Đức Giêsu – chiến sĩ can trường – Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu không dễ gì chấp nhận những truyền thống, tập tục của Do Thái giáo lúc bấy giờ. Ngay khởi đầu Tin Mừng, Mác cô đã xác nhận: Đức Giêsu đã đưa ra một lối dạy mới (Mc 1, 27 ).
Ngài không lặp lại những gì cựu ước đã dạy, Ngài dám can đảm đứng lên và nói: “ Các ngươi nghe người xưa dạy thế này. Còn Ta, Ta bảo các ngươi…”. Ngài không cần nại đến một quyền lực nào đến tự bên ngoài. Chân lý mà Ngài dạy không phải là những điều người ta không biết hoàn toàn, nhưng là những gì đòi buộc lương tri bình thường phải biết. Và những lương tri bình thường này đã bị biến mất do những biến chứng phức tạp về tôn giáo, đạo đức, văn hoá mà chính con người đã tạo ra. Ngài đến để làm mới lại những gì đã có trong những cái cũ kỹ do con người và thời gian làm mai một, thui chột. Ngài làm đảo lộn trật tự, khuôn khổ trong xã hội khi dám tuyên bố “ Kẻ sau hết sẽ nên trước hết” ( Mc 10, 31). “ Những cô gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước những kinh sư, biệt phái” ( Mt 21, 23 ). Ngài không từ chối lời mời của những đối thủ nặng ký nhất của Ngài là những Pharisêu, dẫu rằng Ngài đã 7 lần tuyên bố với họ: “Khốn cho các ngươi, những kẻ giả hình, mù quáng” ( Mt 21, 13 – 39).
Hơn ai hết, nhà sư phạm phải là người tiên phong đi đầu trong việc khai mở trí sáng tạo, sẵn sàng đột phá vào trong những cấm địa ngàn đời của truyền thống, để có thể kín múc được những gì mới nhất mà người khác chưa tìm thấy hay bị lãng quên mai một do thời gian. Chính nhờ sự sáng tạo, đột phá trong phong cách sư phạm, trong cách đặt lại các giá trị, các vấn đề truyền thống mà Chúa Giêsu đã trở thành một hấp lực cho người đương thời, kể cả những kẻ chống báng Ngài.
Can Trường để chấp nhận con người thật của chính mình và can trường để dám khẳng định mình với người khác là những phẩm tính tuyệt vời của Chúa Giêsu mà mọi nhà giáo nên có, cần có và phải có.
Như vậy, với Chúa Giêsu, nhân cách, đạo đức của một nhà giáo vô cùng quan trọng – chính nhân cách đạo đức đó đã đặt nền và định hướng cho những phong cách sư phạm, đặc thù của mỗi nhà giáo. Trong thực tế, có không ít nhà giáo, vì lý do tuổi tác hay do hấp thụ bởi một nền giáo dục hoặc bởi một lý do nào đó khiến họ không thể đổi mới phương pháp giảng dạy được và có thể nói là hoàn toàn bế tắc trong lối giảng dạy cho người thời nay, ấy thế mà ảnh hưởng của họ lên học viên lại vô cùng lớn, và học viên lại vô cùng kính nễ những vị thấy này ? Lý do tại sao ? Khi được hỏi, phần đông các học viên đều trả lời vì vị thầy đó khiêm tốn, đạo đức và có một tấm lòng chân thành với học viên.
Quả thật, không có phương pháp sư phạm nào hay hơn, thiết thực hơn, bổ ích hơn, hữu hiệu hơn, nhân bản hơn phương pháp thiết lập mối tương giao chân thành giữa người dạy và học viên. Thiếu nó, nhà giáo sẽ trở thành công cụ chuyển tải thông tin không hơn không kém như môt rađiô, như một tivi, một tờ báo – và Carl Rogers thật chí lý khi đưa ra nhận định : “việc giảng ạy không quan trọng lắm nhưng đã được đề cao quá mức. Nếu giáo dục chỉ là DẠY HỌC thì không hứng thú gì tron việc dạy một người khác những điều người ấy phải biết phải suy nghĩ. Nếu là truyền thu kiến thức thì tại sao người ta không dùng sách hoặc giáo huấn trình tự. Nếu là chỉ bảo hướng dẫn, điều khiển thì có quá nhiều người được chỉ bảo, hướng dẫn,điều khiển rồi”. Với ông, dạy và truyền thụ kiến thức chỉ có ý nghĩa trong một hoàn cảnh không thay đổi.
Trong khi đó, chúng ta đang sống trong một xã hội không ngừng thay đổi. Vậy mục tiêu của giáo dục phải là giúp cho học viên thay đổi và học hỏi được dễ dàng chứ không phải dạy cho họ học. Người thầy thành công trong giáo dục ngày nay không phải là người dựa trên kỹ thuật giảng dạy , trên kiến thức chuyên môn của nhà giáo, cũng không dựa trên chương trình, trên giáo cụ,trên bài giảng, trên sách vở, (dù mọi thứ có lúc có thể là một nguồn tài liệ quan trọng ), mà là dựa trên thái độ của nhà giáo trong tương giao với học viên. – Và người được giáo dục ngày nay là người đã học được cách học, học được cách thích ứng và thay đổi, người biết rằng không có kiến thức nào vững chắc, chỉ có tiến trình đi tìm kiến thức mới là một nền tảng vững chắc. Thay đổi, tin vào tiến trình hơn là vào kiến thức cố định là điều có ýnghĩa mà thôi. Riêng M.Scott Peck lại nói một cách quả quyết hơn : “mỗi người trong chúng ta phải tự mở cho mình một lối riêng trong cuộc đời. Không có thủ bản chỉ nam, không có công thức tiền chế, không có bất cứ câu trả lời dễ dàng nào. Con đường đúng đắn cho người này có thể là con đường sai lạc cho người kia.
Bài đọc thêm: bi-quyet-thanh-cong-cua-vi-ton-su-vi-dai-gie-su/
Tóm lại, những nổ lực khám phá của trường phái nhân văn, mà đại diện của trường phái này chính là Carl Rogers, M. Scott Peck, Abraham Maslow, đã có những đóng góp tuyệt vời cho nhân loại trong nhiều lãnh vực khác nhau; nhất là lãnh vực tâm lý trị liệu và giáo dục, nhằm góp phần làm phát triển và hoàn thiện con người, khi họ cho rằng bản chất con người là thiện, có những tiềm năng vô giá ẩn tàng trong đó, con người có ý chí và tự do để tự định đoạt cuộc đời mình – Tuy nhiên, nếu xét cho cùng thì tất cả những khám phá của họ đều có thể và chắc chắn được tìm thấy nơi Chúa Giêsu, trong phong cách sư phạm của Ngài. Bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu chiều kích thứ hai làm nên phong cách sư phạm tuyệt vời của Thầy Giêsu, đó là những kỹ năng, nghệ thuật, kỹ nghệ, kỹ xảo, kỹ thuật trong cách giảng dạy của Ngài.
Lm. Ga Lưu Ngọc Quỳnh CsSR