Bạn có tin rằng Chúa đã Phục Sinh? Niềm tin vào Chúa Phục Sinh của bạn như thế nào? Bạn thường bày tỏ bằng cách nào? Còn đối với các bạn sinh viên cộng đoàn Martinô, để bày tỏ niềm tin vào Chúa Phục Sinh, các bạn đã tạm gác lại mọi công việc, chuyện học hành, những bận rộn riêng tư, để có thể cùng nhau tham dự Thánh lễ nơi nguyện đường Giê-ra-đô, do Cha Phêrô Trịnh Công Chí chủ tế. Trong bài giảng Cha Phêrô chia sẻ về chủ đề: “Niềm tin vào Chúa Phục sinh”. Chúa Giêsu đã chết và sống lại đem lại ơn cứu độ cho loài người, Thiên Chúa luôn đồng hành với con người trên mọi nẻo đường ở trần gian này.
Nhiều khi con người chúng ta bỏ Chúa, chối Chúa bằng nhiều cánh khác nhau nhưng Thiên Chúa không bao giờ khước từ điều gì, không bao giờ bỏ rơi, cho dù khi con người đau khổ hay thất vọng. Ngài luôn luôn nâng đỡ khi chúng ta gặp khó khăn, gian nan, thử thách. Và nhất là ban thêm sức mạnh và tình yêu cho con người. Để chúng ta có thể chiến thắng tất cả những cám dỗ và thử thách trong cuộc đời của mỗi người.
Niềm tin của các Tông Đồ đối với Chúa Giêsu Phục Sinh.
Khi hai môn đệ đang trên đường từ Giêrusalem về Em-mau ( trở về quê hương của mình) Chúa Giê-su Phục Sinh đã cùng đi với họ trên suốt chặng đường nhưng họ không nhận ra đó là Người. Chỉ khi Chúa ngồi đồng bàn và bẻ bánh trao cho họ, lúc đó họ mới nhận ra Người. Các ông vội vàng quay trở lại Giêrusalem để gặp nhóm mười một môn đệ và anh em của mình đang họp tại đó. Hai ông thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc ông đã nhận ra Chúa Giêsu Phục sinh khi Ngài bẻ bánh, kể lại về việc mình đã gặp Chúa, nói chuyện với Chúa trên cả chặng đường đó.
Khi các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”(Lc 24,36). Điều đó rất quan trọng và khẳng định rằng Chúa phục sinh không hề bị lệ thuộc bởi không gian và thời gian. Chính vì thế sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là nguồn vui, là một sự kiện lớn đối với lòng tin của người kitô hữu chúng ta. Bởi vì các ông không thể tưởng tượng được Chúa có thể sống lại.
Khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra, các ông kinh hoàng bạt vía, tưởng thấy ma. Nhưng người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực”(Lc 24,37-38). Câu hỏi của Chúa Giêsu dường như hàm ý muốn khiển trách các ông. Bởi vì các ông đã không nhận ra Thiên Chúa, các ông chỉ xa cách Thầy mình có mấy ngày thôi mà các ông không nhận ra. Cho nên các ông đã có phản ứng sợ hãi và nhất là nhận định sai về Thầy của mình. Bởi vậy, tâm trí lúc đó của các ông lẫn lộn không biết có phải Thầy mình đó thật không? Chính vì các ông còn hồ nghi nên Chúa Giêsu đã nói “ Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”(Lc 24,39). Chúa Giêsu Phục Sinh mời gọi các ông hãy nhìn xem chân tay của Người. Người thật sự là Đức Giêsu mà các ông đã từng biết, từng gặp và từng ăn uống trước khi Ngài đi chịu chết.
Thông thường khi chúng ta nhận dạng người khác, bao giờ chúng ta cũng nhìn vào khuôn mặt, từ đó có thể nhận ra họ. Hôm nay khi các ông muốn nhận dạng Đức Giê-su cũng vậy, các ông suy nghĩ theo con người, họ nhìn gương mặt của Thầy mình. Nhưng Chúa Giêsu không nói là hãy nhìn vào khuôn mặt Thầy mà Chúa Giêsu đã đưa tay chân ra để cho các ông rờ và xem. Chúa cho các ông rờ để cảm nhân được thân xác của Chúa Phục Sinh, có xương, có thịt tức là những điều đó hiển nhiên và hiện thực.
Kinh Thánh muốn nhấn mạnh rằng Chúa Phục Sinh không phải là một thực tại tinh thần thuần túy về mặt thiêng liêng và càng không phải là một bóng ma hay là một ảo giác. Giờ đây đối diện với Chúa Giêsu Phục Sinh các môn đệ vui mừng và ngỡ ngàng nhưng còn chưa tin lắm thì Người hỏi ngay:“Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông (Lc 24,41-43). Vì được tận mắt chứng kiến và tận tay kiểm chứng các ông đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi điều mà Thiên Chúa đã làm và hiện diện bên cạnh các ông, càng cho thấy rõ ràng hơn Chúa Giêsu phục sinh không phải là ma, người ta có thể nhìn xem và đụng chạm đến Người.
Niềm tin vào Chúa Phục Sinh trong thời hiện tại.
Thứ nhất: Thân xác Chúa Giêsu Phục Sinh là một thực tại, hiện thực mà chúng ta vẫn cần gắn bó với mầu nhiệm ấy. Vì thế việc quý trọng gìn giữ thân xác của chính chúng ta trong sự thánh thiện hướng về cuộc sống phục sinh viên mãn của Chúa Giêsu Kitô là một đòi buộc quan trọng và thiết yếu với lòng tin vào mầu nhiệm phục sinh. Lòng tin ấy không hề khiến chúng ta coi thường những thực tại trần thế vào thể xác, trân trọng chúng đúng như Thiên Chúa muốn khi người Phục Sinh từ cõi chết sống lại.
Thứ hai: Với lời rao giảng của các Tông Đồ, của toàn Hội Thánh về mầu nhiệm Phục Sinh, không dựa trên suy đoán hay là ảo tưởng mà là đặc trưng trên nền tảng Kinh Thánh và được trải nghiệm thực tế bởi các Tông đồ. Bởi vì các ông đã được chứng kiến và được nhìn thấy Thầy của mình phục sinh. Cho nên gắn bó với các Đấng kế vị, các Tông đồ trong Hội Thánh duy nhất thánh thiện, công giáo và tông truyền, chính là đòi buộc đương nhiên để hiểu và sống mầu nhiệm Phục Sinh. Lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh vừa đòi hỏi sự hiệp thông thánh thiện, sự tuân thủ trọn vẹn với Hội Thánh và các Tông đồ.
Chúng ta gặp gỡ được Chúa Giêsu phục sinh là nhờ Hội Thánh và cùng với Hội Thánh. Cho nên mỗi người chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh chúng ta cần phải thay đổi cách sống của mình. Khi chúng ta đã được lãnh nhận bí tích rửa tội, đã được trở thành con cái của Chúa, con cái của Giáo Hội, mỗi chúng ta hãy thể hiện bằng chính sự chia sẻ niềm tin về Chúa Giêsu Phục Sinh hay bằng chính việc làm của mình và làm nhiều việc bác ái khác nhau. Đó là cách chúng sống mầu nhiệm Phục sinh.
Nguyện xin Chúa Phục Sinh ban cho chúng ta có một tinh thần luôn luôn biết rao giảng về Chúa Kitô Phục Sinh. Để chúng ta đem niềm vui Phục Sinh đó đến với những người khác hay chính môi trường sống của mỗi người. Xin Chúa ban ơn cho mỗi người chúng ta, để chúng ta biết thực thi Lời Chúa mời gọi mỗi chúng ta hôm nay.
Bài đọc thêm: Bình an cho anh em
Maria Trần Thị Huệ
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo