Một trong những thách đố dành cho con người suốt dòng lịch sử, đặc biệt là đối với những tín hữu Ki-tô, là làm sao có thể chu toàn sứ mạng ngôn sứ để làm chứng cho công lý và sự thật, giữa một thế giới biến động và đầy gian dối luôn vây quanh mình. Đối diện với thực tại thế giới hôm nay, nhìn lại sứ mạng của Đức Giê su, chúng ta có thể nắm bắt được phần nào những bổn phận đầy khó khăn và thách đố của sứ mạng này. Nhờ đó, chúng ta có thể tìm được cho mình những hỗ trợ cần thiết, giúp chúng ta can đảm tiến bước theo chân của ngôn sứ vĩ đại là Thầy Giê su Chí Thánh.
- Khủng hoảng về công lý và sự thật
Có lẽ chưa bao giờ nhân loại trải qua một giai đoạn khủng hoảng về công lý và sự thật, khủng hoảng về lương tri có tầm mức sâu rộng toàn cầu, với những hậu quả khinh khủng như xã hội hậu hiện đại của chúng ta hôm nay. Thực trạng của cuộc khủng hoảng này như thế nào và nguyên nhân của nó đến từ đâu? Chúng ta thử tìm hiểu tiếp.
Trước hết là về sự thật. Chúng ta thấy rõ biểu hiện tỏ tường về cuộc khủng hoảng sự thật đó chính là sự méo mó về tính lương thiện của con người thời nay. Nói một cách cụ thể thì đấy là những thói quen tuyên truyền dối trá, báo cáo láo, ăn cắp, mánh mung, lừa lọc, lươn lẹo và lưu manh chuyên nghiệp đang khống chế và điều khiển tâm thức của nhiều người.
Quả thật, có lẽ chưa bao giờ con người lại dễ dàng nói dối và nói dối một cách thoải mái, vô tội vạ, nói dối một cách hệ thống, có bài bản khiến nhiều người cứ tưởng là thật như con người thời nay. Cứ nhìn những tấm bảng quảng cáo, tiếp thị, những nhãn hiệu bên ngoài, những chiến dịch tuyên truyền với những mẫu mã càng ngày càng tinh quái và đối diện với thực tế của những gì người ta quảng bá, tuyên truyền hoặc nghe những bản tham luận báo cáo thành tích được đọc tại các đại hội, hội nghị đủ các cấp độ khác nhau, hay rảo qua những khu phố để hỏi mua một thứ hàng hóa nào đó, nhiều lúc chúng ta không còn cảm thấy giật mình vì những sự giả dối tỏ tường trong đó nữa. Tại sao vậy ? Thưa rằng vì sự giả dối ngày nay nó nhiều quá và lại được lặp đi lặp lại nhiều lần khiến ta có cảm tưởng thành một thói quen vậy và không mấy bận tâm.
Nói dối vốn là một mối nguy hiểm, một thứ vi trùng độc hại có khả năng không chỉ tiêu diệt một vài cá nhân mà cả thế hệ người nữa. Nhưng cái nguy hiểm hơn là người ta không chỉ nói dối mà còn làm dối, học dối và sống dối nữa. Đọc lại những con số thống kê về hối lộ, những vụ tiêu cực bán độ ngay cả trong bóng đá, những vụ tham ô hối lộ, mua quan tiến chức bằng bạc tỷ của những ông to bà lớn, những công ty trốn thuế, vỡ nợ, những công ty lừa đảo xuyên quốc gia như công ty đa cấp, những công trình xây dựng kém chất lượng nhưng tiêu tốn hàng trăm hàng triệu tỷ đồng như cầu, đường, làm chưa xong đã hỏng, những bằng cấp giả, hàng giả như gạo giả, quần áo giả, mực biển giả, trứng gà giả…ngay cả những thuốc giả và hôn thú giả người ta cũng làm tuốt. Riêng răng giả thì có thể chấp nhận được. Ra thị trường giờ đây khó phân biệt được cái gì là thật, là giả nữa.
Còn học dối, người giả thì sao? Cũng đầy dẫy khắp nơi. Những hiện tượng gian lận quay cóp trong khi thi cử, làm lộ đề thi ra ngoài, mua bán điểm trong các trường học, học thêm tại nhà, mua bán bằng cấp đều nhan nhản. Học dối thì tất phải sinh ra người giả như bác sĩ giả, luật sư giả, kiến trúc sư giả, tài xế giả, thầy tu giả, sơ giả, những giáo sư giả, vợ giả, chồng giả, con giả và cả linh mục giả. Không biết có giám mục giả hay không thì con không chắc. Người giả thì tri thức cũng phải giả thôi. Những vụ mấy năm trước, báo chí làm rùng beng những vụ tranh giành bản quyền, những chuyện bê bối ngay trong giới tri thức như chuyện “Tiến sĩ ta ăn cắp của tiến sĩ Tây và tiến sĩ ta ăn cắp của tiến sĩ ta”, ăn cắp mẫu mã, nhãn hiệu, những bản báo cáo láo…trên báo chí, và chỉ cần định tâm một ít, ta sẽ cảm thấy rụng rời, nhứt nhối về sự thật phũ phàng này. Ấy là chưa kể đến những hệ thống đường dây chuyên làm bằng cấp giả nữa mà thỉnh thoảng báo chí mới phanh phui được.
Đau đớn hơn nữa như một giáo sư đã nhận định là nhiều người thời nay học thì giả nhưng bằng cấp lại thật mới nguy hiểm. Vậy mới xảy đến nhiều vụ tai nạn giao thông, nhiều bệnh nhân chết oan nơi bệnh viện, công lý bị chà đạp nơi pháp đình và sự thật bị nghiền nát bới bạo quyền, gian dối của những cơ cấu xã hội, những nhóm lợi ích khác nhau.
Thứ đến, về công lý thì sao? Chúng ta có thể dừng lại ở các hiện tượng : dân oan mất đất khiếu kiện, các cơ sở, đất đai tôn giáo bị mượn và mượn luôn, những vụ bắt cóc người mờ ám và những phiên tòa, bản án bất công. Hiện tượng dân oan bị cướp đất, cướp nhà đi khiếu kiện dựng lều ăn cội ở lì bên vệ đường, trước những cơ quan công quyền, từ miền Nam tới miền Bắc, từ các tỉnh thành đến thủ đô Hà nội càng ngày càng nhiều. Nhưng vụ cướp đất và đàn áp dân oan một cách thô bạo, dã man và có hệ thống như tại Đồng Tâm… đáng làm cho chúng ta lưu tâm. Đấy chỉ là những vụ mà truyền thông vào cuộc được. Còn biết bao nhiêu vụ khác tại những vùng quê hẻo lánh, người dân không đủ tài, đủ lực để đấu tranh thì đành phải để bị cướp vậy. Có những trường hợp người phụ nữ khỏa thân để giữ đất cũng chịu thua.
Những vụ việc về các cơ sở đất đai tôn giáo bị nhà nước chiếm đóng bằng thuật từ « mượn » rồi dần dẫn cưỡng bức để xóa dấu tích bằng việc xây dựng những cơ sở mới, vì cơ sở cũ đã xuống cấp, nếu không được thì lập tức dùng sức mạnh vũ lực vũ lực, truyền thông để tấn công, vu khống, cướp đoạt, trong đó nổi bật nhất là các vụ Khâm sứ- Thái hà ở Hà nội, Thánh giá ở Đồng chiêm- Hà nội, Loan lý ở Lăng cô, Tam tòa ở Quảng bình, Lộc hà ở Hà tĩnh, Con cuông ở nghệ an, Cồn dầu ở Đà nẵng, Dòng Phao lô và Dòng kín ở Hà nội, Bát nhã ở Bảo lộc và nhiều nơi khác nữa, đã và đang tiếp tục bùng phát. Ngay cả những người đã qua đời nằm nơi nghĩa địa người ta cũng không buông tha.
Những vụ bắt cóc người cách mờ ám, phi pháp luật trong mấy năm gần đây như vụ bắt các sinh viên ở Vinh, ở Sài gòn, nhưng phiên tòa nói rằng xét xử công khai mà dân không được tới dự, các ngả đường đều bị chặn, công an đủ loại bố ráp, cản đường, những bản án bất công, buộc tội liên tục những người tri thức yêu nước như các luật sư, các nhà báo, các sinh viên, các nhạc sĩ dám lên tiếng vì công lý, sự thật đang tiếp diễn và xảy ra trước mắt chúng ta. Mới đây nhất là vụ xử hai nhạc sĩ Thanh Bình và Duy Khang với mức án 6 và 4 năm tù chỉ vì những bài hát yêu nước do họ sáng tác. Tất cả những dữ kiện này đã đủ làm sáng tỏ sự bất công bạo tàn của những cơ cấu tạo ác trong xã hội hiện hành đang bị những nhóm lợi ích riêng điều khiển chi phối. Công lý đang bị coi thường, đe dọa và tàn phá một cách nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Điều đáng sợ hơn nữa là sự gian lận giả dối và bất công này còn len lỏi và đang tìm cách thấm sâu vào trong cả đời sống tu trì, vào trong cả đời sống của Giáo hội nữa. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Sống trong một xã hội gian trả, giả dối, lừa lọc như vậy, một con người bước vào đời tu làm sao họ không bị ảnh hưởng. Có những con người khi bước vào đời tu còn đem cả những mánh mung lừa lọc bên ngoài vào trong nhà tu để mua bán, đổi chác chức quyền và thao túng cả dòng tu, cả giáo hội một cách tinh vi ma mãnh hơn cả ngoài đời. Những kiểu bưng bơ, xu nịnh, ton hót, lật lọng, để được chút chức quyền rồi sau đó dùng quyền đè bẹp người khác phảng phất đâu đó ta cũng có thể nhìn thấy không mấy khó khăn. Những kiểu dọn đường dư luận để kết án, chụp mũ, vu khống và loại trừ người anh em của mình vẫn còn đó. Tính bè phái, nhóm lợi ích trong các nhà dòng, trong giáo hội cũng không thiếu. Ấy là chưa kể đến những trường hợp người ta cố tình cài cắm vào trong giáo hội, trong nhà dòng để làm nội ứng cho những kẻ âm mưu chống phá Giáo hội.
Tàn nhẫn hơn nữa là có những người tu tin dùng người ngoài hơn anh em trong nhà. Có trường hợp, người tu biết kẻ dùng tin nhắn để khủng bố, chửi bới anh em mình và tấn công hù dọa cả bố mẹ của anh em mình suốt năm trời mà mãi tới lúc anh em đau đớn đặt vấn đề thẳng trước mặt cuộc họp mới nói là tôi biết người đó là ai và nói từ nay sẽ không để cho việc đó xảy đến nữa.Vì nhát đảm trước bạo quyền, vì muốn giữ cho mình một chút lợi ích nào đó, vì muốn dĩ hòa vi quý, không muốn mất lòng ai, không muốn đụng với ai hay vì một nguyên do tiềm ẩn nào đó mà người tu, ngay cả những người có thẩm quyền trong Hội thánh, trong dòng tu cũng không dám lên tiếng bảo vệ sự thật, im lặng nín thinh trong sợ hãi. Vậy, thử hỏi còn ai dám tin vào sự thật và còn đâu là sự thật nữa. Công lý có còn không và nó nằm ở chỗ nào? Khi nơi con người, ngay cả người tu mà vắng bóng công lý và sự thật thì còn đâu mảnh đất nguyên tuyền để lòng tin con người thời nay có thể bám rễ được?
Nhưng ta thử tìm xem sự thật hôm nay là gì đối với con người thời nay? Và sau khi chối bỏ sự thật, thì người ta sẽ bám víu vào cái gì? Ngày nay, người ta thường gọi sự thật là những gì mà mỗi người xem là đúng, còn ai nói sai mặc kệ. Người ta gọi luân lý là những gì mà người ta làm mà không xấu hổ, còn người khác không cần bận tậm. Và sự thật thường chỉ do một số người nào đó sở đắc mà thôi[1]. Bi đát hơn nữa là không ít người ngày nay thường nhân danh sự thật, lạm dụng sự thật, dùng sai sự thật để khẳng định mình đã sở đắc sự thật và sống cho sự thật. Thậm tệ hơn là người ta đã nhân danh những gì mà họ cho là sự thật để chà đạp sự thật và giết chết sự thật một cách nhẫn tâm.
Với những khẩu hiệu tuyên truyền hoa mĩ, nào là kế hoạch hoá gia đình, nào là điều hoà sinh sản, giúp chết êm dịu…người ta đang nhân danh cái mà người ta gọi là quyền tự do, để huỷ diệt những mạng người vô tội, những trẻ em không có một chút khả năng để đề kháng, để chà đạp thô bạo lên nhân phẩm, lên thân xác của người phụ nữ và gieo rắc một nền văn minh của sự chết, theo như cách diễn tả thông thường của Cố Đức Giáo hoàng Gioan-Phao lô đệ nhị.
Như vậy, sau khi đã chối bỏ sự thật, không chấp nhận việc giết người, gian dối, lươn lẻo, lừa lọc là tội ác, người ta chắc chắn phải tìm một điều gì đó có vẻ giống với sự thật, như tình trạng của vụ việc, sức mạnh, tính thời sự, chất liệu, chính trị, quyền tự do…để che đậy và thế chân vào. Vì thế, mọi cuộc khủng hoảng về sự thật ngay sau đó liền dẫn tới một sự phát triển về quyền lực, một sự tôn thờ sức mạnh hay sự kiện nào đó và vì thế như nhận định của triết gia người Pháp jean Guitton : “Trong thế giới chúng ta, vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, lý tưởng mà chúng ta làm ra vẻ có lí, làm ra vẻ lợn cợn, trong khi chiến thắng của sức mạnh lại gia tăng. Và trong bầu khí này, càng ngày càng khó chấp nhận một sự thật bất biến, vĩnh cửu và thiết yếu”.[2]
Còn sự thật trong Giáo hội Việt nam, trong nhà dòng, trong cộng đoàn chúng ta hiện nay là gì vậy ? Chúng ta có can đảm đối mặt không ? Thiết tưởng chúng ta đã đến lúc cần phải đối diện với thực trạng chung của Giáo hội, của nhà dòng và của từng cộng đoàn. Vì chỉ có con đường của Đức Giê su, con đường của sự thật mới có khả năng giải thoát chúng ta khỏi được những bế tắc, sai lầm, ngộ nhận đang phải đối mặt. Có một số người đã không dám nói lên sự thật vì sợ bị đụng người này, người nọ, bị hiểu nhầm, bị ghét bỏ, bị loại trừ. Còn một số người dám lên tiếng thì bị vạ lây, bị xem là những kẻ chống đối, không biết tuân phục bề trên. Xem ra trong Giáo hội nhiều lúc cũng không hơn gì ngoài xã hội đâu. Vậy, thì làm sao chúng ta, những ngôn sứ của Thiên Chúa, có thể rao giảng và làm chứng về công lý và sự thật cho thế giới, cho người khác ? Đây cũng là điều chúng ta cần suy nghĩ và nhìn lại. Nhưng nguyên nhân của những khủng hoảng này đến từ đâu?
Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng những thành công của khoa học đã mang đến cho nhân loại một ấn tượng, một cảm giác là con người cuối cùng đã sở đắc được sự thật. Và trong thực tế, không ít người thời nay đã mộ mến, sùng bái, thần tượng và ngộ nhận khoa học như là một tôn giáo. Nhưng đối diện với thực trạng xã hội xáo trộn, bất an, với bao vấn nạn nhân loại đang phải đối mặt, với những thành công và hệ luỵ bất toàn do khoa học mang lại, cùng với những bế tắc không có lời giải, càng ngày người ta càng khám phá ra sự bất túc của khoa học, và cuộc khủng hoảng sự thật ẩn tàng ngay trong chính lãnh vực khoa học. Người ta bắt đầu nhận chân ra một sự thật là khoa học chỉ sở đắc được một số chân lý nào đó nhưng không phải là sở đắc tất cả sự thật.
Thứ đến, trên bình diện chính trị, tư tưởng, một thế hệ người, với 20-30 năm ngồi ghế nhà trường, hay sống trong một chế độ chính trị nào đó, cũng đủ để những hệ thống tư tưởng, chủ thuyết, những hệ thống tuyên truyền, quảng bá của những thể chế chính trị nhồi sọ, tẩy não những con người đơn sơ khỏi những gì họ đã xác tín, đã đón nhận. Đặc biệt, chúng ta không thể không nói tới ba nhân vật, được mệnh danh là ba bậc thầy của nghi ngờ, đó là S. Freurd, K. Marx và Nietjsche với những học thuyết hệ thống, được nhiều người đón nhận. Vào thời chiến tranh lạnh, những cuộc tẩy não quy mô, mang tính chiến lược của những chính quyền tại các quốc gia cộng sản, dành cho những người bất đồng chứng kiến, những vị lãnh đạo các tôn giáo, những đối thủ của họ, là những chứng tích mà lịch sử không có quyền xoá nhoà được. Có lẽ tội ác lớn nhất mà nhiều chủ thuyết hiện đại đã gây ra cho toàn thể nhân loại và cũng là thành công lớn nhất mà họ đã gặt hái được trong thời gian qua là đã gieo rắc nghi ngờ cho con người hiện đại và tạo ra được những thế hệ người luôn sống trong những tâm trạng nghi ngờ, đố kỵ. Ấy là chưa kể đến những thủ đoạn mánh mung, lọc lừa, dối trá nham hiểm trên chính trường quốc tế của các chính trị gia. Chính vì vậy mà người trẻ hôm nay không còn dám tin vào sự thật và dường như cũng không đủ sức để đối diện với sự thật nữa.
Sau cùng, như đã nói ở trên, tiến trình toàn cầu hoá đã sản sinh ra tình trạng anomie, tình trạng phi chuẩn mực, phi văn hoá, phi ý thức hệ; hay nói khác đi là tình trạng tràn ngập văn hoá, tràn ngập thông tin, tràn ngập ý thức hệ, do hệ thống thông tin toàn cầu mang lại, đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên cuộc khủng hoảng này. Bên cạnh đó, có sự đóng góp không nhỏ của cuộc khủng hoảng lòng tin trong các tôn giáo và những bất toàn khiếm khuyết, lối sống sa đọa, vô luân, ù lì, bảo thủ, cố chấp do chính các cơ chế, những hành động mà các vị lãnh đạo tôn giáo gây ra. Những cơn khủng hoảng này đã lan tràn khắp mọi lãnh vực, ngay cả trong lãnh vực tu trì, khiến cho việc đào tạo con người thời nay, ngay cả việc đào tạo những nhà sư phạm, những người sống đời thánh hiến; những người dấn thân cho sự thật, cũng khó vô cùng.
Một thách đố đang được đặt ra cho chúng ta. Vậy làm thể nào để cho nền công lý và sự thật được tái hiện trong xã hội và Giáo hội hôm nay ? Chúng ta hãy trở về với sứ vụ ngôn sứ mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta. Nhưng trước hết để có thể duyệt xét được sứ vụ ngôn sứ của mình, chúng ta hãy nhìn lại sứ mạng ngôn sứ của Đức Giế su ki tô- Đấng cứu độ và vị ngôn sứ của mọi ngôn sứ.
Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền thông sinh viên Công giáo