Icon Collap
...
Trang chủ /  Ý nghĩa của việc làm Dấu Thánh Giá

 Ý nghĩa của việc làm Dấu Thánh Giá

Làm dấu Thánh Giá – Bước vào trong tôn giáo là bước vào trong thế giới của một rừng ngôn ngữ mang tính biểu tượng, hình ảnh. Bởi vì chỉ có thế giới của ngôn ngữ biểu tượng và hình ảnh mới có khả năng chuyển tải được phần nào những thực tại huyền nhiệm, thánh thiêng thuộc địa hạt tôn giáo. Thế nên, muốn hiểu được tôn giáo chúng ta cần làm quen với những ngôn ngữ biểu tưởng và hình ảnh này.

Làm dấu thánh giá, ý nghĩa của việc làm dấu thánh giá

 Ý nghĩa của việc làm dấu thánh giá

Có một điều khiến cho người ta thấy thắc mắc là tại sao người theo đạo Công giáo lại thường làm dấu Thánh giá trước và sau khi ăn hay làm bất cứ việc gì. Nhiều người không hiểu được hành vi này và xem đây như là một câu bùa chú, bùa ngải nào đó. Thực ra thuật từ làm “dấu”có lẽ do người bên lương đặt cho người bên đạo khi thấy họ làm vậy.  Còn trong thực tế, đối với người có đạo, việc làm này có tên gọi là “xin Thiên Chúa thánh hiến, thánh hóa, hiến thánh”cho những gì mà họ sắp ăn và sắp làm hay đã ăn hoặc đã làm xong công việc. Vậy, đâu là ý nghĩa đích thực mà việc làm Dấu này muốn nói lên với chúng ta? Sau đây là những ý nghĩa của nó:

1. Thứ nhất, khi làm dấu thánh giá, trước tiên người Công giáo muốn tuyên xưng cho mọi người biết rằng họ là người có đạo, họ tin vào một Thiên Chúa có Ba ngôi: Ngôi thứ nhất là Chúa Cha, Ngôi thứ hai là Chúa Con và Ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần. Đây là mầu nhiệm trung tâm quan trọng và thiết yếu nhất của lòng tin Kito giáo nói chung và của đạo Công giáo nói riêng. Mầu nhiệm này cho biết Thiên Chúa là Đấng duy nhất- chỉ có Một Thiên Chúa và là cha của mọi người, của những người tin. Vị Thiên Chúa là cha duy nhất đó có Ba ngôi là Cha-Con-Thánh thần và Ba ngôi đó yêu thương, trao hiến cho nhau tất cả những gì mình có và trao hiến liên tục vĩnh viễn đến nỗi khiến cho cả Ba thật sự trở thành Một với nhau. Chỉ có những ai sống và trải nghiệm được tình yêu trao hiến thực sự trong đời sống gia đình hoặc đời sống chung mới hiểu được phần nào thế nào là Ba ngôi Một Chúa và thế nào là một Chúa lại có Ba ngôi.

2. Thứ hai, khi làm dấu Thánh giá trên mình hay trên một đối tượng nào đó, người Công giáo không làm theo hình thẳng, hình cung, hình tròn hay một loại hình nào khác mà làm theo hình chữ thập, hình thánh giá. Tại sao vậy? Thưa bởi vì qua việc làm dấu, người Công giáo còn tuyên xưng lòng tin của mình một mầu nhiệm khác cũng vô cùng quan trọng. Đó là mầu nhiệm Con Thiên Chúa có tên gọi là Ngôi Lời, ngôi Con, Đấng Messia, Đấng Emmanuel hay là Đức Giesu Kito, đã được sinh ra làm người vào đêm Giáng sinh, ở với con người, đã giảng dạy cho con người biết về Thiên Chúa, về chính họ, về sự sống đời đời, về con đường để trở về với Thiên Chúa và đã dùng cái chết của mình trên cây thập tự hầu tha thứ mọi tội lỗi cho con người và giao hòa con người với Thiên Chúa. Để từ nay những ai tin vào con người có tên là Giesu đó chính là Con Thiên Chúa, là Đấng Kito, đấng Messia, đấng cứu độ thế giới và đón nhận Ngài cùng với những giáo huấn của ngài vào trong cuộc đời mình và thực hành những lời dạy của Ngài một cách nghiêm túc thì sẽ được hưởng sự sống đời đời của Thiên Chúa không chỉ ở trần gian này mà ngay cả sau khi chấm dứt hành trình làm người nơi dương thế. Chính vì vậy mà cây Thập tự treo Chúa Giesu Đấng Cứu độ thế giới, đã trở thành cây Thánh giá và trở thành biểu tượng trung tâm củlòng tin Kitô giáo. Nhờ Thánh giá mà những người có đạo nhận ra những người đồng đạocủa mình và những người ngoại đạo nhận ra họ là đồ đệ của chúa Giesu.

3. Thứ ba, khi làm dấu thánh giá nơi mình, người Kitô hữu tự đặt mình dưới sự hướng dẫn, dưới quyền năng của Thiên Chúa Ba ngôi đó là ngôi Cha, ngôi Con và ngôi Thánh Thần để làm tất cả mọi việc. Nhân danh Cha và Con và Thánh thần có nghĩa là người Kitô hữu xác nhận và tin rằng họ ở trong Chúa Cha, ở trong Chúa Con và ở trong Chúa Thánh thần để thực hiện công việc đó. Và khi ấy họ không làm việc một mình đơn độc nữa mà họ làm nhờ sức mạnh, quyền năng của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trợ giúp.

Bài đọc thêm: https://svconggiao.net/2019/06/07/y-nghia-cua-dau-thanh-gia-kep-va-nhung-cach-truyen-giao-don-gian/

Tổng hợp 

Truyền thông Sinh viên Công giáo

Bình luận