Icon Collap
...
Trang chủ / Chuyện về những Ma-sơ già và con người bé nhỏ ở Thủ Thiêm

Chuyện về những Ma-sơ già và con người bé nhỏ ở Thủ Thiêm

Tôi sống ở một chung cư tái định cư dành cho dân Thủ Thiêm về suốt ba năm. Đối diện tòa nhà là phòng khám cho người nghèo của những masoeur là bác sĩ, điều dưỡng Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm.

Thủ Thiêm của những người chịu tái định cư đã hóa thành hình thái khác so với cuộc sống của chính họ trên bán đảo này trước đó. Những căn nhà dần khép kín cửa. Mọi người lặng lẽ và xa cách hơn, như biết bao cư dân đô thị, ở cạnh nhau cả đời và không hề biết mặt. Nhưng phòng khám của masoeur thì khác. Họ vẫn rộng cửa, kê bàn ghế và mời nước ở khoảng sân chung. Nhiều bệnh nhân đến đây để được săn sóc và chữa bệnh. Họ hầu hết là cư dân cũ sau cuộc giải tỏa trắng ở Thủ Thiêm hoặc không còn tiền đi chữa bệnh chỗ khác. Một anh lái xe ba gác bán trái cây dưới sân chung cư bị tông xe, anh không thể đi lại bình thường khi vết thương đã liền nên cần vật lí trị liệu. Một bà lão nghèo bị đau cột sống không ngủ được. Cậu giang hồ dáng vẻ hùng hổ bị tai nạn lao động, hàng tuần cũng đạp xe tới tập trị liệu…

Những maseour già đó đã sống cả đời ở Thủ Thiêm. Họ biết anh lái xe ba gác là con ai, cậu giang hồ là em người nào, những đứa trẻ đang chạy trong hành lang là con cháu gia đình nào. Họ trò chuyện với người già, canh chừng trẻ con chơi và chỉ dạy những cô cậu mới lập gia đình về lễ nghĩa ở đời. Họ là nhân chứng và bằng chứng cho thấy rằng từng tồn tại một cộng đồng dân cư có linh hồn ở Thủ Thiêm này.

Dù đã bước lên những tầng cao chung cư đầy lạnh nhạt và tươm tất, Thủ Thiêm chính là sinh cảnh khiến họ trở về bên nhau, gần gũi thân quen như thuở còn sống dọc những con đường đi thẳng ra bờ sông gió lộng.

Giờ đây, đằng sau câu hỏi về bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm mới dấy lên, với tôi còn là chuyện số phận của hơn 15.000 cư dân đã bị “quét” khỏi những ngôi nhà bị giật sập. Trong khi câu trả lời chưa thành hình, từng đoàn người vẫn chờ đợi trước cổng cơ quan chức năng để khiếu nại tìm câu hỏi về mái nhà của họ.

Những người Thủ Thiêm bây giờ, lặng lẽ sống theo hai cách: kiên trì bám trụ lại chờ một sự minh bạch hoặc chấp nhận sinh cảnh bị sắp đặt với tương lai sẽ được, bị nhào nặn theo hình hài nào chưa rõ.

Một nhóm người vẫn kiên trì bám trụ lại mảnh đất Thủ Thiêm. Như ông Lê Văn Lung, từng sở hữu ngôi nhà rộng nghìn mét vuông ngay ngã tư Trần Não – Lương Định Của. Khi bị rơi vào diện giải tỏa, tiền đền bù cho nhà ông là hơn 6 tỷ đồng. Nhưng ông Lung không nhận tiền. Ông nói rằng nhà mình nằm ngoài ranh giới quy hoạch năm 1996 mà thủ tướng phê duyệt.

Tấm bản đồ quy hoạch gây tranh cãi một lần nữa lại làm dấy lên câu hỏi đầy bức bối về số phận của cộng đồng cư dân Thủ Thiêm. “Đất hương hỏa ông bà để lại và nó cũng nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm, cớ sao phải giải tỏa” – chị Phương, một người không nhận đền bù nói. Nhưng cái quy hoạch năm 1996 đó sẽ phải mất thêm một thời gian nữa để tìm lại và xác minh.

Vài gia đình “bản địa” cuối cùng còn ở lại Thủ Thiêm giờ đây sống trong những căn nhà dột nát, ngập nước, rác, chuột bọ nhưng không được phép sửa sang vì trong quy hoạch. Cuộc sống của họ bỗng chốc thành hơn chục năm dài bất ổn. Người kiên quyết ở lại giữ nhà phải gửi con cái ở xa. Người theo đuổi khiếu kiện kéo dài, mất sinh kế. Người nơm nớp nếu trời mưa, nước lại đổ vào nhà với rắn rết, chuột bọ.

Còn nhóm người kia, hàng xóm của tôi, tái định cư và đang vật lộn với lối sống họ chưa từng biết. Người bán hủ tiếu giờ lo xoay xở sao cho cái xe bốn bánh lọt được vào thang máy để xuống đường mỗi sáng. Con gái con trai bà bán bún bò tính toán cô cậu phải làm gì khi cô gái không còn quán bún để phụ mẹ và cậu trai không còn một chân ở chỗ giữ xe. Người ly tán vì những tranh giành tài sản khi có được căn chung cư mới. Người chưa kịp thích nghi với cuộc sống trên tầng cao. Xung đột xảy ra trong những gia đình nhiều thế hệ phải sống trong không gian chật hẹp và mới lạ mà họ chưa chuẩn bị tâm thế.

Trong khi ấy, siêu dự án đô thị Thủ Thiêm rộng 657 hecta giờ đã dần thành hình bên bờ sông Sài Gòn. Những cao ốc và trung tâm thương mại mới sẽ là phần mở rộng đầy hứa hẹn của một Sài Gòn tham vọng trở thành điểm đến hấp dẫn trong Đông Nam Á.

Trong cuộc chuyển mình ấy, lẽ ra số phận của 15.000 cư dân đã phải được đặt lên bàn một cách minh bạch, rõ ràng và bình tĩnh hơn, thay vì để họ phải cầm trong tay bản sao bản đồ quy hoạch và không ngừng tự hỏi về tương lai.

Khải Đơn

Nguồn: conggiaovietnam.vn

 

Bình luận