Trong Tin Mừng Luca, chúng ta tìm thấy hai câu làm nên phần đầu Kinh Kính Mừng. Câu thứ nhất trích từ trình thuật truyền tin, khi Thiên Thần Gabriel chào Mẹ Maria: “Kính Mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà!”(Lc 1,28). Câu thứ hai từ biến cố Mẹ thăm viếng bà Elisabet: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ!” (Lc 1,42)
Tuy nhiên, dù những lời này đã có sẵn trong Kinh Thánh nhưng các Kitô hữu đến thế kỷ 11 mới ghép chúng lại với nhau. Từ điển Bách Khoa Toàn Thư Công Giáo nói rằng: “ Thật ra, có rất ít thậm chí chẳng có dấu vết nào cho thấy người ta sử dụng Kinh Kính Mừng như một lời kinh diễn tả lòng sốt mến dành cho Mẹ trước năm 1050. Các bằng chứng đều cho thấy rằng nó xuất hiện trong những phần thưa đáp trong Kinh Nhật Tụng Kính Đức Mẹ mà các đan sĩ thường đọc vào thời điểm đó. Hai bản thảo Anglo-Xaxon ở Bảo Tàng Anh, một trong hai bản này có niên đại khoảng năm 1030, có từ “Ave Maria” (Kính mừng Maria) và “benedicta tu in mulieribus et benedictus fructus ventris tui” (bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ), xuất hiện khắp nơi trong bản kinh Nhật Tụng và dù chúng ta không chắc là hai phần này có phải được ghép lại lần đầu tiên ở đây để làm nên lời kinh không, nhưng chắc là không lâu sau đó nó đã trở nên như vậy.”
Lúc đầu, lời kinh này được gọi là “Lời chào của Đức Nữ Trinh”, và chỉ gồm hai câu đó thôi. Phải rất lâu sau mới có thêm phần thứ hai, là phần cầu xin. Quả vậy, trong nhiều thể kỷ, lời kinh kết thúc thế này “và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ. Amen”, nhưng thỉnh thoảng người ta cũng thêm vô một vài lời cầu xin sau đó.
Mãi cho đến khi xuất bản cuốn Giáo Lý của Công Đồng Trento (1545-1563), lời kinh này mới hoàn thành và được thêm vào sách Kinh của Công Giáo Roma vào năm 1568. Trong cuốn Giáo lý của Công Đồng Trento, nó vẫn còn được gọi là “Lời chào của Thiên Sứ”.
“Trong phần đầu của Lời chào của Thiên Sứ. Khi chúng ta cầu nguyện ‘Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, và có phúc lạ hơn mọi người nữ,” chúng ta dâng lên Chúa lời ngợi khen cao cả nhất, lời cảm ơn chân thành nhất vì Ngài đã tặng ban những ân huệ thiên đàng cho Rất Thánh Trinh Nữ, và chúng ta cũng tỏ bày sự chúc mừng của mình dành cho chính Mẹ và cho niềm hạnh phúc độc nhất lớn lao của Mẹ.
Từ tâm tình biết ơn này, giáo hội đã khôn ngoan thêm vào những lời cầu nguyện lên Mẹ Thánh của Thiên Chúa, qua đó, chúng ta khiêm tốn và thành khẩn chạy đến với sự bảo trợ của Mẹ, nhờ Mẹ chuyển cầu cho chúng ta, giao hoà Thiên Chúa với chúng ta là những tội nhân, ngỏ hầu chúng ta có thể thụ hưởng những phúc lành khi cần trong đời sống này và sự sống đời sau. Chúng ta là những người con bị lưu đày của Eva, đang ở nơi khóc lóc than thở, làm sao chúng ta có thể không xin Mẹ đầy lòng từ bi, đấng bảo trợ các tín hữu, chuyển cầu cho mình? Làm sao chúng ta có thể không khẩn khoản xin Mẹ trợ giúp?”
Lời Kinh Kính Mừng giờ đây đã trở thành tâm điểm lòng sùng mộ của người Công Giáo dành cho Mẹ. Nó diễn tả tình yêu của người Công Giáo dành cho Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, sử dụng những ngôn từ trong Kinh Thánh và sau đó lời cầu xin sự trợ giúp của Mẹ “trong giờ nguy cấp”. Đây là một lời nguyện phổ biến, được nhiều người biết đến trong suốt ít là 1000 năm qua.
Sau đây, xin lời quý độc giả cùng thưởng lãm 9 bức tranh cổ nhất về Đức Maria:
Tại nhà thờ Dura-Europos (Syria – thế kỷ 2)
Mẹ và các đạo sĩ viếng thăm Hài Nhi (Roma – thế kỷ 3)
Mẹ hang toại đạo (Roma – thế kỷ 3)
Đức Mẹ Bảo Trợ Roma (thế kỷ 5)
Giáng Sinh (Đan Viện Caterina – Núi Xinai – thế kỷ 6)
Đức Maria giữa các thiên thần và các thánh (Núi Xinai – thế kỷ 6)
Mẹ Thiên Chúa (Constantinople – thế kỷ 7)
Bìa của cuốn Tin Mừng (Đức – thế kỷ 8/9)
Mẹ và Hài Nhi (thế kỷ 9)
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: dongten.net
Theo: https://aleteia.org/2017/05/06/when-did-christians-start-praying-the-hail-mary/?fbclid=IwAR0FkLE7Kj2wAHQ8sUNOH106I0NooxhZR1IybzgUuUoWPnDUcSdFZ7ucDbY