Icon Collap
...
Trang chủ / Ba nghịch lý đáng sợ

Ba nghịch lý đáng sợ

Thiên Chúa tin tưởng và trao phó cho cho chúng ta sứ mệnh là ra đi xây dựng, mở mang nước Chúa qua việc loan báo Tin Mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối trở về với Chúa, chữa lành bệnh tật và xua đuổi ma quỷ. Vì thế, chúng ta có bổn phận cộng tác với Ngài, trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, truyền bá đức tin. Chúa Giêsu đã cho chúng ta những chỉ dẫn cụ thể để cho chúng ta thành công trong công cuộc rao giảng Tin Mừng nhưng đối với thế hệ ngày hôm nay thì những chỉ dẫn đó có vẻ nghịch lý. Và trong bài giảng Chúa Nhật XV thường niên, Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR đã chia sẻ cho chúng ta những gì mà thế hệ hôm nay cảm thấy nghịch lý.

Ba nghịch lý đáng sợ

Một trong những ân huệ lớn lao nhất, một công việc cao cả mà lẽ ra với thân phận con người bụi đất, tội lỗi thì hoàn toàn không xứng hợp và khó có thể làm được. Được trao cho một sứ vụ cao cả ấy thì Chúa Giêsu, trong tư cách là Thiên Chúa xuống thế làm người nên Ngài hiểu rõ được những bận tâm day dứt của con người với sứ mạng này. Vì thế Ngài đã tìm rất nhiều những cách thế khác nhau để giải thích nhằm giúp cho người ta hiểu được nỗi day dứt mở mang Nước Chúa là của quyền lực chính Thiên Chúa, còn con người chỉ là công cụ góp phần vào công việc mở mang nước Chúa mà thôi.

Tất cả các bài Tin Mừng trong Chúa Nhật 14 thường niên vừa qua, Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta 3 đặc ân cao cả và đã giải thích để chúng ta thi hành sứ vụ đó. Với thân phận con người yếu đuối thì khi thi hành sứ vụ này, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn thử thách như “chiên đi giữa bầy sói” nhưng Thiên Chúa luôn đồng hành và gìn giữ chúng ta. Thần khí của Người sẽ ở trong chúng ta và giúp chúng ta biết nói những việc cần nói. Khi chúng ta thực thi sứ vụ mà Chúa trao phó thì không tránh khỏi sự sợ hãi, những khó khăn thử thách khiến chúng ta chùn bước nhưng với kinh nghiệm của Chúa Giêsu thì không có gì là không được sáng tỏ dù bị phủ nhận và chối bỏ. Chúng ta phải sợ Đấng giết được cả hồn lẫn xác hơn là những kẻ chỉ giết được thân xác mà thôi.

Chúa Giêsu đã dùng nhiều cách để giúp chúng ta can đảm thực thi lệnh truyền của Chúa và Người sai chúng ta đi hai người một để thực thi công việc vĩ đại đó.  Để có thể thực thi sứ mạng được thành công thì Chúa đã chỉ cho chúng ta những chỉ dẫn cụ thể:

“Không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.” (Mc 6, 8-9)

Qua lời chỉ dẫn này, chúng ta thấy được việc mở mang nước Chúa là việc của chúa còn chúng ta là người cộng tác và Chúa sẽ làm mọi sự ngang qua chúng ta. Vậy nên chúng ta hãy ra đi còn mọi sự để Chúa lo. Chúng ta không nên quá dựa vào sức mình, ỷ vào tiền bạc, của cải, những vật dụng để che chở bản thân nhưng hãy có một cái gậy là lòng tin để bước đi trước nhan thánh Chúa, dưới sự chỉ dẫn bao bọc của Chúa.

Công việc của một nhà thừa sai đã được Chúa chỉ dẫn rất rõ nhưng trong thực tế chúng ta lại thấy 3 điều ngược lại:

Điều nghịch lý thứ nhất:

Rất ít người ý thức và cống hiến hết mình cho sứ mạng cao cả này. Nếu có ra đi rao giảng thì lại phải chuẩn bị rất kỹ mọi sự vật chất như tiền bạc, đồ thắt lưng, xe cộ đầy đủ mọi thứ của cải vật chất. Tất cả những điều đó đều đi ngược lại với những lời dạy của Chúa. Chúa sẽ lo cho chúng ta nhưng chúng ta lại cậy dựa vào sức riêng của mình và rất ít khi bận tâm đến điều Chúa nói. Giáo Hội thời tiên khởi, tất cả các Tông đồ chỉ lo một điều là ra đi để mở mang Nước Chúa, còn bây giờ thì lại làm hoàn toàn ngược lại. Đó là một thực trạng đáng buồn và đáng để chúng ta phải suy nghĩ.

Truyền giáo là sứ mệnh cao cả mà Chúa đã trao phó cho chúng ta nhưng có nhiều người lại không muốn đón nhận.  Vấn đề tân phúc âm hoá hoặc tái truyền giáo đối với thế hệ ngày nay là một việc xa vời. Khác với các nhà thừa sai ngày xưa dám đến lăn xả mình vào những nơi khó khăn, dám chết cho dám hiến thân tử đạo vì đoàn chiên của mình. Lẽ ra chúng ta lấy làm vinh quang tử đạo vì được Chúa tín nhiệm, sai đi và ủy thác nhưng ngược lại, thật là một điều bi đát khi họ cảm thấy nặng nề, khó chịu, né tránh.

Tóm lại, Chúa dặn chúng ta không mang theo cái gì cồng kềnh, nghĩa là đời thừa sai không mang theo của cải vật chất nhưng mang theo Chúa cùng với lòng tin. Không nên dựa vào khả năng tiền bạc hay vị thế tất cả những gì thuộc về thế gian, nhưng hãy dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa ở với chúng ta để chính Thánh Thần làm việc trong chúng ta và hoán cải chúng ta.

Điều nghịch lý thứ hai:

Người bảo các ông: Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ. Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.” ( Mc 6, 10-13 )

Chúa Giêsu đã chỉ dẫn cho chúng ta những điều cần thiết khi đi rao giảng nhưng vì không tin nên chúng ta thường chuẩn bị mọi thứ của cải vật chất rồi mới dám ra đi truyền giáo. Nếu Chúa gửi chúng ta đến hoàn cảnh nào thì hãy thực hiện trong hoàn cảnh đó cho phù hợp, không nên quá coi trọng hình thức và không nên dựa vào sức của riêng mình nhưng một dựa vào sức của Thiên Chúa.

 Điều nghịch lý thứ ba:

“Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.”(Mc 6,11-12)

Thiên Chúa ban cho chúng ta sứ mệnh là ban bình an, chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ và giúp người ta nhận ra tội, sám hối tội lỗi nhưng chúng ta lại không dám làm,  không dám thực hiện năng quyền Chúa nên khiến cho người ta không tin chúng ta là người của Thiên Chúa, càng không thể tin đây là việc của Thiên Chúa. Chính vì thế, khi nhìn lại lịch sử Giáo Hội nhất là Giáo Hội Việt Nam, chúng ta thấy được giữa lời dạy và việc thực hành lời dạy của Chúa thì quả thật xa vời và khó quá.

Truyền giáo là một sứ mệnh quan trọng và là bản chất làm nên căn tính của Người Kitô hữu nhưng thực tế đáp ứng của người Kitô hữu thì quá èo uột. Cho nên, hơn nửa thế kỉ qua con số tỉ lệ 7% người theo đạo không những không tăng lên mà còn có xu hướng giảm dần. Ý thức được điều cấp bách đó cho nên mỗi người chúng ta là những người con của Chúa, những người được Chúa tuyển chọn cách đặc biệt, hãy có cảm thức như Thánh Phaolô: “Trong Đức Kitô chúa đã chọn tôi trước khi tạo thành vũ trụ này, trong Đức Kitô chính Chúa đã trao ban Thần khí cho tôi, trong Đức Kitô tôi được sai đi để xây dựng mở mang nước Chúa” (Ep 1,4-6). Để rồi theo gương của Thánh Phaolô chúng ta dấn thân hết mình cho sứ vụ xây dựng mở mang nước Chúa. Khi đó, chúng ta mới cảm nhận được hạnh phúc cuộc đời dâng hiến. Còn nếu theo Chúa cho qua ngày, cho xong kiếp người, theo Chúa để hoàn thành thói quen thể thức của xóm làng, phù hợp với niềm tin gia đình gia tộc thì chúng ta theo Chúa sẽ không có ý nghĩa gì.

Cầu nguyện:

Xin Chúa Giêsu tha thứ tội lỗi cho chúng con vì chúng con đã không nghe lời Chúa và làm ngược lại những điều Chúa dạy. Xin Chúa hoán cải tâm hồn mỗi người tín hữu để họ ý thức được truyền giáo là sứ mệnh sống còn của Hội Thánh là bản chất làm nên căn tính người Kitô hữu để chúng con không thờ ơ, không dửng dưng với trước lệnh truyền của Chúa và  không làm ngược lại với những gì Chúa dạy. Nhờ đó, sứ mệnh mà Chúa trao được chúng con chuyên chăm thực hiện mỗi ngày và lòng tin, tình yêu của chúng con dành cho Chúa sẽ  được lớn lên để qua đó chúng con được Chúa tặng ban hạnh phúc cho chúng con không chỉ ở đời sau mà còn ngay ở đời này nữa. Amen.

Bài đọc thêm: Vượt thắng nỗi sợ trong trận chiến 

Maria An Lành

Truyền thông sinh viên Công Giáo 

Bình luận