Icon Collap
...
Trang chủ / Tỏ mình nơi đâu và cách nào?

Tỏ mình nơi đâu và cách nào?

Trong suốt tuần Bát Nhật này chúng ta nghe lần lượt các tác giả Tin Mừng công bố việc Chúa Giê-su đã Phục sinh khải hoàn chiến thắng, mỗi tác giả Tin mừng từ Matthêu, Maccô, Luca, và Gioan đều dựa vào những kinh nghiệm của bản thân để lần lượt trình bày từng biến cố mà Chúa Giê-su Phục sinh đã hiện ra nhằm chinh phục lòng tin của các môn đệ.

Hôm nay chúng ta được nghe Tin mừng của Thánh Gioan, Ngài tường thuật về lần hiện ra thứ ba của Chúa Giê-su sau khi từ cõi chết sống lại. Và trong đoạn Tin mừng này chúng ta để ý đến cách diễn tả về mầu nhiệm Phục sinh của Thánh Gioan không giống với các Tông đồ khác. Các Tông đồ khác thường nói Chúa hiện ra lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba nhưng với Gioan thì không dùng chữ “hiện ra” mà dùng chữ “Chúa tỏ mình”.

Chúa “tỏ mình” khác với “hiện ra” thế nào?

Thuật ngữ “hiện ra” khiến cho người ta có nhiều cái ngộ nhận tưởng là Chúa Giê-su giống như ma lúc ẩn, lúc hiện và người ta dễ ngộ nhận Chúa Giê-su cũng chỉ là một bóng ma. Phần lớn gọi là Chúa Giê-su hiện ra thì không phản ánh được điều thực chất và mầu nhiệm Phục sinh. Bởi vì Chúa Giê-su Phục sinh sống lại bao phủ toàn thế giới Ngài chẳng cần hiện ra, Ngài chỉ cần bao phủ lấy Hội thánh, bao phủ lấy toàn thể vũ trụ vạn vật này, chứ không phải Ngài ẩn ở đâu đó và bắt đầu Ngài xuất hiện.

Thánh Gioan Tông đồ nói cho chúng ta biết Chúa tỏ mình ra nghĩa là Chúa Giê-su Phục sinh khải hoàn chiến thắng, Ngài ở với tất cả nhân loại, nhưng mà họ không nhận ra được Ngài. Bởi lẽ Ngài thuộc về thế giới của Đấng Phục sinh cho nên khi Ngài tỏ mình ra cho ai thì người đó mới nhận ra được chứ không phải là Ngài hiện ra với ai.

Chúa phục sinh

Ngài gắn bó với chúng ta, chúng ta thấy Ngài đi cùng hai môn đệ trên đường Emmau rõ ràng vào lúc ban ngày ban mặt, không phải ban tối nhưng hai ông vẫn không nhận ra được; Người hiện ra với Maria Madalena, Người gọi bà, bà lại tưởng là người làm mồ,  người canh vườn; họ không nhận ra Người bởi vì Chúa Phục sinh không giống như trong thực tại mà Chúa Giê-su đã từng ở trần thế. Ngài Phục sinh, Ngài thuộc thế giới mới, thế giới linh thánh, thế giới bao phủ lấy chúng ta.

Hôm nay chúng ta được thấy rõ Chúa Phục sinh, còn khi xưa các môn đệ không nhận ra Người, ngoại trừ một người đó là Gioan. Cho nên chúng ta được thấy để chúng ta tin vào Chúa Giê-su Phục sinh.

Bài đọc thêm: Chúa hay Ma

Có phải Chúa Giê-su lúc ẩn, lúc hiện như ma quỷ?

Chúa Giê-su không ẩn hiện như ma quỷ nhưng Chúa Giê-su bao phủ lấy tất cả chúng ta. Và Ngài tìm cách tỏ mình cho những ai mà Ngài muốn, Ngài tỏ mình bằng nhiều cách khác nhau: Hai môn đệ trên đường Emmau Ngài tỏ mình cho các Ngài qua việc giảng giải thánh kinh và dẫn họ đến việc Chúa Giê-su phải chết và sống lại, rồi Ngài tỏ mình cho họ bằng việc cầm lấy bánh bẻ ra, trao cho các môn đệ; còn Maria Madalena còn chờ Ngài gọi để tỉnh, gọi chính đích danh tên của bà thì Maria mới nhận ra và đáp lại “Rabuni nghĩa là Lạy thầy”. Chúa có đó nhưng mắt thường chúng ta không thấy được, chỉ khi Ngài tỏ mình ra thì người ta mới nhận, và hôm nay trên biển hồ Tiberia Chúa tỏ mình ra bằng một phép lạ phi thường.

Chúng ta thấy các Tông đồ đa số là dân trên biển của vùng Galilê, họ đánh cá suốt đêm không bắt được, vậy mà tảng sáng Chúa Giê-su đứng trên bờ, Chúa bảo thả lưới bên phải mạn thuyền, cũng con thuyền đó, cũng những tay thợ chuyên nghiệp đó, cũng vùng biển đó nhưng các ông đánh bắt cả đêm không được. Nhưng nghe Lời Chúa Giê-su các ông chưa biết thật hay hư, cứ thả lưới đã và cuối cùng được một mẻ lưới đầy một trăm năm mươi ba con, tượng trưng cho các loài cá lúc đó, lạ lùng thay lưới đầy cá nhưng không bị rách.

phục sinh

Như vậy nhờ tỏ mình qua phép lạ đó Gioan mới nhận ra Chúa Giê-su cho nên hôm nay chúng ta thấy một tình tiết rất lạ: Các ông đi làm ăn các ông nghĩ rằng, phải sử dụng kinh nghiệm tài năng của mình để bắt cá, nhưng kết quả các ông không bắt được. Và Chúa Giê-su Phục sinh đến với các ông khi các ông đang làm việc, các ông đang thất bại. Chúa chưa nói rõ Ngài là ai nhưng Ngài chỉ bảo các ông thả lưới, các ông làm theo và cuối cùng thấy được mẻ cá lớn thì các ông mới nhận là Chúa Giê-su Phục sinh đang đứng trên bờ.

Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ. Khi chúng ta đi học, khi chúng ta đi làm Chúa Phục sinh có ở với chúng ta không? Và chúng ta có nhận ra Ngài không? Phải chăng vì không nhận ra Ngài nên khi thất bại chúng ta phàn nàn kêu trách, còn khi được thành công thì tự hào tự mãn.

Chúa Phục sinh tỏ mình nơi đâu và cách nào?

Vì thế Chúa Phục sinh không phải chỉ ở trong nhà nguyện, Ngài không chỉ hiện ra trên đường Emmau với hai môn đệ bỏ cuộc, Ngài không chỉ hiện ra bên ngoài nấm mộ của người chết mà Ngài hiện ra ngay cả khi chúng ta đang làm việc. Chúa Giêsu hiện ra khắp nơi, khắp chốn, trên mọi không gian, để Ngài nói chúng ta thấy Ngài Phục sinh; Ngài hiện diện trong tất cả: Từ trong nhà nguyện, lúc đi trên đường, lúc đang làm việc, hay khi nghi ngờ đố kỵ, khi hoảng sợ hoang mang, Chúa vẫn có đó, Chúa Phục sinh vẫn đứng đó Ngài muốn nói cho chúng ta thông điệp này để chúng ta ý thức Chúa Phục sinh không phải là một khái niệm.

Chúa Phục sinh không phải là chỉ dừng lại trong tuần bát nhật Phục sinh, nhưng Chúa Phục sinh ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế: Chúa hiện ra từ mờ sáng nơi nấm mồ với Maria Madalena, trên con đường muốn bỏ cuộc chạy trốn với hai môn đệ trên đường Emau, tới biển hồ Tibêria với các môn đệ hôm nay, hay tới phòng tiệc ly khi chúng ta bước vào phòng cầu nguyện, bước vào thánh lễ. Tóm lại Chúa Phục sinh bằng nhiều cách, cho nên niềm tin của chúng ta không chỉ dừng lại ở những khái niệm nhưng phải trở thành sự sống thật.

Phục sinh

Qua Thánh sử Gioan Chúa Giê-su Phục sinh muốn loan báo cho chúng ta điều gì?

Thứ nhất: Ngài Phục sinh Ngài bao phủ lấy chúng ta mọi nơi, mọi chỗ.

Thứ hai: Ngài tỏ mình cho chúng ta bằng nhiều cách thức khác nhau, một là thánh kinh, hai là thánh thể, ba là những dấu lạ điềm thiêng, chúng ta thấy Phêrô và các tông đồ giảng dạy một ngày mà có đến năm, sáu ngàn người trở lại. Tiếp đó là một phép lạ người què đi được, người chết sống lại mà người ta tin vào Chúa Phục sinh. Hôm nay cũng vậy Chúa tỏ mình cho ta đặc biệt trong thánh kinh, đặc biệt trong thánh thể, nơi mọi việc mình làm.

Chúng ta cần ý thức sự hiện diện của Ngài để cầu nguyện với Ngài, nghe lời Ngài hướng dẫn và làm theo lời chỉ dạy của Ngài. Khi thấy được những điều đó thì niềm tin Đức Giê-su Phục sinh đang ở với chúng ta rất cận kề. Càng ngày niềm tin đó càng được tăng trưởng, càng ngày càng phát triển. Và khi chúng ta đạt được niềm tin như các Tông đồ, Chúa Phục sinh mới sai chúng ta đi rao giảng làm chứng được. Để cho dù ai bắt, ai đập, không quan trọng, quan trọng là mọi người tin đón nhận  Chúa Giê-su Phục sinh để họ được chữa lành, họ được giải thoát, họ được trở nên môn đệ của Ngài.

Hôm nay chúng ta xin Chúa Giê-su phục sinh Đấng đã dùng Lời của Ngài nói với chúng ta, hay trong biến cố Ngài tỏ mình ra cho các môn đệ trên biển hồ Tibêria. Xin Ngài ban thêm sức mạnh lòng tin cho mỗi người chúng ta để chúng ta tin thật Ngài đang ở đây với Chúng ta, để chúng ta cử hành thật và đón nhận lấy Chúa phục sinh nơi chúng ta một cách cụ thể nơi Bí tích thánh thể mà giờ đây chúng ta cử hành trong Thánh lễ trên bàn thờ này.

Bài đọc thêm: Cô bé 10 tuổi chính thức trở thành nhà truyền giáo khi đang hấp hối.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su là Đấng đã đánh bại tử thần, Đấng đã Phục sinh vinh hiển sẽ đến trong con người, làm cho con người dần dần được chết đi cho tội, chết đi cho con người thể xác, chết đi cho con người quá khứ. Xin cho chúng con biết mặc lấy sự sống mới của Ngài để chúng con can đảm lên đường làm chứng cho Ngài – Đấng đã Phục sinh. Amen!

Trích bài giảng Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh CSsR ngày 9.4.2021

Maria Nguyễn Hường

Truyền thông Sinh viên Công giáo

Bình luận