Icon Collap
...
Trang chủ / Lên án bạo lực nhân danh tôn giáo

Lên án bạo lực nhân danh tôn giáo

Các Đức Hồng y Charles Bo của Myanmar, Blase Cupich của Hoa Kỳ, Dieudonné Nzapalainga của Cộng hòa Trung Phi, Philippe Ouédraogo của Burkina Faso, Luis Antonio Tagle của Vatican và Damasceno Assis của Brazil đã tham gia cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo tại hơn 90 quốc gia trên thế giới trong việc tái cam kết xây dựng “những cầu nối của tình yêu thương, lòng nhân ái và sự quan tâm chăm sóc” sau các vụ tấn công khủng bố gần đây xảy ra tại Pháp, Áo và những nơi khác.

Lên án bạo lực nhân danh tôn giáo – Cam kết xây dựng những cầu nối bằng tình yêu thương

Dưới đây là nội dung tuyên bố của Tổ chức Tôn giáo vì Hòa bình Quốc tế:

Đại diện cho các truyền thống và các tổ chức tôn giáo đa dạng trên toàn thế giới, Hội đồng Tôn giáo vì Hòa bình thế giới lên án mạnh mẽ các hành động khủng bố và bạo lực khủng khiếp ở Pháp và những nơi khác trên thế giới, được tuyên bố nhân danh tôn giáo. Chúng tôi bày tỏ sự cảm thông sâu sắc và dâng lời cầu nguyện cho gia đình các nạn nhân.

Chúng tôi lưu ý rằng các nhà lãnh đạo Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đã hoàn toàn bác bỏ tuyên bố về những hành động kinh dị này, được thực hiện nhân danh Hồi giáo.

Chắc chắn rằng các tín đồ Hồi giáo, cho dù họ cư trú ở Pháp hay những nơi khác trên thế giới, đều bị tổn thương khi vị Tiên tri của họ dường như bị xúc phạm. Tuy nhiên, nó không biện minh cho việc phá vỡ các nguyên tắc được đặt ra trong Hồi giáo, và trong mọi đức tin, cần phải ngăn chặn các hành động tàn bạo.

Với tư cách là các nhà lãnh đạo đức tin, chúng tôi có nghĩa vụ phải trở nên gương mẫu cho những phản ứng phù hợp với phẩm giá, nhân đạo và đầy lòng thương xót, thay vì những phản ứng mang tính hiềm thù. Việc trở nên thù hằn mở ra sự hủy diệt và diệt vong cho chính chúng ta và những người khác.

Tất cả chúng tôi đều có chung trách nhiệm chống lại bất kỳ diễn ngôn chính trị nào có thể khiến các tín đồ thuộc bất kỳ đức tin nào bị gạt ra bên lề hoặc bị xa lánh.

Tự do ngôn luận là quyền của con người, chắc chắn là như vậy. Đó cũng là một sự tự do đòi hỏi sự lễ độ. Đi đôi với tự do ngôn luận là giá trị chung của việc tôn vinh phẩm giá của tất cả mọi người. Lời nói có sức mạnh theo nghĩa riêng của chúng. Trong một thế giới rạn nứt, mọi phát ngôn nên thúc đẩy thái độ tôn trọng và sự gắn kết trong xã hội, thay vì gia tăng sự chia rẽ.

Chúng tôi, với tư cách là đại diện cho các truyền thống tôn giáo đa dạng của thế giới, tái cam kết đối với các diễn ngôn và hành động mang tính tôn trọng đa tôn giáo, hầu chữa lành những vết thương và thúc đẩy hòa bình bằng công lý.

Sứ mạng chung của chúng tôi nằm trong những gì “Tài liệu về Tinh thần Huynh đệ Nhân loại vì Hòa bình Thế giới và việc Cùng nhau chung sống” kêu gọi và những điều Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận trong Thông điệp ‘Fratelli Tutti’ gần đây nhất của Ngài: “Chúng ta được tạo dựng vì tình yêu và tình yêu sẽ xây xây dựng những cầu nối”.

Với tư cách là phong trào Tôn giáo vì Hòa bình, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực làm việc, thông qua các hội đồng liên tôn trực thuộc của chúng tôi, những phụ nữ có đức tin và các mạng lưới giới trẻ liên tôn ở hơn 90 quốc gia thuộc tất cả các khu vực trên thế giới, và thông qua các tổ chức tôn giáo tương ứng của chúng tôi, xây dựng những cầu nối của tình yêu thương, lòng nhân ái và quan tâm đến phẩm giá con người và phúc lợi chung cho tất cả mọi người.

Bài đọc thêm:https://svconggiao.net/2020/08/21/lam-chung-gian-vach-tran-lich-su-chong-cong-giao-trong-nhieu-the-ki/

Trong khi đó, chúng tôi kêu gọi thái độ điềm tĩnh ở khắp mọi nơi. Chúng tôi kêu gọi rằng chúng ta cần phải cân nhắc trong mọi lời nói chúng ta sử dụng và quyết định các hành động của chúng ta, ngõ hầu tạo ra hòa bình, sự bình ổn, phẩm giá và sự tôn trọng đối với tất cả mọi người. Chúng ta cần phải cân nhắc và kiên trì xây dựng những cầu nối bằng tình yêu thương.

Minh Tuệ (theo Novena)

Nguồn: dcctvn.org

Bình luận