Icon Collap
...
Trang chủ / Ngày cuối đời của linh mục chánh xứ Phanxicô Trương Bửu Diệp

Ngày cuối đời của linh mục chánh xứ Phanxicô Trương Bửu Diệp

Ngày cuối đời của linh mục chánh xứ Phanxicô Trương Bửu Diệp

Ngày cuối đời của linh mục chánh xứ Phanxicô Trương Bửu Diệp.

Vào khoảng thời gian năm 1945-1946, sau khi Nhật đảo chá nh Tây và khi Nhật đầu hàng đồng minh bởi bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki thì Tây trở lại nắm chính quyền, dân chúng miệt Cà Mau phải sống trong sợ hãi vì nạn “Thổ ruồng”. Ai ở vùng đó mới biết sự kinh hoàng của nạn “Thổ ruồng” ra sao? và cũng biết được lý do của nạn này.

Vì không thể ở trong điền của chúng tôi tại Cây Gừa nên gia đình chúng tôi phải di tản đến Tắc Sậy. Ở đó mấy hôm, tôi được biết cứ mỗi sáng, sau khi thánh lễ xong, cha sở Trương Bửu Diệp mặc áo dòng đen, tay cầm cuốn kinh, đi tới, lui, dọc theo lộ xe chạy để vừa đọc kinh vừa cho tốp người Miên trông thấy mà không dám vào nhiễu hại giáo dân trong xóm đạo. Khi thấy họ đi xa rồi, Cha mới vào nhà điểm tâm và làm việc hằng ngày.

Sau khi chúng tôi ở lại đây khoảng 10 ngày thì xảy ra “biến cố ngày 12 tháng 3 năm 1946”: Hôm đó, sau khi ăn sáng và phụ chị tôi dọn dẹp căn phòng của trường học xứ đạo mà cha sở cho gia đình chúng tôi tạm trú, thì bà thân sinh tôi kêu chúng tôi ra ngay sân nhà thờ để cùng với giáo dân tập họp tại đó. Thế là chúng tôi vội vả chạy ra không mang theo gì cả. Ở đó có một toán người mặc thường phục tay cầm súng, áp tải hai bên, ra lệnh cho mọi người tiến về phía Cây Gừa, đi theo đường ruộng chớ không đi theo đường lộ xe chạy.

Gia đình chúng tôi gần 10 người, trong đó có 2 người cậu họ không có đạo Thiên Chúa. Chúng tôi đi theo Cha sở Trương Bửu Diệp và một số đông người khác ở xóm Tắc Sậy, người Công giáo và người lương, tổng cộng khoảng trên 100 người.

Vì không quen đi guốc trên đường đất nẻ mùa khô tháng 3, em tôi và tôi trì trật đi lâu quá làm cho bà thân sinh tôi kêu chúng tôi bỏ guốc đi chân không cho mau. Tuy đau chân nhưng dễ đi hơn, chúng tôi cố gắng vừa đi vừa chạy cho kịp mọi người.

Đến Cây Gừa vào khoảng giữa trưa, họ gom chúng tôi vào sân nhà ông BẢY SỰ. Ở đó có sẵn một toán người nữa, đông hơn, cùng với mấy người Nhật mang gươm dài đang đứng chờ. Toán người ở sân bao quanh và chỉa xà beng mủi nhọn vào chúng tôi. Tôi còn nhớ buổi trưa sân gạch nóng quá nên em tôi và tôi cứ nhảy chân này sang chân kia cho đở nóng. Lúc ấy cha sở Trương Bửu Diệp đứng giữa chúng tôi, có lẽ vì ngài thấy nhóm người vũ trang chỉa súng và xà beng vào chúng tôi nên ngài kêu chúng tôi quỳ xuống để ban phép giải tội lòng lành và chúng tôi cũng đọc kinh ăn năn tội để dọn mình chết.

Một lúc sau, họ bảo chúng tôi vào lẫm lúa của ông BẢY SỰ, có Cha Trương Bửu Diệp cùng vào với mọi người. Trong lẫm có một lớp lúa hay trấu gì đó, tôi không nhớ rõ, và mọi người vây quanh cha sở. Từng nhóm gia đình ngồi đó bàn tán nho nhỏ, không ai hiểu tại sao mình bị bắt giam tại đây. Một vài đứa trẻ khóc vì khát. May thay có một vài người mẹ nhớ đem theo nước cho con mình và chị hai tôi xin nước đó cho đứa con nhỏ của chị uống. Cha sở Trương Bửu Diệp cũng dùng nước ấy để rửa tội cho vài người lương theo lời yêu cầu của họ, sau khi dạy họ biết mấy tín điều cần thiết trong trường hợp cấp bách này. Một số người Công giáo khác cũng đến xin Cha giải tội, nên tất cả mọi người dồn vào một góc, chừa chỗ giữa trống cho Cha ngồi tòa.

Sau đó có người mang thùng nước vào cho uống và cho biết ai không có đạo thì đi ra để giam vào chỗ khác cho rộng. Tức thì có nhiều người đứng lên đi ra, nên 2 cậu tôi là người lương cũng theo ra.

(Kể đến đây, tôi xin mở ngoặc để nói về bà thân sinh của tôi một chút, với chủ ý là tôi muốn kể thật trung thực mọi chi tiết sự việc xảy ra ngày hôm đó: Má tôi là một bà góa, năm đó được 43 tuổi, học ít, chỉ biết đọc biết viết như phần đông dân vùng đó thời bấy giờ, nhưng tôi rất thán phục má tôi vì tính tình cương quyết, can đảm, bình tĩnh, uốn xử nhanh nhẹn trong hoàn cảnh khó khăn, khẩn cấp.

Lúc 2 cậu họ người lương của tôi đứng lên để đi ra, bà dặn mang dùm cái giỏ mây trao lại cho ông ngoại tôi và thưa với ông là khi nào ông nghe tin gia đình tôi chết hết rồi thì xin ông hãy xữ dụng tùy ý tất cả nữ trang, tiền bạc trong giỏ ấy. Nói tóm lại, đó là tất cả tài sản của gia đình chúng tôi. Lúc đi đường tôi không thấy bà cầm giỏ này, hỏi ra thì bà không muốn xách theo mình để tránh sự chú ý của những người quen biết, nhưng bà để cho một người cậu tôi xách hộ).

Tôi xin kể tiếp: Sau khi phân ra đạo ngoại, có người đến mời cha Trương Bửu Diệp ra ngoài. Lúc trở vào, Ngài có vẻ ưu tư nhưng không nói gì. Cha đến từng nhóm gia đình, nói vài lời, an ủi, khuyến khích. Khi đến bên gia đình tôi, Cha hỏi bà thân sinh tôi: “Cô họa đồ có sợ không?” (Cô họa đồ là danh từ mà Cha thường gọi bà thân sinh tôi). Và bà thân sinh tôi thưa với Cha là không sợ. Đó là câu nói sau cùng của Cha với gia đình tôi. Sau khi đi một vòng, hỏi han từng gia đình, cha trở lại, ngồi giữa giáo dân, lấy chuỗi ra lần hột. Như thường ngày, hôm ấy Cha cũng mặc chiếc áo bà ba vải trắng, quần vải đen. Cha ngồi giữa chúng tôi như vị chủ chăn ở giữa đàn chiên mình.

Khoảng 3 giờ chiều, có người vào mời Cha ra lần nữa. Cha ra lần này thì tôi không còn thấy Cha trở vào (có người nói Cha được mời ra 3 lần, nhưng tôi chỉ nhớ có 2). Khi Cha ra rồi thì có mấy người vũ trang bước vào. Một người trong bọn họ có vẽ là chỉ huy, ra lệnh cho các thanh niên, thiếu nữ từ 18 đến 25 tuổi, chưa có gia đình, phải đứng ra một bên, không tuân sẽ nặng tội. Từ từ có vài thanh niên thiếu nữ đứng lên. Chị 3 tôi năm ấy được 19 tuổi cũng muốn đứng lên nhưng bà thân sinh tôi ngăn lại, bảo cứ ngồi im và bà kêu Chị 2 tôi (chị có đứa con nhỏ mà tôi kể trên) đưa chiếc nhẫn cưới của chị cho Chị 3 tôi đeo. Chắc ý bà nghĩ đơn sơ là hễ đeo nhẫn thì kể như đã có gia đình rồi. Trong số các thiếu nữ có người biết Chị 3 tôi nên nhìn mãi Chị làm Chị sợ hãi không dám ngước lên. Khi một người trong bọn vũ trang đi quanh kiểm soát đến gần gia đình tôi, tôi sợ quá, nhưng bà thân sinh tôi vẫn điềm nhiên ngồi nhai trầu, vì bà đi đâu cũng không bao giờ quên giỏ trầu cả. Người lính ấy dừng lại, ngó chúng tôi một lúc, rồi không hiểu sao, y quay đi và tuyên bố: “Những thanh niên thiếu nữ này, chiều nay sẽ bị giết hết!” Câu nói ấy như một luồng điện, khiến mọi người nín thở, tái mặt nhìn nhau. Các thiếu nữ có người bật khóc và cha mẹ của những người này cũng khóc theo.

Tuyên bố án tử ấy xong, họ bỏ ra ngoài. Không khí chết chóc như bao trùm lấy chúng tôi. Một giáo dân cần tiểu tiện xin ra ngoài, lúc trở vào báo tin chung quanh lẫm lúa đã bị chất rơm khô rồi! tin này loan ra làm mọi người nhốn nháo. Anh rể tôi ẫm đứa con nhỏ đến bên vách lẫm, lấy tay gỏ thử vá n vách và tôi nhận thấy vá n còn rất chắc. Trong sự căng thẳng tột độ, chúng tôi lại ngồi chờ coi việc gì sẽ xảy ra, không còn ai nói chuyện với ai nữa. Bỗng cánh cửa lẫm hé mở, tôi thoáng thấy một người lính Nhật với cái gươm dài đeo ở thắt lưng ra dấu gì với người lính Việt và cả hai đều quay lưng đi. Họ vừa khuất thì Chị 2 tôi hốt hoảng nói với bà thân sinh tôi là chị sợ Cha Diệp đã chết rồi vì chị thấy người lính Nhật bị đứt tay và y liếm máu nơi tay y. Chị tôi nói nhỏ thôi nên chỉ có gia đình chúng tôi nghe, và tôi lại càng run hơn nữa.

Lại một thời gian nữa trôi qua, mặt trời chắc sắp lặn vì bóng tối lan dần trong lẫm lúa. Một giáo dân ngồi gần cửa ra vào, nghe bên ngoài vắng lặng nên hé cửa ra xem. Khi không thấy còn ai gác nữa, báo cho mọi người biết. Thế là từng người lần lượt đi ra trong sự phập phòng hoang mang. Chúng tôi cũng theo ra. Trời chập choạng tối mà chúng tôi không biết phải về đâu? Về lại Tắc Sậy lấy đồ đạc? hay về lại trong điền chúng tôi tại Cây Gừa? Sau cùng bà thân sinh tôi quyết định về nhà, nên chúng tôi đi đến chỗ cầu đúc Cây Gừa, ngó sang bờ sông đối diện, mong có ghe xuồng quen cho quá giang. Khi sang sông rồi chúng tôi tiếp tục đi bộ ven mé rạch dẫn về nhà, cách đó hơn cây số. Chúng tôi nối tiếp nhau đi trên bờ đê, thân thể rã rời, tinh thần nửa tỉnh nửa mê, không còn ai đủ sức nói gì nữa. Chúng tôi đi trong cảm giác cô đơn, lạc lỏng…

Sáng hôm sau chúng tôi mới hay tin là Cha Trương Bửu Diệp đã bị giết, xác Ngài được an táng ở nhà thờ Khúc Tréo. Một đại tang đến với gia đình chúng tôi và với giáo dân họ đạo Tắc Sậy. Mãi đến sau này tôi mới biết lý do: cái chết của cha Trương Bửu Diệp là bởi sự đối nghịch giữa hai tôn giáo và Cha đã mặc cả để Cha chết thay cho toàn thể giáo dân họ đạo Tắc Sậy.

“Thật không có tình yêu nào lớn hơn
tình yêu của một chủ chiên chết thay cho đoàn chiên mình”

Người viết,
Nguyễn thị Kiệm
(được Cha Trương Bửu Diệp rửa tội ngày 3/5/1933 tại Tắc Sậy)

Nguồn: Sinh viên Công giáo

Bình luận