Icon Collap
...
Trang chủ / Từ bỏ để theo Chúa

Từ bỏ để theo Chúa

Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian, không chỉ để thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, xua đuổi quỷ dữ và các thần ô uế, mà còn để tuyển chọn các môn đệ và trao cho các ông sứ vụ mà chính Chúa Cha đã trao cho Đức Giê-su: Như Cha đã sai Thầy cũng sai anh em. Để ngang qua các môn đệ của mình, Đức Giê-su tiếp tục thực thi sứ mạng xây dựng và mở rộng Vương Quốc Nước Trời cho đến ngày tận thế, ngày mà chính Đức Giê-su sẽ ngự đến trong vinh quang để xét xử trần gian này. Vì thế, ngay những thời khắc khởi đầu của sứ vụ, Đức Giê-su đã bắt tay vào việc mời gọi, tuyển chọn và huấn luyện các môn đệ. Để giúp cho các môn đệ đi đúng con đường cứu độ của mình, Đức Giê-su đã nêu rõ những điều kiện cụ thể mà Người đòi buộc các môn đệ phải có. Trong số những điều kiện tiên quyết phải có, Đức Giê-su quả quyết: “ Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình”. Như vậy, muốn trở thành môn đệ của Đức Giê-su thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy mình. Trong bài chia sẻ hôm này, chúng ta cùng suy ngẫm đến việc từ bỏ chính mình là bỏ những thứ gì !

Từ bỏ để theo Chúa

Đức Giê-su, sau khi nói với các môn đệ một loạt những yêu cầu: Ai muốn theo Ta phải từ bỏ cha mẹ ruộng vườn, con trai con gái… thì mới nói đến từ bỏ chính mình. Bỏ cha mẹ ruộng vườn, con trai con gái… thì nhiều người dễ hiểu và dễ thực hành. Nhưng từ bỏ chính mình thì không mấy ai có thể hiểu được. Bi đát hơn là một số người cho rằng từ bỏ chính mình là bỏ những ý kiến, suy nghĩ, chọn lựa, ước muốn riêng của mình và lấy làm an lòng, vì đã từ bỏ được chính mình như Chúa dạy rồi. Nhưng để hiểu rõ hơn từ bỏ chính mình là bỏ những thứ gì, chúng ta hãy nhìn xem Thầy Giê su đã từ bỏ những gì của Người.

Thứ nhất: Từ bỏ địa vị, danh dự, phẩm giá của mình

Rõ ràng Đức Giê-su ở vào một vị trí tối cao, là Con Một Chí Ái của Thiên Chúa, là Thiên Chúa uy quyền vinh hiển muôn đời. Vậy mà Đức Giê-su đã từ bỏ địa vị tối cao đó để trở nên một con người như mọi người. Không chỉ trở nên một người phàm mà Đức Giê-su đã tình nguyện trở nên một Tôi Tớ của Gia-vê Đức Chúa. Trước mặt người đời, Đức Giê-su, Đấng vô tội đã chấp nhận trở nên một tội nhân khốn khổ khốn cùng. Đức Giê-su để cho kẻ thù của Người bắt, đánh đập dã man, kết án xử tử và chết nhục nhã như một tội nhân nguy hiểm và có khi còn trên cả tội nhân nguy hiểm nhất. Còn địa vị, danh dự, phẩm giá của chúng ta là gì vậy ! Chúng ta có thật sự từ bỏ hay đang tìm kiếm, kiến tạo cho mình một vị trí, danh dự, phẩm giá ! Nhiều người, nhiều dòng tu, cũng chỉ vì xem nặng chủ nghĩa dân tộc, chủng loài, vị thế xã hội, mà đã có những quyết định, không nhận người của các dân tộc khác vào tu, thà chấp nhận dòng tu bị đóng cửa, bị xóa sổ vĩnh viễn. Những người này không những không từ bỏ được những gì Thầy Giê-su đã dạy, đã làm gương, mà còn làm ngược lại. Đúng là Nước Trời họ không vào mà người nào muốn vào họ cũng không cho vào. Cũng có khá nhiều người nói đã bỏ mình qua lời khấn vâng phục. Nhưng chỉ cần người khác đụng tới họ, dù chỉ là một lời đùa giỡn, góp ý, đề nghị hay nặng hơn một chút là phê bình, sửa lỗi… thì lập tức những người này sửng cồ, nổi nóng, bực tức giận giữ, thù ghét, dứt khoát không tha thứ. Có những người, vì quá tức giận nên quyết định không nhìn mặt kẻ làm buồn họ. Dù bao người khuyên can, hoà giải, dù những người kia đã hạ mình xin tha thứ, nhưng dứt khoát không chấp nhận, không tha thứ, không hợp tác. Vậy thử hỏi những người này đã bỏ mình như Thầy Giê-su đã sống và đã dạy chưa?

Thứ hai: Bỏ mình là bỏ những dự định, kế hoạch hay ý định tốt đẹp mà mình đã dự phóng sẽ làm

Quả thật, Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa, Người cũng có những dự định, kế hoạch, ý định của riêng mình. Và dĩ nhiên, những ý định, dự định, kế hoạch này của Chúa Giê-su là tốt đẹp. Nhưng Đức Giê-su đã từ bỏ tất cả những dự định, ý định, kế hoạch của riêng mình, để chỉ lo thực thi những dự định, ý định, kế hoạch của Chúa Cha. Nhiều lần, trong Tin Mừng, Đức Giê-su khẳng định rõ rằng Người đến trần gian cốt để thực thi Thánh ý của Chúa Cha. Đức Giê-su nói rõ lương thực hàng ngày của Người chính là thực thi Thánh ý của Chúa Cha. Chúng ta thấy rõ Thánh ý của Chúa Cha là muốn Đức Giê-su trở thành của lễ đền bù tội lỗi bất trung cho nhân loại, để chuộc toàn thể nhân loại, toàn thể vũ trụ vạn vật trở về cho Thiên Chúa. Vì tội xúc phạm đến Thiên Chúa thì phải có một người ngang hàng đẳng cấp với Thiên Chúa mới có khả năng đền bù xứng đáng được. Như vậy, Thánh ý của Chúa Cha là muốn Đức Giê-su trở nên lễ vật hy sinh, hy tế tạ tội cho nhân loại. Cụ thể, Đức Giê-su phải trải qua cuộc khổ nạn thương khó cùng với cái chết nhục nhã bi thương trên thập giá. Đối diện với Thánh ý của Thiên Chúa, trong Vườn Cây dầu, Đức Giê-su đã phải đổ mồ hôi máu và thốt lên với Cha: lạy Cha, nếu có thể, xin Cha cất khỏi con chén đắng này. Người quá kinh hãi khi đối diện với cuộc khổ nạn thương khó này. Nhưng cuối cùng, Đức Giê-su đã nói rõ: nhưng một theo ý Cha, đừng theo ý con. Rồi trên thập giá, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Giê-su đã kêu lên trong đau đớn tột cùng rằng: lạy Cha ! Sao Cha nỡ bỏ con. Và Người kết thúc: Con xin phó thác mọi sự cho Cha. Đúng là một sự vâng phục đầy căng thẳng và khổ đau.

Chúng ta thử nhìn lại chặng đường thương khó của Đức Giê-su trong cuộc đời mình, để thấy được những đau khổ mà chúng ta đã trải qua có thấm vào đâu so với những đau khổ của Đức Giê-su. Nhờ đó, chúng ta giảm bớt những kêu ca, phàn nàn, trách móc Thiên Chúa và những người khác. Thay vì những lời ca thán, buồn bực, khó chịu, chúng ta hãy vui vẻ đón nhận, dù vô cùng tê tái, để được nên giống với Thầy Giê-su của chúng ta.

Bài đọc thêm: Một cái nhìn mới tuyệt vời

Thứ ba: Bỏ mình là bỏ tất cả thời gian, sức lực, năng lực, kế cả mạng sống của mình để phục vụ và phụng sự Thiên Chúa

Nhìn lại những gì Đức Giê-su đã sống, đã làm, đã dạy, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Người đã cống hiến hết mình cho sứ mạng cứu độ con người. Cứ xem lại một ngày sống của Đức Giê-su, để hiểu rằng bao nhiêu sức lực, tâm huyết, thao thức, khả năng, quyền năng… của mình, Người đã phục vụ hết mình. Đức Giê-su đã rảo bước khắp các thành thị, vùng miền trong nước Do Thái, để rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, xua đuổi quỷ dữ và các thần ô uế ra khỏi những người bị chúng ám hại. Từ mờ sáng cho đến tối mịt, dường như chẳng có lúc nào Đức Giê-su được nghỉ ngơi thư giãn. Sứ vụ đã vét cạn sức lực của Người. Thấy các môn đệ đuối sức, đôi khi Đức Giê-su đã bảo họ lành ra chỗ thanh vắng để nghỉ ngơi cho có sức. Bênh cạnh việc thực thi sứ vụ, Đức Giê-su còn phải tranh luận với những đối thủ nặng ký là những Kinh sư và biệt phái. Người phải canh chừng những cái bẫy cài sẵn của họ, cũng như những kẻ muốn làm hại Người. Đức Giê-su biết rõ thời hạn của mình, nên việc huấn luyện, đào tạo, thử nghiệm các môn đệ cũng trở nên vô cùng khẩn thiết với Người. Để giúp cho các môn đệ sống chung được với nhau, biết cách làm việc, hiểu được những gì đã rao giảng, Đức Giê-su đã phải vất vả nhiều với các ông. Giải quyết những xung đột tư tưởng, tranh giành quyền bính, ảnh hưởng, hoá giải những não trạng thế tục, khai phá nhận thức cho các môn đệ cũng là sứ vụ, chiếm mất nhiều thời gian, sức lực của Đức Giê-su. Đấy là chưa kể đến các mối quan hệ khác như các phụ nữ đi theo mình, bạn bè thân thiết như gia đình ở Bêtania. Cuối cùng, trong cuộc tử nạn thương khó, với cái chết bi thương nhục nhã trên thập giá, Đức Giê-su đã vét cạn giọt máu cuối cùng cho nhân loại được ơn cứu rỗi.

Để thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại của Chúa Cha, Đức Giê-su đã từ bỏ không những địa vị, danh dự, phẩm giá, những dự định, ý định, kế hoạch của riêng mình mà còn vắt cạn tâm can, sức lực, trí não, tài năng, quyền năng và cả mạng sống của mình. Vì thế, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy bước theo Người trên con đường từ bỏ, buông bỏ tất cả mọi sự như Người, để chúng ta xứng đáng trở thành môn đệ của Người mà cộng tác tích cực vào trong công cuộc cứu nhân độ thế của Thiên Chúa chúng ta.

Cầu nguyện

Nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã từ bỏ mọi sự và mời gọi chúng con từ bỏ mọi sự, ban cho chúng con sức mạnh của chính Người, để chúng con tiếp tục hành trình mà Đức Giê-su đã thực hiện. Nhờ đó, chúng con mới xứng đáng và thật sự trở thành môn đệ đích thực của Đức Giê-su, Chúa chúng con. Amen.

Bài đọc thêm: Trái tim của người mẹ

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Bình luận