Icon Collap
...
Trang chủ / Tâm sự của bà mẹ chồng cho nàng dâu về ngoại ăn Tết

Tâm sự của bà mẹ chồng cho nàng dâu về ngoại ăn Tết

Mấy năm gần đây, tôi thấy người ta hay bàn đến chuyện các cặp vợ chồng trẻ ăn Tết nhà nội – nhà ngoại như thế nào. Và tôi thấy một ý tưởng rất hay là một năm ăn Tết nhà nội, một năm ăn Tết nhà ngoại. Bởi bây giờ các gia đình hầu như đều ít con, giới trẻ đi học, đi làm lại thường hay kết hôn xa, không thể chạy đi chạy lại được.

Con dâu tôi quê Hà Tĩnh, ra Hà Nội làm dâu. Từ khi chúng kết hôn đến nay đã 5 năm, tôi cũng thực hiện “chính sách” đó. Nhà thông gia chỉ có hai cô con gái, cô chị lấy chồng gần nhà nhưng cũng không thể ở luôn nhà ngoại dịp Tết. Bởi vậy cứ cách 1 năm, tôi lại để hai vợ chồng nó đưa con về Hà Tĩnh. Mặc dù ở ngoài này, thiếu con cháu cũng buồn. Nhưng từ cuộc đời làm dâu của mình, tôi thấy điều đó là hoàn toàn đúng đắn.

Tôi sinh ra ở miền trung du của tỉnh Vĩnh Phú xưa (nay là Phú Thọ). Bố mẹ tôi thuộc thế hệ xưa nhưng suy nghĩ khá tân tiến. Cuộc sống khốn khó nên ông bà xác định chỉ sinh 2 đứa con. Vậy là trong khi xung quanh nhà nào cũng như lớp nhà trẻ thì nhà tôi chỉ vỏn vẹn 2 chị em. Em trai kém tôi 3 tuổi. Tuy không được đông vui như nhà người ta nhưng bù lại, chúng tôi được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn.

Tôi thoát ly xuống Hà Nội làm ở một xí nghiệp cầu đường. Em trai tôi thì làm giáo viên ở huyện. Về Hà Nội, tôi gặp chồng mình và kết hôn. Nhà anh gốc Hà Nội, bố mẹ đều là viên chức nhà nước. Cuộc đời làm dâu của tôi có thể nói là chẳng vui vẻ gì bởi gặp phải bố mẹ chồng khó tính, quy tắc và cổ hủ. Chồng tôi là con út nên ở với ông bà, mọi chuyện đều do ông bà quyết định. Bố chồng tôi tính hà khắc nên nhất nhất phải tuân theo quyết định của ông. Còn mẹ chồng thì luôn có tư tưởng “con gái là con nhà người ta”. Bởi vậy mà áp lực sinh con trai đặt lên tôi vô cùng lớn. May sao, tôi lại sinh được 2 đứa con trai.

Bình thường, tôi có công ăn việc làm nên cũng không có mấy mâu thuẫn với bố mẹ chồng. Hơn nữa thời đó, con dâu không có tiếng nói, dù ấm ức trong lòng tôi cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, tôi lại thấy sợ. Tôi sợ phải phục vụ nhà chồng, sợ cảm giác nhớ nhà, nhớ bố mẹ tới nao lòng. Hơn 30 năm làm dâu, tôi chưa từng một lần được về quê ngoại ăn Tết, chỉ có thể về thăm bố mẹ chớp nhoáng vào trước hoặc sau Tết. Bố chồng tôi là trưởng họ, lại cầu kỳ nên mỗi dịp Tết đến, tôi xoay như chong chóng mà vẫn không kịp. Nào là dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, gói bánh chưng, trông bánh chưng, làm cơm tất niên, làm lễ cúng Giao thừa, làm cơm cúng mùng 1, mùng 2, mùng 3… Tất cả những công việc ấy, nhà chồng mặc định là của tôi, mẹ chồng thì mải đi lễ cuối năm, đầu năm nên cũng chẳng hỗ trợ việc gì. Sinh 2 đứa con trai, tôi cũng chẳng được chúng giúp đỡ khi ngay từ nhỏ đã được ông nội truyền cho tư tưởng “bếp núc là chuyện đàn bà”.

Thú thực bây giờ nghĩ lại, tôi thấy phận làm dâu ngày xưa sao mà cay đắng. Tôi biết rằng không chỉ mình mà rất nhiều phụ nữ phải chịu cảnh như vậy. Bố mẹ mang nặng đẻ đau, mất công nuôi dưỡng mà cuối cùng lại vò võ một mình, trong khi con gái lại tất bật lo lắng cho nhà chồng. Tôi nhớ có năm về thăm bố mẹ trước Tết. Năm đó em trai tôi vẫn chưa lấy vợ, vẫn ham chơi theo chúng bạn. 28 Tết mà trong nhà vẫn quạnh quẽ vì mẹ nói: “Nhà có ai đâu mà sắm sửa, bày vẽ”.

Về ăn được cùng bố mẹ bữa cơm, chồng đã giục tôi nhanh chóng bắt xe về. Nhìn cảnh bố mẹ bắt gà, đùm gạo nếp biếu thông gia rồi bịn rịn tiễn con đi, tôi vừa đi vừa quệt nước mắt. Thương bố mẹ nên có năm, tôi cũng lấy hết can đảm xin phép nhà chồng cho được về ăn Tết nhà ngoại vài ngày. Chưa nói hết câu, bố chồng tôi đã đập bàn chan chát: “Xưa nay làm gì có lệ như thế”. Vậy là tôi lại lủi thủi xuống bếp khóc một mình. Cái Tết của tôi chỉ nhẹ nhàng hơn khi bố mẹ chồng lần lượt qua đời. Chồng tôi tuy có ảnh hưởng tư tưởng của bố chồng nhưng cũng không để ý mấy chuyện sắm sửa, lễ lạt rườm rà. Nhưng lúc đó, bố mẹ tôi cũng không còn nữa để con gái có cơ hội về ăn Tết cùng.

Ảnh minh họa.

Thấu hiểu cảnh làm dâu xa nên khi con trai dẫn cô gái quê tận Hà Tĩnh về xin làm đám cưới, tôi đã xác định sẽ thực hiện “chính sách” đổi mới. Năm đầu tiên tôi đã bảo hai đứa về nhà ngoại ăn Tết vì sang năm nếu con dâu tôi có bầu, con nhỏ thì không về được. Ban đầu, con dâu tôi rất ngạc nhiên. Nó còn tưởng tôi “thử lòng” nên bảo chồng dò hỏi lại ý mẹ. Tôi cũng tâm sự thật với con dâu về cuộc đời làm dâu của mình để nó hiểu lý do vì sao mẹ chồng lại làm vậy. Ông bà thông gia thấy lạ cũng điện ra tỏ ý thắc mắc bởi xưa nay họ vẫn quan niệm: “Con gái lấy chồng xa coi như mất con”. Tôi bảo họ rằng: “Cái Nga (con dâu tôi) về làm dâu nhà tôi thì thằng Đạt (con trai tôi) cũng làm rể nhà bà. Chúng phải có nghĩa vụ chăm sóc cả hai bên bố mẹ”. Nghe tôi nói, bên thông gia rất vui. Tôi hiểu, bậc làm cha mẹ nào chẳng muốn ngày Tết có con cháu sum vầy.

Không chỉ cho con dâu về ngoại ăn Tết, tôi cũng không đặt gánh nặng sắm sửa, bếp núc lên con dâu. Dọn dẹp, sắm sửa, hai mẹ con cùng làm. Tôi chỉ làm cơm tất niên, cúng Giao thừa và sáng mùng 1. Tôi quan niệm Tết là thời gian nghỉ ngơi, vui vẻ bên gia đình. Vì vậy họ hàng, bạn bè đến chơi chỉ cùng nhau uống ly rượu, nhấm nháp bánh kẹo, trò chuyện chứ không nên bày vẽ mâm cao cỗ đầy, rượu bia, vừa mất thời gian, vừa vất vả. Tới giờ, con dâu tôi vẫn hay đùa: “Mẹ là mẹ chồng hiện đại nhất vịnh Bắc Bộ”.

Không chỉ ngày Tết, không khí gia đình tôi ngày bình thường cũng rất vui vẻ, ấm cúng, mẹ chồng – nàng dâu không có khoảng cách. Tôi nghĩ rằng ở thời đại nào thì mình nên sống phù hợp với thời đại đó. Mình suy nghĩ thoáng, thoải mái thì mình chính là người được hưởng sự thảnh thơi, vui vẻ đầu tiên.

Theo Kiến Thức

Bình luận