúc của tôi lúc này cũng không thể dễ dàng thực hiện được. Cũng vì thế mà văn hào Pháp Pascal đã có lí để mà nói “Con tim có những lí lẽ riêng của nó mà lí trí không sao hiểu nổi”.
Liệu thân chủ của chúng ta đã trải qua những kinh nghiệm cảm xúc này như thế nào trong quá khứ và hiện tại? Và đâu là nỗi buồn da diết, nỗi nhớ không nguôi, đâu là những nỗi đau xé ruột, những nỗi sợ gai cả người, những nỗi hận luôn gào thét đòi báo thù, không tha thứ được… đang âm ỉ chảy đều trong trái tim họ?
VỀ MẶT LÍ TRÍ, tức sự nhận thức hay hiểu biết của mỗi người cũng ảnh hưởng rất lớn đến con người của họ. Từ chỉ số thông mình mà mỗi người tiếp nhận từ gia đình, dòng tộc đến việc giáo dục trong gia đình, quá trình học hành nơi bạn bè, học đường, nhà thờ, nhà chùa, những thành tích hay kết quả học tập đều là những cơ sở để tạo nên sự hiểu biết của mỗi người. Có những em lúc hai tuổi đã có khả nặng nhận thức và lưu giữ ký ức khá rõ ràng, xác tín. Nhưng cũng có những em trước năm tuổi vẫn khó nhớ về những ký ức đã xảy ra. Khả năng nhận thức và lưu giữ thông tin cũng đóng góp một phần vô cùng quan trọng lên toàn thể con người của mình. Bên cạnh đó, khả năng phán đoán, phân tích, tổng hợp, khả năng lưu giữ trí nhớ, hoạt động của trí tưởng tượng nơi mỗi người, cũng góp phần không nhỏ trong việc làm nên thực hữu của từng người. Sự hiểu biết về chính mình, về những thực tại khách quan càng không thể xem nhẹ được, nếu chúng ta muốn hiểu đúng về con người.
Ý CHÍ BẢN LÃNH cũng là một chỉ báo độc đáo nơi con người và góp phần làm nên sự khác biệt của mỗi cá nhân. Nói đến ý chí là nói tới bản lãnh, sự quyết tâm, sự tự quyết, tính kiên trì, sự táo bạo đột phá trong suy nghĩ và hành động của mỗi người. Có những người học cao, sự hiểu biết khá, những vẫn không thành công mấy trong cuộc sống vì ý chí của họ khá yếu ớt. Bên cạnh đó, có những người ít học nhưng sự lì lợm, táo báo của họ đã mở ra những cuộc đột phá có khả năng không chỉ thay đổi cuộc đời họ mà còn thay đổi cả nhiều người khác. Để nắm bắt được ý chí con người, người ta có thể thấy nó trải đều trong cả tiến trình từ nhỏ đến nay, ngang qua từng biến cố, sự kiện của họ. Nếu muốn kiểm định ý chí của họ thì vẫn có những bài tập giúp khám phá được điều này nơi họ.
MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA XÃ HỘI, Con người là một hữu thể có tính xã hội, được tạo ra để sống chung, sống cùng với người khác và cho người khác. Con người chỉ trở thành người và là người đúng nghĩa khi biết đặt mình trong đời sống chung của xã hội. Từ lúc chào đời, con người bắt đầu học cách trở thành người từ trong gia đình của mình. Những sinh hoạt, những biểu hiện, những cách lối giáo dục của bố mẹ, những người chung quanh đã là những cửa ngỏ dẫn cá nhân đó sớm hội nhập vào trong xã hội loài người. Bước ra khỏi ngôi nhà của mình, cá nhân đó tiếp nhận những sinh hoạt, các tập quán văn hóa làng xã, những trò chơi của trẻ em, tới nhà trẻ, tới trường học, đi làm trong các tổ chức, công sở… càng ngày cá nhân càng phải học cho biết cách thích nghi và tồn tại trong xã hội. Tiến trình xã hội hóa đã dẫn cá nhân đi sâu vào trong đời sống chung, nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm thức, suy nghĩ, ý chí và hành động của họ sau này. Chỉ cần quan sát tính cách, khả năng ứng xử của người miền bắc, miền trung và miền nam chúng ta dễ dàng nhận ra sự ảnh hưởng của môi trường văn hóa lên đời sống của từng cá nhân lớn như thế nào.
Đặc biệt cần lưu ý đến môi trường truyền thông của kỹ nghệ thông tin đại chúng hôm nay, chúng đã dần dần thay thế cha mẹ, thầy cô giáo trong cách giáo dục, hành xử cũng như quan niệm sống của họ. Tuổi dậy thì sớm, quan hệ tính dục sớm, quan hệ tính dục trước hôn nhân, hiện tượng loạn luân, phá thai, chơi bời trác tác, nhận thức sớm… là những hệ lụy tất yếu do tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như cá nhân hôm nay.
Con người chịu tác động rất lớn của môi trường giáo dục nơi gia đình, xã hội, những tác nhân văn hóa, những nhu cầu tôn giáo…
Gioan Lưu Ngọc Quỳnh