Đức Giê-su – một ngôn sứ vĩ đại
Trong cái nhìn và cách suy nghĩ của người Do Thái sống cùng thời với Chúa Giêsu. Họ đồng ý với nhau rằng Ngài đúng là vị ngôn sứ “Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng : “Một vĩ Ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm con người” (Lc 7,16). Nhưng một số người trong họ lại nghĩ rằng Ngài là một ngôn sứ giả, cho dù Ngài nói và hành động rõ ràng như một ngôn sứ và chính Đức Giêsu tỏ cho người ta biết sứ mạng ngôn sứ của Ngài “ Tôi bảo thật các ông không một ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê hương mình” (Lc 4, 24). Trong cái diệu cảm căn bản mà chúng ta có thể gặp được qua lời nói, việc làm và cuộc đời của Chúa Giêsu thì sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu một phần nào đó rất giống với sứ mạng của các ngôn sứ Do Thái giáo. Cụ thể những nét tương đồng đó được biểu hiện trong những khía cạnh sau.
- Đức Giêsu Nói Công Khai
Các ngôn sứ là những người có sứ mạng nói lời của Chúa một cách công khai, minh nhiên, trong khi những người khác thường cầm giữ sự im lặng. Các ngôn sứ có sứ mạng phê bình xã hội của họ, đất nước của họ và cả những định chế tôn giáo của họ nữa. Nhưng những phê bình sự độc ác của các quốc gia hay các tôn giáo ngoại lai không được gọi là các ngôn sứ. Những ngôn sứ đích thực là những người đàn ông, đàn bà dám đứng thẳng, nói công khai, minh bạch việc thực hành đời sống đạo của dân chúng và của các vị lãnh đạo tôn giáo. Các ngôn sứ nói thẳng, nói thật lời của Thiên Chúa nên không tránh khỏi những căng thẳng; thậm chí là những xung đột với những quyền lực chính trị, tôn giáo. Và dĩ nhiên họ phải gánh chịu những hậu quả do những gì họ nói ra.
Trong Kinh Thánh Do Thái Giáo chúng ta nhìn thấy cách thức mà các ngôn sứ hành xử với các ông vua và thỉnh thoảng với các tư tế khá rõ ràng. Chúa Giêsu ý thức rất rõ về những căng thẳng và xung đột mà các ngôn sứ đó phải đối mặt. Ngài nói với họ “Phúc cho các con khi người ta ghét bỏ, khai trừ các con… Bởi vì đó là những gì tổ tiên họ đã làm với các ngôn sứ” (Lc 6,22 -23). Chúa Giêsu cũng đã nhìn thấy những người này đã giết các ngôn sứ trong quá khứ là tổ tiên hay những người tiền nhiệm của các kinh sư hay biệt phái (Mt 23,29 – 33). Nhưng Đức Giê su vẫn không từ chối hay né tránh thách đố này khi phải đối mặt với Hê rô đê hay với Phi la tô.
Rõ ràng các ngôn sứ đích thực không phải là một thành phần nằm trong cấu trúc quyền bính hay các định chế tôn giáo. Không giống như các kinh sư hay những ông vua, các ngôn sứ không bao giờ được chỉ định tấn phong bởi các cơ quan hay sắc lệnh của tôn giáo. Họ là những người có được trải nghiệm về một lời mời gọi rất đặc biệt đến trực tiếp từ Thiên Chúa và sứ điệp của họ đến từ kinh nghiệm của họ về Thiên Chúa. Chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu Ngài nói cách công khai để phản đối, để chống lại việc thực hành các nghi lễ tôn giáo cũng như những sai phạm trong đời sống xã hội vào thời của mình. Ngài đã làm đảo lộn trật tự thế giới nhận thức của họ. Xung đột mà Ngài tạo ra đã trở nên căng thẳng đến mức họ đã phải giết Ngài để buộc Ngài phải im lặng.
Tóm lại bất cứ một nỗ lực nào nhằm thực hành đúng sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu thì phải học cho được cách nói công khai thẳng thắn như Ngài đã từng làm. Đồng thời, người đó phải đối mặt với những hệ lụy không sao tránh khỏi đến từ những gì mình làm.
- Đọc Ra Những Dấu Chỉ Của Thời Đại
Các ngôn sứ thường là người có khả năng thấy trước được viễn cảnh của tương lai. Sở dĩ họ có thể đoán được tương lai là nhờ họ biết cách học để đọc cho ra các dấu chỉ của thời đại. Những lời cảnh báo của các ngôn sứ thường tập trung vào các vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, kinh tế, quân sự và tôn giáo. Họ thường giúp người ta ý thức và giảm được căng thẳng xảy ra trong những lĩnh vực này và giúp người ta có được những định hướng để chữa lành những căng thẳng đó.
Đọc ra được những dấu chỉ của thời đại đã thật sự trở nên một phần cấp thiết trong sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu. Trước hết, giống như những ngôn sứ Do Thái, Chúa Giêsu nhìn thấy được mối đe dọa về vũ trang quân sự đến từ những đế quốc quyền lực nhất lúc bấy giờ. Cụ thể vào thời Chúa Giêsu là đế quốc Rôma được các ngôn sứ biết đến. Nhưng trước đó các ngôn sứ cũng cho dân chúng thấy được những áp lực, sức mạnh đến từ người Aicập, babylon, hy lạp…Các ngôn sứ này cảnh báo những nhà lãnh đạo Do Thái thỏa hiệp với những cấu trúc quyền lực đương thời và tiên báo rằng nếu họ thỏa hiệp với chúng thì có ngày chính Israel bị tàn lụi, gục ngã.
Trong những lời tiên báo đó các ngôn sứ đã nhìn thấy ngón tay của Thiên Chúa hành động trong cái nhìn của Chúa Giêsu. Chỉ có một vấn đề liên quan đến sự tấn công của đế quốc Rôma và sự hủy diết của Giêrusalem. Khi các con thấy thành Giêrusalem bị bao vây thì các con biết rằng ngày tàn phá sẽ đến và sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Đối với hầu hết người Do Thái việc hủy diệt Giêrusalem có nghĩa là hủy diệt toàn bộ nền văn hóa, đất nước, phụng tự của họ. Mối bận tâm của Chúa Giêsu không phải là tương lai của đền thờ nhưng là tương lai của cư dân thành Giêrusalem; đặc biệt là trẻ thơ họ phải chịu quá nhiều đau khổ thử thách (Lc 19, 44; 21, 21 -24).
Nhưng Chúa Giêsu cũng thấy trước rằng mọi hoàng đế, đế chế đến rồi cũng sẽ ra đi ; nghĩa là đều có ngày tàn của nó. Ngài tiên báo: Giêrusalem sẽ bị chà đạp bởi dân ngoại (tức là Rôma). Điều mà Chúa Giêsu cũng nhìn thấy trước đó là tình trạng bạo lực đối với những người thợ thủ công Galilê. Những người này không chỉ là những người nghèo mà còn là những người bị khai thác bóc lột bởi nhiều tầng áp bức đế quốc Rôma, bởi Hêrôđê, bởi đền thờ và các chủ đất đai. Họ phải mang những thứ thuế rất cao và không thể nào trả được hết nợ. Chính những người này nổi lên chống lại bạo lực.
Nhờ đọc được dấu chỉ của thời đại thợ thủ công Galilê, Chúa Giêsu đã nhìn thấy những áp bức bạo lực này đã đè bẹp và dập tắt niềm hy vọng của họ. Những người thợ thủ công này trở thành những con chiên lạc lõng bơ vơ không người chăn dắt. Kinh nghiệm của sự bất an hoảng loạn trong xã hội Do Thái sẽ dẫn tới lòng nhiệt thành Tôn Giáo. Những phong trào mới, giáo phái mới và ý tưởng mới đã ra đời. Họ mong muốn điều Thiên Chúa muốn và Thiên Chúa sẽ làm cho họ điều này cũng giống như tình trạng đói khát tâm linh của chúng ta.
Các đồ đệ của Gioan tẩy giả khi hỏi Chúa Giêsu về điều gì sẽ xảy đến thì Chúa Giêsu nói : Hãy đi và nói với Gioan biết cái gì các anh thấy kẻ què đi được, người mù được thấy, người câm nói được, người phong hủi được sạch, người nghèo được nghe loan báo Tin Mừng. Những việc làm thành công trong lĩnh vực chữa lành những người nghèo và trong việc khích lệ, cổ vũ tình yêu của Thiên Chúa mà chính Chúa Giêsu đã mang đến cho người thợ thủ công, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội đó chính là dấu hiệu cho thấy có những điều gì đó mới mẻ đã được sinh ra, được tạo thành trong xã hội đó cũng chính là điều ngôn sứ Isaia đã báo trước (Is 29, 18 -19; 61,1 – 2; 35, 5 – 6) ngang qua những dấu chỉ tràn đầy hy vọng cũng như những dấu chỉ khả giác. Chúa Giêsu nhìn thấy được ngón tay của Thiên Chúa. Nếu đó là công việc của Thiên Chúa thì vương quốc của Thiên Chúa đã đến giữa các ông (Lc 11, 20). Hay nói khác đi triều đại của Thiên Chúa đã bắt đầu.
- Người Chuyển Tải Sứ Điệp Của Thiên Chúa
Như một ngôn sứ Chúa Giêsu nói cho Thiên Chúa, vì Thiên Chúa và nhân danh Thiên Chúa. Quả thật, dường như Chúa Giêsu đã làm và đã nói nhiều hơn bất cứ ngôn sứ nào. Đức Giê su đã loan báo chính sứ điệp của Ngài với xác tín “nhưng tôi bảo thật các anh”. Những nơi nào Chúa Giêsu đi qua, những người nào Chúa Giêsu gặp gỡ thì Ngài luôn hướng họ về Thiên Chúa. Đức Giê su đã để lại cho những người đương thời của Ngài những dấu hỏi thắc mắc về chính Ngài “bởi đâu con người này lại khôn ngoan như vậy”. Trong khi đó Đức Giêsu chỉ là một người thợ thủ công đến từ một ngôi làng không có tên tuổi gọi là NazaReth. Đức Giê su không chỉ là người chuyển tải những sứ điệp của Chúa Cha mà còn trở nên dấu chấm hỏi của Thiên Chúa nơi chính Con Người của mình, ngang qua những lời Ngài nói và những việc Ngài đã làm cho người khác.
Các ngôn sứ có được trải nghiệm về Thiên Chúa không chỉ nhờ lời mời gọi đặc biệt của Thiên Chúa mà còn nhờ cuộc sống thiết thân đặc biệt với Thiên Chúa. Chính sự gần gũi thiết thân này đã cho phép họ hiểu được phần nào về Thiên Chúa, về những điều sẽ xảy ra trong tương lai, những sứ điệp mà Thiên Chúa muốn nói. Chính nhờ trải nghiệm về sự nên một với Thiên Chúa mà các ngôn sứ mới có thể nói nhân danh Thiên Chúa. Đời sống nhiễm hiệp với Thiên Chúa trong cuộc sống thường nhật của Đức Giê su là bí quyết, là cánh cửa, là nơi chốn, là thời khắc Đức Giê su đón nhận được những thánh ý của Chúa Cha mà thông truyền cho nhân loại.
- Đức Giê su sống thiết thân với Thiên Chúa
Những ấn tượng chung nhất trong Tin Mừng mà chúng ta có được về Chúa Giêsu đó là một người vô cùng năng động, hoạt bát và nhiệt thành. Ngài rao giảng, dạy dỗ, chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ, đối diện và tranh luận với các vị lãnh đạo tôn giáo, chính trị… Nhưng đằng sau tất cả những hành động, hoạt động này, chúng ta còn nhận thấy nơi Chúa Giêsu một con người có đời sống cầu nguyện liên lỉ, luôn chiêm ngắm, chìm sâu trong mối tương quan mật thiết với Cha của mình. Một trong những ký ức sâu nặng nhất của các môn đệ về Chúa Giêsu, đó chính là đời sống cầu nguyện liên lỉ của Ngài. Họ thường xuyên thấy Ngài cầu nguyện. Thỉnh thoảng, Ngài bỏ họ để đi đến một nơi xa hơn để cầu nguyện một mình (Mt 26,36; Lc 22, 41;11,1). Họ nói rằng một lần kia đang khi Ngài cầu nguyện thì dung mạo Người thay đổi, khuôn mặt Người tỏa sáng (Mt 17,2).
Dường như Chúa Giêsu luôn luôn tìm mọi cơ hội khả dĩ để một mình đối diện với Thiên Chúa trong cô tịch với mục đích cầu nguyện và suy nghĩ. Maco nói cho chúng ta biết khi trời còn tối, Ngài đã thức dậy và tìm đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện (Mc1,35; 6,46). Luca còn quả quyết Ngài cầu nguyện một cách điều độ (Lc 5,16). Trước khi chọn 12 tông đồ, Ngài đã trải qua suốt một đêm trong cầu nguyện (Lc 6,12). Chúng ta có thể xác tín rằng đằng sau những hoạt động, Chúa Giêsu đã trải qua rất nhiều thời gian để cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện liên lỉ với Chúa Cha mà Đức Giê su mới có khả năng đọc ra được ý định của Thiên Chúa.
Khủng hoảng sự thật và công lý
(Còn tiếp)
Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền thông sinh viên Công giáo