Triết học và khoa học cả hai đều khác biệt triệt để với tôn giáo ở nơi mục đích của nó. Triết học tìm kiếm tri thức, tôn giáo giải trừ tri thức. Khoa học khám phá thiên nhiên, tôn giáo trở về với thiên nhiên. Công việc trở về này dù là Đông hay Tây dù Đạo học hay tâm linh cũng đều không khác.
Minh triết Đông phương phát biểu ‘Trí hư cực thủ tịnh đốc. Vạn vật tịnh tác. Ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân. Các phục quy kỳ căn. Quy căn viết tịnh. Thị vi viết phục mạng. Phục mạng viết thường”(Đến chỗ cùng cực hư không là giữ vững được trong cái tịnh. Vạn vật cùng đều sinh ra. Ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi, mọi vật trùng trùng đều trở về cội rễ của nó. Trở về cội rễ gọi là tịnh. Ấy gọi là phục mạng. Phục mạng gọi là “Thường”(Lão Tử ĐĐK chương 16) Phục mạng có nghĩa là trở về với bản tính mình. Đạo Phật gọi bản tính ấy là Phật, còn Đạo Chúa thì Đức Kitô gọi TC là Cha. Thiên Chúa là Cha của Đức Kitô và cũng là Cha của hết thảy mọi người, không ai mà không được sinh ra bởi Đấng Cha ấy “Vì cả Đấng làm nên Thánh lẫn những kẻ được nên Thánh đều bởi một Cha mà ra. Cho nên Ngài cũng không thẹn mà gọi họ là anh em” (Dt, 2, 12).
Là anh em với Chúa Giêsu, sự ấy nói lên điều gì nếu đó chẳng phải hết thảy những người được ơn gọi làm Con Chúa thông qua bí tích rửa tội đều là con cái của Đức Maria sao? Lần kia Đức Mẹ nói với Thánh Gietrude “Giêsu con rất dịu dàng của Mẹ không là con độc nhất (unigenitus) nhưng thật là con đầu lòng” (Primo genitus). Vì Mẹ đã thụ thai Ngài đầu hết trong dạ. Nhưng sau Ngài, đúng hơn bởi Ngài Mẹ đã thụ thai tất cả khi nhận chúng con làm con cái trong dạ đầy tình hiền mẫu Mẹ để chúng con nên anh em Ngài. Đồng thời là là con của Mẹ (Mv Bernadot- Op Mẹ trong đời tôi).
Vai trò làm Mẹ của toàn thể con cái Thiên Chúa đã được xác định ngay sau tiếng Xin Vâng của Đức Maria. Thực vậy ta không thể quan niệm được rằng Đức Maria chỉ cưu mang và sinh hạ có một mình Chúa Giêsu. Điều ấy chẳng những phi lý mà còn chứng tỏ rằng người ta vẫn chưa nhận biết được tính chất Cứu Độ của Đạo Chúa. Nếu Đức Maria chỉ là Mẹ Chúa Giêsu thôi thì làm gì mà có giáo hội tức Nhiệm Thể Đức Kitô ? Tất cả những ai lãnh nhận bí tích rửa tội đều là chi thể trong Thân Mầu Nhiệm của Chúa. Mà hễ đã là chi thể thì phải gắn liền với thân, rời bỏ thân đi thì chẳng thể sống”Ta là cây nho, các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm gì được” (Ga 15, 5).
Phải ở trong Chúa, gắn kết với Chúa thì mới có thể đơm hoa kết trái về mặt thiêng liêng. Thế nhưng làm sao để có Chúa “ở cùng” nếu ta không có Đức Maria làm Mẹ ? Chỉ một mình Đức Maria mới có thể sinh Chúa Giêsu nơi các tâm hồn bởi đơn giản là vì Thiên Chúa quan phòng đã định liệu như vậy”. Cùng một năng lực của Đấng Chí Cao, cùng một tác động của Chúa Thánh Thần đã làm cho Maria sinh ra trong nước tái sinh (Mv Bernadot Op Sđd).
Bài đọc thêm: Đức Maria – Mẹ Giáo Hội
Với tiếng Xin Vâng Đức Maria đã cưu mang sinh hạ Đấng Cứu Chuộc thế nào thì Ngài cũng sinh Chúa Giêsu trong ta như vậy. Điều này có nghĩa Chúa được sinh trong ta không chỉ một lần nhưng là sinh trong từng mỗi một phút giây. Nói cách rõ ràng hơn: Mỗi khi ta “Xin Vâng” là khi ấy Chúa được sinh ở trong ta. Đang giận ghét ai đó nhưng nhớ lại được Lời Chúa “Hãy yêu thương kẻ thù nghịch cùng ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi”(Mt 5, 44) bèn “Xin Vâng”. Đang có ác tâm muốn âm mưu hãm hại người nhưng nhớ được lời dạy “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng”(Mt 11, 29) bèn “Xin Vâng”. Nhớ được Lời Chúa, vâng theo lời dạy của Ngài và như thế tức thời Chúa được sinh ra. Xin vâng lúc nào thì Chúa dược sinh ra trong ta lúc ấy, luôn xin vâng thì Chúa luôn ở trong ta để như Thánh Phaolô nói “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gal 2, 20). Con người sống là sống với thân xác, do đó nó không thể thoát ra khỏi những hệ lụỵ như là đói khát bệnh tật chết chóc và đi kèm với nó là biết bao lo âu phiền muộn do cuộc tồn sinh gây ra. Tính chất khổ trong đời sống dường như là bất tận.
Thế nhưng đối với những ai đã nhận biết được Sự Thật thì đó tất cả chỉ là một tấn tuồng ảo hoá. Đức Kitô đã thấu triệt Sự Thật và nói chính là Sự Thật ấy sẽ giải thoát con người chứ chẳng phải Ngài. Nếu cho rằng Đức Kitô là Đấng Thần Linh có thể cứu giúp con người thì như vậy chẳng lẽ Ngài lại có thể bất công: Cứu kẻ này mà bỏ người kia sao ? Nhìn nhận Đức Kitô như một Đấng Thần linh, điều ấy xét ra lợi bất cập hại. Lợi ở chỗ là làm cho con người dễ dàng trong việc quy hướng. Nhưng hại ở chỗ là khiến cho Lời Chúa không được nhận biết như cần nhận biết để được cứu thoát. Có nhận biết Lời Chúa thì mới có thể thực hành Lời Chúa tức Xin Vâng. Nhận biết có nghĩa là Nhớ và chính cái Sự Nhớ ấy sẽ đem lại giải thoát hay trói buộc cho con người. Cứ mãi nhớ đến những điều xấu ác thì không thể không làm điều xấu ác. Ngược lại có luôn nhớ đến những điều tốt lành thì mới có thể làm được điều tốt lành. Nhân nào quả ấy, tất cả đều do tâm tạo, chân lý ấy đúng cho toàn thể và tôn giáo cũng không ra ngoài quy luật ấy. Tuy nhiên để cho quy luật có thể hiện thực trong cuộc sống nhất thiết cần phải có phương pháp.
Phùng Văn Hóa
Nguồn: Conggiao.info