“Vô cảm – một trong những vấn nạn phổ quát của thời đại xã hội hôm nay. Nó đã không còn là một hiện tượng hay một hội chứng mà đã trở thành một căn bệnh – một căn bệnh thế kỉ mang tầm vóc toàn cầu hóa. Và trong Thánh Kinh, vô cảm được xem là một tội trọng và phải sa xuống hỏa ngục nếu không ăn năn hối cải và trở về…”
Mùa Chay là dịp chúng ta duyệt xét lại tâm hồn, nhìn lại con người của mình để ăn năn, sám hối về những tội lỗi mà chúng ta đã xúc phạm đến Chúa và tha nhân hầu canh tân lại đời sống của mình để được hưởng ơn cứu độ. Trong bài giảng cha Gioan đã chia sẻ cho cộng đoàn biết về một trong những tội lỗi mà hầu hết mọi người đều mắc phải nhưng ít ai có thể nhận ra được. Đây cũng chính là tội, là vấn nạn nhức nhối nhất của thời đại ngày hôm nay, nó đã mang tính toàn cầu hóa và có sức hủy diệt nhân loại. Đó chính là tội vô cảm.
Trong sứ điệp Màu Chay năm 2019, Đức Thánh Cha nói “Thế giới đương đại của chúng ta là một đại dương vô cảm” và trong cuộc nói chuyện về vấn nạn của giáo triều năm 2014 sau khi lên ngôi, ngài nhắc nhở, cảnh tỉnh, ngài nói “Syria là sản phẩm của một tình trạng vô cảm toàn cầu, là một sản phẩm của một thái độ thờ ơ vô cảm của toàn thể nhân loại ngày hôm nay. Dân Syria chấp nhận tàn khốc vì cả thế giới quay lưng, cả thế giới quay mặt, chẳng ai quan tâm cho nên người dân Syria phải chịu tàn phá với cuộc chiến dã man, dai dẳng cho đến bây giờ. Cũng thế đại dịch Corona mới cho chúng ta thấy rõ hơn tình trạng vô cảm của con người. Trong những ngày đầu tháng 12/2019, dịch bệnh đã được cảnh báo bởi bác sĩ Lý Văn Lượng. Tuy nhiên bởi sự ngu muội và vô cảm của chính phủ, Trung Quốc đã bịt tai, bịt mắt làm ngơ trước cái chết của con dân mình. Dịch bệnh đã lên đến “đại dịch”, bên cạnh những người hoảng loạn, nơm nớp sợ hãi thì số những người khác lại vô lo vô nghĩ đến nối bao sự cảnh cáo vẫn không giúp họ ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Họ dửng dưng, coi thường dịch bệnh, coi nó không đáng lo ngại và chủ quan, họ vẫn đi chỗ này chỗ kia, ra ngoài chẳng đeo khẩu trang, đi đến vùng có dịch, tiếp xúc trò chuyện với nhiều người…
Trong thông điệp Laudatosi, Đức Thánh Cha nhắc cho chúng ta biết thái độ vô cảm của toàn thể nhân loại đã biến trái đất trở thành núi rác khổng lồ. Không biết môi sinh, môi trường của chúng ta sẽ đi về đâu? Ngài khẳng định nền văn minh trong thế giới đương đại đó là một nền văn hóa vứt bỏ, vô cảm, thờ ơ, lạnh đạm, và trong sứ điệp mùa chay năm nay, ngài để tâm đến vấn đề này. Không chỉ con người nhưng toàn thể vũ trụ, nhân loại đang quằn quại rên xiết mong chờ ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta.
Bệnh vô cảm hay tội vô cảm là tội duy nhất được nhắc đến trong Thánh kinh
Trong câu chuyện dụ ngôn người phú hộ và anh Ladaro nghèo, chúng ta thấy ông nhà giàu không xúc phạm, không hắt hủi, không cho người đánh đập Ladaro, nhưng kết thúc ông nhà giàu phải xuống hỏa ngục, tại sao vậy? Vì ông đã quá vô cảm không một chút xót thương đến đồng loại của mình đang ăn xin bên cạnh cửa nhà ông. Và căn bệnh vô cảm này trong Tin Mừng Mathêu chương 25 tiếp tục nhắc cho chúng ta biết chung cuộc của ngày phán xét rất rõ. “34Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.35Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;36Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” Còn những người bên tả bị chúc dữ: 41Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.42Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống;43Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.”
Có lẽ có muôn vàn tội, nhưng tội được nói cách minh nhiên nhất, rõ ràng nhất phải sa hỏa ngục trong Thánh Kinh là tội thờ ơ, vô cảm với nhân loại, với Thiên Chúa và với con người. Như vậy cả hai bản văn Tin Mừng này nhắc cho chúng ta biết vô cảm là căn bệnh, là trọng tội phải sa hỏa ngục đời đời kiếp kiếp.
Tội vô cảm đã mang tính phổ quát, toàn cầu hóa
Đức Thánh Cha nhận xét hiện nay bệnh vô cảm đã mang tính toàn cầu hóa, không chỉ ở một vùng miền, quốc gia, dân tộc hay tôn giáo nào. Hiện tượng vô cảm đã và đang bao trùm chúng ta. Hiên tượng vô cảm của đất nước Nhật Bản đã trở nên nhức nhối, đã trở nên mức báo động, văn hóa “không làm phiền”, tình trạng tự tử vì quá áp lực, bế tắc… Mạng xã hội gần đây đang xôn xao dư luận về chuyện của một cô gái tại Trung Quốc, cô gái ngồi trên tầng năm có ý muốn tự tử, cô ngồi bốn tiếng đồng hồ để tìm sự đồng cảm, thay vì kêu cứu thì người bên dưới hô to “nhảy đi, nhảy đi, sao lâu vậy chưa nhảy” và rồi cô tuyệt vọng, khi cảnh sát tới cứu,cô nói “đừng cứu tôi”, rồi cô nhảy xuống.
Việt Nam của chúng ta xếp thứ mười ba trong những nước vô cảm nhất trên thế giới và đứng thứ nhất Châu Á về tỷ lệ nạo phá thai nhất là trẻ vị thành niên. Hiện nay, chúng ta thấy tại Việt Nam hàng giả, thuốc giả, bằng giả tràn lan, thịt thì chứa chất tạo nạc, hocmon tăng trọng… Điều đó giải thích tại sao Việt Nam là quốc gia ung thư hàng đầu thế giới. Người ta coi mạng sống con người rẻ rúng. Thế rồi bạo lực học đường: Những video quay lên thấy bạn bị đánh, đứng vỗ tay không ai bênh vực, không chút xót thương. Bạo lực gia đình: chồng đánh đập hành hạ vợ, vợ trả thù chồng, con cái bất hiếu với cha mẹ. Rồi hiện tượng đinh tặc một thời gian làm cho náo động người dân Việt Nam.
Thế giới sẽ đi về đâu nếu con người dửng dưng với tội trọng, với căn bệnh hiểm nghèo này. Đọc lại bài văn của em học sinh trường Chu Văn An Hà Nội viết về căn bệnh vô cảm, bài báo không chỉ làm chấn động Việt Nam mà còn cả thế giới. Nhìn lại cuộc khảo sát những thành phố lớn tại Việt Nam có đến 90% người trẻ rơi vào bệnh vô cảm, căn bệnh này phần lớn nằm ở vùng trung tâm thương mại, còn ở vùng quê ít hơn. Căn bệnh vô cảm ngày càng xâm lấn vào trong đời sống của giới trẻ hôm nay.
Chúng ta cùng nhau duyệt xét lại căn bệnh vô cảm của chúng ta:
Chúng ta được đến đây tĩnh tâm còn vợ chồng con cháu mình đang ở trong tình trạng nào? Mình có thờ ơ với phần rỗi của vợ chồng con cháu? Có thấy họ trong tình trạng tội lỗi mà vẫn thờ ơ, không cầu nguyện, không đưa họ trở về với Thiên Chúa không? Chúng ta có quá lo lắng cho những nhu cầu vật chất, lo lắng mải mê kiếm tiền mà không lưu tâm đến phần linh hồn không? Chúng ta có chịu đầu tư cho con cháu được hiểu biết về đức tin hay chỉ đầu tư cho con cháu mình về học hành văn hóa, mà mất đi đạo đức, mất đi đức tin. Con người không có đời sống đức tin, không có tôn giáo, không biết kính sợ Thiên Chúa thì đối xử với nhau như một tội nhân, như kẻ thù, và không có lòng thương xót.
Lạy Chúa xin giúp chúng con trong những ngày tĩnh tâm này biết nhìn lại sâu trong tâm hồn mình, để điều chỉnh những lệch lạc, sai trái, ngõ hầu chúng con được canh tân, đổi mới tâm hồn trong mùa chay thánh này. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra sự vô cảm thờ ơ của mình, không phải là một tội nhẹ song là một trọng tội để chúng con ý thức hơn, và biết đối xử với anh em đồng loại của mình với sự chân thành nhất, với lòng xót thương như Chúa đã xót thương chúng con.
Trích bài giảng cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh
Truyền thông sinh viên Công giáo