Icon Collap
...
Trang chủ / Sứ mạng của gia đình Ki-tô hữu

Sứ mạng của gia đình Ki-tô hữu

Con Thiên Chúa sinh vào trần gian này ngang qua một gia đình để nhằm thánh hóa và nêu gương sáng cho mọi gia đình về sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao cho từng gia đình cũng như mỗi thành viên trong gia đình. Chúng ta tạ ơn Chúa vì Hồng ân đăc biệt này và chúng ta xin Chúa, qua sự chuyển cầu của Thánh Gia ban cho chúng ta những ơn cần thiết để có thể chu toàn được sứ mạng cao cả này. Nhưng trước hết chúng ta cần tìm hiểu xem gia đình có sứ mạng gì?

Sứ mạng gia đình Ki-tô

Trong ý định của Thiên Chúa, hai người nam nữ rời bỏ tổ ấm riêng của mình để tạo nên một gia đình mới cốt là để nâng đỡ, bổ túc và kiện toàn những khiếm khuyết của nhau, cùng giúp nhau đạt tới hạnh phúc tròn đầy mà Thiên Chúa mong đợi. Chính vì vậy, mà Kinh thánh đã dùng một hình ảnh hóm hỉnh, rất dễ thương để gợi nhớ cho chúng ta điều này. Đó là sau khi tạo dựng Adam với muôn vàn cảnh vật phong phú bao quanh, nhưng ông vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Nỗi buồn vẫn vây bủa ông. Và khi Thiên Chúa dẫn Eva đến thì ông vội reo lên trong sung sướng mà nói “ Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”.

Như vậy, trong mầu nhiệm tạo dựng con người, Thiên Chúa dường như đã cố tình tạo ra sự thiếu hụt lẫn nhau giữa người nam và người nữ, khiến họ phải luôn luôn tìm kiếm để lấp đầy và làm đầy cho nhau. Hình ảnh Thiên Chúa cho một giấc đê mê ập xuống trên Adam và đang lúc ông ngủ, Ngài đã rút một xương sườn của ông để đắp thịt vào và tạo nên Eva cho thấy sự thiếu hụt đó chỉ có thể được bù đắp khi họ trao hiến cho nhau để trở nên một xương, một thịt với nhau. Thiên Chúa lại còn nói rõ điều này khi phán “ Con người ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” ( St 2,18). Bởi vậy, gia đình chính là nơi Thiên Chúa thiết lập nên để cho người nam người nữ sống trọn vẹn cho nhau, yêu nhau và trao hiến cho nhau tất cả và trao hiến cho đến kỳ cùng.

Thứ đến, Kinh thánh cho chúng ta thấy rõ hai người nam nữ được Thiên Chúa tác tạo trong sự thất hụt và được tác hợp một cách công khai còn nhằm một mục đích khác. Đó là “ Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” ( St 1, 28). Rõ ràng, Thiên Chúa muốn người nam nữ không chỉ trao hiến để làm bổ túc, làm tròn đầy hạnh phúc cho nhau mà còn được cộng tác với Ngài trong việc sinh sôi nảy nở nòi giống để làm chủ mọi vật mọi loài trong trái đất này. Gia đình chính là nơi Thiên Chúa tiếp tục công trình sáng tạo nên con người theo hình ảnh Ngài. Sứ mạng cốt cán và cao cả hàng đầu của gia đình vẫn là sinh sản và giáo dục con cái để chúng có khả năng thống trị trái đất và vạn vật trong đó.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng đời sống gia đình hôm nay, sứ mạng Thiên Chúa trao phó cho từng gia đình đang bị cầm giữ và không được thực thi. Nhiều quốc gia tại Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc, Nhật bản đang rơi vào tình trạng thiếu hụt con người. Các quốc gia này ngày một già nua, thiếu hẳn sức sống vì người ta không còn bận tâm đến việc sinh con cái mà chỉ đi tìm thú vui của thân xác mà thôi. Con cái không còn là món quà quý nhất được các cặp vợ chồng mong đợi mà dường như đang trở nên vật cản, lực cản của họ. Thêm vào đó, tình trạng bố mẹ sát hại những người con của mình đang được hợp thức hóa và khuyến khích thêm.

Thứ ba, với biến cố Con Thiên Chúa được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, Thiên Chúa còn muốn gia đình phải là nơi không chỉ sinh ra con người thuần túy về mặt thân xác, xã hội mà còn phải là nơi phải sinh ra những người con cho Thiên Chúa. Cha mẹ không chỉ sinh ra con cái để tiếp tục việc cai quản mặt đất này mà còn phải làm cho con cái được sinh vào trong Thiên Chúa, nghĩa là trở thành con của Thiên Chúa thật. Vì thế, gia đình phải là trường dạy đức tin và là trường dạy cầu nguyện đầu tiên cho những người con trong gia đình. Chúa Giê su trong cuộc đời tại thế đã không chỉ thực hiện những gì mà người cha trần thế chỉ dạy mà còn phải biết chuyên chăm thực hiện những gì Cha trên trời giao phó nữa.

Đối diện với sứ mạng này, chúng ta vẫn thấy thấp thoáng đâu đó những nỗi ám ảnh lo sợ của những bậc làm cha, làm mẹ về đời sống lòng tin của con cái mình. Hiện tượng nhiều người trẻ dần dần rời xa nhà thờ, rời xa Giáo hội đang là những dấu hiệu cảnh tỉnh sứ mạng chăm lo đời sống đức tin trong các gia đình. Bên cạnh những bậc làm cha làm mẹ đang đau đáu lo cho đời sống lòng tin của con mình thì vẫn có đó những bậc làm cha mẹ chỉ mãi bận tâm lo cho đời sống phần xác của con mình cũng như tương lai của những giá trị trần thế. Có không ít gia đình sẵn sàng đầu tư hết mức, thậm chí còn ép buộc con cái đi học thêm, học đủ thứ các môn học đời. Trong khi đó, cha xứ hay giáo xứ chỉ cần yêu cầu, nhắc nhở họ đốc thúc con cái đi học giáo lý tuần một buổi thôi cũng bảo là không có giờ.

Thứ tư, Thánh Phao lô còn cho thấy, tình yêu và sự trao hiến mà vợ chồng dành cho nhau trong đời sống gia đình phải làm sao phản ánh, chiếu tỏa được tình yêu của chính Đức Giê su Ki tô dành cho Hội thánh. Như vậy, gia đình còn có một sứ mạng quan trọng nữa là làm cho mọi người chung quanh nhận ra được Chúa Ki tô và Hội thánh đang hiện diện trong chính đời sống của họ. Muốn làm được điều này thì tình yêu mà họ dành cho nhau phải là thứ tình yêu mà Đức Ki tô đã dùng để yêu thương Hội thánh. Đó là một thứ tình yêu vị tha chứ không phải vị kỷ. Tình yêu này phải phát xuất từ thiện ích của người khác chứ không phải để thỏa mãn bản năng hay khát vọng của mình. Yêu để người bạn đời mình được hạnh phúc chứ không phải chỉ để mình được thỏa mãn khát vọng yêu. Yêu một cách vô điều kiện, yêu đến hy sinh quên mình và sẵn sàng tha thứ tất cả va chân thành mới là thứ tình yêu diễn tả được tình yêu Đức Giê su Ki tô dành cho Hội Thánh.

Sứ mạng làm sao chiếu tỏa được tình yêu của Đức Ki tô dành cho Hội thánh ngang qua tình yêu mà vợ chồng dành cho nhau quả là một thách đố không dễ vượt qua. Nhưng đây lại là sứ mạng mà chính Thiên Chúa đã trao ban cho các gia đình. Đối diện với sứ mạng này, có nhiều cặp vợ chồng đã can đảm thực thi tình yêu dành cho nhau một cách vô vị lợi. Nhưng trong thực tế, con số các gia đình này không lớn lắm. Thay vào đó, thứ tình yêu ích kỷ, thích thống trị vẫn còn đang thống soái trong từng gia đình, khiến cho nhiều cặp vợ chồng ngập tràn trong nước mắt và đau khổ. Tình yêu vị kỷ vẫn lấn lướt tình yêu vị tha.

Hôm nay, mừng lễ Thánh gia, chúng ta được mời gọi nhìn lên gia đình thánh và nhìn vào gia đình mình để thấy được những sự thật ẩn tàng trong đó. Chỉ có việc nhận ra sự thật, đón nhận nó và can đảm điều chỉnh sứ mạng của gia đình theo đúng thánh ý của Thiên Chúa mới giúp chúng ta làm nên những gia đình tốt. Nguyện xin gia đình Thánh Gia cầu bầu cùng Thiên Chúa chúc lành cho các gia đình trong thế giới hôm nay. Amen.

Lm. Ga Lưu Ngọc Quỳnh CsSR

Svconggiao.net

Bình luận