Icon Collap
...
Trang chủ / Tâm bệnh : Người làm hồ sơ

Tâm bệnh : Người làm hồ sơ

Tiếp theo buổi học trước về việc thụ lý hồ sơ khi tiếp nhận bệnh nhân, chiều mùng 3/3 Cha Gioan tiếp tục hướng dẫn chúng tôi phần tâm bệnh liên quan đến việc làm hồ sơ, nhằm giúp chúng tôi có kiến thức trong quá trình chữa trị tại nhà tĩnh tâm. Có hiểu biết về các vấn đề, cũng như các nguyên tắc trong việc chữa trị mới giúp việc chữa bệnh đạt hiệu quả. Quan trọng hơn, đó còn là những mối bận tâm,những trăn trở, thao thức của Cha Gio-an muốn truyền thụ những kinh nghiệm của mình nhằm trang bị cho chúng tôi những kiến thức cơ bản nhất để chúng tôi cũng có thể trở thành những “nhà chữa trị” trong tương lai, khi mà bối cảnh xã hội với các vấn đề tâm lý ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp. Nhờ đó, không chỉ chữa bệnh cho bản thân mà thôi, song khi bản thân đã được chữa lành, thì cần phải có trách nhiệm giúp đỡ người khác, đó có thể là những người thân trong gia đình, bạn bè, hoặc ngay cả trong các dòng tu.

Mở đầu bài học, cha Gio-an có nhắc lại bài học trước về các đối tượng khi thụ lý hồ sơ khá đa dạng, phức tạp cho nên người thụ lý hồ sơ phải rất cẩn trọng. Trong buổi học thứ này, Cha đưa ra các trường hợp về người làm hồ sơ và phân tích từng thuận lợi, khó khăn trong mỗi trường hợp.

1. Chính bản thân đương sự làm hồ sơ

Thuận lợi: Là những người tỉnh táo, nên thân chủ biết được tình trạng của mình, trình bày vấn đề của mình cách chính xác.

Khó khăn:

  • Vì là bệnh nhân, nên nhiều khi họ không phán đoán đúng, phán đoán mang tính chủ quan, một chiều. Nhiều người đến luôn nói “Không, con bình thường mà”, họ không chấp nhận mình có bệnh.
  • Có trường hợp thân chủ có những triệu chứng của hoang tưởng, ảo giác và khi làm hồ sơ, họ trình bày những gì mà thực ra là họ tưởng tượng, làm người thụ lý hồ sơ dễ bị đánh lừa, bị cuốn theo lời kể của bệnh nhân.

VD: Một trường hợp giống như bị quỷ nhập từ khoa tâm thần bệnh viện Bạch Mai đến với hồ sơ dài về ma quỷ rất ly kì, không dám vào nhà thờ. Ai cũng nghĩ là bị ma ám, nhưng khi gặp Cha Gioan thì Cha kết luận là không phải. Cha đoán được nguyên nhân và hỏi anh, anh thừa nhận, xưng tội với Cha là hết bệnh. Hay trường hợp của một chị, giờ đang ở dòng Biển Đức cũng tương tự, thấy ma, rất sợ sâu, không ngủ được, và sau khi tìm được nguyên nhân thực chất chỉ  là do chứng kiến vụ tai nạn lúc 3 tuổi chị mới hết bệnh.

2. Người nhà làm hồ sơ: bố, mẹ, anh, chị, em…

Thuận lợi: Có cái nhìn khá toàn diện, đầy đủ về tình trạng của thân chủ.

Nếu người mẹ tỉnh tảo làm hồ sơ là tốt nhất. Vì thời điểm bào thai cũng ảnh hưởng quan trong đến tính cách người con. Do đó tâm lý người mẹ lúc mang thai là rất quan trọng mà chỉ người mẹ mới biết được.

VD: Trường hợp của 1 thầy ở Thái Bình mắc thứ bệnh rất lạ mà Cha đặt tên: “mỗi tháng, tôi chỉ có 28 ngày” (radio Chuyện thật có thật số 17). Thầy có 28 ngày vui vẻ, còn 2-3 ngày còn lại trong tháng thì chán nản, thất vọng, nhiều lần bỏ đi, không muốn làm gì. Cuối cùng khi Cha yêu cầu gặp người mẹ, thì người mẹ mới nói cho Cha biết một điều mà bà luôn giữ kín và Cha giải thích đó chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh của thầy là từ trong bào thai. Khi biết được nguyên nhân như vậy, thầy mới được chữa lành cho mình và cho các em của thầy nữa.

Khó khăn:

  • Nhiều bà mẹ ít học, có người thì không biết chữ nên khả năng diễn đạt kém, lớn tuổi nên nhiều khi quên những kí ức cách đây đã quá lâu.
  • Người mẹ cũng có thể che dấu những thông tin xấu về mình, về con cái, gia đình.
  • Có trường hợp người mẹ cũng không biết nguyên nhân, có khi người mẹ đã qua đời.

Trường hợp người mẹ mất hoặc từ chối cung cấp, thì người bố, anh chị cả là người cung cấp những thông tin làm hồ sơ. Nếu không được thì phải hỏi bà ngoại, dì, người thân của mẹ mới biết được.

VD: Trường hợp của một chị muốn đi tu bị mặc cảm về ánh mắt trông rất dữ dằn của mình, khi hỏi mẹ lúc mang thai con, mẹ thế nào thì mẹ chị từ chối, chị phải hỏi bà ngoại mới biết được nguyên nhân thật sự, do chị sinh ra là ngoài sự mong muốn của người mẹ, mẹ chị tìm cách cho thai sẩy mà không thành. Biết được nguyên nhân mới giải thoát chị khỏi mặc cảm của chính mình.

3. Người ngoài làm hồ sơ

  • Thường ít tâm huyết, thiếu nhiệt thành, làm việc vì người ta nhờ, vì trách nhiệm bổn phận.
  • Bệnh nhân, người nhà khó tin tưởng để cung cấp đầy đủ thông tin.
  • Không có chuyên môn

4. Nhân viên chữa trị

  • Chưa nắm được tình trạng bệnh nhân
  • Gặp những bệnh nhân hung dữ có thể bị ảnh hưởng đến tính mạng
  • Chưa hiểu cách điều tra, cách chữa bệnh nên thân chủ, người nhà thân chủ có thể nghi ngờ, không thật lòng hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ.
  • Khi đến nhà thụ lý hồ sơ, do không hiểu, có thể bị chính quyền quy là lừa đảo.
  • Chưa quen, chưa có kinh nghiệm ứng xử, thiếu tự tin.

Như vậy, hiểu được những thuận lợi, khó khăn của người làm hồ sơ là rất quan trọng trong việc thụ lý hồ sơ. Thụ lý hồ sơ chính xác thì việc chữa trị mới có thể chính xác được. Giống như bác sĩ chẩn đoán sai thì đưa ra phác đồ điều trị sai, bệnh nhân không những không khỏi mà còn nặng thêm. Buồi học tiếp theo ngày 4/3 cha Gioan sẽ chia sẻ về tâm lý thân chủ và tâm lý người nhà thân chủ. Những ai yêu thích về tâm bệnh, muốn hiểu hơn về bản thân, hoặc muốn được chữa lành xin cùng đón đợi các bài học tiếp theo với chúng tôi được cập nhật liên tục trên website: svconggiao.net

Tài liệu tham khảo tại đây

M. Teresa Huyền
Truyền thông sinh viên công giáo

Bình luận