Icon Collap
...
Trang chủ / Thiên Chúa là ai ?

Thiên Chúa là ai ?

Thiên Chúa là ai? Đó là một câu hỏi lớn hay đúng hơn là một vấn nạn, được đặt ra cho nhân loại từ bình minh khởi đầu cho đến lúc kết thúc thế giới này. Thiên Chúa hay Thượng Đế thực sự Ngài là ai, vấn nạn này đã làm cho bao nhiêu trí óc, bao nhiêu con tim, bao nhiêu con người đã dồn hết tất cả tâm tư, sức lực, trí tuệ và cả cuộc đời của mình để đi tìm câu trả lời, để giải mã vấn đề Thượng Đế là ai, Thiên Chúa là ai?

Thiên Chúa Ngài là ai?, Thiên Chúa là ai?, Thiên Chúa

Tại sao Ngài ảnh hưởng lớn vậy? Tại sao nhân loại mất quá nhiều thời gian, sức lực… để đi giải mã vấn đề này? Tại sao có quá nhiều người bận tâm đến Ngài? Trên thế giới này, có biết bao nhiêu quyển sách viết về Thiên Chúa, Thượng Đế? Mỗi cuốn sách viết về Thiên Chúa dưới một kía cạnh khác nhau. Có những cuốn sách được viết dưới kía cạnh triết học trong suy tư của lý trí con người; cũng có những cuốn sách được viết dưới kía cạnh thần học, dựa vào mặc khải của Thiên Chúa. Mỗi người nhìn dưới một góc nhìn của riêng mình và cố gắng trình bày giải mã Thiên Chúa là ai. Nhưng dẫu cho con người có suy tư đến đâu thì con người không thể biết được Thiên Chúa là ai, nếu Thiên Chúa không tự tỏ lộ chính Ngài, không tự mặc khải chính Ngài cho chúng ta. Chính vì vậy, đứng trước ân huệ lớn lao được Thiên Chúa tỏ lộ, Chúa Giêsu đã phải dâng lời ngợi khen Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải cho những người bé mọn biết được Ngài là ai.

Qua bài tin mừng hôm nay (Mt 11,28-30), chúng ta được mời gọi nhớ lại hai mặc khải quan trọng nhất khởi đầu của Thiên Chúa mà Người đã tự tỏ lộ cho Mô-sê, để duyệt xét lại lòng tin của mình cách nghiêm túc, khi đối diện với Thiên Chúa trong hai mặc khải đặc biệt này.

Mặc khải thứ nhất: Chúa nói với Mô-sê “Ta là Đấng Tự Hữu” (Xh 3,14) Tự H­ữu là gì? Nghĩa là tự có không phải do ai tạo ra, là khởi nguyên và cùng đích, ta là nguyên lý của vạn vật. Giữa mặc khải Thánh Kinh và triết học một điểm tương đồng rất lớn, triết học cũng cho chúng ta thấy thế giới vạn vật này khởi đi từ một nguyên tố, từ một cái thành tố, và từ cái thành tố đó mới sinh ra vạn vật trong vũ trụ này. Với người duy vật, người ta xem đó là vật chất. Vật chất tạo thành tất cả. Con người cũng bởi vật chất. Khối óc con người cũng bởi thành vật chất. Vũ trụ vạn vật này cũng bởi vật chất tạo nên. Họ đều đồng ý từ một điều nguyên lý làm phát sinh tạo vũ trụ này.

Thánh Kinh cho chúng ta thấy Nguyên lý khởi đầu đó không phải vật chất mà là Thiên Chúa. Qua Mô-sê, Thiên Chúa nói rõ cho chúng ta biết Ngài là Đấng Tự Hữu, Đấng Hằng Hữu hay dịch cách khác : Ta là Ta, Ta không phải ai sinh ra, Ta cũng không giống cái này cái kia, không được lấy cái gì mà so sánh với Ta. Đây là một mặc khải vô cùng quan trọng về Gia-vê Đức Chúa của chúng ta. Ngài là chính Ngài. Ngài không phải hòn đá hòn đất, không phải là người này người kia mà đem so sánh hay ám chỉ về Ngài. Ngài chỉ đúng với chính Ngài. Ngài là khởi thủy, là cùng đích, là nguyên lý duy nhất, độc nhất. Mọi hình ảnh đem ra để so sánh với Ngài đều không đúng.

Trong mặc khải thứ nhất, được dịch là  “Đấng Hằng Hữu” nghĩa là một Thiên Chúa luôn luôn hiện diện. Nhờ sự hiện hữu của Thiên Chúa mà con người và vạn vật mới được hiện hữu. Thiên Chúa nói rõ: Ta luôn luôn có, Ta không phải là Thiên Chúa lúc có lúc không, lúc ẩn lúc hiện mà Ta là Đấng Hằng Hữu, nghĩa là luôn luôn có. Điều quan trọng là việc Thiên Chúa luôn hằng hữu và luôn luôn ở với chúng ta, nhưng chúng ta có tin không? Thật sự Ngài ở với chúng ta hay chỉ khi nào đọc kinh mới ý thức Ngài ở với chúng ta hoặc là khi dâng lễ mới ở với chúng ta. Trong mặc khải Thánh Kinh nói rõ ta là Đấng Hằng Hữu nghĩa là Đấng luôn luôn hiện diện chứ không phải lúc có lúc không như nhiều người nghĩ, đây là điều quan trọng. Thiên Chúa không phải ở xa, cũng không phải lúc ẩn lúc hiện. Thiên Chúa luôn luôn là Đấng Hiện Hữu. Đó là mặc khải mà chính Ngài tỏ lộ cho chúng ta.

Bài đọc thêm: Tên Thiên Chúa là tình yêu

Mặc khải thứ hai: Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp nghĩa là một Thiên Chúa hoạt động một cách cụ thể trong lòng lịch sử qua những con người được tuyển chọn. Không phải là một Thiên Chúa mông lung, mơ hồ mà con người không chạm đến được. Thiên Chúa luôn hoạt động nơi những con người cụ thể trong lịch sử, trong từng giai đoạn. Ngang qua những hoạt động nơi những con người cụ thể đó, Thiên Chúa thực hiện kế hoạch chương trình của Ngài. Như vậy với mặc khải thứ hai này cho chúng ta biết Thiên Chúa không chỉ luôn hiện hữu mà còn luôn luôn hoạt động trong lịch sử, để giải thoát và cứu độ con người. Trong khi đó, nhiều người không dám phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng lại xem Ngài hiện diện một cách bất động, vô tri, vô giác. Đây là một sai lầm, ngược hẳn với những gì Thiên Chúa đã tỏ lộ.

Cũng vì Thiên Chúa luôn hiện hữu và luôn hoạt động để cứu con người, nên Chúa Giêsu mới nói “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi và tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). Chúa là Đấng hằng sống hoạt động liên tục, Ngài nâng đỡ ủi an chúng ta và chúng ta phải đến với Ngài. Thiên Chúa cho chúng ta mang lấy ách của Ngài chính là những huấn lệnh của Ngài để chúng ta dựa vào đó mà sống. Đặc biệt hơn nữa, khi chúng ta đến với Ngài để chính Ngài dậy chúng ta bài học quan trọng nhất, đó là hiền lành và khiêm nhường như chính Ngài.

Quả thật, nói là bài học quan trọng nhất cũng đúng, bởi vì nếu con người mà hiền lành khiêm nhường thật sự thì thiên đàng ở ngay nơi trong người đó mà chẳng cần đi đâu về đâu mà tìm. Nếu một con người luôn luôn hiền như con chiên, không oán hận cũng không tức bực, giận giỗi ai thì thiên đàng là ở nơi đó. Nếu là con người khiêm nhường như Chúa muốn, nghĩa là con người luôn biết đón nhận mọi sự Chúa cho xảy đến, tùy vào quyền năng của Thiên Chúa, và không bao giờ phàn nàn, kêu trách Thiên Chúa, thì thiên đàng ở nơi người đó.

Tóm lại, hôm nay Chúa nhắc lại cho chúng ta nhớ, Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, hiện diện, nâng đỡ chúng ta, Ngài dạy chúng ta bài học khiêm nhường hiền lành của Ngài, để nhờ đó chúng ta được nên giống chính Đức Giêsu con chí ái của Ngài và chúng ta sẽ được hạnh phúc.

Cầu nguyện:

Nguyện xin Chúa Giêsu giúp chúng con đối diện với mặc khải vô cùng quan trọng này của Chúa để kiểm chứng lại lòng tin của chúng con vào một Thiên Chúa luôn hiện diện, một Thiên Chúa đầy quyền năng, luôn sẵn sàng cứu giúp con người trong từng ngày sống. Để nhờ đó, chúng con không bao giờ cô đơn, cô độc trong hành trình theo Chúa; nhất là trong hành trình sa mạc này, và chúng con luôn có đủ nghị lực mà vượt qua mọi khó khăn, không phải nhờ sức riêng của chúng con, nhưng nhờ sự hiện diện và quyền năng cứu giúp của Thiên Chúa. Xin Thiên Chúa – Đấng luôn Hiện Hữu và luôn cứu giúp, ban thêm lòng tin cho chúng con. Amen!

Bài đọc thêm: Thiên Chúa là Cha chúng ta

Bài Giảng Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Maria Trần Thị Huệ

Truyền Thông sinh Viên Công Giáo

Bình luận