Icon Collap
...
Trang chủ / Cùng nhau ta xây mùa hồng ân

Cùng nhau ta xây mùa hồng ân

Mùa Chay vẫn thường được gọi là mùa Thiên Chúa thi ân, mùa Thiên Chúa cứu độ, mùa hồng ân. Mỗi dịp Mùa Chay về lòng đạo đức được thức tỉnh, Giáo Hội như được hồi sinh, bao nhiêu người khô khan nguội lạnh, không xưng tội rước lễ nhưng đến mùa Chay họ lại tìm đến nhà thờ. Có người vì hoàn cảnh nghiệt ngã phải xa cách nhà thờ, xa cách Giáo Hội thì đến Mùa Chay trong lòng họ có cái gì đó thổn thứ, thúc bách họ hướng lòng hay tìm về với Chúa. Cộng đoàn con cái Giáo phận Vinh – Hà Tĩnh tại Hà Nội cũng có tâm tình đó nên hôm nay ngày 7/3/2021 cộng đoàn cùng với Cha linh hướng Gioan Lưu Ngọc Quỳnh CSsR dâng thánh lễ đầu xuân và cũng là thánh lễ Chúa Nhật III Mùa Chay. Sau khi rước lễ các thành viên được nhận lộc thánh đầu xuân làm kim chỉ nam cho mình trong cuộc sống.

Qua bài tin mừng Cha linh hướng chia sẻ: Để Thiên Chúa thi ân, Thiên Chúa cứu độ, Ngài mời gọi chúng ta làm ba việc cụ thể là chay tịnh, cầu nguyện và bác ái. Đó là cách chúng ta cùng nhau ta xây mùa hồng ân.

mùa hồng ân, hồng ân của Thiên Chúa, cầu nguyện

Việc thứ nhất: Chay tịnh

Việc chay tịnh nghĩa là việc sám hối để trở về với Thiên Chúa. Chúng ta nhớ câu của Chúa Giê-su nói: “Bao lâu chàng rể còn ở với họ thì họ không ăn chay. Còn bao lâu chàng rể bị đưa đi thì họ mới ăn chay”. Ăn chay là quay trở về với chàng rể Giê-su. Ăn chay là xét lại tất cả những lề luật của Thiên Chúa xem mình có vi phạm luật nào để chúng ta đi xưng thú tội lỗi, để hòa giải với Thiên Chúa, để trở  về với Ngài. Ăn chay là xét xem tất cả những lề luật nói về bổn phận đối với Thiên Chúa, bổn phận đối với tha nhân chúng ta có vi phạm điều nào không, để rồi nếu chúng ta vi phạm thì hãy đi làm hòa với nhau và đi làm hòa với Thiên Chúa qua Bí tích Hòa giải.

Việc thứ hai: Cầu nguyện

Việc cầu nguyện là việc vô cùng khó, bởi chúng ta đang phải nói chuyện với một Thiên Chúa vô hình, trong khi con người chúng ta vừa là thân xác vừa là linh hồn. Nên xu hướng muốn vật chất hóa Thiên Chúa để có thể nói chuyện, đàm đạo với Người được. Đó là một xu hướng rất tự nhiên nơi con người. Thiên Chúa biết rõ điều đó khi tạo dựng nên con người và sợ con người lầm lạc nên Ngài cấm tạc tất cả mọi ảnh tượng mà thờ vào thời Cựu ước, bởi vì thời đó Chúa Giê-su chưa đến. Nhưng đến thời Tân ước thì Chúa Giê-su quay trở lại đền thờ Giêrusalem, Ngài tuyên bố rằng đây là nhà của Cha ta, đây là nhà cầu nguyện.

Nhưng khi Người thấy nhà cầu nguyện bị tục hóa, biến thành nơi buôn bán, trở thành hang trộm cướp thì Người đã cầm roi mà đuổi những gì của thế gian ra khỏi nhà cầu nguyện. Như vậy, để giúp cho con người có khả năng cầu nguyện với Thiên Chúa, Chúa đã chọn những nơi cụ thể về mặt vật chất, đó chính là những đền thờ mà Ngài muốn con người xây lên để phụng thờ một mình Thiên Chúa, để khi con người bước vào đó, con người gặp gỡ được Thiên Chúa là Cha của mình.

Bước vào đó, con người có thể cầu nguyện hàng ngày, hàng giờ với Cha của mình. Khi khó khăn, trục trặc con người chạy đến với Thiên Chúa nơi chính những ngôi đền thờ được thiết lập để con người có thể đàm đạo, thưa chuyện và khấn xin Thiên Chúa những gì tốt đẹp theo ý của Người. Chúng ta có kinh nghiệm đó, vào nhà thờ chúng ta cầu nguyện được dễ dàng hơn ở những nơi chốn khác, dẫu rằng Chúa ở khắp mọi nơi nhưng con người chúng ta phải có một nơi cố định và Thiên Chúa đã chọn cái nơi cố định đó chính là những đền thờ mà do chính con người làm ra.

Vì vậy, khi bước vào nhà thờ là nhà của Cha, là nhà cầu nguyện, chúng ta phải ý thức bước vào thinh lặng để gặp Cha, để chào Cha, để thưa lên với Cha những tâm tư, ước nguyện của mình, để gói ghém, trao gửi nơi Cha những bận tâm, lo lắng của cuộc đời, những khát vọng, những thao thức của phận người, những yếu hèn, tội lỗi của thân phận tro bụi nơi mỗi người chúng ta.

mùa hồng ân, hồng ân của Thiên Chúa, cầu nguyện

Bài đọc thêm: Vị bác sĩ với chuối mân côi trên tay cầu nguyện cho các bệnh nhân

Việc thứ ba: Bác ái

Để bố thí cho những người khác thì chúng ta chỉ có một con đường là hy sinh. Bác ái đây không chỉ là bác ái theo nghĩa vật chất, mà bác ái còn có nghĩa là dành tình thương đặc biệt cho những người khác, nhất là những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Có thể cho họ một nụ cười, một lời khuyên, hay chỉ là hi sinh đến thăm viếng, động viên, khích lệ họ. Cũng có thể giúp họ một món tiền như cộng đoàn Đaminh Savio đã làm cho một thành viên trong cộng đoàn. Tự thân bác ái là phải hy sinh, có hy sinh mới có chia sẻ. Ngài mới nói đến cách để Thiên Chúa cứu độ con người không phải là quyền, mà là hy sinh. Người hy sinh đến giọt máu cuối cùng, hy sinh trọn vẹn con người của mình, hy sinh cả phẩm trật của một vị Thiên Chúa nơi mình, hy sinh cả sinh mạng của mình, đó là sự bác ái cao cả nhất mà Chúa sẽ cử hành trong Đại lễ vượt qua sắp tới.

Đến nhà Cha, vứt bỏ mọi sự, chỉ có một việc là sống tình con thảo với Cha, là thưa lên với Cha những tâm tình của mình. Đừng có xác ở đây mà tâm hồn toàn nghĩ những chuyện ngoài kia, đó không phải là điều Thiên Chúa muốn. Khi chúng ta bước vào đền thờ, đồng thời Chúa mời gọi chúng ta hy sinh thời gian, sức lực, hy sinh cả vật chất lẫn tinh thần, hy sinh cả trí tuệ, hy sinh cả sức khỏe để chúng ta làm được những điều tốt đẹp cho anh chị em đồng loại.

mùa hồng ân, hồng ân của Thiên Chúa, cầu nguyện

Xin Chúa Giê-su cho tất cả cộng đoàn chúng con nghe được Lời của Chúa, để chúng con dành những thời khắc đặc biệt trong mùa Chay này để xét mình, để sám hối, để ăn năn, để xưng thú. Chúng con dành những thời khắc rất đặc biệt để chúng con sống tình con thảo với Cha, để chúng con cầu nguyện thân mật với Cha.

Để nhờ đó, tất cả chúng con làm nên một thân mình Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô vượt qua cuộc khổ nạn thế nào, chịu chết thế nào và sự phục sinh vinh hiển ra sao thì chính chúng con là những chi thể của Người cũng được vượt qua những đau khổ, sự chết và được đạt tới sự phục sinh vinh hiển với Người.

Bài đọc thêm: “Donald Trump cầu nguyện là thứ có sức mạnh lớn nhất

Francis Đức

Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo

 

Bình luận