” sự thật nơi Thiên Chúa” là chủ đề chính mà Cha Linh Hướng Gio-an chia sẻ cho cộng đoàn sinh viên bác ái Martinô, tại đền thánh Giê-ra-đô trong Thánh lễ Chúa nhật II Phục sinh kính Lòng thương xót của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta có thể trở nên chứng nhân của lòng thương xót Chúa trong thế giới hôm nay với cả con tim, trí óc và cõi lòng không?
Sự thật nơi Thiên Chúa – Ngài là Thiên Chúa giàu lòng thương xót
Suốt trong dòng lịch sử từ khi tạo dựng và cứu chuộc con người, Thiên Chúa luôn tỏ ra cho con người thấy Ngài là một vị Thiên Chúa của tình yêu và lòng thương xót. Qua các Ngôn sứ Thiên Chúa đã nhiều lần nhắc đến lòng nhân từ – thương xót của Ngài, suốt chiều dài Thánh Kinh chúng ta thấy lòng nhân từ và xót thương của Thiên Chúa được thể hiện cụ thể khi Đức Giê-su chấp nhận đám dân cứng đầu, khi Ngài kiên nhẫn theo đuổi đám dân phản bội cùng khước từ những giao ước của Ngài. Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót được diễn tả rõ nhất trong cách Ngài cư xử với dân Ngài. Đặc biệt đến thời sau hết này, lòng thương xót đó đọng lại rõ nhất nơi con người Đức Giê-su, khi Thiên Chúa để cho chính Con của Ngài đến làm người như chúng ta, người Con ấy đã mang lấy tất cả bệnh hoạn tật nguyền, tất cả những yếu hèn tội lỗi của con người chúng ta. Đồng thời, Ngài cũng bước đi với chúng ta, cùng mang lấy tất cả những yếu đuối, ưu phiền, tội lỗi của chúng ta để chịu đóng đinh tất cả nơi Thập giá. Cuối cùng, Ngài đã Phục sinh vinh hiển và trao ban cho chúng ta quyền làm con Thiên Chúa, làm nghĩa tử của Ngài.
Tuy nhiên “một sự thật nơi Thiên Chúa” đã có lúc bị đánh cắp và bị lu mờ. Cho nên, Thiên Chúa có những phương cách để làm mới lại lòng thương xót đó, đặc biệt qua Thánh nữ Maria Faustina. Qua vị thánh này, Ngài đã cho nhân loại thấy lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa nơi chính Đức Giê-su Ki-tô. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, vị Thánh của thế kỉ chúng ta đã nâng Thánh Maria Faustina lên hàng hiển thánh vào ngày 30/04/2000. Ngài đã minh định Chúa Nhật thứ II sau Phục sinh được chọn làm Chúa Nhật để tôn kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Như vậy lòng thương xót của Thiên Chúa đã được làm mới lại và cụ thể hóa hơn trong Thánh lễ hôm nay.
Sự thật về LòngThương Xót của Thiên Chúa được diễn tả qua điều gì?
Lòng nhân từ và Thương Xót của Thiên Chúa được diễn tả qua việc Chúa Giê-su rất kiên nhẫn chịu đựng trước sự “ cứng tin – chậm tin – khó tin – dốt nát ” của các môn đệ. Ngài không lùi bước trước sự nhát đảm và cứng tin của các ông, Ngài liên tục hiện ra với các Tông Đồ lần này đến lần khác. Ngài đã hiện ra với hai môn đệ trên đường Em mau để chinh phục các ông quay trở lại Giê-ru-sa-lem, khi các ông trở lại Giê-ru-sa-lem, Ngài lại hiện ra với các Tông Đồ khi các ông họp mặt, nhưng các ông lại hoảng sợ và cứ tưởng là ma, trong cuộc họp này lại thiếu Tô ma. Sau đó, Ngài đã nói: “Bình an cho anh em….anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…”(Ga 20, 20-22). Khi Chúa Giê-su trao ban Thánh Thần cho các Tông Đồ, không có ông Tô ma ở đó, các môn đệ khác nói với ông, một con người cứng tin nhất trong số các Tông Đồ rằng: “Chúng tôi đã được thấy Chúa! ” ( Ga 20, 24-25). Nhưng hôm đó Tô ma lại quả quyết: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin. (Ga 20, 25). Đúng tám ngày sau đó, cũng tại căn phòng đó, Chúa Giê-su lại hiện ra với các Tông Đồ một lần nữa và Ngài nói với Tô ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy…Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin.”(Ga20, 27).
Như vậy, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được diễn tả một cách cụ thể trong việc Ngài kiên tâm chịu đựng thân phận yếu hèn, tội lỗi, khốn nạn cùng với sự cứng tin của con người, Ngài quyết tâm chinh phục lòng tin của các Tông Đồ. Có lẽ, biết bao lần chúng ta vấp ngã và không chịu tin vào Chúa Phục sinh, chúng ta phạm tội và bán đứng chính Ngài. Nhưng Ngài vẫn kiên nhẫn với chúng ta qua từng biến cố để chinh phục lòng tin của chúng ta vào Ngài, như đã chinh phục các môn đệ xưa vậy. Có thể nói, các môn đệ với bản chất “yếu tin – chậm tin – cứng tin”. Sau khi được Chúa chinh phục và đánh bại, các ông trở thành những con người can đảm hơn và sẵn sàng làm tất cả cho Chúa cùng mang tất cả tiền bạc nộp cho các Tông Đồ, để các Tông Đồ đem phân phát cho mọi người tùy theo nhu cầu của mỗi người.
Bài đọc thêm: ĐTC Phanxicô mời gọi hãy truyền ngọn lửa ” tình yêu thương xót” của Chúa Giê-su
Chứng nhân về lòng thương xót Thiên Chúa nơi Giáo Hội tiên khởi
Có thể nói lòng tin vào Chúa Phục sinh sau khi được chinh phục đã làm nên một cộng đoàn tín hữu đầu tiên vô cùng lí tưởng, ngày ngày người ta họp nhau ca tụng Thiên Chúa, người ta đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Như vậy, một Giáo Hội lí tưởng, một thiên đàng mới được thiết lập trên trần gian. Nhờ một nhóm môn đệ nhỏ bé mà người ta tin vào Chúa cùng xin gia nhập vào Hội Thánh rất đông. Một bài giảng của Tông Đồ Phê-rô mà có năm sáu ngàn người quay trở lại và theo đạo, không phải vì tài hùng biện của ông nhưng nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần tác động, ông đã làm cho người què đi được, người chết sống lại. Đặc biệt, họ thấy đám môn đệ đi theo các ông đều đồng tâm nhất trí cùng chuyên cần bẻ bánh. Qua đó, họ cảm nhận được không có Giáo Hội nào đẹp và lí tưởng hơn các cộng đoàn Ki tô hữu đầu tiên đang hiện diện này.
Qua biến cố này, Do Thái Giáo đã mở rất nhiều cuộc tấn công vào nhóm môn đệ mới mẻ này, đế chế La Mã phải mất ba thế kỉ để đàn áp. Nhưng các môn đệ vẫn yêu thương nhau, đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện. Chính vì thế, cường quyền bạo lực không đè bẹp được họ, nhờ tình yêu mà các môn đệ đón nhận từ Thần Khí, nên họ sẵn sàng yêu thương và chết cho tình yêu đó. Kết quả là vào năm 313 với chiếu chỉ Milan, việc đàn áp các Ki tô hữu chấm dứt. Đến năm 381 Ki Tô Giáo chính thức trở thành quốc giáo cho toàn thể Đế Chế La Mã.
Bài đọc thêm: “Chứng Nhân của Chúa Cứu Thế” giữa một thế giới tổn thương đổ vỡ
Lời nguyện:
Hôm nay, chúng con cùng xin Chúa Giê-su. Đấng là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng con, chinh phục lòng tin yếu hèn của chúng con từng ngày, từng giờ. Nhờ đó, chúng con có một đức tin vững mạnh hơn vào Thiên Chúa như các Tông Đồ xưa. Qua đó ” sự thật nơi Thiên Chúa” không tắt lịm nhưng được bừng sáng lên nhờ chính chúng con, những người đã tin nhận Đức Giê-su, đã sống triệt để giới luật yêu thương mà Ngài đã dạy.
Xin Chúa Giê-su một lần nữa. Chạm đến “ con tim – trí óc – cõi lòng” của từng người trong chúng con giờ này, để tất cả chúng con được cảm hóa nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng con can đảm ra đi sống chứng nhân Lòng Thương Xót – nhân hậu của Thiên Chúa qua cuộc sống của mình, bằng lời “cầu nguyện, sự tha thứ và những hành động cụ thể” giữa lòng thế giới hôm nay, nhất là tại môi trường Sinh viên của chúng con. Với ước mong tất cả đều trở về một đoàn chiên và một Mục tử duy nhất trong một “Thiên Chúa của tình yêu và lòng thương xót”. Amen
Anna Trần Thị Bảo Minh
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo